Trà Mi, phóng viên đài RFA
Một vụ thảm sát đẫm máu được ví như là “biến cố Thiên An Môn thứ hai” đã xảy ra tại thị trấn Dongzhou, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc hồi tuần qua, khi lực lượng an ninh kéo tới đàn áp, bắt bớ, và nổ súng thẳng vào đoàn người biểu tình, khiến hàng chục người thiệt mạng. Trà Mi có thêm chi tiết.
Đến sáng thứ hai đầu tuần này, bầu không khí tang tóc, ảm đạm vẫn còn bao trùm làng chài Shanwei thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Trên hè phố, gia đình các nạn nhân tử nạn khóc than và âm thầm đốt giấy tiền vàng bạc cho những người thân không may đã bị lực lượng an ninh bắn chết.
Hình ảnh chụp tại chỗ cho thấy mấy chục dân làng đội khăn tang trắng quỳ gối van xin hoặc thắp nhang vái lạy những người lính để được nhận xác người thân đem về chôn cất.
Trấn an sự căm phẫn
Hàng trăm cảnh sát vẫn đang phong toả toàn bộ khu vực, khám xét giấy tờ tuỳ thân của những ai lưu hành ra vào địa phận này. Bên trong ngôi làng, giới chức địa phương cho giăng những biểu ngữ lên án những kẻ vi phạm luật pháp, phá rối trật tự công cộng. Các loa phóng thanh trên đường ra rả những lời cảnh báo pha lẫn đe doạ người dân không được gây rối cũng như bàn luận về những gì đã xảy ra.
Trong nỗ lực trấn an sự căm phẫn đang sôi sục trong dân chúng, chính quyền Trung Quốc hôm chủ nhật thông báo đã bắt giữ viên chỉ huy ra lệnh nổ súng vào dân làng và đồng thời công bố đã điều động một đội ngũ y bác sĩ đến khu vực để điều trị cho những người bị thương. Tuy nhiên, chính quyền không công khai tên tuổi cũng như đơn vị của viên chức đó.
Trước đó, phía chính quyền lên tiếng bào chữa sở dĩ cảnh sát nổ súng là vì những người biểu tình trang bị gậy gộc, dao, và giáo mác đập phá nhà máy phát điện rồi sau đó quay sang tấn công lực lượng an ninh.
Nhiều người thiệt mạng
Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, một người dân tại làng Shanwei phát biểu rằng có quan chức nhà nước nào bị bắt hay không thì không rõ chứ bà biết chắc chắn là có 8, 9 người trong làng đã bị chính quyền còng tay đưa về đồn cảnh sát.
Theo số liệu nhà nước Trung Quốc đưa ra thì số người chết trong vụ này là 3 người và 8 người khác bị thương. Trong khi đó, phía dân làng và các nhân chứng cho biết là khoảng từ 20-30 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương, và nhiều người mất tích. Ngoài ra, vẫn theo lời các nhân chứng, cảnh sát còn dùng hơi cay để trấn áp và giải tán họ.
Ngay khi vụ việc xảy ra, một người dân có mặt tại chỗ tường thuật: "Có rất nhiều người bị thiệt mạng, xác chết nằm la liệt ngoài đường mà không ai được tới nhận dạng người thân." Một người dân khác khẳng định là số tử vong mà nhà nước công bố là sai sự thật. Thực tế, số người tử nạn cao hơn thế rất nhiều.
Nếu số này chính xác hoặc cao hơn, thì đây là vụ đàn áp biểu tình thảm khốc nhất do chính quyền Bắc Kinh thực hiện kể từ sau biến cố đẫm máu tại quãng trường Thiên An Môn hồi năm 1989 đã giết chết hàng trăm mà cũng có thể là hàng ngàn dân lành.
Một người khác còn tiết lộ thêm rằng hàng xóm của anh bị giết hại và cảnh sát chỉ cho gia đình nhận xác người thân với điều kiện phải tiến hành hoả táng ngay lập tức. Nếu chấp thuận, gia đình nạn nhân sẽ được bồi thường số tiền là 5,000 đô la.
Nguyên nhân vụ biểu tình
Bạo động xảy ra hôm thứ ba tuần trước khi hàng ngàn người tụ tập biểu tình bên ngoài 1 nhà máy phát điện trong khu vực, phản đối việc chính quyền chiếm dụng đất đai mà bồi thường không thoả đáng. Thế nhưng, chính quyền đã huy động lực lượng an ninh võ trang đến đàn áp và nổ súng thẳng vào đoàn người biểu tình.
Trước khi sự việc này xảy ra, dân làng tại đây nhiều lần lên tiếng kêu gọi chính phủ Bắc kinh có hành động can thiệp thoả đáng những mối tranh chấp âm ỉ bấy lâu, nhưng không được giải quyết.
Những thường dân phát biểu với báo giới đều yêu cầu được dấu tên vì sợ bị chính quyền trả thù, như lời một phụ nữ địa phương. Bà nói rằng không thể trả lời phỏng vấn qua phone, e có người theo dõi, vì chính quyền đã đưa ra cảnh cáo rồi.
Trong khi đó thì phía chức trách tuyệt đối từ chối trả lời chất vấn của báo chí.
Thông tin trên mạng
- Chinese Township Under News Clampdown Following Clashes