Hôm nay, chúng tôi xin tiếp tục câu chuyện với thầy Thích Trung Hải xung quanh những sự kiện xảy ra tại Tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Đồng.
Tìm tri kỷ tu tập
Gia Minh: Được biết là Ban Tôn giáo Chính phủ của VN có chủ trương cho số tăng sinh đang tạm trú tại Chùa Phước Huệ được tiếp tục học tiếp cho đến cuối năm nay? Vậy Thầy thấy biện pháp đó có thể giải quyết vấn đề đến mức nào? Trước đây chính ông Bùi Hữu Dược, là người phụ trách về vấn đề Phật giáo của Ban Tôn Giáo chính phủ, trong trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi cho rằng cách thức giải quyết hợp tình hợp lý là các tăng sinh nên tìm một vị tri kỷ để tu tập thì đến nay Thầy thấy ra sao?
Thầy Thích Trung Hải:Vấn đề ở đây không phải là chọn một chỗ để ở cho những người đó theo cá nhân của họ. Vấn đề ở đây là khi chúng tôi đi tu thì chúng tôi muốn tu tập chung với nhau như những người thân trong một gia đình, bởi đó là cách hay nhất để chúng tôi đảm bảo nâng đỡ được cho nhau trong vấn đề tu học. Thử tưởng tượng một trường đại học mà yêu cầu các học viên phải đi tìm người thầy nào đó mình thích học để học, thì làm sao có thể học được chương trình và giúp nâng đỡ được các học viên trong học tập và nghiên cứu?
Việc yêu cầu giải tán và ép buộc mỗi người chúng tôi phải tự đi kiếm một chỗ ở riêng cho mình, chẳng khác gì yêu cầu các học sinh phải tự về nhà kiếm một người thầy nào đó ở nhà quê để dạy theo kiểu giáo dục VN, ...
Thầy Thích Trung Hải
Chúng tôi là những người trẻ, chúng tôi cần có một môi trường tu học chung với nhau để có thể nâng đỡ và yểm trợ nhau trong vấn đề tu học và hành trì lời dạy của Đức Phật. Việc yêu cầu giải tán và ép buộc mỗi người chúng tôi phải tự đi kiếm một chỗ ở riêng cho mình, chẳng khác gì yêu cầu các học sinh phải tự về nhà kiếm một người thầy nào đó ở nhà quê để dạy theo kiểu giáo dục VN, giáo dục thế giới cách đây mấy trăm năm trước. Đó là việc chống lại sự tiến bộ của giáo dục, chống lại sự tiến bộ của xã hội. Tôi tin là nếu như ông Bùi Hữu Dược và chính quyền VN để trái tim họ vào vấn đề này, thì họ sẽ biết được cách làm việc đó là đi ngược lại với sự tiến hóa và sự tiến bộ của giáo dục. Chúng không có lợi mà có hại rất nhiều vì gây sự hoang mang và mất niềm tin nơi những người trẻ vào chính phủ của họ, vào những người lãnh đạo của họ, hơn là làm cho họ cảm phục. Chúng tôi không muốn tranh đấu cho bất cứ một chủ thuyết hay lý tưởng nào hết, chúng tôi chỉ muốn người lãnh đạo của chúng tôi hiểu rằng, chúng tôi là những người trẻ lớn lên ở đất nước VN sau chiến tranh, chúng tôi biết phần đóng góp của mình là phần đóng góp tạo ra một VN ổn định mà ở đó, con người biết thương nhau, hiểu nhau và thông cảm cho nhau, không còn nghi kỵ, đánh đập và tàn ác với nhau như trong chiến tranh. Chúng tôi đã sống cuộc đời đó để hiểu nhau, thương nhau và tu tập với nhau. Chúng tôi rất cảm phục và trân trọng những cố gắng của chính phủ để phát triển kinh tế và quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới. Chúng tôi muốn đóng góp phần nhỏ là tự thân mình trở thành những con người hòa bình, những con người biết thương nhau, chấp nhận nhau như trong một gia đình. Gia đình là nền tảng của hạnh phúc xã hội, chúng tôi đóng góp những việc làm nho nhỏ để hỗ trợ cho nền an ninh của VN.
Đóng cửa dạy nhau
Gia Minh: Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi thư cho ông Chủ tịch nước VN dưới một tên khác, rồi thỉnh nguyện thư do một số nhân sĩ trí thức đã gửi đi được hồi âm ra sao, thưa Thầy?
Thầy Thích Trung Hải:Khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh ký tên GS Nguyễn Lan, một giáo sư sử học, để gửi thư ngỏ cho ngài Chủ tịch nước, cũng như gửi thư ngỏ cho giới nhân sĩ trí thức trong nước yêu cầu đứng ra nâng đỡ và bảo vệ những con em của họ, những người con ưu tú của đất nước đã dám bỏ cuộc đời của mình để sống đạm bạc, an lành như vậy, thì Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và những vị nhân sĩ trí thức đang làm đúng vai trò của bậc ông cha, của người đi trước trong vấn đề dẫn dắt nền tảng đạo đức của dân tộc. Theo tôi hiểu, sở dĩ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh không đứng tên mình, một nhân vật quốc tế, để làm việc này là có dụng ý muốn giữa những người VN giải quyết vấn đề trong trình tự dân tộc với nhau. Tại sao chúng ta chưa cố gắng làm việc chung với nhau mà lại đi kêu với bạn bè quốc tế?
Theo tôi hiểu, sở dĩ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh không đứng tên mình, một nhân vật quốc tế, để làm việc này là có dụng ý muốn giữa những người VN giải quyết vấn đề trong trình tự dân tộc với nhau.
Thầy Thích Trung Hải
Truyền thống VN là “đóng cửa dạy nhau”, khi nào trong nhà không nói chuyện được với nhau mới nhờ tới chú bác, hàng xóm. Vì thế, chúng tôi đã cố gắng làm tất cả để có thể truyền thông, có thể đánh thức sự cảm thông nơi những con người VN với nhau. Trong hơn một năm qua chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để làm những việc này, và như anh thấy, hiệu quả thì có nhưng chưa thực sự đủ tin cậy để bảo vệ tính mạng, sự an nguy và lý tưởng của những người trẻ này. Vì vậy, hôm nay chúng tôi đi Brussels, đi Geneva để mong thức dậy lương tâm của bạn bè quốc tế, để những người trẻ này được an lành.
Theo như câu hỏi của anh thì khi viết thư cho ngài Chủ tịch nước với tư cách của một giáo sư sử học, Thầy của chúng tôi cũng muốn nhắc nhở ngài Chủ tịch nước rằng đây là một bước ngoặc của lịch sử VN. Đây không chỉ là bước ngoặc về chính trị và lịch sử, mà đây là lúc chúng ta cần vực dậy nền đạo đức tâm linh của dân tộc đã bị mai một rất nhiều trong chiến tranh, trong thời gian đất nước hỗn loạn và kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bây giờ đất nước ổn định rồi, chúng ta cần xây dựng lại nền đạo đức tâm linh để làm nền tảng và thêm niềm tin cho người trẻ. Làm nền tảng cho sự phát triển và hạnh phúc của đồng bào trong đất nước của chúng ta. Khi một đất nước chỉ phát triển về kinh tế mà không phát triển về đạo đức tâm linh thì sự phát triển đó không sẽ không ổn định. Một gia đình có thu nhập cao và những con người trong nhà sống có đạo đức, hạnh phúc và thương yêu nhau, thì đó là một viễn tượng rất đẹp mà những người trẻ chúng tôi muốn xây dựng, muốn đóng góp và muốn sống một cuộc đời như vậy.
Gia Minh: Cám ơn Thầy về những chia sẻ vừa rồi.