Thêm rào cản cho quần áo giày dép Việt Nam

Kể từ tháng 2 năm 2010, đạo luật cải thiện tính an toàn cho sản phẩm tiêu dùng CPSIA bắt đầu có hiệu lực tại Hoa Kỳ. Luật này chi phối nhiều mặt hàng thiết thực trong đời sống mà nứơc Mỹ nhập khẩu từ nước ngoài.

Công nhân Việt Nam làm việc ở một xưởng sản xuất áo quần thể thao cho hãng Nike ở TP. HCM.
Công nhân Việt Nam làm việc ở một xưởng sản xuất áo quần thể thao cho hãng Nike ở TP. HCM. (Photo AFP)

0:00 / 0:00

Đối với ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam, sản phẩm may mặc và giày dép muốn vào thị trường Mỹ sẽ phải có chứng chỉ kiểm tra khắt khe.

Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này qua phỏng vấn ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Da Giày Việt Nam kiêm Phó Chủ Tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, trước hết ông giải thích:

Ông Diệp Thành Kiệt: Chúng tôi nghiên cứu đạo luật này, thứ nhất họ cấm sản phẩm có thể tự bốc cháy hoặc cháy khó dập tắt. Thứ hai là các hóa chất cấm, sản phẩm cho trẻ em không được có hàm lượng chì vượt mức qui định, hay các phụ liệu không được có chất mạ nikel hay chrome.

Sản phẩm dành cho trẻ em còn phải hội đủ một số yếu tố, như không có sắc cạnh làm tổn thương trẻ em, hoặc sản phẩm không thể tự rời ra mà trẻ em có thể nuốt.

Sản phẩm nhựa dùng cho đồ chơi hay nút dành cho dệt may cũng phải đảm bảo một số yêu cầu về công nghệ chế tạo, ngay cả loại sơn được dùng trong đó.

Nói tóm lại đây là một đạo luật phải cụ thể hóa rất nhiều điều ở phía sau, mà hầu như nó tác động đến tất cả mọi sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là những sản phẩm người ta dùng thường xuyên, dính vào con người, là quần áo và giày dép.

Luật mới chi phối rất nhiều sản phẩm, trong đó tùy theo mỗi chủng loại riêng. Nhưng nói chung dệt may và da giày đều vướng phải những qui định giống nhau. <br/>

Ô. Diệp Thành Kiệt<br/>

Nam Nguyên: Riêng với ngành da giày thì nguyên liệu sẽ phải đạt những yêu cầu gì?

Ông Diệp Thành Kiệt: Có khá nhiều yêu cầu đối với da giày, trong công nghệ thuộc da người ta thường dùng chất chrome để làm mềm da. Hiện nay chất chrome bị cấm, hơn nữa hàm lượng chì hoặc những hóa chất dùng cho sản phẩm gốc thực vật như formal dehyde cho da cho vải.

Nói chung là luật chi phối rất nhiều sản phẩm, trong đó tùy theo mỗi chủng loại riêng. Nhưng nói chung dệt may và da giày đều vướng phải những qui định giống nhau.

Phương cách ứng phó?

Nam Nguyên: Thưa, từ nay tới 1/2/2010 không xa, các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam có chuẩn bị cho việc này như thế nào. Giá thành sẽ cao hơn?

Ông Diệp Thành Kiệt: Hiệp Hội Dệt May và Da Giày đã tổ chức để một số doanh nghiệp hiểu biết về vấn đề này. Bên cạnh đó những công ty kiểm nghiệm quốc tế như BVQI, SGS… họ có hội thảo để giới thiệu luật này song hành với 1 luật khác của Châu Âu, để các doanh nghiệp hiểu cách làm đối với hai thị trường này, đặc biệt đối với thị trường Mỹ.

Thật ra những việc này từ mấy năm trước, một số thương hiệu lớn như Nike, Adidas hay Columbia, JC Penney… họ cũng đã đặt ra rồi, dựa vào yêu cầu của Hội người tiêu dùng Hoa Kỳ, dựa vào những luật trước đây của Hoa Kỳ và dựa vào chính yêu cầu bản thân thương hiệu.

Nay với sự ra đời của CPSIA thì tất cả vấn đề này trở thành chính thức và các thương hiệu không cần đặt ra yêu cầu nào hết, luật đã chi phối hầu hết.

Thật ra các doanh nghiệp VN cũng đã quen một phần về việc phải kiểm tra sản phẩm qua một số tổ chức có uy tín do khách hàng chỉ định. Tuy nhiên với đạo luật này thì các qui định sẽ trở nên khắt khe hơn. Và chính vì vậy sẽ phát sinh một số chi phí đặc biệt là chi phí trong quá trình kiểm nghiệm sản phẩm.

Nam Nguyên: Thưa, tình hình như thế thật không thuận lợi cho các doanh nghiệp VN, vậy Hiệp Hội đưa ra khuyến cáo gì?

Ông Diệp Thành Kiệt: Đạo luật này ra đời cùng lúc với cuộc khủng hoảng kinh tế, theo đó thứ nhất mức tiêu thụ thấp hơn và tính cạnh tranh cao hơn. Thứ hai là các đơn hàng doanh nghiệp tiếp nhận ngày càng nhỏ lại, chính vì vậy nó đang trở thành một khoản chi phí mà các doanh nghiệp phải đối phó.

Theo sự khảo sát của chúng tôi, cá biệt có những đơn hàng khoản chi phí này chiếm 1,5% đến 2% tổng giá thành. Thứ hai nữa đối với những doanh nghiệp nào tự ra mẫu mã, tự tìm nguyên liệu để sản xuất thì họ sẽ càng gặp khó khăn.

Còn đối với những doanh nghiệp sản xuất theo nhóm thí dụ Nike, Adidas hoặc nhóm một số thương hiệu lớn, thì người ta có điều kiện tìm những nhà sản xuất nguyên phụ liệu đảm bảo được những yêu cầu đó. Sau đó họ chỉ định nhà sản xuất đến những nơi đó để mua nguyên phụ liệu, như vậy người ta chỉ kiểm tra chủ yếu ở sản phẩm sau cùng, tức là sau khi làm trong quá trình sản xuất dùng keo, may tất cả, đến sản phẩm sau cùng anh có đạt hay không.

Như thế cũng không tạo ra chi phí lớn, nhưng đối với những doanh nghiệp tự đi mua nguyên liệu, họ phải chứng minh với người mua hàng là những nguyên liệu đó đã qua kiểm nghiệm, đối với những trường hợp này thì chi phí sẽ rất cao.

Lời khuyên tích cực nhất là: khi đi mua hàng, anh phải chọn những nhà cung cấp vật tư đã được cấp giấy chứng nhận bảo đảm qui trình sản xuất cũng như sản phẩm họ cung cấp cho Việt Nam bảo đảm những yêu cầu của bộ luật CPSIA.

Ô. Diệp Thành Kiệt<br/>

Do đó chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp, lời khuyên tích cực nhất là: khi đi mua hàng, anh phải chọn những nhà cung cấp vật tư đã được cấp giấy chứng nhận bảo đảm qui trình sản xuất cũng như sản phẩm họ cung cấp cho Việt Nam bảo đảm những yêu cầu của bộ luật CPSIA.

Đấy là lời khuyên của chúng tôi trong giai đoạn này. Một lời khuyên nữa, nhiều người nói rằng chi phí này phải đưa vào để khách hàng chịu. Thật ra điều này đúng về nguyên tắc vì đây là yêu cầu của thị trường, khách hàng Hoa Kỳ phải trả.

Nhưng như tôi vừa nói, chúng ta đang trong giai đoạn khủng hoảng đơn hàng ít, số lượng của mỗi mã hàng đều nhỏ lại, rõ ràng đây là gánh nặng chi phí. Nhưng doanh nghiệp phải tìm đường mua nguyên phụ liệu ở những nhà cung cấp được chỉ định, hoặc những nhà cung cấp có giấy chứng nhận kiểm định, để có thể giảm chi phí kiểm tra giảm được giá thành.

Như vậy bản thân doanh nghiệp giảm được chi phí này và cũng không cộng chi phí này để khách hàng phàn nàn.

Nam Nguyên:

Cảm ơn ông Diệp Thành Kiệt về thời gian dành cho đài chúng tôi.