Vận động cho Dự luật Nhân quyền Việt Nam

Cùng với việc trao Giải Thưởng Nhân Quyền năm 2009 cho các nhà tranh đấu trong nước, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cũng tiếp tục vận động Quốc Hội Hoa Kỳ để thông qua Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam.

0:00 / 0:00

Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn GS Nguyễn Thanh Trang, nguyên Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, để biết thêm chi tiết về tiến trình vận động này:

Tiếp tục cuộc vận động

Mặc Lâm: Xin chào Giáo sư Nguyễn Thanh Trang. Theo chúng tôi được biết thì Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đang tiến hành vận động Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam, ông có thể cho biết tiến trình cuộc vận động này như thế nào, thưa ông?

GS Nguyễn Thanh Trang: Chương trình vận động cho Dự Luật Nhân Quyền ở Quốc Hội Hoa Kỳ năm nay hết sức là quan trọng. Cái việc đầu tiên chúng ta đều biết là trong những năm qua tại Quốc Hội Hoa Kỳ thì cái Dự Luật Nhân Quyền của Dân Biểu Chris Smith ở Hạ Viện đã được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua, 3 lần thông qua, và mỗi lần như vậy với đa số phiếu áp đảo, gần như là 99%. Tất cả các dân biểu đều bỏ phiếu cho dự luật này, nhưng mà khi dự luật ấy được đưa lên Thượng Viện thì nó đã không được Thượng Viện Hoa Kỳ cứu xét bởi vì rất nhiều lý do.

Dự luật này không đưa ra những biện pháp trừng phạt nặng nề như người ta e ngại, mà sự thật chỉ là những cái khuyến khích là Việt Nam cần phải cải thiện nhân quyền nếu họ muốn nhận thêm viện trợ.

GS Nguyễn Thanh Trang

Cố nhiên ở trên Thượng Viện có những ưu tiên khác, và đồng thời những năm trước chúng ta không có một thượng nghị sĩ nào đệ nạp một dự luật nhân quyền, trừ trường hợp trước đó 6 năm thì có Nghị Sĩ Sam Brownback đã đệ nạp nhưng mà sau khi cái dự luật đó chết thì không còn ai đệ nạp cái dự luật nhân quyền khác nữa.

Năm ngoái, vào tháng 10, Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer đã đệ nạp một dự luật nhân quyền tương tự với cái dự luật mà đã được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua trước đây, thế nhưng mà cái dự luật nhân quyền lần này do bà Barbara Boxer đệ nạp đó thì nó tương đối nhẹ hơn.

Như quý vị đã biết là năm ngoái tháng 11 bầu cử Quốc Hội thì theo nội quy của Quốc Hội Hoa Kỳ, mỗi lần mà Hạ Viện bầu lại thì nếu dự luật nào chưa được cứu xét, chưa được thông qua thì coi như nó chết, do đó vào tháng 10 năm nay Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer đã tái đệ nạp cái dự luật đấy. Vậy thì chúng ta cần phải tích cực vận động Thượng Viện; năm nay chúng ta phải dồn ưu tiên chỉ vận động Thượng Viện mà thôi, bởi vì Hạ Viện chúng ta biết chắc là nó không có vấn đề, nhưng mà Thượng Viện chúng ta phải dồn nỗ lực để vận động cái Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam.

Và cũng vì thế mà năm nay, nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 vừa rồi, Mạng Lưới Nhân Quyền đã tổ chức buổi lễ trao Giải Nhân Quyền 2009 thay vì tại Miền Nam California như các năm trước đây thì năm nay Mạng Lưới Nhân Quyền đã tổ chức ngay tại một khách sạn sát bên cạnh Quốc Hội Hoa Kỳ để chúng tôi có thể mời một số khá đông thượng nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ đến tham dự và phát biểu quan điểm của họ về vấn đề nhân quyền. Đồng thời, nhân cái dịp này chúng tôi đã chức những phái đoàn đến gõ cửa một số thượng nghị sĩ quan trọng để vận động họ ủng hộ cho dự luật này.

Các Thượng Nghị Sĩ chủ chốt

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, như Giáo Sư vừa nói là đã gõ cửa những thượng nghị sĩ quan trọng, vậy ông có thể cho biết cụ thể là những thượng nghị sĩ nào hay không ạ?

GS Nguyễn Thanh Trang: Chúng tôi đã mở ra những cuộc tiếp xúc với văn phòng các thượng nghị sĩ, truớc hết là chúng tôi có phái đoàn ghé đến Văn Phòng của Dân Biểu Chris Smith để cảm ơn ông dân biểu này đã 3 lần đệ nạp Dự Luật nhân Quyền và bây giờ ông lại đệ nạp Dự Luật Nhân Quyền một lần nữa tại Hạ Viện, để cảm ơn ông và xin ông tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực vận động ở Hạ Viện thông qua dự luật này. Ngoài ra, chúng tôi tiếp xúc được 4 văn phòng của 4 thượng nghị sĩ.

Thượng nghị sĩ quan trọng đầu tiên là Thượng Nghị Sĩ John Kerry. Ông là Chủ Tịch Uỷ Ban Ngoại Giao Thượng Viện. Tiếp theo là Văn Phòng Thượng Nghị Sĩ Johnny Isakson. Ông này là Đảng Cộng Hòa của Tiểu Bang Georgia. Thượng nghị sĩ thứ ba là Thượng Nghị Sĩ Kirsten Gillibrand ở New York. Và thượng nghị sĩ thứ tư là Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer từ Tiểu Bang California.

Chúng tôi phải đến trình bày, phân tích cho họ thấy rằng là nội dung dự luật nhân quyền này nếu được Quốc Hội và đặc biệt là Thượng Viện thông qua thì nó sẽ mang lại những lợi ích cho cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ.

GS Nguyễn Thanh Trang<br/>

Đối với Thượng Nghị Sĩ John Kerry, chúng tôi phải đến trình bày để mà phân tích với những vị phụ tá đặc trách vấn đề soạn thảo các dự luật nhân quyền đó, cho họ thấy rằng là nội dung dự luật nhân quyền này nếu được Quốc Hội và đặc biệt là Thượng Viện thông qua thì nó sẽ mang lại những lợi ích cho cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. Và chúng tôi cũng đồng thời phân tích cho quý vị ấy thấy rõ là dự luật này không đưa ra những biện pháp trừng phạt nặng nề như người ta e ngại, mà sự thật chỉ là những cái khuyến khích là Việt Nam cần phải cải thiện nhân quyền nếu họ muốn nhận thêm viện trợ, nhất là những chương trình không có tính cách nhân đạo vẫn được tiếp tục nhưng không được gia tăng.

Vậy thì nếu Việt Nam muốn được gia tăng, họ chỉ cần cải thiện phần nào tình trạng nhân quyền thì Hoa Kỳ có thể giúp đỡ nhiều hơn. Đó là cái điểm khác biệt rất là quan trọng giữa cái dự luật do Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer đưa ra với cái dự luật nhân quyền mà trước đây 3 lần Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua. Hoa Kỳ thông qua cái dự luật trước kia nói rằng nếu Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền là chấm dứt tất cả các chương trình viện trợ không có tính cách nhân đạo. Đấy là cái điểm hết sức là khác biệt.

Mặc Lâm: Thưa ông, như chúng tôi được biết thì chính Thượng Nghị Sĩ John Kerry đã từng cản trở cái dự luật này khi được đưa ra Thượng Viện, thì lần này ông lấy lý do gì để thuyết phục ông Thượng Nghị Sĩ John Kerry để ông ta có thể "support" cho dự luật này được thành công ?

GS Nguyễn Thanh Trang: Thưa, đúng như vậy là trước đây, những năm trước thì Thượng Nghị Sĩ John Kerry tỏ ra không ủng hộ cái dự luật nhân quyền dù đã được Hạ Viện thông qua với một đa số áp đảo. Tuy nhiên, vì tình trạng nhân quyền tại Việt Nam rất là tồi tệ, và đặc biệt chính Thượng Nghị Sĩ John Kerry và vị phụ tá đặc biệt của ông ta đã từng đi sang Việt Nam để tìm hiểu và tiếp xúc với các giới chức của Việt Nam cũng như gặp gỡ một số các nhà dân chủ ở trong nước, để tìm hiểu tình trạng đàn áp nhân quyền. Và bây giờ, sau khi chúng tôi tiếp xúc với các vị này, họ cũng cho chúng tôi biết rằng là Thượng Nghị Sĩ John Kerry rất am tường tình hình vi phạm nhân quyền.

Qua các phụ tá của ông ta cho chúng tôi biết rằng là Thượng Nghị Sĩ John Kerry đang âm thầm thúc đẩy Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền, nhưng mà một mặt khác thì ông ấy không muốn ồn ào trong vấn đề đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện nhân quyền, bởi vì theo Thượng Nghị Sĩ John Kerry thì mỗi khi mà Hoa Kỳ có những áp lực mà có tính cách công khai thì Việt Nam vì vấn đề thể diện quốc gia họ rất sợ làm một cái gì mà để cho thế giới nghĩ rằng vì áp lực của cường quốc Hoa Kỳ cho nên Việt Nam phải nhượng bộ thì Việt Nam không thể làm được. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai, Việt Nam cũng ở trong một cái thế rất là khó xử đối với Trung Quốc bởi vì càng ngày càng bị đe doạ và bị ức hiếp, nhất là về vấn đề lãnh thổ - lãnh hải, vân vân, thì trước những áp lực của Hoa Kỳ, Việt Nam cũng phải tìm cách vừa đáp ứng được những đòi hỏi của Hoa Kỳ mà không làm mất lòng Trung Quốc. Đó là cái điểm tế nhị mà ông John Kerry nghĩ rằng là chúng ta cũng phải hiểu để giúp cho dự luật này có thể thông qua một cách nhẹ nhàng.

Mặc Lâm: Thưa ông, một trong những nghị sĩ Mỹ là ông Jim Webb là người chủ truơng kéo Việt Nam về phía của mình để mà chống cái ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một đè nặng lên Việt Nam, ông có nghĩ rằng Thượng Nghị Sĩ Jim Webb sẽ là một ngăn trở xuất hiện sau khi ông John Kerry đã thay đổi ý kiến của ông ta, vì ông Jim Webb vẫn là một tiếng nói rất là mạnh tại Thượng Viện, thưa ông?

GS Nguyễn Thanh Trang: Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cũng như một số tổ chức hội đoàn, cộng đồng ở đây đã tổ chức một phái đoàn đến Văn Phòng của Thượng Nghị Sĩ Jim Webb để trình bày vấn đề, xin Thượng Nghị Sĩ Jim Webb ủng hộ cho dự luật này. Các phụ tá đắc lực của Thượng Nghị Sĩ Jim Webb cũng cho phái đoàn chúng tôi biết rằng Thượng Nghị Sĩ Jim Webb cũng rất quan tâm đến vấn đề tình hình nhân quyền. Ông ta biết rất rõ.

Nhưng mà đúng như anh Mặc Lâm vừa nêu lên thì Thượng Nghị Sĩ Jim Webb cũng có một lập trường tương tự với Thượng Nghị Sĩ John Kerry rằng là Hoa Kỳ phải bằng mọi cách kéo Việt Nam về phía ảnh hưởng của Hoa Kỳ và bớt ảnh hưởng của Trung Quốc, và vì thế Việt Nam cần phải được giúp đỡ, cần phải được gia tăng thương mại với Hoa Kỳ, cũng như hợp tác về phương diện quốc phòng và về vấn đề giáo dục nữa.

Cho nên ông Jim Webb tuy không nói ra nhưng mà qua những phụ tá của ông thì họ khuyến khích chúng ta phải có những công cuộc vận động để chứng tỏ rằng là đồng bào của chúng ta quan tâm đến dự luật nhân quyền này .

Mặc Lâm: Xin cảm ơn GS Nguyễn Thanh Trang.