Trung Tâm Phân Tích ADN và công nghệ di truyền ở Việt Nam

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây, có rất nhiều nhu cầu về việc thử nghiệm máu để xác minh quan hệ huyết thống. Ngoài những diện bắt buộc phải thử do yêu cầu từ phiá các toà lãnh sự, khi những người này xin đi đoàn tụ cùng gia đình ở nước ngoài như cha mẹ, con cái, anh em…còn có những trường hợp vì nhu cầu riêng tư khác như để thừa kế gia tài, toà án buộc nuôi con…

0:00 / 0:00
AdnBloodTest200.jpg
Photo courtesy of www.phantich-adn.com

Để phục vục cho nhu cầu ngày càng cao, một trung tâm xét nghiệm ADN ở Hà Nội mới ra đời. Trong chương trình kỳ này, Phương Anh xin dành để nói về Trung Tâm Phân Tích ADN này.

Xác minh quan hệ huyết thống

Để tìm hiểu xem trung tâm này đã thành lập từ bao giờ và do ai khởi xướng. Phương Anh đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Nga, hiện là giám đốc trung tâm và được bà cho biết:

"Trung tâm này được thành lập vào năm 2005, coi như được một năm rồi, phục vụ tất cả những người nào có nhu cầu. Trung tâm này của hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam cấp giấy phép cho hoạt động. Tôi là giám đốc và giáo sư Lương là cố vấn."

Cũng theo bà Nga, ở Việt Nam, việc tìm hiểu và xác minh quan hệ huyết thống là điều mong ước từ lâu của rất nhiều người, nhưng vì hoàn cảnh xã hội cũng như điều kiện không cho phép, nên khó thực hiện được.

Thực ra, cái bức xúc của con người ta muốn tìm hiểu ra gốc gác của mình có từ lâu, nhưng người ta không biết cách nào để làm…Khi chúng tôi chưa có ý định thành lập Trung Tâm thì người ta đã tự động đến vì biết chúng tôi làm việc này, họ đến phòng thí nghiệm của chúng tôi và xin được xét nghiệm vì họ muốn xem đứa con ấy đích thực của mình không?

Bà nói: "Thực ra, cái bức xúc của con người ta muốn tìm hiểu ra gốc gác của mình có từ lâu, nhưng người ta không biết cách nào để làm…Khi chúng tôi chưa có ý định thành lập Trung Tâm thì người ta đã tự động đến vì biết chúng tôi làm việc này, họ đến phòng thí nghiệm của chúng tôi và xin được xét nghiệm vì họ muốn xem đứa con ấy đích thực của mình không?

Hoặc là người ta muốn tìm lại người thân của người ta, và họ tự động hỏi dò đế đến trung tâm của chúng tôi là Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học ngày xưa. Khi chúng tôi thành lập trung tâm này, thì mới biết xã hội có nhu cầu rất cao và người ta nghĩ chỉ có cách này mới xác định được chính xác, gốc gác của người ta nên rất nhiều người hưởng ứng…”

Tín nhiệm

Tuy mới thành lập được tròn một năm, nhưng Trung Tâm Phân Tích ADN rất được sự tín nhiệm. Từ những cá nhân, các toà án cho đến các toà lãnh sự, khi có nhu cầu, đều liên lạc với trung tâm này, và ngay cả ở miền Nam cũng gửi mẫu thử nghiệm đến. Phương Anh cũng liên lạc với giáo sư tiến sĩ Lê Đình Lương, là người sáng lập trung tâm này.

Ông đậu bằng tiến sĩ năm 1977 ở Nga, được phong là giáo sư năm 1992. Hiện nay, ông là Phó Chủ Tịch Hội Các Ngành Sinh Học Việt Nam, Tổng Thư Ký Hội Di Truyền Học Việt Nam, Uỷ Viên Ủy Ban Đạo Đức Sinh Học Quốc Tế thuộc UNESCO. Mời quí vị nghe ông kể lại quá trình nghiên cứu của mình:

“Trung tâm này hoạt động khoảng một năm thôi, nhưng chúng tôi đã làm việc này từ năm 1995, 12 năm rồi. Trước đây, chúng tôi làm dưới hình thức là ai biết thì đến, gần đây vì nhu cầu cao nên chúng tôi phải chính thức hoá dịch vụ của mình. Từ khi mở cửa, có sự thay đổi nhanh chóng về lãnh vực di truyền học phân tử và phân tích gen, do chính sách mở cửa, tạo điều kiện cho các nhà khoa học.”

Khi hỏi thăm về sự quan tâm của người dân trong nước, ông cho hay: "Họ đã và đang rất quan tâm, sau hai cuộc chiến tranh lớn, kéo dài nhiều chục năm, nhiều gia đình thất lạc nhau, bây giờ quay lại để mà nhận nhau thì thường rất là khó nhận, nếu chỉ dựa vào những thông số về gia đình. Do vậy cần phải có tính ADN để xem có phải là người nhà của mình không?

Đấy là một vấn đề của chiến tranh để lại. Vấn đề nữa là về xã hội, do chính sách mở cửa và hiện đại hoá đất nước, con người Việt Nam rất thích ứng với điều kiện mới, do quan hệ con người với xã hội thay đổi nên con người cũng thay đổi, giống như phương Tây, do vậy mà nhu cầu về xác minh quan hệ huyết thống cũng rất cao. “

Thân chủ

Thưa quí vị và các bạn, ngoài những vấn đề liên quan đến chuyên môn, giáo sư Lương cũng nhắc đến những mẩu chuyện bên lề quanh việc xét nghiệm ADN, ông tâm sự:

AdnBloodTest200b.jpg
Photo courtesy of www.phantich-adn.com

“Đã liên quan đến câu chuyện của xã hội thì đa dạng lắm, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện cảm động…Chính vì vậy, mà chúng tôi đã tích luỹ lại để viết thành 1001 chuyện…Một số cũng đã đăng tải trên báo chí của Việt Nam…

Người viết lại những chuyện ấy chính là vị giám đốc của trung tâm, không có chuyện nào giống chuyện nào cả, vì nó phản ảnh một xã hội đang từ chiến tranh mà đi ra, và đang phát triển nhanh chóng về mặt kinh tế…Cho đến nay, không có chuyện nào mà không giải quyết được, bất kể kết quả ADN có như thế nào đi chăng nữa.”

Khi hỏi thăm ông về các khách hàng viếng thăm trung tâm, ông nói: "Phần lớn thân chủ, khoảng một nửa số người đến xét nghiệm là những ông chồng, ông bố đến xét nghiệm xem là có đúng là con của mình không?

Còn 50% kia thì có trường hợp là bị chồng vu oan để mà đi với người mới, để thành lập gia đình khác…có nhiều ông chồng muốn bỏ vợ thì lấy lý do này, mà nếu không có xét nghiệm ADN thì không thể chứng minh được. Đó là một phần thôi, phần còn lại là tìm thân nhân, thất lạc sau chiến tranh…Còn nhiều sứ quán hiện nay đề nghị chúng tôi xét nghiệm để cấp visa cho đi nước ngoài đoàn tụ…

Có những trường hợp Việt Kiều về đây, tìm thì một lúc ra cả 3, 4 người, thì không biết người nào là người thân của mình, vì số lượng tìm chỉ có một thôi, thì đưa cho chúng tôi xét nghiệm thì biết là người nào ngay.

Có những người Hàn Quốc, qua đây trong cuộc chiến tranh thì cũng để con lại đây, và bây giờ tìm lại con, Mỹ cũng vậy, cũng có những người lính, để con lại đây và bây giờ tìm lại con để đoàn tụ.”

Bên cạnh đó, ông cũng kể về những thành phần khác, từ tài xế đường dài, cho đến những ông giám đốc đi xe con, nhất là những ông giám đốc tư nhân ngày nay:

“Tài xế lái xe Bắc Nam suốt dọc đường dài, không phải là tất cả, nhưng một số anh để con lại dọc đường, ít lâu, cứ vài ba tháng thì lại có bà mang một đứa bé đến nói là đây là con của anh, anh phải nuôi, anh ấy nuôi được vài ba đứa thì đến đứa thứ 5, thứ 6, thì hết khả năng nuôi, thì lại phải mang đến cho chúng tôi để xét nghiệm có đúng là con anh ấy không…

Giám đốc công ty tư nhân thì nhiều mà cả giám đốc công ty khác cũng thế…Giám đốc bây giờ các anh ấy có nhiều tiền, nên chơi bời. Do đó mà các anh hay bị cái vạ, người khác bắt nuôi con mà chưa chắc đã là con của mình…Những trường hợp ấy là xét nghiệm và giải quyết ngay được vấn đề, mà đối tượng nghi vấn cũng công nhận ngay.”

Chi phí xét nghiệm

Phần lớn thân chủ, khoảng một nửa số người đến xét nghiệm là những ông chồng, ông bố đến xét nghiệm xem là có đúng là con của mình không? Còn 50% kia thì có trường hợp là bị chồng vu oan để mà đi với người mới, để thành lập gia đình khác…có nhiều ông chồng muốn bỏ vợ thì lấy lý do này, mà nếu không có xét nghiệm ADN thì không thể chứng minh được.

Thưa quí vị và các bạn, Phương Anh được biết, so với nước ngoài, chi phí xét nghiệm cho mẫu tế bào hay mẫu máu, tương đối khá rẻ. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, Úc, hay Canada, giá trung bình cho mẫu đơn giản nhất phải từ 1000 dollars trở lên. Trong khi đó, ở đây, chỉ với hai triệu đồng, trong vòng 10 ngày sau, là sẽ có ngay kết quả chính xác cho quan hệ cha mẹ và con.

Nhưng trên thực tế, với số tiền này, với người dân bình thường vẫn còn khá lớn. Thế còn việc lấy mẫu xét nghiệm thì sao? Nhất là đối với những người ở xa, như ở miền Nam hay các tỉnh khác chẳng hạn? Bà Nga, Giám Đốc Trung Tâm cho biết:

“Thường chúng tôi hướng dẫn họ trên trang web để lấy mẫu, đơn giản và gửi qua bưu điện cho chúng tôi. Những người không có internet thì chỉ có cách là họ cho chúng tôi địa chỉ chính xác và chúng tôi gửi cho họ tập tài liệu, để cho họ tự nghiên cứu và gửi mẫu về…

Nhưng nếu về đây thì tốt nhất. Ở đây chúng tôi có hơn chục nhân viên và hợp tác với các phòng thí nghiệm của nước ngoài, như Bỉ, Ba Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc…Nếu có vấn đề gì thì họ sẵn sàng giúp đỡ.”

Với giáo sư tiến sĩ Lê Đình Lương, công nghệ di truyền ADN là một niềm say mê của ông. Cả một đời gắn bó với ngành sinh học, được đem sự học hỏi và kinh nghiệm bản thân của mình ứng dụng vào thực tiễn, đó chính là niềm mơ ước của ông từ lâu, ông nói:

“Đây là một trong những công nghệ cao, và áp dụng vào thực tiễn Việt Nam là một điều mà chúng tôi rất mong mỏi và hy vọng nó sẽ được duy trì và phát triển lâu dài, ngoài ADN để xét nghiệm huyết thống,còn xét nghiệm ADN về bệnh di truyền nữa…”

Ông Thiên, hiện cư ngụ ở Đà Lạt, đã từng làm việc trong ngành sinh học, khi được hỏi đến trung tâm này, ông phát biểu cảm tưởng:

Mời các bạn tham gia mục Câu chuyện hàng tuần do Phương Anh phụ trách. Xin email về Vietweb@rfa.org

“Công nghệ này tốt lắm, họ cũng nhập ở Mỹ về để làm ADN. Hiện nay, đối với Việt Nam thì thật tốt, vì Việt Nam còn thiếu nhiều quá, cả một nước mà chỉ có hai trung tâm thì còn quá ít, một của Bộ Công An, và một của trung tâm của giáo sư Lê Đình Lương. Điều này cho thấy là công nghệ này rất cần thiết lắm, ví dụ trong một vụ kiện, cần phải xác minh xem đứa bé là con ai, hay xác minh quan hệ huyết thống. “

Chuyện hối lộ?

Cũng có ý kiến cho rằng, vậy nhỡ chẳng may, có việc thay đổi kết quả theo ý muốn của thân chủ thì sao? Phương Anh hỏi ý kiến của ông Thiên, ông nói: "Về việc hối lộ làm thay đổi kết quả, thì tôi không nghĩ như thế, vì đây là vấn đề khoa học, chứ không phải là kinh tế, cho nên chuyện này sẽ không có đâu."

Còn cô Thu Hương ở Hà Nội thì phát biểu: "Ngành khoa học di truyền này sẽ giúp đỡ cho y tế của Việt Nam rất nhiều trong việc bắt kịp với y tế thế giới. Đời sống của người Việt Nam mình sẽ được cải thiện rất nhiều, một khi nền y tế của mình bắt kịp với y tế hiện đại. Em rất tán thành việc nhà nước mình chấp thuận và hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Vì thế, em hy vọng là sẽ không có chuyện hối lộ trong việc này. " Thưa quí thính giả, thật là một niềm vui cho Việt Nam khi Trung Tâm Phân Tích ADN này được ra đời. Vào thời mở cửa, với bao phức tạp và vấn nạn trong đời sống, đây là một đóng góp đáng kể cho xã hội chúng ta hôm nay.

Tiếc thay, hiện nay mới chỉ có đầu mối ở ngoài Bắc. Mong rằng, một ngày không xa, sẽ có thêm nhiều trung tâm khác và công nghệ di truyền học ở Việt Nam sẽ càng tiến xa thêm nữa. Phương Anh xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.