Hiện trạng lao động trẻ em ở Việt Nam

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Hiện tượng trẻ em, phần lớn thuộc những gia đình nghèo khó, tự nguyện hay bị xung vào lực lượng lao động của cả nước, lâu nay không xa lạ đối với mọi người. Tuy nhiên gần đây vấn đề lao động trẻ em được nhắc đến nhiều hơn sau khi công luận phát hiện nhiều vụ trẻ bị ngược đãi tàn tệ như vụ em Nguyễn Thị Bình mới đây.

Xem video clip em Nguyễn Thị Bình trên YouTube

Lao động trẻ em ở Việt Nam

Ở Việt Nam dường như hình ảnh những em bé trong độ tuổi cắp sách đến trường phải làm lụng cực nhọc và nhiều khi còn bị ngược đãi, hành hạ, bóc lột trong các cơ sở sản xuất cá lẻ, tổ hợp gia công hoặc tại tư gia thường không được quan tâm đến nhiều.

Thỉnh thoảng báo chí trong nước đưa ra những trường hợp thiếu nhi phải lao động ngoài ý muốn để phụ giúp gia đình, cho biết rất nhiều em phải “bán tuổi thơ mua cơm áo”, làm những nghề linh tinh, những việc cực khổ vì nhà qúa nghèo túng.

Qua đó ngừơi ta được biết rằng lâu nay rất nhiều trẻ nhỏ phải làm việc trong những môi trường, điều kiện khắc nghiệt hoặc rủi ro cao như nhặt phế thải thuê trong những núi rác, khuân vác trong các lò gạch, lao động ca đêm.

Nhiều em bị bóc lột sức lao động hoặc lương bổng. Nặng hơn nữa thì bị đánh đập, hành hạ tùy tiện như trường hợp em Nguyễn Thị Bình, vừa nhắc nhở xã hội thêm một lần nữa về vấn đề lao động tuổi thơ Việt Nam.

Một vấn đề cần được quan tâm

Trước đến giờ vấn đề lao động trẻ em trong nước được quan tâm đến đâu? Về phía chính quyền, Luật pháp Việt Nam qui định một số điều như trẻ lao động không được nhỏ hơn 15 tuổi, không phải làm việc quá 7 giờ mỗi ngày hoặc quá 42 giờ mỗi tuần; môi trường và điều kiện làm việc phải chấp hành qui định của luật lao động.

Bà Mai Thị Bích Vân, viên chức Liên đoàn Lao động TP HCM xác nhận nhà nước có đặt ra một số cơ quan phụ trách về lao động trẻ em tuy nhiên cho biết công đoàn không có qui định riêng cho những lao động tuổi vị thành niên:

“Ở Việt Nam có nhiều cơ quan để bảo vệ cho trẻ em. Ủy ban Dân số-Gia đình-Trẻ em là nơi gần gũi nhất, thiết thực nhất, và có chức năng kiểm tra, giám sát về tình hình lao động trẻ em. Sở Lao động bên xã hội cũng thường đi kiểm tra, giám sát về tình hình bóc lột trẻ em đi ăn xin. Những đơn vị này người ta thường tiến hành, làm thường xuyên.

Bộ Luật Lao động có một phần nói về lao động trẻ em nhưng Liên Đoàn Lao Động thì không có luật lệ gì dành cho trẻ em.”

Được biết lâu nay Việt Nam chưa ra báo cáo chính thức về các sự kiện liên quan đến lao động tuổi thơ như dữ liệu về số trẻ tham gia trong mọi ngành, lương bổng và tình trạng làm việc.

Tuy luật qui định trẻ chỉ phải ra xã hội làm việc từ khi lên 15, trước đến giờ mọi người thấy nhiều em bé chỉ độ khoảng trên dưới 10 tuổi đã phải lao động nhọc nhằn trong hàng quán, tổ hợp may mặc, đóng giày, cơ sở sản xuất cá lẻ, nhà riêng…

Số giờ các em phải làm thường rất nhiều, theo các vụ tường thuật bởi báo chí. Điều kiện lao động lại hay khắc nghiệt như môi trường không an toàn, lương bổng không có, rất thấp hoặc không trả sòng phẳng.

Trước đến nay không nhiều trường hợp trẻ lao động bị lạm dụng, bóc lột, ngược đãi hoặc hành hạ được phát hiện, hoặc phát hiện kịp thời. Vụ em Nguyễn Thị Bình, xảy ra ở Hà Nội, có thể kể là một trường hợp điển hình.

Cô bé đáng thương đã phải làm việc như người lớn từ năm lên 10 mà còn thừơng xuyên hứng chịu sự ngược đãi, bóc lột, hành hạ dã man của chủ đến hơn một thập niên mới được phát giác và giải cứu.

Được hỏi các trẻ lao động gặp trường hợp như em Bình có được sự bảo vệ nào không, đại diện Liên đoàn Lao động TP HCM nói:

“Khi có tình trạng trẻ em lao động trong các hộ gia đình hoặc trong các hộ sản xuất nhỏ bị bóc lột như vậy thì chúng tôi rất lên án về hành động này và tất nhiên cũng có những cơ sở pháp luật để bảo vệ cho trẻ em, nhất là những em làm theo diện lao động như thế này.”

Vai trò của chính quyền?

Từ xưa tới nay những trẻ lao động ở Việt Nam, rơi vào hoàn cảnh như em Nguyễn Thị Bình, nếu được phát giác thường được xử theo tội hình sự.

Nhân vụ em Nguyễn Thị Bình chính phủ mới đây chỉ thị các cơ quan trách nhiệm như Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Công an và UBND địa phương xử lý vụ việc, đồng thời kiểm tra, phát hiện, tố giác và xử lý nghiêm minh những trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái qui định.

Sau khi vụ em Nguyễn Thị Bình được đưa ra ánh sáng, chính quyền Hà Nội đã yêu cầu Sở LĐ-TB-XH và các cơ quan liên hệ tiến hành kiểm tra số trẻ lao động đang làm mướn trong những nhà hàng, tư gia và cơ sở sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Châu Long, Sở LĐ-TB-XH, cho biết sẽ có cuộc điều tra, phỏng vấn những em này, và nói mỗi năm Sở đều chỉ thị các quận, huyện báo cáo về tình hình lao động thiếu nhi trên địa bàn.

Từ rất lâu lao động trẻ em không phải chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO trẻ vị thành niên là một phần của lực lượng lao động tại nhiều quốc gia và hiện có trên 100 triệu thiếu nhi độ tuổi từ 5 đến 14, trong đó châu Á chiếm khoảng 60%.

Quyền lợi của nhiều trẻ bị tước đoạt, nhân phẩm bị xâm phạm, điều kiện lao động không được quan tâm khiến sức khoẻ của gần 83% trẻ lao động ở vào tình trạng tệ hại.

Trong một phúc trình về tình hình di dân và buôn bán trẻ em và phụ nữ của Tổ chức Lao động Quốc tế, công bố hồi tháng 9 năm 2006, tiếng nói của thiếu nhi được ghi nhận qua một cuộc thăm dò ý kiến. Theo đó trên dưới 70% trẻ được hỏi cho rằng cưỡng ép các em lao động cực nhọc quá sức là phạm pháp và tước đoạt thời gian nghỉ ngơi và giải trí của các em là vi phạm quyền thiếu nhi.

Bà Yoshie Nojuchi, viên chức pháp lý của chương trình lao động thiếu nhi, Tổ chức Lao động Quốc tế, cho biết lao động trẻ em là một trong những quan tâm chính của ILO. Bà đồng thời cho hay rằng Việt Nam, cũng như hầu hết chính quyền các nước, đã phê chuẩn một số công ước quốc tế về lao động trẻ em trước đây, trong đó đề cập đến điều kiện làm việc của các lao động thiếu nhi mà thế giới đã đồng ý:

"Việt Nam đã ký kết cả hai công ước. Đó là công ước 138 hồi năm 1973, trong đó qui định về tuổi làm việc tối thiểu áp dụng cho trẻ em và công ước 182 năm 1999, nói về an toàn và sức khoẻ của lao động tuổi thơ.

Độ tuổi lao động xê dịch, khác biệt chút ít giữa các nước, như có quốc gia qui định tuổi tối thiểu là 15 trong khi có nước qui định là 16 hoặc 14. Nhưng chính quyền các nước đều cam kết rằng trẻ không phải bị buộc làm những công việc nguy hiểm, làm việc trong môi trường độc hại hay với những điều kiện khắc nghiệt, không hợp lý.

Thêm vào đó, những trẻ đang trong tuổi đến trường phải được đi học. Chúng tôi không nói đến trường hợp các em phụ giúp việc trong gia đình hoặc làm thêm rất ít để phụ cha mẹ, mà là trường hợp thiếu nhi bị bắt buộc phải bỏ học để đi làm toàn thời gian. Ví dụ, một em mới 7 tuổi đã phải làm việc để giúp gia đình mưu sinh, thay vì được đi học, là điều không chấp nhận được."

Được hỏi các qui định luật lao động trẻ em đến nay đã được áp dụng, tuân hành ra sao ở Việt Nam và trên thế giới các nước, viên chức pháp lý về lao động trẻ em của Tổ chức Lao động Quốc tế cho hay:

"Không có một quốc gia nào, ngay cả Việt Nam, đã hoàn toàn đạt được những qui định trong các công ước. Tuy nhiên nhiều chính quyền đã rất tích cực, cố gắng cải thiện tình trạng lao động trẻ em và chú trọng đến việc bảo vệ những trẻ này, theo tinh thần các cam kết."

Từ nhiều năm qua Tổ chức Lao động Quốc tế đã nhiều lần kêu gọi các chính quyền nỗ lực trong việc bảo vệ các trẻ lao động.

Có thể nói rằng vụ em Nguyễn Thị Bình là một nhắc nhở mới cho giới thẩm quyền Việt Nam về vấn đề lao động tuổi thơ của đất nước.