Phương Anh, phóng viên đài RFA
Khoảng thời gian từ năm 2005 trở lại đây, ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện tượng các trẻ em thừa cân béo phì càng ngày càng tăng. Cùng với thói quen của người Việt Nam thường cho rằng các trẻ em càng mập mạp, càng bụ bẫm thì càng tốt, nên đến khi cha mẹ phát hiện con mình có bệnh béo phì thì đã muộn.
![ObesityHealthChildren200.jpg](https://www.rfa.org/resizer/v2/CJQ3WVD4EBCDEO77LZGO7J6ZAA.jpg?auth=8606143307a5020c9ec5b3e9f3e2a9bc1efaaaac820e2621a90b82850f61ce4b&width=400&height=338)
Để điều chỉnh chế độ ăn uống, bắt các con kiêng khem không phải là chuyện dễ dàng nữa. Một số cha mẹ đành phải chấp nhận giữ thói quen ăn uống như cũ khiến từ bệnh béo phì, đã dẫn đến việc các em bị mắc một số chứng bệnh mãn tính như về gan, tim mạch, tiêu hoá, khớp xương, tiểu đường…Kỳ này, Phương Anh xin được đề cập đến chứng bệnh béo phì và dinh dưỡng ở trẻ em.
Nguyên nhân bệnh béo phì
Chị Trâm, một bà mẹ trẻ ở Sàigòn, có con trai lên 4 tuổi, ở tuổi này, thấy con ăn nhiều hơn các trẻ đồng lứa, chị rất lo lắng và quan tâm đến việc này, nên thường xuyên theo dõi những thông tin về bệnh béo phì, và bắt buộc con chị phải hạn chế ăn uống. Chị kể:
Nói chung, em nghe thông tin ở trên tivi, báo, đài nói về bệnh béo phì nên cũng lo lắm… con em nó cũng đòi ăn nhiều, nhưng em cho nó ăn ít thôi, không cho nó ăn nhiều. Sữa thì em cho nó uống thoải mái, cơm thì em cho nó ăn ít thôi, không ăn nhiều.
Thực sự nó cũng khó chịu lắm, khóc lóc, nhưng mà cũng phải dụ nó để nó ăn ít lại…nhiều khi cho nó ăn một chén cơm, nó đòi ăn thêm, phải dụ nó rằng “ Con ăn ít thôi, chứ béo phì thì không tốt”…thì nó cũng hiểu. Có khi nó cũng đòi ăn cho bằng được. Với độ tuổi của nó thì em thấy nó ăn hơi nhiều nên em phải hạn chế bớt.”
Theo lời chị Hoàng Anh, một y tá hiện làm việc ở khu dinh dưỡng thuộc bệnh viện Nhi Đồng Một, thì cho biết rằng hiện nay, có tình trạng nhiều cha mẹ khá giả, có điều kiện, nên muốn con mình học thêm môn này, môn kia…khiến cho các em không còn thời gian ăn uống đúng giờ, đúng cách. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho các em bị bệnh béo phì. Cô nói:
Thực sự nó cũng khó chịu lắm, khóc lóc, nhưng mà cũng phải dụ nó để nó ăn ít lại…nhiều khi cho nó ăn một chén cơm, nó đòi ăn thêm, phải dụ nó rằng “ Con ăn ít thôi, chứ béo phì thì không tốt”…thì nó cũng hiểu. Có khi nó cũng đòi ăn cho bằng được. Với độ tuổi của nó thì em thấy nó ăn hơi nhiều nên em phải hạn chế bớt.
“Hiện tại, các em học sinh tiểu học có hiện tượng goị là “chay sô”, từ trường này sang trường khác…thì nó phải ăn nhanh nên nó dễ bị gây ra béo phì, ăn vội vã, ăn quá nhiều chất bột như bánh trái trong khi ngồi coi tivi…Cái đó vô tình tác động cho nó bị béo phì.
Nhiều khi đưá bé học nguyên cả ngày, tới khi 4, 5 giờ phải chạy “sô” sang trường khác như để học ngoại ngữ, hay học toán.. ở ngoài. Thường, thì các em không đủ thời gian để về nhà ăn nữa. Có cha mẹ bới cơm cho con, giống như ăn dọc đường vậy.
Có cha mẹ thì mua thức ăn nhanh để cho con ăn. Khi người ta có con bị bệnh béo phì thì họ mới dẫn con đi khám dinh dưỡng. Bây giờ bất cứ bệnh viện nào cũng đều có khoa dinh dưỡng, họ có thông tin và hướng dẫn chỉ cách ăn uống. Thông qua những thông tin, tạp chí…Tuy muộn nhưng có chế độ ăn kiêng cho con họ cũng giảm từ từ. Nhưng có người vì thương con quá nên cũng khó mà tập cho con được.”
Đường dây tư vấn
Cũng theo lời cô cho hay, tình trạng trẻ em bị thừa cân béo phì ngày càng phổ biến, nhất là các cháu trong độ tuổi mẫu giáo và cấp một. Đa số bệnh phát hiện là nhờ các trường có chương trình dinh dưỡng, theo dõi sức khoẻ của em nên báo động cho cha mẹ:
“Bây giờ nhiều lắm, mẫu giáo, tiểu học, cấp hai trở lại…cấp ba thì tương đối ít hơn. Trong trường mẫu giáo, thường xuyên theo dõi sức khoẻ các em, phát hiện em nào bị béo phì thì báo động cho cha mẹ về cách ăn uống để điều chỉnh cho con mình. Hiện tại ở bệnh viện của em làm việc, em thấy nhiều em bị bệnh tiểu đường, khoảng từ 6, 7, 8 tuổi cũng bị.”
Một trong những biện pháp để tránh giảm thiểu trẻ em bị bệnh béo phì, là đường dây tư vấn tư vấn về dinh dưỡng do Trung Tâm Dinh Dưỡng TPHCM lập ra để cha mẹ có thể gọi đến khi muốn tìm hiểu về việc cho con ăn uống. Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức cho biết:
“Đường dây tư vấn này là dành cho tất cả mọi người. Tất cả các bà mẹ đều có thể gọi điện thoại đến, cho các bé tuổi từ lúc mới sanh cho đến 10, 12 tuổi, và người ta rất quan tâm. Chủ yếu là người ta quan tâm về chế độ ăn.
Đa phần cũng quan tâm đến béo phì. Nhưng khi bé bị béo phì thì người ta đưa bé đi điều trị rồi. Lúc đó thì chỉ tư vấn nơi nào điều trị cho tốt nhất thôi,vì bây giờ người ta quan tâm đến bệnh này.”
Bây giờ nhiều lắm, mẫu giáo, tiểu học, cấp hai trở lại…cấp ba thì tương đối ít hơn. Trong trường mẫu giáo, thường xuyên theo dõi sức khoẻ các em, phát hiện em nào bị béo phì thì báo động cho cha mẹ về cách ăn uống để điều chỉnh cho con mình. Hiện tại ở bệnh viện của em làm việc, em thấy nhiều em bị bệnh tiểu đường, khoảng từ 6, 7, 8 tuổi cũng bị.
Theo lời bác sĩ Lê thị Kim Quí, giám đốc Trung Tâm Dinh Dưỡng TPHCM thì cho đến nay, mặc dù cha mẹ có quan tâm nhiều đến vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em, và có rất nhiều thông tin đại chúng liên quan đến bệnh béo phì, nhưng tỉ lệ trẻ em bị bệnh này vẫn còn đang có chiều hướng gia tăng. Bác sĩ Kim Quí nói:
“Trình độ dân trí của thành phố ngày càng nâng cao nên nói chung, bây giờ người ta quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Ở TPHCM thì tình trạng suy dinh dưỡng là thấp nhất trong cả nước, chỉ có 10,9 %, trong lúc ở các tỉnh thành thì vẫn rất cao. Còn tỉ lệ thừa cân béo phì vẫn gia tăng theo tình hình kinh tế xã hội chung.”
Tầm quan trọng
Ngoài ra, bác sĩ Lê Thị Kim Quí cũng cho biết rằng để tránh tình trạng này, Trung Tâm Dinh Dưỡng đã đặt ra nhiều biện pháp và nhất là lập chiến lược quốc gia, kết hợp và theo dõi trong vấn đề an toàn thực phẩm, áp dụng cho tất cả các quận huyện trong TPHCM và vùng ven. Điều cần nhất là làm sao cho các bà mẹ hiểu được tầm quan trọng của nguy cơ bệnh béo phì. Bà nói tiếp:
“Hiện nay đã có những chương trình để phòng những bệnh mãn tính không lây, liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, các bệnh về ung thư…Chúng tôi có chương trình dinh dưỡng học đường, đi đến các trường học.
Tên phương tiện truyền thông đại chúng, hàng tuần, chúng tôi có làm chương trình kiến thức dinh dưỡng, nhờ đó mà người dân biết để đến. Chẳng hạn như trường hợp các cháu béo phì thì họ đến bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, hay Trung Tâm Dinh Dưỡng để được tư vấn về trường hợp bép phì.
Tất cả các trường học đều có các chương trình dành cho các cháu béo phì như vận động, luyện tập, chế độ ăn, và đều cập nhật hàng tháng, theo dõi sức khoẻ cho các cháu. Việc này nằm trong chiến lược quốc gia của TPHCM nên chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề thưà cân béo phì.
Chúng tôi cũng đang làm các cuộc khảo sát điều tra bệnh béo phì ở tuổi mầm non, ở tiểu học, ở cấp 2,nhưng các kết quả chưa báo cáo được vì trong năm 2006 vừa qua, chúng tôi mới làm tổng kết các số liệu trong năm 2005.”
Vai trò của các bà mẹ
Cho trẻ ăn uống đúng giờ giấc và không cho trẻ uống nhiều nước ngọt. Ăn sáng nhiều hơn là buổi tuối. Buổi tối cho các em ăn thức ăn dễ tiêu hơn vì buổi tối các em ít làm việc, ít năng động hơn. Cần nhất là cha mẹ phải coi lại chế độ ăn uống của con mình, hạn chế những chất dầu mỡ, chiên xào, và năng cho các em tập thể dục hơn.
Bên cạnh đó, ngày nay, tại đa số các bệnh viện và các trung tâm y tế, cũng như phòng khám tư nhân, các bác sĩ đều phải cảnh báo cho các cha mẹ khi thấy các em có dấu hiệu bệnh béo phì, bác sĩ Lê Thị Kim Quí cho biết thêm:
“Khi họ đi khám, chúng tôi đều khuyến cáo các cháu nào có nguy cơ của thừa cân béo phì thì hướng dẫn cho các bà mẹ về chế độ ăn uống. Ở vùng ven, suy dinh dưỡng thì chúng tôi cũng có chế độ để hướng dẫn, theo dõi các cháu bị suy dinh dưỡng và cấp phát thuốc miễn phí.”
Tuy nhiên, một điều không ai có thể phủ nhận là việc ngăn ngừa bệnh béo phì ở trẻ em là phải do chính nơi các bà mẹ thực hiện trước. Phần vì thương con, phần vì thiếu kiến thức nên nhiều bà mẹ đã mặc cho các em ăn uống tự do, không kiểm soát, đến khi con bị bệnh béo phì thì lại càng khó thay đổi chế độ ăn uống.
Vì thế, để tránh nguy cơ này, nữ y tá Hoàng Anh, trưởng khu dinh dưỡng bệnh viên Nhi Đồng Một, cho rằng, cha mẹ phải biết:
“Cho trẻ ăn uống đúng giờ giấc và không cho trẻ uống nhiều nước ngọt. Ăn sáng nhiều hơn là buổi tuối. Buổi tối cho các em ăn thức ăn dễ tiêu hơn vì buổi tối các em ít làm việc, ít năng động hơn. Cần nhất là cha mẹ phải coi lại chế độ ăn uống của con mình, hạn chế những chất dầu mỡ, chiên xào, và năng cho các em tập thể dục hơn.”
Quí vị và các bạn vừa nghe những chi tiết liên quan đến bệnh béo phì và dinh dưỡng ở trẻ em. Mong rằng những thông tin này phần nào sẽ giúp cho chị em phụ nữ, nhất là những ai đang là mẹ, đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi nấng con cái mình, hiểu biết thêm về bệnh béo phì nơi trẻ, để từ đó áp dụng cho chính bản thân mình và gia đình. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.