Quan điểm gây tranh cãi của học giả Trung Quốc về Việt Nam

Ngay khi Hội thảo Quốc tế về biển Đông đang diễn ra ở Việt Nam, hôm 11tháng 11, trang mạng Tuanvietnam cho đăng bài báo của phóng viên Huỳnh Phan, phỏng vấn Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh, một học giả Trung Quốc, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

0:00 / 0:00

Ông Vương Hàn Lĩnh cũng đã có mặt tại Việt Nam tham dự Hội thảo Quốc tế Biển Đông tuần qua.

Bài báo này sau khi đăng, không hiểu vì lý do gì đã bị trang mạng Tuanvietnam gỡ xuống, thế nhưng những câu trả lời của ông tiến sĩ họ Vương liên quan đến chủ quyền Việt Nam đã làm nóng các diễn đàn mạng.

Không đàm phán song phương sẽ bị tấn công?

Bài phỏng vấn TS Vương Hàn Lĩnh có tựa đề: "Tranh biện về Biển Đông với học giả Trung Quốc" được cho là phỏng vấn hồi tháng 8 tại TP HCM, bên lề một cuộc hội thảo quốc tế về khai thác chung nguồn năng lượng biển ở châu Á, đăng tải trên báo Tuanvietnam, đã làm nóng các diễn đàn mạng cũng như các tờ báo "lề trái".

Khi được hỏi, vì sao Trung Quốc vẫn kiên trì với cách tiếp cận song phương đối với các tranh chấp trên Biển Đông, ông Vương Hàn Lĩnh trả lời rằng, đây là cách tốt nhất và do Việt Nam không thể tự lựa chọn được hàng xóm, cho nên nếu Việt Nam không lựa chọn cách giải quyết tranh chấp song phương, thì sẽ gặp rắc rối trong tương lai.

Tôi muốn nhắc lại nếu không chọn cách giải quyết như tôi vừa nêu (tức đàm phán song phương), các anh sẽ phải hứng chịu các xung đột bằng vũ lực, hoặc thậm chí chiến tranh.

TS Vương Hàn Lĩnh

Ông Vương đã nói, nguyên văn như sau: "Tôi muốn nhắc lại nếu không chọn cách giải quyết như tôi vừa nêu (tức đàm phán song phương), các anh sẽ phải hứng chịu các xung đột bằng vũ lực, hoặc thậm chí chiến tranh".

Không những lên tiếng đe dọa dùng vũ lực đối với Việt Nam, ông Vương còn cho rằng vùng biển rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên biển Đông đã thuộc Trung Quốc hơn hai ngàn năm nay.

Khi được hỏi vì sao Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm bắt đánh cá vô lý trên biển Đông, ông Vương trả lời rằng: "Bởi vì chính phủ Trung Quốc cho rằng tất cả những quần đảo nằm trong đường chữ U chín đoạn (tức Đường Lưỡi Bò), là thuộc về Trung Quốc và Trung Quốc đã thực thi chủ quyền và quyền tài phán từ cách đây hơn hai ngàn năm".

Một điều mà ông tiến sĩ họ Vương này đã làm cộng đồng cư dân mạng nóng lên trong mấy ngày qua, đó là ông nói rằng, "cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc".

Nhân sĩ Việt phản đối

chinese-embassy-hanoi-250.jpg
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Hình chụp hôm 26/04/2010. Photo by Tyler Chapman/RFA.

Lên tiếng phản bác quan điểm của ông tiến sĩ Trung Quốc phải kể đến nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, hiện đang làm việc tại Đại học Mở TP.HCM.

Trong bài viết đăng trên blog TS Nguyễn Xuân Diện, ông Phúc đã dẫn các tư liệu nói rõ, từ xưa Việt Nam đã từng phải “triều cống” Trung Quốc. Điều đó có nghĩa, Việt Nam là một nước độc lập, và là một nước nhỏ, vì muốn sống hòa bình, tồn tại bên cạnh nước lớn Trung Hoa, nên phải chấp nhận cống nạp, chứ Việt Nam chưa từng là “thuộc quốc” của Trung Quốc như tiến sĩ họ Vương đã nói.

Một bài viết khác đăng trên blog này, GS Nguyễn Đăng Hưng cũng đã lên tiếng về những điều mà tiến sĩ Trung Quốc đã trả lời trên báo, như sau: "Thú thật, cả đời tôi chưa bao giờ nghe được những lời lẽ ngoại giao trịch thượng, ngạo mạn và ngang ngược như vậy!

Sống trong thế kỷ 21 mà nghe họ tôi có cảm tưởng đang ở thời Trung cổ tại châu Âu hay thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu: Cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua, lấy thịt đè người... Vậy mà Trung Quốc ngày nay, quá say sưa với những thành quả kinh tế, muốn trở thành siêu cường toàn cầu!”

Thú thật, cả đời tôi chưa bao giờ nghe được những lời lẽ ngoại giao trịch thượng, ngạo mạn và ngang ngược như vậy!

GS Nguyễn Đăng Hưng

Mới đây, LS Nguyễn Trọng Quyết, thuộc Văn phòng luật sư An Phước ở Hải Dương, đã có bức thư gửi Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, đăng trên blog nhà văn Phạm Viết Đào. Trong thư, ông Quyết đã phản bác lại điều mà ông tiến sĩ Trung Quốc cho rằng, đến năm 1885 Việt Nam vẫn là “thuộc quốc” của Trung Quốc.

Ông Quyết đã viết, vào thời điểm năm 1885, vùng đất ở phía Bắc nước Việt ngày nay, đang nằm dưới quyền cai trị của người Mãn Châu, một dân tộc thiểu số tại Trung Quốc, chứ chẳng có đất nước nào được gọi là Trung Quốc thì làm sao ông tiến sĩ họ Vương cho rằng, đến năm 1885 Việt Nam vẫn là “thuộc quốc” của Trung Quốc?

Ông Quyết viết tiếp trong bức thư của mình như sau: "Không rõ ông TS Vương Hàn Lĩnh có đọc sử không nhưng như Ngài (tức Đại sứ Tôn Quốc Tường) đã biết: vào năm 1789, Hoàng đế Quang Trung của đất nước chúng tôi đã đánh bại 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh, những người cai trị dân tộc Hán của Ngài khi đó; và nếu đất nước của Ngài có những nhà ngoại cảm giỏi thì chắc chắn sẽ tìm thấy hài cốt của tướng Sầm Nghi Đống ngay tại Gò Đống Đa Hà Nội, cách trụ sở Đại sứ quán của Ngài không xa".

Rất nhiều Vương Hàn Lĩnh

Có lẽ không khó để tìm thấy trên mạng rất nhiều bài viết có quan điểm về Việt Nam và biển Đông của các học giả Trung Quốc như phát biểu của ông Vương Hàn Lĩnh. Trong các bài viết này, phía Trung Quốc đã đưa ra các tư liệu lịch sử không đúng sự thật, để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên biển Đông.

Trong số các học giả, phải kể đến nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa, là tác giả của nhiều bài viết, sách vở, đã dẫn chứng sai bằng cách cắt ghép các đoạn văn từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm chứng minh chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên biển Đông.

chinese-missile-frigate-250.jpg
Lực lượng hải quân Trung Quốc trên boong tàu chiến tên lửa hôm 13/04/2010. AFP photo (Lực lượng hải quân Trung Quốc trên boong tàu chiến tên lửa hôm 13/04/2010. AFP photo)

Một số bài viết của các học giả Trung Quốc cũng đã đưa ra các tư liệu, với lập luận thật giả lẫn lộn, hoặc đưa ra tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc, mà không hề cung cấp tư liệu để chứng minh. Trong số này phải kể đến TS Jian Junbo, Trợ lý Giáo sư, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế, Trường Đại học Phục Đán, Thượng Hải, Trung Quốc.

Trong một bài viết đăng trên báo Asia Times hồi giữa tháng 7, ông Junbo đã viết: "Theo tài liệu Trung Quốc, người Trung Quốc phát hiện ra các đảo Nam Sa (tức Trường Sa) từ thời nhà Hán, cách nay khoảng 2.000 năm. Từ thời nhà Tống (960-1276), các quần đảo này thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, trong khi thời nhà Nguyên (1279-1368) các quần đảo Nam Sa là một phần của đảo Hải Nam và do chính quyền trung ương quản lý".

Ông Junbo nói rằng, Trung Quốc có chủ quyền trên biển Đông liên tục sau thời nhà Nguyên đến nhà Minh, nhà Thanh và các bản đồ chính thức của Trung Quốc đã được vẽ từ năm 1724 đến năm 1817, đã đánh dấu quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc, mà ông tiến sĩ này không hề đưa ra bất cứ tài liệu nào để chứng minh cho lập luận về chủ quyền lịch sử này.

Chính phủ nên làm gì?

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đã có nhiều học giả Trung Quốc đưa ra quan điểm, Việt Nam là “thuộc quốc” của Trung Quốc cho đến năm 1885, đây là thông tin rất nguy hiểm, dẫn đến việc Trung Quốc xem Việt Nam là vùng đất “nổi loạn” như Đài Loan hay Tây Tạng.

Nếu Việt Nam xem mình là một nước độc lập từ lâu, mà không hề đưa ra quan điểm chính thống để phản bác các luận điểm không đúng của học giả Trung Quốc, trong tương lai không xa, có khả năng Trung Quốc sẽ “đòi thống nhất” với Việt Nam như họ đang làm với Đài Loan, Tây Tạng, và toàn bộ vùng biển Đông hiện đang gây tranh cãi.

Fact box
- Tháng 11 năm 2000, khi hội đàm với TBT mới ĐCSVN Nông Đức Mạnh đến thăm, TBT Giang Trạch Dân nêu rõ, 16 chữ này là phương châm quan trọng chỉ đạo sự phát triển quan hệ hai nước:
- Ổn định lâu dài
- Hướng tới tương lai
- Hữu nghị láng giềng
- Hợp tác toàn diện

Mặc dù các nhân sĩ người Việt đã có các bài viết phản bác quan điểm của Trung Quốc, thế nhưng đa số các tiếng nói này chỉ xuất hiện ở các diễn đàn mạng, các trang blog hoặc các website của người Việt hải ngoại. Rất ít bài phản biện mang tính khoa học, phản bác các quan điểm ngụy biện của Trung Quốc trên các tờ báo chính thống của đảng và nhà nước Việt Nam.

Để kết thúc, chúng tôi xin mượn lời của GS Lê Xuân Khoa, một học giả ở Hoa Kỳ đã phát biểu như sau: "Trước thái độ ngang ngược và lấn tới của Trung Quốc, những khẩu hiệu 'bốn tốt' và 'mười sáu chữ vàng' đã trở thành trò hề, và nguy cơ mất nước đã trở nên quá hiển nhiên.

Đảng và Nhà Nước cần phải thay đổi chính sách lệ thuộc đối với Trung Quốc, thay đổi chính sách đối nội tức là từ bỏ chế độ độc tài toàn trị và thực hiện tiến trình dân chủ hóa. Liệu Đảng và Nhà nước có đủ quyết tâm và dũng cảm chấp nhận thách thức này và biến nó thành cơ hội để cứu nước và tự cứu mình hay không?”

Theo dòng thời sự: