Chiến cuộc trên Internet của Trung Quốc

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Sáng hôm nay tại Washington, Quốc hội Hoa Kỳ tổ chức điều trần về trường hợp một số công ty tin học Mỹ giúp Trung Quốc kiểm duyệt và kiểm soát việc truy cập mạng thông tin toàn cầu Internet. Việc đó có nguyên ủy ra sao và sẽ tác động như thế nào đối với hàng chục triệu con người tại châu Á ? Lê Dân thu thập thêm dữ liệu và trình bày như sau.

0:00 / 0:00

Diễn tiến hòa bình

GoogleChina200.jpg
Trang Google.cn

Ngày nay, nhiều nước không còn lo lắng về một cuộc chiến tranh quy ước với súng đạn, tên lửa, bằng một chiến cuộc không đổ máu, nhưng có thể đánh sập cả một chế độ cùng những giáo điều của nó. Đó là cuộc chiến trên mạng thông tin toàn cầu Internet, mà một số chế độ gọi là "diễn tiến hòa bình".

Cuộc cách mạng về thông tin đó đã giúp hàng chục triệu người Liên Xô và Đông Âu có nhận định chính xác về hoàn cảnh kinh tế-xã hội của đất nước họ đối với thế giới.

Lúc đó, phương tiện truyền tải thông tin chủ yếu chỉ là truyền thanh và truyền hình với những hạn chế nhất định, chẳng hạn như vùng phủ sóng và giờ phát sóng giới hạn...

Giờ đây với mạng tin học toàn cầu Internet, bất cứ ai có máy vi tính cũng có khả năng thu nhận hoặc phát đi những thông tin cần thiết, bất kể đó là loại gì.

Nó có thể giúp các nhà cầm quyền loan báo tin tức, quy định, thủ tục và mọi thứ khác nhanh chóng, tiện lợi hơn, mà nó cũng giúp để truy cập mọi thông tin chuẩn xác và kịp thời hơn.

Bà Lucie Morillon thuộc tổ chức Ký giả-Không-Biên giới trong một buổi thuyết trình tại Washington đã nói rằng do đó mà Trung Quốc đã nhận thức được tiện ích của Internet và sự bất lực của họ trong việc ngăn cấm nó, nên tìm đủ mọi cách để kiểm soát nó.

Kiểm soát bằng mọi cách

Đại diện tổ chức Ký giả-Không-Biên giới nói Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên nhận thức rằng không thể thiếu Internet, do đó phải kiểm soát nó cho được.

Trung Quốc cũng là một trong những chế độ hiếm hoi đã có thể khóa hết những ngõ truy cập tư liệu trên mạng mà họ không thích, nhưng họ vẫn mở rộng việc sử dụng Internet ở trong nước.

Chuyện Bắc Kinh có thể khóa các ngõ truy cập thông tin tùy ý là nhờ sự trợ giúp của một số doanh nghiệp tin học Mỹ. Đó là các công ty Cisco, Sun Microsystems, Microsoft, Yahoo và Google.

Họ đã giúp Bắc Kinh xây dựng một hệ thống tường lửa khổng lồ tổng trị giá vào khoảng 800 triệu đôla. Điển hình như công ty Cisco cung cấp các thiết bị điều hướng loại I 2000 có khả năng lọc 750 ngàn luồng thông tin một lúc.

Với công dụng thiết kế là loại bỏ sâu tin học virus, các thiết bị này được Bắc Kinh đồng ý mua với điều kiện chúng được thiết kế lại để loại bỏ những từ như "dân chủ", "Đạt lai Lạt ma", "Đài Loan độc lập"...

Vai trò của các công ty Internet

Tổ chức Ký giả-Không-Biên giới chỉ trích công ty cung cấp dịch vụ thư điện tử Yahoo đã giúp nhà cầm quyền Trung Quốc truy tìm và nhận diện nhà báo Sử Đào của tờ Đương đại Thương báo ở Hồ Nam.

Ông này đã gởi e-mail cho các ký giả đồng nghiệp trên thế giới các chỉ thị của Bắc Kinh nghiêm cấp báo chí Trung Quốc không được để cập gì vào kỷ niệm năm thứ 15 ngày thảm sát ở Thiên An Môn. Ký giả Sử Đào bị kết án 10 năm tù hồi năm ngoái.

Tổ chức Ký giả-Không-Biên giới tố cáo trên trang Web của họ rằng "Nhắm mắt làm ngơ những vụ vi phạm của Bắc Kinh là một chuyện, còn tiếp tay với họ là một chuyện khác".

Ở Trung Quốc không ai truy cập vào trang Web đó được, mà chỉ thấy hiển thị một trang hoàn toàn trống rỗng. Có lẽ là nhờ thiết bị lọc của công ty Cisco.

Danh sách những trang Web bị đục bỏ tại Hoa Lục dài vô cùng tận, trong số đó có trang của đài BBC, đài VOA, đài Á châu Tự do, của tổ chức Nhân quyền Trung Quốc...

Quốc hội Hoa Kỳ lên tiếng

Cuộc điều trần về sự tiếp tay ngăn chận thông tin trên mạng của 5 doanh nghiệp Mỹ tại Tiểu ban Nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư do dân biểu Chris Smith tổ chức.

Ông từng nổi tiếng với nhận xét rằng "nhiều người dân Trung Quốc chịu cảnh giam hãm và hành hạ, nếu xét về mặt tự do thông tin-và nay thì công ty Google lại cộng tác với những cai tù thông tin đó".

Tại Việt Nam, tình trạng này cũng không sáng sủa gì hơn, theo nhận xét của ông Vincent Brossel thuộc tổ chức Ký giả-Không-Biên giới bày tỏ với ban Việt ngữ hồi gần đây.

Ông nói Việt Nam đang đi theo con đường Trung Quốc đã qua nhằm kiểm soát, ngăn chận và phong tỏa sự truy cập Internet. Tuy nhiên Việt Nam không có nhiều phương tiện nên việc kiểm soát của Hà Nội không rộng rãi và bao trùm như tại Hoa Lục.

Tội phạm thông tin?

Thế nhưng việc giới hạn Internet tại Trung Quốc có đáng để bỏ công và của ra hay không? Tất cả những nỗ lực bưng bít thông tin Internet của Trung Quốc khiến hàng trăm ngàn học giả, sinh viên, nghiên cứu sinh, doanh gia Hoa Lục trở thành phạm pháp khi họ có nhu cầu tìm thông tin.

Chẳng hạn như một công ty xây dựng loan báo ngày khởi công là mùng 4 tháng Sáu thì email này sẽ tự động bị xóa đi vì nhóm ngày tháng trùng hợp với cuộc thảm sát Thiên An Môn và Bắc Kinh đã xếp số 4 và Sáu vào danh sách đen.

Hay các sinh viên muốn tìm thông tin về chữ Đại Sử sẽ gặp một trang trắng, vì chữ này trùng tên một ngôi làng có nông dân biểu tình mới bị công an bắn chết.

Nhà cầm quyền có thể buộc các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh tại thị trường béo bở Hoa Lục phải chiều theo ý họ để kiểm duyệt thông tin. Nhưng làm sao Bắc Kinh có thể ngăn cấm những phương thức khác, chẳng hạn như các trang Wikipedia.com?

Đây là một cuốn bách khoa tự điển mở, bất cứ ai muốn ghi thêm thông tin vào đều được và trang này sử dụng trên 100 ngôn ngữ với hàng trăm điểm chuyển trên tòan cầu.

Giải pháp vượt ‘tường lửa’

Các người dùng Internet tại các nước tòan trị có thể tải xuống những chương trình kỹ thuật proxy, xin tạm giải thích là "gương phản chiếu". Chúng chỉ là những Web sites xem ra hoàn toàn trung dung nhưng có phản chiếu các trang Web khác.

Ông Alan Adler, một doanh gia ở bang New Jersey tại Hoa Kỳ, vốn là người vận động giúp cho phong trào Pháp Luân Công bị Bắc Kinh cấm đoán, nói rằng các địa chỉ proxy đó biến đổi không ngừng khiến cảnh sát Internet Trung Quốc không tài nào theo dõi kịp. Có proxy chỉ hiện hữu vài phút, có cái hoạt động mấy ngày. Đôi chỗ lại còn dùng kỹ thuật mã hóa.

Viện đại học Toronto của Canada lại còn mới chế ra một sản phẩm tên Psiphon, là một hệ thống proxy kín, chỉ lưu hành trong một nhóm người nhất định. Đáng kể nhất là đội ngũ hàng ngàn trí thức trẻ Trung Quốc tự nguyện làm hacker tin tặc để đánh sập các bức tường lửa firewall do Bắc Kinh liên tục dựng lên.

Trong thời đại tin học mà tìm cách ngăn chận và kiểm soát nó thì quả là "đi ngược lại bánh xe lịch sử" như ngôn từ Xã hội Chủ nghĩa hay dùng.