Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Cuộc tuyển sinh Đại học 2007 ở Việt Nam vừa bắt đầu tuần này. Trong bầu không khí thi cử sôi động của mùa ứng thí trong nước năm nay Nhã Trân trao đổi với Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Đại học An Giang để lấy thông tin về một thí điểm miền Hậu Giang.

Được hỏi tuyển sinh đợt 1 tại An Giang năm nay có gì khác so với năm rồi, Giáo sư Xuân nói:
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Năm nay thi tuyển sinh [ở An Giang] không khác gì mấy năm trước. Học sinh rất đông. Năm nay số học sinh đăng ký vào trường tôi là gần 19 ngàn. Chúng tôi chọn lại có 2 ngàn 200 thôi, theo chỉ tiêu Bộ giáo dục giao cho, cũng như các trường đại học khác trong nước.
Nhã Trân: Việt Nam lâu nay mỗi kỳ thi có khoảng 1 triệu rưỡi thí sinh đăng ký dự thi nhưng số được chọn chỉ vào khoảng 250 ngàn?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Đúng, chỉ chọn có bấy nhiêu thôi. Không có đủ chỗ trong đại học để cho tất cả 1 triệu rưỡi đi học. Tuy mình cũng khuyến khích học sinh học nghề này nọ, chọn mấy cái trường nghề, nhưng cuối cùng rồi người nào nào cũng muốn vào đại học.
Nhã Trân: Giáo sư thấy mùa thi năm nay có gì khác với các năm trước hay cũng thấy hiện tượng kẹt xe, giao thông ùn tắc và thí sinh căng thẳng?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Cũng giống như các năm trước, ai cũng căng thẳng hết. Từ Thủ tướng tới người dân thường đều căng thẳng. Bởi vì sao? Vì các ban ngành của nhà nước cũng như các ban ngành của trường đại học phải làm thế nào mà cùng nhau tổ chức một kỳ thi rất là an ninh, rất là trong sạch, rất là công bình cho mọi thí sinh.
Nhã Trân: Xin hỏi Giáo sư, có phải việc thi vào đại học lâu nay áp dụng chủ trương của nhà nước là "3 chung", tức mọi ngành đều dùng chung một đề thi, dự thi cùng một ngày và tất cả các trường chọn để tuyển sinh cũng cùng một ngày?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Đúng, chủ trương "3 chung" này nó làm ai cũng căng thẳng hết.
Nhã Trân: Giáo sư có thể nói rõ hơn?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tại vì khi mà thi theo kiểu "3 chung" như thế này thì chỉ có một đề thi và cả nước đều thi vào một ngày nên nhà nước trung ương cũng như địa phương phải huy động cùng một lúc mọi ngành, mọi người vào việc này. Trong khi đó nhà trường cũng phải huy động toàn bộ cán bộ.
Trường chúng tôi phải huy động trên 600 cán bộ, cộng thêm phải mượn thêm các thầy cô bên khối trung học phổ thông để mà coi thi. Phải mượn thêm 300 người nữa. Sự bảo đảm cho đề thi an toàn rất là tốn kém. Từ sản xuất đề thi, coi thi, chấm thi và xử lý đề thi... rất là tốn kém.
Thí dụ như để nhân cái đề thi ra phải có 3 vòng công an để bảo vệ đề thi, không để đề thi lọt ra ngoài cũng như việc chuyển đề thi phải cử công an đi, phải cử thanh tra đi, cho nên rất là tốn kém. Trong khi đó phụ huynh rất là lo lắng...
Nhã Trân: Lo lắng là vì sao ạ?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Lo là vì con mình học 12 năm rồi, bây giờ chỉ còn bước này để vô đại học thành ra phải lo. Bây giờ phải bỏ ra tất cả, tốn kém gì cũng phải bỏ ra hết. Phải bỏ ra tiền ôn thi cấp tốc ở các trường luyện thi, rồi cụ bị, khăn gói đi thi.
Đi thi với con mình luôn. Con mình đi thi mình cũng đi thi luôn. Rất là vất vả, tốn kém cho cha mẹ. Họ đi vậy thì nghĩ coi, một phụ huynh đi thì ít nhất là một phụ huynh đi hoặc cả hai phụ huynh đi, thì cộng lại là mấy triệu người.
Nhã Trân: Vâng, Việt Nam mình lâu nay rất là kẹt xe, thế thì tình trạng ùn tắc giao thông khó mà tránh khỏi. Nói về tình trạng thi, ở An Giang có gian lận hay không, có chuyện ném phao thi này kia hay không?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Đại học An Giang từ 7 năm nay có truyền thống rất nghiêm túc. Học sinh miền quê này nó hiền, không phải như thành phố lớn, vì vậy không xảy ra chuyện ném phao thi, chuyển đề thi… như những thành phố lớn, ví dụ Hà Nội, Hà Tây, ngưòi ta mướn người ném phao thi từ ngoài vô trong, rồi có những ông cán bộ chụp phao, trao lại cho học sinh. Trường đại học An Giang chúng tôi đặc biệt không có vụ này.
Nhã Trân: Giáo sư có ý kiến hoặc đề nghị khắc phục nào cho những điều gây khó khăn cho học sinh và người dân về việc thi tuyển đại học?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Hồi năm 2002 khi họp với Bộ giáo dục về tuyển sinh tôi có nói bây giờ mình phải bỏ cái vụ tuyển sinh này đi, mình phải áp dụng một phương pháp khác. Tức là mỗi một vùng có một trung tâm khảo thí để học sinh có thể đăng ký để thi lấy trình độ.
Các trung tâm khảo thí này cứ 2 tháng thi 1 lần, như thế thì nó giống như bên Mỹ có cái ETS. Thì khi mà đăng ký vào đó thi người ta lấy cái học lực trung học. Học sinh lấy cái điểm đó rồi nộp đơn cho trường muốn học, thì rất là êm thắm. Thành ra, ở Việt Nam mình nên làm giống vâỵ.
Nhã Trân: Ý giáo sư là mình không nên tuyển sinh theo tính cách toàn quốc, mà theo từng khu vực một?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Đúng rồi. Bộ giáo dục cũng đã thấy điểm đó, thấy có ưu điểm, cho nên người ta nói là chắc tới năm 2009 mới có thể làm giống vậy. Tôi thấy rất là có khả năng làm được như thế. Mình chỉ cần lấy cái điểm thi trung học phổ thông, tức là cái điểm thi tú tài.
Năm nay chúng ta đã chấn chỉnh lại việc thi tú tài, không phải như mấy năm trước. Thành ra năm nay thi tú tài rất là nghiêm túc, không phải như những năm về trước chạy theo thành tích. Rồi tới năm 2009 sẽ đi vô nề nếp luôn.
Thì lấy cái điểm của thi tú tài để mà xét, đưa vào trong đại học giống như họ lấy điểm ETS bên kia, cộng với một cái đơn xin vào học. Học sinh có thể làm ra 10 bản sao và có thể nộp cho 10 trường. Mỗi trường như thế học sinh phải viết một cái essay, tức là bài tự luận, giải thích tại sao thích ngành này, và theo học ngành này khi ra trường sẽ làm gì.
Nhã Trân: Như vậy là theo khuôn mẫu của ngoại quốc...
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Giống như ngoại quốc. Chứ còn bây giờ theo kiểu "3 chung" này tôi phải lấy học sinh giỏi toán, lý và hóa. Hoá không ăn nhậu gì tới tin học hết mà phải lấy, vì điều này Bộ giáo dục đề ra rồi, mình không làm gì khác được. Bây giờ lấy cái điểm trung học và bài essay, hai cái này cộng lại để mình chọn đúng người.
Nhã Trân: Giáo sư đã đạt đạo những ý kiến này lên Bộ giáo dục?
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tôi chỉ mới đưa ra đây thôi, nhưng bộ đã xuyên suốt từ đầu. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thì mới lên đây thôi. Nhưng Thứ trưởng Bành Tiến Long đã thấy điểm này rồi. Từ năm 2002 Thứ trưởng Bành Tiến Long đã nói có thể năm 2009 mình có thể áp dụng như thế này.
Tôi hy vọng tới năm 2009 mình có thể áp dụng được. Như thế cả xã hội mình sẽ không còn căng thẳng nữa. Cha mẹ học sinh sẽ không phải lo nữa, vì bây giờ con mình đăng ký nhiều nơi, và tìm những nơi thích hợp cho nó.
Các trường sẽ rất là đồng ý vì bấy giờ sẽ chọn được những người học sinh đúng theo yêu cầu của ngành nghề. Cái mà hay nhất là gì? Là đỡ tốn kém, cả xã hội mình sẽ đỡ tốn kém, như bây giờ chúng ta làm kiểu "3 chung".
Nhã Trân: Xin ghi nhận ý kiến của Giáo sư và cảm ơn Giáo sư về các trình bày vừa rồi.
Giáo sư Võ Tòng Xuân: Cám ơn cô.