Thy Nga, phóng viên đài RFA
Quý vị đang nghe bài “In the moonlight” Lê Văn Khoa soạn cho Sáo và dàn nhạc nhiều đàn giây và cả Piano. Cũng là nhạc bản viết về đêm nhưng bài này cho chúng ta cảm giác êm đềm hơn, như thấy hiện ra khung cảnh đêm trăng nơi quê nhà …
Trong cuốn CD Memories, bên cạnh các nhạc bản viết về kỷ niệm buồn vui, còn có các bài dân ca Việt Nam mà nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa khai triển. Mục đích công cuộc này thế nào, ông trình bày:
Mục đích là tôi muốn dùng những nét nhạc hết sức đơn sơ của Việt Nam mà mình có thể biến hóa để người nước ngoài có thể dùng được. Bằng cách đó, mình đưa nhạc Việt đi xa hơn để hòa vào với dòng nhạc thế giới.
Tại sao người ta chơi nhạc Đức, nhạc Nga, nhạc Anh, v.v… mà không chơi nhạc Việt Nam? thành ra tôi tâm nguyện là phải làm sao để đưa nhạc Việt mình cho thế giới biết tới nhạc Việt Nam. Đó cũng là cái ý niệm mà tôi đã có từ trước năm 1975. Trong một buổi nói chuyện với nhạc sư Nguyễn Hữu Ba về vấn đề phổ biến nhạc Việt, ông ta chủ trương nhạc Việt phải chơi bằng nhạc cụ Việt Nam.
Tôi thì ngược lại, tôi nói là phải viết cho nhạc cụ Tây phương Nghe mà người ta cảm thông được thì người ta mới tiếp nhận. Nhờ đó, nhạc sĩ trên thế giới mới chơi được, còn nếu mình chỉ chơi nhạc cổ truyền của mình mà thôi, thì người nào phải học nhạc cổ truyền mới chơi được. Như vậy là tự mình giới hạn mình.
“The beautiful bamboo” (Cây trúc xinh) độc tấu dương cầm …
Bài “Cây trúc xinh” dân ca miền Bắc với thang âm ngũ cung qua tiếng đàn Piano của nữ nhạc sĩ Irina Starodub. Tuy là người ngoại quốc diễn tấu nhạc dân ca Việt Nam nhưng vẫn giữ được giai điệu của Việt Nam …
Lê Văn Khoa : Cô Irina có một sự nhạy cảm mà ít người có. Và những cái mà mình chia sẻ với cô thì cô cũng sẵn sàng đón nhận để mà thực hiện. Thành ra bài nhạc đó có sự rung cảm thực sự của một người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ.
Thy Nga: Nghe như gió thoảng qua khóm trúc miền Tây Đô, quê quán của nhạc sĩ Lê Văn Khoa … Khác với CD "Symphony Vietnam 1975", cuốn CD Memories này không có nhiều bài cho dàn nhạc lớn mà chú trọng đến trình diễn độc tấu và song tấu.
“Song of the black horse” … bài “Lý Ngựa ô” dân ca Nam bộ, song tấu dương cầm …
Thy Nga đọc thấy lời nhận xét của ca sĩ và là giáo sư dương cầm Quỳnh Giao về nhạc bản này, xin trích như sau:
“Với loại nhạc “không lời”, giá trị tác phẩm nằm trong khả năng gợi ý hơn là phải được nâng đỡ hay diễn giải bằng lời ca. Những ai chưa mấy quen với loại nhạc cổ điển không lời thì sẽ thích thú nhận ra giai điệu quen thuộc ở bài này Lê Văn Khoa soạn cho hai dương cầm thủ Irina Starodub và Lyudmila Chichuck. Họ chỉ nhấp pédale rất nhẹ để diễn tả tiếng vó ngựa tung tăng …”
Cuốn Memories còn có một nhạc bản với tiết tấu dồn dập, hơi khác những bài kia. Đó là bài “On the way home” (“Trên đường về nhà”)
“On the way home” …
Tình cảnh viết nên nhạc bản này, Lê Văn Khoa kể lại:
Cũng là một kỷ niệm. Một cái kỷ niệm quí của tôi: hồi trẻ, tôi bị lao phổi nặng, Bác sĩ khuyên phải về quê. Lúc bấy giờ, tôi tưởng là sẽ phải chết. Nhưng khi về quê, thấy những người dân lao động hết sức nhọc nhằn vậy mà cuối ngày, họ vẫn vui vẻ trò chuyện với nhau. Lý thú quá! Hình ảnh đó đập vào trí tôi, và làm tôi phải suy nghĩ lại:
À, người ta như vậy mà người ta vẫn yêu đời. Thì tại sao mình lại chán đời, và chập nhận chịu thua? cho nên đã giúp tôi tranh đấu để tôi cũng thắng được luôn bệnh tật!
Thy Nga: Thưa nhạc sĩ, tôi cũng nghe biết là có các tác phẩm của ông được sử dụng để giảng dạy tại phân khoa Âm nhạc ở một số trường đại học. Xin ông cho thính giả được biết thêm về việc này.
Lê Văn Khoa : Những bài dân ca Việt Nam thì các trường đại học cũng muốn dùng, nhưng họ không làm sao dùng được vì khác ngôn ngữ, không hiểu và không có nhạc đệm.
Đối với Tây phương thì dù gì, cũng có nhạc đệm. Thành ra, tôi dùng một số các bài dân ca Việt Nam, tôi viết phần đệm Piano rồi viết những câu chú thích bằng tiếng Anh.
Phân khoa Thanh Nhạc của trường Golden West College tại Quận Cam, California đã ấn hành, và đã sử dụng để dạy. Các nhạc sinh muốn tốt nghiệp thì phải hát một bài trong tập Dân ca này. Thành ra, tôi thấy đó cũng là điều rất tốt để mà giới thiệu với người nước ngoài về nhạc Việt Nam.
Thy Nga: Như quý vị vừa nghe, ngoài tính chất nghệ thuật, nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng chú trọng đến tính cách giáo dục.
Mời quý vị nghe nhạc bản Nocturne của tác giả Lê Văn Khoa tặng thính giả.
Thy Nga xem thấy tài liệu là ông từng viết nhiều ca khúc cho nhi đồng. Tập nhạc “Dân ca Việt Nam”, và “Hát cho ngày mai” gồm 24 ca khúc, ông viết cả nhạc lẫn lời. “Nhạc Việt mến yêu” thì ông viết phần Piano để giới thiệu các nhạc khúc phổ thông cho trẻ nhỏ học đàn.
Vào tối hôm qua, 19 tháng Giêng, thì đài truyền hình SBTN tại Nam California đã mời nhạc sĩ Lê Văn Khoa tới để thâu hình chương trình ông điều khiển dàn nhạc, trình tấu những bài do ông soạn hoặc hòa âm phối khí.
Và khi chấm dứt chương trình, Thị trưởng thị trấn Baldwin Park trong vùng Los Angeles đã trao bằng vinh danh nhạc sĩ Lê Văn Khoa về sự đóng góp quí báu của ông cho văn hóa nghệ thuật.
Trong âm thanh bài dân ca “Cây trúc xinh” Thy Nga xin kết thúc chương trình. Chào tạm biệt quý thính giả.