Gia Minh trình bày vấn đề trong phần sau.
Thân nhân của hai trong sáu người giáo dân Xứ Cồn Dầu đang bị giam giữ, là ông Nguyễn Hữu Liêm và Nguyễn Hữu Minh, vừa qua đã nhờ luật sư Nguyễn Trung Kiên và Nguyễn Trung Điển bào chữa tại phiên xử sáu giáo dân được thông tin sẽ diễn ra tại Tòa án Nhân dân Quận Cẩm Lệ vào ngày 27 tháng 10 tới đây.
Vào ngày 21 tháng 10, chúng tôi liên lạc với luật sư Nguyễn Trung Kiên để hỏi thông tin liên quan công tác bào chữa cho thân chủ Nguyễn Hữu Liêm; nhưng luật sư Nguyễn Trung Kiên từ chối cung cấp những thông tin liên quan:
“Hồ sơ hiện nay ở tòa án, còn nay chưa xử nên tôi chưa nói được gì.”

Ngoài hai luật sư vừa nói, gần đây thân nhân của cả sáu giáo dân gồm các ông Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Hữu Minh, Trần Thanh Việt, Lê Thanh Lâm và hai bà Nguyễn Thị Thế, Phan thị Nhẫn được cho biết đã nhờ thêm văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ giúp bào chữa cho sáu người này tại tòa.
Chính tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ xác nhận về việc này như sau:
“Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã nhận được đơn mời luật sư đề ngày 16 tháng 10 năm 2010 của thân nhân sáu giáo dân Cồn Dầu đang bị giam giữ và đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân Quận Cẩm Lệ vào ngày 27 tháng 10 tới.
Thân nhân của những người này gồm chồng/vợ và con. Điều này hoàn toàn đúng theo qui định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, tức việc mời luật sư có thể do người bị truy tố ra tòa (bị can/bị cáo) mời, hoặc đại diện hợp pháp mời.
Trong trường hợp này là chồng/vợ và con của những người bị truy tố ra tòa đó là những đại diện hợp pháp.
Chúng tôi thấy về mặt thủ tục hoàn toàn hợp pháp nên chúng tôi nhận bào chữa cho sáu người giáo dân Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Hữu Minh, Trần Thanh Việt, Lê Thanh Lâm và hai bà Nguyễn Thị Thế, Phan thị Nhẫn.”
(Video: Công an đánh chết một giáo dân Cồn Dầu)
Tuy nhiên, đại diện của Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ khi đến tại tòa án quận Cẩm Lệ để làm thủ tục để tiến hành công tác bào chữa thì đã bị khước từ như trình bày sau đây vào sáng ngày 22 tháng 10 của luật sư Lương Quang Tuấn, thuộc văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ:
Chúng tôi chưa được cấp giấy chứng nhận nên chưa tiếp cận được hồ sơ.
Văn phòng LS Cù Huy Hà Vũ
“Chúng tôi chưa được cấp giấy chứng nhận nên chưa tiếp cận được hồ sơ.
Với khả năng của mình nếu làm được cho rõ chúng tôi sẽ tiến hành, còn nếu chưa rõ chúng tôi sẽ theo qui định của pháp luật đề nghị hội đồng xét xử hoãn lại trong một phiên tòa khác.”
Vào sáng thứ năm, thân nhân của ông Lê Thanh Lâm và bà Phan thị Nhẫn cho biết việc họ bị công an địa phương đến làm việc về vấn đề thuê luật sư bào chữa cho thân nhân của họ tại tòa theo luật định:

“Hôm qua có một anh công an quận và một anh thuộc tổ dân phố đến nhà tôi hỏi vấn đề thuê luật sư.
Tôi trình bày rõ ràng việc thuê luật sư nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chồng tôi. Những người khác cũng thế vì người thân của chúng tôi vô tội mà bị giam giữ đã sáu tháng rồi, sự chịu đựng của chúng tôi đã quá nên phải thuê luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho những người đó.
Công an vô nhà hỏi tôi tại sao thuê luật sư. Tôi trả lời vợ tôi bị giam giữ đã sáu tháng rồi, tôi quá xót xa. Tôi không học hành, trình độ không có mà tôi nghĩ vợ tôi ra tòa sẽ bị ‘nặng’. Tội trạng của vợ tôi nhẹ nhưng có nhiều người vu cáo cho vợ tôi nên tôi phải nhờ luật sư biện hộ cho vợ tôi khi ra tòa.”
Đến tối ngày 23 tháng 10, chúng tôi liên lạc lại với luật sư Lương Quang Tuấn và được ông này cập nhật thông tin mới nhất về quá trình làm việc với tòa án quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng:
Theo họ chính những người bị giam giữ mời, còn thân nhân mời họ không chấp nhận.
LS Lương Quang Tuấn
“Hôm nay tòa án tại đó đã từ chối cấp giấy phép cho hai luật sư và tôi rồi.
Họ bảo không đủ điều kiện. Theo họ chính những người bị giam giữ mời, còn thân nhân mời họ không chấp nhận.”
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ nêu ra những điểm bất cập khi cơ quan tòa án Đà Nẵng từ chối cấp giấy cho văn phòng của ông tiến hành thủ tục bào chữa cho sáu giáo dân Xứ Cồn Dầu theo yêu cầu của họ:
“Dấu hiệu đầu tiên khi giao hồ sơ họ không chịu làm biên nhận như tất cả những vụ việc khác. Họ để đến gần ngày thì cho rằng sắp đến ngày xét xử nên không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ. Điều này từng xảy ra trong vụ án xử tướng Trần Văn Thanh trước đây. Với kinh nghiệm đó, chúng tôi đã làm văn bản gửi các cơ quan chức năng cho rằng đó là vi phạm quyền của những người bị giam giữ và sắp bị đưa ra xét xử.
Đến chiều đó họ gửi cho luật sư của chúng tôi văn bản sáu giáo dân Cồn Dầu đó từ chối luật sư.
Chúng tôi thấy việc làm này vi phạm pháp luật. Thứ nhất việc từ chối phải có bút tích của những người đó; thứ hai thân nhân họ phải được gặp người thân xác nhận có đúng là họ từ chối hay không.
Tòa án tự ra văn bản nói sáu người từ chối nên rất đáng ngờ, văn bản đó theo chúng tôi là trái pháp luật.”
Ông cũng cho biết các biện pháp sẽ theo đuổi khi bị từ chối như thế:
“Chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu Tòa án Nhân dân quận Cẩm Lệ có văn bản hẳn hoi cho những người bị giam giữ thông báo cho biết người thân của họ thuê văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ bảo vệ quyền lợi của họ hay chưa; hay chỉ có yêu cầu không được mời luật sư.

Trước đó có những thân nhân của sáu giáo dân Cồn Dầu khi nghe tin thuê văn phòng luật sư chúng tôi cho biết đã bị yêu cầu từ chối luật sư. Gia đình của những người bị giam giữ có toàn quyền gặp người thân để làm rõ là vì tự nguyện hay bị ép buộc từ chối luật sư.”
Vào ngày 22 tháng 1 vừa qua, trên mạng Internet xuất hiện bản cáo trạng đề ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Viện Kiểm sát Nhân dân quận Cẩm Lệ. Bản cáo trạng buộc tội sáu giáo dân Xứ Cồn Dầu vừa nêu trong bài tội ‘gây rối trật tự công cộng’ và ‘chống người thi hành công vụ’ theo các điều 245, 257 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian qua thân nhân của sáu người đó và nhiều giáo dân Xứ Cồn Dầu đều nhất mực nói họ chỉ tham gia đưa tang cụ bà Hồ Nhu đến nghĩa trang của giáo xứ hồi ngày 4 tháng 5 vừa qua, theo ước nguyện của người chết được chính con cái của bà này truyền đạt lại cho họ.
Cáo phó ghi rõ địa điểm chôn cất, cũng như con trai Hồ Tào của bà này công khai trong ngày đưa tang.