Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Nhân ngày Phụ Nữ Quốc Tế Tám Tháng Ba, tổ chức Reporteurs Sans Frontìeres, tức Ký Giả Không Biên Giới, lên án cho thấy sự bạo hành đối với các nhà cầm bút nữ trên thế giới đang gia tăng.
2007 là năm thứ 30 của Ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8 tháng Ba, nhiều tổ chức về phụ nữ và báo chí trên toàn cầu như Quỹ Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc UNIFEM, Cơ Quan Phòng Chống AIDS Liên Hiệp Quốc UNAIDS, Ký Giả Không Biên Giới RSF, đã công bố những tuyên ngôn để cổ vũ nữ quyền, đồng thời khuyến cáo là nạn bạo hành đối với phái nữ vẫn là vấn đề chưa được giải quyết.
Nạn nhân của bạo hành
Dựa trên thông cáo báo chí phổ biến hôm thứ Ba, hai hôm trước ngày Phụ Nữ Quốc Tế, tổ chức Ký Giả Không Biên Giới chuyên bênh vực quyền tự do báo chí có trụ sở tại Paris, Pháp, đưa ra nhận định được ông Vincent Brossel, chuyên trách phòng Châu Á Thái Bình Dương trong tổ chức Ký Giả Không Biên Giới, lý giải như sau:
“Ngày Phụ Nữ Quốc Tế nhắc tới một điều đáng quan ngại là càng ngày càng có nhiều nữ phóng viên trên thế giới trở thành nạn nhân của bạo hành, nghĩa là bị ám sát, bắt giữ, đe dọa.
Lý do là vì càng ngày con số phụ nữ dấn thân vào nghề báo ngày càng động, nhận lãnh những công tác nguy hiểm, viết những bài phóng sự điều tra đã gây bất lợi cho những cá nhân nào đó.”
Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới dẫn chứng trường hợp gây chấn động nhất là nhà báo nữ người Nga, bà Anna Politkovskaya, bị bắn chết ngay trước nhà của bà tại thủ đô Moscow của Nga.
Ngày Phụ Nữ Quốc Tế nhắc tới một điều đáng quan ngại là càng ngày càng có nhiều nữ phóng viên trên thế giới trở thành nạn nhân của bạo hành, nghĩa là bị ám sát, bắt giữ, đe dọa.
Nhà văn kiêm nhà báo Lan Hương, cư ngụ tại Moscow, thuật lại cái chết thương tâm của nữ ký giả Anna Politkovskaya mà chị biết:
“Anna Politkovskaya là một nhà báo nữ rất có uy tín trong giới báo chí ở Nga. Bà nổi tiếng là một chuyên gia về vấn đề Chechnya. Trong suốt mười mấy năm qua từ khi xảy ra cuộc chiến Chechnya bà luôn theo dõi trong tư cách phóng viên chính của tở Tân Báo.
Nhưng cũng chính vì loạt phóng sự gay gắt của bà về vấn đề Chechnya mà bà đã gặp không ít vấn đề trong quan hệ của bà với chính quyền Chechnya này. Chính vì vậy khi bà bị bắn chết trước cửa nhà bà, người ta đã nghĩ ngay đến chuyện có thể những người trong chính quyền Chechnya không hài lòng với loạt bài viết của bà nên đã tìm cách trừ khử bà.
Tuy đến nay người ta chưa tìm được thủ phạm giết bà Anna Politkovskaya, nhưng một số tin tức cho thấy vụ giết nhà báo nữ này liên quan đến vấn đề Chechnya thật.”
Theo số liệu của tổ chức Ký Giả Không Biên Giới, trong số 82 phóng viên bị giết chết năm 2006 thì 9 người là phụ nữ. Ngược giòng thời gian, năm 2005 con số phóng viên nữ bị giết hại trong khi hành nghề là 13% so với hơn 7% năm 2004. Còn tính từ đầu 2007 đến giờ thì chưa có nữ ký giả nào bị ám hại.
Bị giam cầm
Về con số nữ ký giả bị giam cầm thì sao? Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới đưa ra trường hợp phái viên Ogulsapar Muradova của đài Âu Châu Tự Do tại xứ Turkmenistan, bị bắt tháng Sáu 2006 và chết trong nhà tù ba tháng sau đó vì một vết thương nơi đầu.
Ogulsapar Muradova là người đã viết những bài phóng sự chỉ trích chính phủ, lại còn giúp một phóng viên người Pháp thực hiện một phim tài liệu trên TV nói về Turkmenistan.
Tại đất nước Uzbekistan gần đó, nữ ký giả kiêm nhà hoạt động nhân quyền Umida Niyazova bị bắt giữ tháng Giêng năm nay. Tin nói cô có thể lãnh án tù năm đến 10 năm vì tội đăng tên các nạn nhân vụ đàn áp ở Andijan hồi năm 2005.
Trong số những người bị chính quyền hành hung, hay bỏ tù thì quả thật những nhân vật nữ không có nhiều, chỉ có chăng là như nhà văn Dương Thu Hương bị cầm tù một thời gian ngắn rồi lại được thả ra, không có nhà văn hay ký giả nữ nào bị tù lâu dài cả.
Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới cho hay nữ ký giả còn là đối tượng của các lực lượng vũ trang quá khích ở Iraq. Đó là trường hợp nữ phòng viên Atwar Bahjat đài truyền hình Al Arabiya, bị bắt cóc cùng đoàn quay phim và bị giết khi đến làm phóng sự một vụ đánh bom tại đền thờ của hệ phai Shiite ở Samara tháng Hai 2006.
Tổ chức Ký Giả Không biên Giới ghi nhận một điểm tích cực ít khi xảy ra ở Iraq, là những kẻ bắt cóc và sát hại cô Atwar Bahjat cùng ê kíp quay phim của TV Al Arabiya, đã bị bắt và bị kết án chung thân mấy tháng sau đó.
Hiện tại, theo Tổ Chức Ký Giả Không Biên Giới, hãy còn 7 nhà báo nữ đang bị giam trong những nhà tù của các nước : Sri Lanka, Eritrea, Ethiopia, Iraq, Uzbekistan, Rwanda. Trong số này, nữ ký giả Tatiana Mukakibibi của Rwanda bị giam giữ lâu năm nhất. Bị bắt từ năm 1996 đến giờ vẫn chưa được đưa ra toà để xét xử.
Tại Việt Nam
Được hỏi về Việt Nam, nơi tổ chức Ký Giả Không Biên Giới từng nhiều lần chỉ trích lẫn yêu cầu Hà Nội trả tự do cho những nam phóng viên đang bị giam giữ như nha báo Nguyễn Vũ Bình chẳng hạn, ông Vincent Brossels nói lý do Việt Nam không được nêu tên ở đây là vì không có nữ ký giả nào bị giam tù:
“Nếu có chăng và cũng là điều đáng tiếc thì đó là những phụ nữ trong những tổ chức đối lập hay những nhà văn nữ bất đồng chính kiến chứ không phải trường hợp cá biệt của nữ ký giả bị bắt bỏ tù trong khi tác nghiệp.”
Tuy nhiên theo lời nhà báo kiêm nhà văn Lan Hương ở Moscow: "Trong số những người bị chính quyền hành hung, hay bỏ tù thì quả thật những nhân vật nữ không có nhiều, chỉ có chăng là như nhà văn Dương Thu Hương bị cầm tù một thời gian ngắn rồi lại được thả ra, không có nhà văn hay ký giả nữ nào bị tù lâu dài cả.
Điều đó không có nghĩa là chính quyền nương tay với nữ giới hơn. Thực tế nữ giới ở Việt Nam tham gia vào những công việc nguy hiểm không nhiều nhưng hai năm trước đây thì nhà báo nữ Lan Anh đã bị làm khó dễ khi cho đăng một loạt phòng sự liên quan đến tham nhũng trong Bộ Y Tế.
Gần đây nhất, trước Tết Nguyên Đán thì nhà văn và cũng là nữ ký giả Trần Khải Thanh Thuỷ bị đấu tố trước sân vận động vì những bài viết trong tập san bí mật mang tên Tổ Quốc. Chị đã gặp khó khăn rất nhiều vì sự tham dự của chị trong ban biên tập của tờ báo này.”
Chị Thu, ở tỉnh Đồng Nai, cho rằng nếu đã nêu tên những cây viết nữ từng bị sách nhiễu vì ngòi bút của mình, từng bị giam giữ tuỳ tiện thì phải kể thêm về nữ luật sư Bùi Kim Thành, hiện còn bị quản thúc một cách oan ức trong một nhà thương tâm thần ở Biên Hoà chỉ vì tinh thần đối kháng của bà.
Trở lại với thông cáo báo chí của Ký Giả Không Biên Giới nhân ngày Phụ Nữ Quốc Tế Tháng Ba năm nay, tổ chức chuyên binh vực nhân quyền cho phóng viên trên toàn cầu này đã bày tỏ lòng khâm phục trước tinh thần tranh đấu cho tự do báo chí của một số phóng viên nữ. Đó là ký giả Sihem Bensedrine ở Tunisia, Tagjigul Begmedova ở Turkmenistan, Rozlana Taukina ở Kazakhstan, Zhanna Litvina ở Belarus, Sayda Kilani ở Jordan…
Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới cho biết đây là những người thường xuyên bị sách nhiễu, đe dọa, không được bảo vệ trên chính quê hương mình nên c1o khi phải tìm đường tị nạn tại một quốc gia khác.