Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể, tuy nhiên nhà cầm quyền Hà Nội cũng cần phải dồn nỗ lực giải quyết nhiều thách thức và tồn tại, trong đó có vấn đề giáo dục.
Khi đề cập đến các hiện tượng tiêu cực trong nền giáo dục của Việt Nam, ông John Hendra, điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội nói rằng, tham nhũng trong giáo dục là một thách thức lớn mà ông đặc biệt quan tâm.
Vẫn theo ông thì nếu nhìn vào số liệu và dữ kiện chung thì người ta có cảm giác là Việt Nam hoàn thành tốt đẹp mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, tuy nhiên trên thực tế có những vùng, miền, địa phương đi chậm hơn các khu vực khác. Chính vì thế mà khi cân nhắc đánh giá kết quả, công luận cần phải nhìn kỹ vào kết quả cụ thể của từng vùng, từng miền, từng địa phương.
Khi nào mà trong ngành giáo dục còn gói trọn, co cụm lại để mà nói chuyện với nhau, thì không bao giờ giải quyết được nạn tham nhũng.
Giáo sư Tiến sĩ Phạm Phụ
Riêng lãnh vực giáo dục, ông John Hendra nhấn mạnh rằng, nạn tham nhũng vẫn nổi cộm tại chốn học đường. Ông nói thêm là chính sách miễn, giảm học phí chính thức sẽ không có ý nghĩa nếu người dân vẫn phải xuất tiền túi cho các khoản chi phí không chính thức linh tinh khác để lo cho việc học hành của con em mình. Theo ông thì việc phổ cập giáo dục là phải bảo đảm cho người dân nghèo khó không bị gạt ra ngoài lề.
Cùng quan điểm đó, ông Rolf Bergman, cựu Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam khi phát biểu trước cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng trong giáo dục tổ chức trước đây tại Hà Nội đã tuyên bố, không một gia đình Việt Nam nào lại muốn bỏ tiền túi để chi trả cho những dịch vụ lẽ ra phải được chu toàn miễn phí và bình đẳng cho mọi người dân cả nước, đó là quyền được học hành.
Liệu có giải quyết được?
Lên tiếng từ Hà Nội, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, được giới phụ huynh và học sinh xem là “nhân vật bất đồng chính kiến” trong giáo dục, kể với đài chúng tôi về những phương cách làm tiền công khai nơi nhà trường mà ông phục vụ:
Ông hiệu trưởng trường tôi là một đối tượng mà tôi đang tố cáo, đầy sai phạm, cả những cái việc trái luật giáo dục như, ép giáo viên chúng tôi phải nâng điểm cho học sinh bằng mọi cách, kỷ luật học sinh rất là vô lối, không đúng với đạo đức, tư cách của một nhà giáo, hay là thu tiền trái phép của học sinh hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông lừa phụ huynh học sinh, đăng ký học tin học để đóng 420 nghìn đồng một em, sau đó tuyên truyền là được cấp chứng chỉ của Bộ Giáo dục, được cộng 2 điểm thi tốt nghiệp. Những hành động lừa đảo này diễn ra rất công khai, các bộ phận tay chân của hiệu trưởng cũng bị bắt buộc phải làm như thế.
Về vấn đề “tham nhũng giáo dục nổi cộm ở Việt Nam” đang được công luận quốc tế và báo chí trong nước nói tới đồng loạt, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Phụ, thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh với RFA:
Tôi cũng định viết một bài về tham nhũng trong giáo dục tại Việt Nam, sau khi quốc tế nói về nền giáo dục Việt Nam như thế nào, nhưng dự kiến đó một năm nay rồi chưa viết được, bởi vì tham nhũng ở đây mà nói theo cảm nhận thì có, nhưng nói theo kiểu từng hiện tượng thực tế rõ ràng, thì khó lắm. Vì vậy cho nên nói tham nhũng nổi cộm thì đúng, nhưng bảo nói cụ thể như thế nào, hiện cũng chưa nói được.
Theo ông thì hiện tượng tiêu cực này khó có hồi kết thúc:
Cho đến giờ, nói thật anh là tôi chưa thấy có một kế hoạch hay một dự kiến nào, để mà có thể chống được cái tệ nạn ấy. Tóm lại, khi nào mà trong ngành giáo dục còn gói trọn, co cụm lại để mà nói chuyện với nhau, thì không bao giờ giải quyết được nạn tham nhũng.
Vừa rồi là góp ý của hai giáo chức bậc trung học và đại học từ Hà Nội và Saigon, sau đây là suy nghĩ của một công nhân ở Đồng Nai, không được may mắn đến trường thời thơ ấu, nhưng hiện có mấy con còn lứa tuổi học trò, kể lại về những gì bà nghe xóm giềng nói về thực chất nền giáo dục Việt Nam:
Dân thì người ta cũng muốn cho con cái được ăn học có nề nếp, ra trường, có chỗ làm, nên cũng thích ngành giáo dục lắm, nhưng thực tế thì cũng nghe người ta phàn nàn dữ lắm về chuyện bè cánh, đụng chuyện với cấp trên.
Những hành động lừa đảo này diễn ra rất công khai, các bộ phận tay chân của hiệu trưởng cũng bị bắt buộc phải làm như thế.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Trong bài tham luận về cải cách để có một nền giáo dục trung thực, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, gần một chục năm nay nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu kiên trì đề nghị Đảng và Nhà nước cần có chủ trương cải cách giáo dục, vì những đổi mới chẳng những không khắc phục được những yếu kém, bất cập mà trái lại còn làm tăng thêm tình trạng lạc hậu, kém cỏi.
Theo bà thì trong các dự thảo văn kiện, phần viết về giáo dục chưa thể hiện đầy đủ sứ mạng nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Phát triển, kiện toàn nền giáo dục chưa phải là mối quan tâm thật sự và ưu tiên hàng đầu, thường trực của các cấp lãnh đạo Hà Nội.