Phương Anh, phóng viên đài RFA
Tuần qua, Phương Anh đã gửi tới quí vị những thông tin về luật bình đẳng giới và luật chống bạo hành trong gia đình vừa mới được nhà nước Việt Nam thông qua. Một trong những tổ chức xã hội có công đóng góp rất nhiều vào việc soạn thảo cũng như vận động cho hai luật này được chấp thuận là Trung Tâm Nghiên Cứu và Ứng Dụng về Giới, Gia Đình và Phụ Nữ, có trụ sở tại Hà Nội.
Được chính thức thành lập vào tháng 7 năm 2001, ở Hà Nội, từ đó đến nay, trung tâm đã có những hoạt động rất tích cực và có hiệu quả, nhằm hỗ trợ và nâng cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội, cũng như giúp đỡ các trẻ em bị tổn thương qua hình thức nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và truyền thông, cùng thực hiện những dự án như chống tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, chống bạo hành trong gia đình, tập huấn về Công Ước Quốc Tề về Quyền Trẻ Em…
Gần đây nhất, một hình thức giúp để giảm thiểu tình trạng bạo hành trong gia đình là thành lập Câu Lạc Bộ Chống Bạo Hành Trong Gia Đình. Trang Phụ Nữ kỳ này xin dành để giới thiệu với qúi vị về câu lạc bộ này qua sự trình bày của thạc sĩ Hoàng Kim Thanh, Phó Giám Đốc Trung Tâm.
Vẫn tiếp tục xảy ra ở khắp nơi
Theo các thông tin từ trong nước cho biết, nạn bạo hành vẫn đang tiếp tục xảy ra ở khắp nơi, các cuộc khảo sát cho thấy hành vi bạo lực xảy ra khá phổ biến ở ngay cả trong các gia đình có nghề nghiệp và trí thức. Điều đáng quan tâm là đa số các vụ bạo hành về tinh thần thì tập trung ở các gia đình tại đô thị và do những người có trình độ học vấn cao gây ra.
Ngoài ra, theo tờ Lao Động Online, ngày 31 tháng 12 năm 2006, tại Hà Nội, phụ nữ đứng xin đơn ly hôn vì bị chồng ngược đãi, phụ bạc chiếm từ 70 đến 80%. Trong số này, có những người đã từng tìm đến cái chết.
Đó là chưa kể những trường hợp bị chồng và gia đình chồng ức hiếp, cậy tiền bạc, ỷ thế quen biết, chạy chọt với toà án để khi phân xử ly hôn, người phụ nữ có khi ra đi chỉ duy nhất với bộ quần áo dính trên người.
Trong quá trình xây dựng chiến lược tổng thể để chống bạo hành trong gia đình, chúng tôi thấy rằng cần phải tiến hành rất nhiều hoạt động, nhiều người tham gia thì mới giải quyết được vấn nạn này. Câu lạc bộ này tập hợp những người cùng hoàn cảnh để giúp đỡ nhau.
Đứng trước những hoàn cảnh vô cùng thương tâm, vào tháng 5 năm 2005, Trung Tâm Nghiên Cứu và Ứng Dụng Khoa Học về Giới, Gia Đình, Phụ Nữ và Trẻ Em, gọi tắt là CSAGA, đã mạnh dạn đứng ra thành lập Câu Lạc Bộ Chống Bạo Hành Trong Gia Đình đầu tiên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bà Hoàng Kim Thanh, phó giám đốc trung tâm cho biết:
“Trong quá trình xây dựng chiến lược tổng thể để chống bạo hành trong gia đình, chúng tôi thấy rằng cần phải tiến hành rất nhiều hoạt động, nhiều người tham gia thì mới giải quyết được vấn nạn này. Câu lạc bộ này tập hợp những người cùng hoàn cảnh để giúp đỡ nhau.
Khi người ta cùng trong một hoàn cảnh thì dễ giúp đỡ nhau, dễ chia xẻ và học hỏi nhiều điều. Vì vậy, chúng tôi thành lập câu lạc bộ để tác động đến họ, để họ có thể hiểu ích hơn, để giúp đỡ nhau, để giảm thiểu chuyện bạo hành.”
Chuyện rất khó nói
Theo lời bà cho biết, với quan niệm “đèn nhà ai nấy sáng” nên từ khi có ý tuởng cho đến việc thực hiện rất nhiều khó khăn, nhất là khâu vận động, làm sao để có thể lôi kéo những nạn nhân mạnh dạn tham gia được câu lạc bộ? May thay, với sự vận động của hội phụ nữ, việc thành lập bước đầu tương đối đạt khả quan, bà cho hay:
“Bạo hành trong gia đình là câu chuyện rất khó nói, đó là một vấn đề mà người ta rất khó bộc lộ, nên quá trình chúng tôi vận động các nạn nhân vào câu lạc bộ là một khó khăn lúc đầu, nhưng thuận lợi là chúng tôi có hội phụ nữ đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc tập hợp các nạn nhân.
Thành viên là những nạn nhân và những người có nguy cơ bị bạo hành như có những ông chồng uống rượu, nghiện hút, hay mắc tệ nạn khác, hay những gia đình không được yên ấm lắm. Cán bộ nòng cốt là những tình nguyện viên của hội phụ nữ ở cấp phường và cấp huyện để họ có thể giúp đỡ thêm các nạn nhân.”
Hình thức sinh hoạt
Được hỏi hình thức sinh hoạt câu lạc bộ ra sao và các thành viên trong độ tuổi như thế nào, bà cho biết:
Có một chị ở quận Cầu Giấy nói rằng: “nhà em đã biết giúp đỡ em mỗi khi em có phải đi đâu đó, trước đây thì chuyện ấy không bao giờ có. Ông ấy đánh thì em đã biết cách để tránh, để không bị đánh.” Đó là những sự thay đổi về nhận thức cũng như những cách thoát khi chuyện bạo hành xảy ra.
“Một tháng sinh hoạt một lần, mỗi lần sinh hoạt thì được các cán bộ của tổ chức CSAGA thiết kế các nội dung, các chương trình… Một trong nội dung quan trọng nhất là chúng tôi dùng tác động nghệ thuật thí dụ như kể chuyện, học các trò chơi, học các bài hát để họ có thể vui vẻ, cảm thấy thoải mái hơn khi họ sinh hoạt CLB.
Một phần nữa là chúng tôi cung cấp các thông tin liên quan đến các vấn đề bạo hành trong gia đình như luật, các kiến thức, các nguồn lực xã hội có thể hỗ trợ cho họ. Phần nữa là giúp họ có thể kể ra câu chuyện của họ, kể các vấn đề của mình, để có thể giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Câu lạc bộ dao động khoảng từ 20 cho đến 25 thành viên mỗi khi sinh hoạt, về độ tuổi thì chúng tôi thấy khoảng từ 28 đến 60 tuổi cũng có.
Chúng tôi làm các dự án từ nông thôn tới thành thị, thì thấy rằng mọi nơi đều có chuyện bạo hành xảy ra, xu hướng thấy có vẻ tăng lên vì bây giờ người dân bắt đầu nói ra câu chuyện của mình, nhưng thực tế thì tôi cho rằng vì ngày xưa người ta không dám nói ra chuyện của mình, còn là câu chuyện ở đằng sau cửa của gia đình, nên những người làm công tác xã hội chưa biết đến nhiều.”
Bí mật về địa điểm
Chương trình sinh hoạt hàng tháng và số lượng chị em phụ nữ tham gia rất đều đặn, nhưng thực tế, câu lạc bộ phải giữ hết sức bí mật về địa điểm, và các chị em là thành viên cũng phải dấu giếm các ông chồng khi tham dự, địa điểm tập trung phải được canh gác cẩn mật, bà Thanh cho hay rằng:
“Các thành viên thì một số đã ly dị, còn đa số thì vẫn ở với chồng, Khi thành lập câu lạc bộ thì một trong những nguyên tắc mà chúng tôi thảo luận với các thành viên là họ mong muốn được giữ bí mật, bí mật về địa điểm và có một sự bảo vệ, tức là phải có người làm công tác xã hội để nếu như các ông chồng biết và đến phá quấy thì chúng tôi có thể liên lạc với công an phường để can thiệp, nên các thành viên trong câu lạc bộ rất an tâm khi họ tham gia các buổi sinh hoạt."
Với hình thức sinh hoạt ngầm như thế, nhưng các chị em phụ nữ luôn rỉ tai nhau để giới thiệu cho chị em bạn cùng cảnh ngộ. Sau một thời gian hoạt động, từ một câu lạc bộ ban đầu ở quận Cầu Giấy, nay trung tâm CSAGA đã thành lập đến 7 câu lạc bộ ở khắp nơi và kết quả thật hữu hiệu, bà Thanh cho hay:
“Họ vận động ngầm, chúng tôi không thông báo trên truyền thông đại chúng, chúng tôi có điện thoại riêng để liên lạc từng thành viên. Theo sự phản hồi của các thành viên thì họ cho rằng họ đã có thay đổi nhiều.
Đó là một phương pháp hết sức có hiệu quả. Tức là chúng tôi có những hoạt động như chơi trò chơi, vẽ tranh, học nhẩy, giúp cho họ vận động cơ thể, và giúp cho họ chữa lành các vết thương về mặt thể xác và mặt tinh thần, tạo cho họ có một tâm trạng vui vẻ, tạo cho họ có một sự cân bằng về mặt tâm lý.
Trước tiên là tâm trạng của họ thoải mái hơn, vui vẻ hơn và họ không bị đơn độc, vì họ biết rằng có những người khác hiểu câu chuyện của họ, và họ có những kiến thức để giúp gia đình họ có cơ hội cải thiện…
Có một chị ở quận Cầu Giấy nói rằng: “nhà em đã biết giúp đỡ em mỗi khi em có phải đi đâu đó, trước đây thì chuyện ấy không bao giờ có. Ông ấy đánh thì em đã biết cách để tránh, để không bị đánh.” Đó là những sự thay đổi về nhận thức cũng như những cách thoát khi chuyện bạo hành xảy ra.”
Trạng thái tâm lý không ổn định
Những nạn nhân bị bạo hành trong gia đình thường ở trạng thái tâm lý không ổn định, luôn sống trong sự sợ hãi và thiếu tự tin, nhất là xa lánh mọi người và cộng đồng.
Điều khó khăn nhất là làm sao cho họ giải toả những bức xúc, những nỗi lo lắng triền miên, những nỗi thống khổ mà họ phải chịu trong nhiều năm tháng. Thế nên, sau một thời gian nghiên cứu, trung tâm CSAGA áp dụng phương pháp “ dùng nghệ thuật tác động con người”, bà Thanh nói tiếp:
“Đó là một phương pháp hết sức có hiệu quả. Tức là chúng tôi có những hoạt động như chơi trò chơi, vẽ tranh, học nhẩy, giúp cho họ vận động cơ thể, và giúp cho họ chữa lành các vết thương về mặt thể xác và mặt tinh thần, tạo cho họ có một tâm trạng vui vẻ, tạo cho họ có một sự cân bằng về mặt tâm lý.
Khi cân bằng tâm lý rồi thì họ sẽ tự tin hơn, vì bản thân họ rất thiếu tự tin với bản thân mình và với cộng đồng. Khi họ thiếu tự tin thì họ chẳng giải quyết được chuyện gì, vì thế điều đầu tiên là chúng tôi thông qua nghệ thuật để họ có thể tự tin hơn và họ tin những người bên cạnh mình.
Chính giao lưu đó sẽ giúp cho họ cởi mở và họ nói ra câu chuyện của họ, rồi họ sẽ tự tin và giải quyết được vấn đề. Thí dụ như một nạn nhân bị bạo hành, họ muốn nói ra chuyện của mình thì cũng không biết nói như thế nào, hay họ không dám nói ra, nhưng khi giúp họ đóng một vở kịch chẳng hạn, thông qua vở kịch đấy, thông qua nhân vật nào đấy, họ gửi gấm tâm sự của mình vào đó.
Đấy chính là môi trường vô cùng an toàn cho họ bộc lộ những tâm trạng và suy nghĩ của họ. Đó là phương cách mà chúng tôi thấy hiệu quả cao nhất, thay vì tập họp họ lại chỉ để ngồi nói chuyện, chỉ để phổ biến kiến thức.”
Thưa quí vị, vừa rồi là những thông tin về câu lạc bộ chống bạo hành trong gia đình do trung tâm CSAGA thành lập qua lời trình bày của bà Hoàng Kim Thanh, phó Giám Đốc trung tâm. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây. Mời quí vị nghe tiếp phần hai với những câu chuyện thương tâm của một số chị em phụ nữ hiện đang sinh hoạt tại câu lạc bộ vẫn đang chờ sự giúp đỡ của các cấp có thẩm quyền.