Trường Văn, phóng viên đài RFA
Mô hình nuôi tôm trên cát những tưởng đã có thể đổi đời người dân sống trong vùng đất cày lên sỏi đá của miền Trung, nhưng từ ba năm qua, tình hình mất mùa, tôm bệnh, tôm chết đã làm điêu đứng nhiều hộ nuôi tôm.
Các ao nuôi tôm vắng lặng, các đồi thông chắn gió, ngăn cát tràn đã biến mất. Hệ thống sinh thái thay đổi, khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn, nguồn nước ngọt dồi dào trước đây nay thành khan hiếm. Đó là hậu quả của chương trình nuôi tôm trên cát do Bộ Thủy Sản phát động cách đây mấy năm.
Lý tưởng cho việc nuôi tôm?
Theo tính toán của Viện Kinh tế và Qui Họach Bộ Thủy Sản, vùng cát các tỉnh ven biển miền Trung chưa chịu ảnh hưởng của sản xuất công nghiệp nên nước biển rất sạch, lý tưởng cho việc nuôi tôm.
Tuy nhiên vì điều tra qui họach chưa đến nơi đến chốn nên những kết luận lạc quan của Bộ Thủy Sản không phù hợp với thực tế mà người nuôi tôm cũng như môi trường phải gánh chịu.
Theo Viện Kinh Tế và Qui Họach Bộ Thủy Sản, một hecta nuôi tôm cần từ 15 ngàn đến 20 ngàn mét khối nước lợ mỗi năm. Tuy nhiên phần lớn các vùng nuôi tôm không có nguồn nước của hồ thủy lợi để cung cấp cho các ao nuôi tôm.
Các doanh nghiệp và cá nhân nuôi tôm đều phải đào giếng, dùng máy bơm bơm nước ngầm để nuôi tôm. Hậu quả là nước giếng cần thiết cho sinh họat của người dân trong vùng bị cạn kiệt và nhiễm mặn.
Vùng biển bị ô nhiễm
Chất thải nuôi tôm hoặc được xả ra bãi hoặc được thải ra biển vì hầu hết các hộ nuôi tôm không có hệ thống xử lý nước thải. Điều này khiến cho cả vùng biển bị ô nhiễm gây tác hại rất lớn cho sinh thái.
Các đồi dương nổi tiếng là đẹp của miền Trung bị chặt phá để đào ao làm cho đồi dương trở thành đồi cát mặc cho gío cuốn cát lấn dần vào các khu ruộng đồng ven biển. Nắng gió không có gì che chắn trở nên khắc nghiệt.
Người dân có thể chịu đựng những ô nhiễm, nắng gió nhọc nhằn nhưng bù lại họ được gì. Tôm bệnh, tôm chết liên tiếp xảy ra làm cho nhiều hộ nuôi tôm phải mất hết nhà cửa vì nợ ngân hàng chồng chất không trả nổi. Các vùng nuôi tôm dọc bờ biển miền Trung trở nên hoang vắng.
Hỏi chuyện một nhà nuôi tôm ở tỉnh Phú Yên, người đã mất sạch 500 triệu đồng vì nuôi tôm về những nguyên nhân thất bại của ông và các người đồng cảnh ngộ thì được ông cho biết: "Thất bại là do giá tôm hạ, thứ hai là thức ăn, thuốc men và công nhân đắt, nuôi không có sản lượng, dự trù năm tấn có lãi, chỉ thu họach được hai ba tấn thành ra lỗ."
Con giống
Ông nói thêm thất bại là do con giống và nước bị ô nhiễm dần: "Ở Tuy Hòa không ai kiểm nghiệm về con giống. Tất cả thất bại vì do con giống. Thứ hai là mới nuôi ai cũng thắng nhưng ba bốn năm sau nguồn nước bị ô nhiễm bỏ vốn nhiều nhưng không thu được bao nhiêu."
Trước tình trạng đó Sở Ngư Nghiệp Tỉnh không gíup được gì trên thực tế: "Sở chỉ cho ý kiến trên lý thuyết nhưng vấn đề là kinh nghiệm thực tế."
Được hỏi thêm về thực trạng các trại nuôi tôm hiện nay ông phát biểu: "Chết ngắt, không còn phát triển được nữa. Trước 100 ngàn hecta nay chỉ còn khỏang 10 ngàn hecta. Dân nuôi tôm bây giờ có câu: Nuôi tôm sú là "tu sớm""
Từ cây dứa Cayenne được khuyến khích trồng tại vùng ngọai ô thành phố Hồ Chí Minh cho đến con tôm sú tại vùng cát trắng duyên hải miền Trung. Tất cả đều đưa đến khốn đốn cho các nhà nuôi trồng cũng chỉ vì từ lý thuyết cho đến thực tế vẫn còn một khỏang cách khá xa mà các nhà qui họach chưa nghiên cứu thấu đáo trước khi phát động phong trào.