2011 – 2020: Thập niên hành động vì an toàn giao thông

Thập niên 2011 – 2020 được Liên Hiệp Quốc công bố là “Thập niên hành động vì an toàn giao thông”, trong đó bao gồm nhiều dự án giúp đỡ cho các nước đang phát triển cải thiện tình trạng giao thông để giảm thiểu rủi ro về thương vong và tính mạng của người dân.

0:00 / 0:00

Khánh An phỏng vấn ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng Chống Thương Vong Châu Á, về chương trình này và những hỗ trợ đối với Việt Nam. Trước hết, ông Greig Craft cho biết:

Văc-xin an toàn giao thông: Đội mũ bảo hiểm

Ô. Greig Craft: Chúng tôi đã tham gia vào rất nhiều tổ chức trong hơn 10 năm qua để giúp cho các nước trên thế giới nhận ra yêu cầu cấp thiết phải cải thiện an toàn giao thông, đặc biệt ở những nước đang phát triển, là nơi mà sự đầu tư, hiện đại hóa rất tuyệt vời, nhưng cũng khiến cho nhiều người gặp tai nạn giao thông và tử vong, đặc biệt là những người trẻ. Vì vậy, trong Hội nghị Bộ Trưởng toàn cầu đầu tiên tại Moscow hồi cuối năm ngoái, vấn đề an toàn giao thông đã được đưa lên thành nhiệm vụ chủ chốt của các Ủy ban Khu vực và dưới sự ủng hộ của hơn 90 quốc gia trong hội nghị, Liên Hiệp Quốc đã công bố thập niên 2011 – 2020 là "Thập niên hành động vì an toàn giao thông". Theo đó, hai tuần trước, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi cho chương trình "tiêm văc-xin an toàn giao thông bằng cách đội mũ bảo hiểm" để chương trình này chính thức được thông qua.

HelmetTrafficPoster200.jpg
Poster kêu gọi đội mũ bảo hiểm trên đường phố Hà Nội. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Khánh An: Thưa ông, trong chiến dịch vận động cho Thập niên hành động vì an toàn giao thông này, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ có những trợ giúp cụ thể nào các nước đang phát triển không?

Ô. Greig Craft Dĩ nhiên rồi, không chỉ về mặt tài chính. Tôi lấy ví dụ như chương trình "tiêm vắc-xin an toàn giao thông bằng cách đội mũ bảo hiểm". Chúng tôi tin rằng mũ bảo hiểm cũng giống như những liều thuốc vắc-xin có thể giúp phòng ngừa các hiểm họa từ tai nạn giao thông. Cùng với Ngân hàng Thế giới, tổ chức FIA và Quỹ Phòng Chống Thương Vong Châu Á chúng tôi tạo thành một nhóm toàn cầu nhằm giúp đỡ cho các quốc gia đang phát triển trong việc nhận thức và đội mũ bảo hiểm. Đây chỉ là bước đầu trong những kế hoạch sắp tới của Liên Hiệp Quốc.

Khánh An: Còn đối với trường hợp của Việt Nam thì sao?

Ô. Greig Craft Ngay cả với Việt Nam, mặc dù việc đội mũ bảo hiểm đã được áp dụng trong cả nước, nhưng chương trình tiêm văc-xin an toàn giao thông bằng mũ bảo hiểm vẫn được đưa đến Việt Nam. Chúng tôi đang làm việc với chính phủ để phát miễn phí mũ bảo hiểm cho trẻ em, đồng thời giúp người dân giữ thói quen đội mũ bảo hiểm hàng ngày. Cần phải giáo dục người dân. Bạn không thể nói rằng, sau khi phát xong mũ bảo hiểm thì coi như xong nhiệm vụ. Giống như ở các nước phương Tây hay Hoa Kỳ cũng vậy, không phải ai cũng thắt dây bảo hiểm khi lái xe, rất nhiều người vẫn uống rượu khi lái xe, nhiều người vẫn chạy quá tốc độ… Vì vậy ngay cả tại Hoa Kỳ cũng phải giáo dục người dân hàng ngày về lý do tại sao phải lái xe an toàn. Điều này cũng áp dụng cho Việt Nam. Chúng tôi đang cố gắng để giúp Việt Nam cải thiện tình trạng hiện nay về an toàn giao thông.

Chúng tôi tin rằng mũ bảo hiểm cũng giống như những liều thuốc vắc-xin có thể giúp phòng ngừa các hiểm họa từ tai nạn giao thông.

Ô. Greig Craft<br/>

Khánh An: Tuy Việt Nam đã áp dụng luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, thế nhưng ở những vùng thôn quê hay các hộ gia đình nghèo, việc mua mũ bảo hiểm cũng là một gánh nặng kinh tế đối với họ. Như vậy, Quỹ Phòng Chống Thương Vong Châu Á có trợ giúp gì cho những đối tượng này không?

Ô. Greig Craft Có chứ. Trước đây, chúng tôi đã phát miễn phí 500.000 mũ bảo hiểm cho trẻ em Việt Nam. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục các chương trình giáo dục trong học đường. Đồng thời, chúng tôi cũng đang phát triển một tổ chức phi lợi nhuận để sản xuất mũ bảo hiểm cho những vùng có khí hậu nhiệt đới. Và như vậy, chúng tôi có thể cung cấp mũ bảo hiểm với giá rất rẻ. Đây là cách tốt nhất mà chúng tôi có thể giúp cho những người nghèo không có khả năng mua mũ bảo hiểm.

Vấn nạn kẹt xe

Khánh An: Thưa ông, ông đã làm việc nhiều năm tại Việt Nam, ông nhận xét như thế nào về vấn nạn kẹt xe ở Việt Nam?

Traffic-Hemet-250.jpg
Lưu thông trên đường phố Việt Nam. RFA file photo (RFA file photo)

Ô. Greig Craft: Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam nhưng ở rất nhiều quốc gia đang phát triển khác. Trong vòng 10 năm qua, mức độ hiện đại hóa đã tăng lên không ngờ. Nhờ toàn cầu hóa mà các nước nghèo đã thu hút được rất nhiều đầu tư. Càng có nhiều nhân công thì nhu cầu đi lại, di chuyển sẽ càng cao. Công nhân không thể đi làm bằng xe đạp, nhưng họ cũng không thể có tiền để mua ô tô nên chắc chắn họ sẽ mua xe gắn máy. Có hàng triệu, hàng triệu người như thế cho nên bây giờ Việt Nam đã có hơn 13 triệu xe gắn máy lưu hành. Thêm vào đó, nhiều người sau một thời gian làm việc và có tiền, họ bắt đầu chuyển từ xe gắn máy sang ô tô khiến cho lưu lượng xe trên đường phố càng đông đúc hơn. Để trả lời câu hỏi của cô, tôi không biết phải nói thế nào. Trong tôi có những cảm xúc lẫn lộn. Tôi biết, di chuyển là một điều tuyệt diệu. Nó giúp xây dựng đất nước. Tuy nhiên, giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông lại là những mặt rất tiêu cực. Tôi không hoàn toàn có câu trả lời. Tôi chỉ hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng những con đường an toàn hơn và quan trọng nhất là có kế hoạch để phát triển hệ thống giao thông công cộng. Tôi nghĩ đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Tôi chỉ hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng những con đường an toàn hơn và quan trọng nhất là có kế hoạch để phát triển hệ thống giao thông công cộng. Tôi nghĩ đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Ô. Greig Craft<br/>

Khánh An: Theo ông, bao giờ thì nạn kẹt xe sẽ được giải quyết? 10 năm hay 20 năm?

Ô. Greig Craft: Đối với tôi, vấn đề giao thông cũng giống như dịch bệnh AIDS. Tất cả chúng ta đều biết đó sẽ là vấn nạn toàn cầu. Nó giống một trận bão lớn đang thổi đến. Bởi vậy, chúng ta phải hành động trước khi trận bão này ập đến. Những hành động này không chỉ là cải thiện đường sá hay giáo dục con người mà cần phải kết hợp thành một hệ thống, trong đó có việc phát triển giao thông công cộng. Tôi không phải là người bi quan, nhưng tôi nghĩ, tình trạng hiện tại đang ngày càng xấu đi. Chúng ta chỉ biết cố gắng để giúp cho việc lưu thông dễ dàng hơn. Tôi không nghĩ vấn đề này có thể giải quyết được trong vòng 10 năm mà nó là vấn nạn kéo dài. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc có thể giúp đỡ về mặt tài chính để phân tích và tìm ra giải pháp cho vấn đề.

Văn hóa giao thông

greig-craft-150.jpg
Ô. Greig Craft. Photo courtesy of AIP Foundation.

Khánh An: Đó là nói về kinh tế, phát triển và quản lý. Thế còn về yếu tố con người thì sao?

Ô. Greig Craft Tôi nói rất thẳng thắn như trong trường hợp của các thanh thiếu niên chẳng hạn, khi họ có được một chiếc xe mới mà lại không được giáo dục kỹ lưỡng, cộng thêm hệ thống pháp luật không rõ ràng thì đây quả là tình huống lộn xộn. Vì vậy, điều mà chúng tôi và các tổ chức quốc tế khác làm là giúp cho chính quyền hiểu được tầm quan trọng của việc giáo dục con người và cập nhật các thông tin liên quan đến an toàn giao thông.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn ông Greig Craft đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự: