Những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực trồng lại rừng, ban hành luật và các quy định về đa dạng sinh học, gây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên.
Tuy nhiên, hiện trạng chặt phá rừng và săn bắt động vật hoang dã vẫn là một vấn đề lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Để tìm hiểu thêm về thực trạng rừng ở Việt Nam, Việt Hà có bài phỏng vấn giáo sư Võ Quý, chuyên gia về động vật học, chủ tịch hội sinh thái học Việt Nam.
Thực trạng rừng VN
Việt Hà: Xin giáo sư cho biết về thực trạng rừng ở Việt Nam hiện nay?
GS Võ Quý: Sau khi hết chiến tranh thì do một phần về phía Bắc do khai thác để làm nông nghiệp, một phần về phía Nam thì do chất độc hóa học, và sau đó ít lâu nữa thì hết sức là nghèo và phải hồi phục lại những tàn phá của chiến tranh, cho nên thời gian đầu là phải khai thác rừng vì thế cho nên đã có một lúc diện tích rừng xuống thấp, chỉ còn khoảng 28% của cả nước. Nhưng sau đấy thì thấy là việc phá rừng quá nguy hiểm, cho nên nhà nước và nhân dân đã tìm cách trồng lại rừng.
Tuy là khó khăn nhưng mà cho đến nay thì đã tăng lên được 37% diện tích của cả nước, diện tích tự nhiên. Như thế là có phần tiến bộ. Nhưng có một cái nữa là về diện tích bao phủ rừng thì có tăng thêm nhưng chất lượng rừng thì kém đi vì những vùng rừng tốt bị phá khá nhiều. Tuy thế thì chúng ta cũng đã cố gắng gây dựng những vườn quốc gia và khu bảo tồn.
Cho đến nay thì đã có được 126 vườn quốc gia và khu bảo tồn, chiếm khoảng 7% diện tích tự nhiên của cả nước. Đó là một điều hết sức tiến bộ. Nhưng mà cũng không phải là dễ dàng vì trong quá trình bảo tồn ấy thì cũng có nhiều nơi, nhân dân vẫn còn tiếp tục phá hủy rừng.
So với các nước Đông Dương, so với Lào và Campuchia thì rừng nguyên thủy của Lào và Campuchia nhiều hơn của ta.
GS Võ Quý
Việt Hà: Xin giáo sư giải thích thêm về chất lượng rừng kém đi là thế nào?
GS Võ Quý: Rừng vừa mới trồng là rừng non, và những cây đó thì đứng về mặt kinh tế thì giá trị không cao, chỉ mới là che phủ rừng thôi. Chỉ mới là che những đất trống đồi trọc thôi.
Còn những rừng nhiệt đới có những cây đặc biệt của Việt Nam thì kém đi. Rừng nguyên thủy, rừng giàu, rừng tốt chỉ còn lại khoảng 10% diện tích tự nhiên thôi. Tuy rằng có 37% là diện tích rừng nhưng chỉ có 10% là rừng tốt, rừng tự nhiên. So với các nước Đông Dương, so với Lào và Campuchia thì rừng nguyên thủy của Lào và Campuchia nhiều hơn của ta.
Khan hiếm thú quý
Việt Hà: Theo các chuyên gia thì Việt Nam có thảm thực vật, và động vật đa dạng, phong phú, nhưng Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ rừng do nạn phá rừng và săn bắt động vật hoang dã. Xin ông cho biết nguyên nhân của tình trạng này?
GS Võ Quý: Nước Việt Nam là một nước nhiệt đới, thì điều kiện về đa dạng sinh học là rất cao, có nhiều loại rừng khác nhau và trong mỗi loại rừng như thế, vì điều kiện khí hậu địa hình khác nhau, nên có nhiều hệ sinh thái rừng khác nhau.
Cũng vì thế có nhiều loại sinh vật, tức là thực vật khác nhau. Tức là đứng về mặt loài mà nói thì thực vật rất là đa dạng. Thì khi thực vật đã đa dạng thì động vật cũng đa dạng, và cái số loài động vật và thực vật của ta là một trong số nước giàu về đa dạng sinh học. Đó là phần thứ nhất.
Thứ hai là tuy là giàu thật nhưng là nước nhỏ hẹp, mà dân số lại cao. Vì thế cho nên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên rất mạnh mẽ bởi vì đa số người dân hiện nay còn sống phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì thế nên việc khai thác rừng, khai thác thực vật và động vật cho cuộc sống lớn, vì thế cho nên trong quá trình phát triển, cũng đã làm suy thoái các loài động vật và thực vật. Cũng vì thế cho nên nhiều loài động vật quý là hiếm dần, vì thế nhiều loài động vật và thực vật trở thành ngày càng hiếm.
Vì thế nên việc khai thác rừng, khai thác thực vật và động vật cho cuộc sống lớn, vì thế cho nên trong quá trình phát triển, cũng đã làm suy thoái các loài động vật và thực vật.
GS Võ Quý
Nỗ lực của VN
Việt Hà: Chính phủ Việt Nam đã làm gì để bảo vệ các loài thú quý hiếm?
GS Võ Quý: Hiện nay có luật về bảo vệ đa dạng sinh học, cấm săn bắt và buôn bán các động vật quý hiếm, nhưng ở Việt Nam vẫn khuyến khích nuôi trồng những động vật quý, tất nhiên không phải nuôi để làm thức ăn hay buôn bán nhưng mà nuôi để làm cho những loài đấy ngày một khá hơn, nhiều hơn, để rồi đưa trả lại trong thiên nhiên một phần. Ví dụ có một số nơi nuôi vọoc hoặc khỉ hiếm, sau khi đẻ ra thì trả về thiên nhiên.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn ngày hôm nay.