Bỏ chính lo phụ?
Thông tin đó nhắc người ta nhớ đến một sự kiện khác, xảy ra vào cuối tháng 12, đó là chuyện Bộ Tư pháp – cơ quan tham mưu cho chính phủ trong lĩnh vực tư pháp – thay vì phải chu toàn những công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình thì lại nhận làm những công việc ngoài chức trách, tạo ra nhiều điều tiếng.
Thay vì phải chu toàn những công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình thì lại nhận làm những công việc ngoài chức trách, tạo ra nhiều điều tiếng.
Tại điều 1 của nghị định mang số 93 ban hành năm 2008, Thủ tướng Việt Nam xác định: Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước, quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2009 và triển khai công tác tư pháp năm nay vừa diễn ra hồi đầu tuần này, ông Trương Vĩnh Trọng, một Phó Thủ tướng, xác nhận chính phủ đang “nợ” xã hội 87 nghị định hướng dẫn luật. Điều đó đồng nghĩa với việc có cả trăm bộ luật, pháp lệnh tuy đã được ban hành nhưng chưa thể thực hiện.
Tình trạng đó, tất nhiên có trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Cũng tại hội nghị vừa kể, ông Hoàng Thế Liên, một Thứ trưởng của Bộ Tư pháp, loan báo, đang có khoảng 300.000 bản án dân sự chưa được thi hành. Đây tất nhiên cũng là trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Trong bối cảnh như thế, người ta thấy Thông tấn xã Việt Nam loan báo, ngày 29 tháng 12 năm ngoái, Bộ Tư pháp đã ký một “thỏa thuận hợp tác” với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, gọi tắt là Petro Vietnam, để “cung cấp, hướng dẫn các nội dung chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, luật quốc tế ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Petro Vietnam, hỗ trợ chia sẻ pháp lý để các hoạt động đầu tư được an toàn, nhanh chóng và hiệu quả”.
Liệu một cơ quan thay mặt chính phủ quản lý lĩnh vực tư pháp như Bộ Tư Pháp có thể ký một “thỏa thuận hợp tác” riêng với Petro Vietnam để hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ chia sẻ pháp lý cho doanh nghiệp này?
Chúng tôi đã nêu câu hỏi ấy với một vài người am tường pháp luật cũng như hiện tình Việt Nam. Ông Cù Huy Hà Vũ, một Tiến sĩ Luật, nhận định: Trước hết phải khẳng định rằng để làm ăn đúng pháp luật và có hiệu quả thì cần phải có tư vấn về pháp luật nhưng ở đây, trong trường hợp Bộ Tư pháp đứng ra ký với Petro Vietnam một thỏa thuận hợp tác cung cấp dịch vụ pháp lý, cụ thể, Bộ Tư pháp sẽ đóng vai trò như một văn phòng luật sư, như một công ty tư vấn pháp luật là trái pháp luật!
Bởi vì các cơ quan quản lý nhà nước không được, không có quyền mang lại lợi nhuận hoặc nhằm mục đích lợi nhuận. “Thỏa thuận hợp tác” thực tế là che giấu quan hệ cung ứng dịch vụ pháp lý từ Bộ Tư pháp cho Petro Vietnam. Đó là một thỏa thuận trái pháp luật. Bộ Tư pháp không có quyền cung ứng dịch vụ pháp lý cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
Vừa không thể, vừa không được phép
Cùng tham gia trả lời câu hỏi vừa kể, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết ý kiến của ông, đồng thời dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc trao đổi ngắn: Tôi nghĩ rằng cơ quan nhà nước phải làm việc của nhà nước. Bộ Tư pháp phải lo vấn đề tư pháp như thế nào chứ không phải đi cung cấp dịch vụ cho một doanh nghiệp.
Cơ quan nhà nước có thể ký hợp đồng để các văn phòng luật hay là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho mình chứ không phải là cơ quan nhà nước đi làm dịch vụ theo kiểu thương mại như vậy.
Bản thân các cơ quan nhà nước vẫn có thể cung cấp dịch vụ nhưng dịch vụ đấy phải thuộc nghĩa vụ của cơ quan nhà nước đấy và không thể đi ký một hợp đồng mà phân tích kỹ thì là hợp đồng thuần túy thương mại như vậy. Đây là chuyện hoàn toàn không ổn.
Cơ quan nhà nước có thể ký hợp đồng để các văn phòng luật hay là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho mình chứ không phải là cơ quan nhà nước đi làm dịch vụ theo kiểu thương mại như vậy.
Trân Văn: Thưa Tiến sĩ, theo chức năng, Bộ Tư pháp là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng trong việc rà soát, xem xét, kiến nghị thu hồi hay bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với luật pháp hiện hành.
Trong trường hợp này, khi Bộ Tư pháp ký một thỏa thuận hợp tác không đúng về mặt pháp lý như thế thì còn cơ quan nào khác để kiến nghị xem xét lại việc mà Bộ Tư pháp đã làm không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rồi bản thân Chính phủ có thể can thiệp chuyện này. Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp có nói rằng Bộ Tư pháp có thễ hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng là hỗ trợ với tư cách một cơ quan nhà nước. Việc hỗ trợ đấy phải vô tư, cho tất cả doanh nghiệp, chứ không phải là cho một hay hai doanh nghiệp nào đấy. .
Trân Văn: Thưa Tiến sĩ, cũng trong ngày 29 tháng 12, tôi đọc thấy trên tờ Nhân Dân một tin khác. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo, nét mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng là sự phối hợp thường xuyên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp, ký kết hợp đồng với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ để tổ chức tập huấn các chuyên đề tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng. Thưa Tiến sĩ, tại Việt Nam, nếu không sinh lợi thì người ta có thể dùng khái niệm ký kết hợp đồng không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Bất luận là có sinh lợi hay không sinh lợi thì tôi nghĩ việc ký các hợp đồng và thỏa thuận như thế là không nên. Nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước là phải làm việc đó, không thể thu tiền nữa.
Lẽ ra là bên Mặt trận nên ký kết hợp đồng với một tổ chức có thể cung cấp những dịch vụ như thế, những dịch vụ đấy chưa chắc đã cần phải sinh lời, bởi vì các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức bất vụ lợi cũng có thể ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và người ta cũng có thể thu tiền nhưng mục đích thu tiền là để phát triển tiếp tổ chức của người ta, chứ không phải để kiếm lợi cho ai đó.
Bộ Tư pháp có ký hợp đồng với Petro Vietnam hay ký hợp đồng với Mặt trận không phải vì mục đích sinh lợi bởi vì không thể làm chuyện đó được nhưng dẫu không sinh lợi thì cũng có các tổ chức phi vụ lợi người ta làm chứ không phải là cơ quan nhà nước.
Trân Văn: Thưa Tiến sĩ, đối chiếu những dịch vụ mà Bộ Tư pháp cung cấp cho Petro Vietnam với các định nghĩa về hành nghề luật sư trong Luật Luật sư thì thấy có khá nhiều điễm tương đồng,…
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: ,,,Vâng đúng như vậy!
Trân Văn: ,,,Và trong Luật Luật sư có một qui định rất rõ ràng. Đó là cấm việc hành nghề luật sư đối với những tổ chức, cá nhân không phải là luật sư. Thế thì trong trường hợp này, khi Việt Nam đã có Liên đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư được xem như là một tổ chức vừa đảm bảo quyền lợi cho giới luật sư, vừa là một cơ quan quan sát việc thi hành những qui định pháp luật có liên quan đến luật sư, Tiến sĩ có nghĩ rằng Liên đoàn Luật sư nên lên tiếng không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Đấy cũng chính là câu hỏi mà tôi đặt ra trong bài viết của tôi. Có một đối tác cạnh tranh không cân xứng, tại sao các văn phòng luật sư, các công ty tư vấn luật không lên tiếng?Tại sao mà Liên đoàn Luật sư không lên tiếng? Đấy là một điểm yếu của các tổ chức tại Việt Nam. Liên đoàn Luật sư là một tổ chức phi chính phủ.
Những vấn đề phát sinh từ sự kiện Bộ Tư pháp ký “thỏa thuận hợp tác” nhằm hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ chia sẻ pháp lý cho Petro Vietnam hay chuyện Bộ Tư pháp cùng Bộ Nội vụ “ký kết hợp đồng” với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để “tập huấn các chuyên đề tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng”, không chỉ ngừng lại ở những nội dung mà Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề cập. Cũng vì vậy, mời qúy vị đón nghe bài kế tiếp.