Hoặc Bộ Tư pháp cùng với Bộ Nội vụ “ký kết các hợp đồng” với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để “tập huấn các chuyên đề tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng”.
Cũng trong phần trước, một số chuyên gia am tường pháp luật và hiện tình Việt Nam phân tích tại sao họ lại xem các “thỏa thuận hợp tác” và “hợp đồng” ấy bất ổn, không thể chấp nhận được. Tuy nhiên câu chuyện này không chỉ ngừng ở đó.
Một xu thế
Câu chuyện Bộ Tư pháp, cơ quan đảm trách vai trò "quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi toàn quốc" đứng ra ký "thỏa thuận hợp tác" để hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ, chia sẻ pháp lý cho Petro Vietnam, với tư thế như một văn phòng luật sư hay công ty luật không chỉ gây băn khoăn vì trái pháp luật.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trình bày thêm lý do vì sao câu chuyện này khiến ông lo ngại: Tuy Petro Vietnam là của nhà nước nhưng đó là một cơ quan kinh doanh mà cơ quan kinh doanh thì hoạt động theo những nguyên tắc về kinh doanh. Bây giờ Petro Vietnam lại kết hợp với một cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu. Tức là làm tha hóa bộ máy nhà nước. Lợi nhuận hóa bộ máy công quyền. Đây là một điều nguy hiểm. Nó phá hoại bộ máy nhà nước.
Bây giờ Petro Vietnam lại kết hợp với một cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu. Tức là làm tha hóa bộ máy nhà nước. Lợi nhuận hóa bộ máy công quyền.
LS Cù Huy Hà Vũ
Thế nhưng đó chỉ là sự lo ngại của một Tiến sĩ luật đứng bên ngoài bộ máy công quyền.
Ông Hà Hùng Cường, cũng là một Tiến sĩ Luật nhưng đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Tư pháp thì nhìn vấn đề hoàn toàn khác. Khi tường thuật về sự kiện Bộ Tư pháp ký "thỏa thuận hợp tác" với Petro Vietnam để hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ chia sẻ pháp lý cho doanh nghiệp này, Thông tấn xã Việt Nam kể thêm rằng: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc hợp tác giữa hai bên sẽ là "cú hích" quan trọng không chỉ giúp Petro Vietnam trưởng thành hơn về mặt pháp luật, pháp lý mà trong tương lại sẽ đúc rút kinh nghiệm giúp các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế khác hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư hiệu quả hơn, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Căn cứ vào tuyên bố đó, Bộ Tư pháp sẽ ký nhiều “thỏa thuận hợp tác” khác với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế khác? Bất kể chính phủ đang “nợ” xã hội 87 nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, điều này đồng nghĩa với việc có cả trăm bộ luật, pháp lệnh tuy đã được ban hành nhưng chưa thể thực hiện? Đồng thời đang có khoảng 300.000 bản án dân sự chưa được thi hành? Tất cả những tồn tại ấy cùng liên quan tới trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Theo dõi báo chí Việt Nam, người ta thấy Bộ Tư pháp không chỉ quan tâm tới các “thỏa thuận hợp tác” với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Trên số ra ngày 29 tháng 12, tờ Nhân dân tường thuật cùng với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp đã “ký kết hợp đồng” với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn các cấp để cùng làm công việc “tổ chức tập huấn các chuyên đề tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng”. Trong khi cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hào hứng tuyên bố đó là “nét mới” về tuyên truyền, giáo dục phòng chống tham nhũng thì một vài người nêu thắc mắc, phải chăng, nhờ nhận thức “tham nhũng là quốc nạn” mà các bộ: Nội vụ, Tư pháp có thêm hàng loạt đối tác “thường xuyên” để ký hàng loạt “hợp đồng”?
Nhiều rủi ro
Điều 2 của nghị định mang số 178, được ban hành năm 2007 để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, các cơ quan ngang bộ xác định: Bộ, cơ quan ngang Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi cả nước, quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Thế nhưng thực tế cho thấy hình như nhiều bộ, kể cả các viên chức cao cấp lãnh đạo các bộ đều thích làm thêm. Tình trạng này phổ biến tới mức, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cảnh báo: Có một hiện tượng rằng, các tập đoàn nhà nước sẽ kết hợp với các cơ quan nhà nước, tạo thành một vòng tròn khép kín, mang lại thù lao, mang lại lợi nhuận cho nhau mà không bị công chúng kiểm soát. Đấy là điều có thể nói là không minh bạch.
Gần đây, minh bạch là hai từ thường xuyên được đề cập tại Việt Nam song đôi khi sự minh bạch lại dễ làm công chúng choáng váng.

Chính phủ Việt Nam hiện có một tổng công ty chuyên dùng vốn của nhà nước để đầu tư và kinh doanh. Tên đầy đủ của doanh nghiệp nhà nước này là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nhưng thường được gọi tắt là SCIC.
Đầu tháng 12 năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước công bố Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của SCIC cho đến năm 2008. Theo báo cáo đó, tính đến cuối năm 2008, tổng tài sản của SCIC là 40.718 tỉ đồng nhưng SCIC lại đang nợ 27.302 tỉ đồng, nên vốn chỉ còn 13.416 tỉ đồng.
Nhiều khi việc của Nhà nước thì không làm mà đi làm những việc của người khác. Đấy là một căn bệnh trầm kha của nền hành chính Việt Nam.
TS Nguyễn Quang A
Vì SCIC là một doanh nghiệp nhà nước, nên SCIC được đặt dưới sự kiểm soát của một số bộ như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Thay vì đứng ngoài, kiểm tra, giám sát hoạt động của SCIC, một số viên chức cao cấp của các bộ: Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Công Thương lại tham gia vào Hội đồng quản trị SCIC.
Bởi Kiểm toán Nhà nước loan báo, trong năm 2008, thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC là 78,5 triệu đồng/tháng, nên giữa tháng 12, Bộ Tài chính phải gửi một công văn, đính chính với công chúng rằng, từ năm 2008 đến nay, ông Vũ Văn Ninh - Bộ trưởng Tài chính, ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Tài chính, ông Cao Viết Sinh – Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư, ông Đỗ Hữu Hào – Thứ trưởng Công Thương, chỉ là thành viên không chuyên trách của Hội đồng Quản trị SCIC, các ông này chỉ nhận phụ cấp kiêm nhiệm là hơn 2 triệu đồng mỗi người một tháng.
Tuy có đến bốn viên chức cao cấp là lãnh đạo ba bộ của chính phủ tham gia hội đồng quản trị song theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến cuối năm 2008, SCIC còn thiếu ngân sách khoản thuế khoảng 25 tỉ đồng. Chưa kể Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện SCIC có nhiều sai phạm tài chính, khoản tiền phải xử lý lên tới 1.025 tỉ đồng.
Vì sao lại có có tình trạng các cơ quan công quyền vừa quản lý, vừa làm thuê? Tiến sĩ Nguyễn Quang A tâm sự : Đáng tiếc là có một sự lẫn lộn. Các cơ quan nhà nước lẽ ra chỉ làm những công việc của Nhà nước chứ không phải đi làm những việc khác. Nhiều khi việc của Nhà nước thì không làm mà đi làm những việc của người khác. Đấy là một căn bệnh trầm kha của nền hành chính Việt Nam.
Cốt lõi của cải cách hành chính là các cơ quan Nhà nước chỉ làm việc cai trị mà thôi.
Cung cấp dịch vụ công là do các tổ chức có thể là thuộc sở hữu nhà nước nhưng mà nó không phải là cơ quan nhà nước!
Có một sự lẫn lộn về mặt chức năng, nhiệm vụ, ai được làm gì. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những việc được liệt kê trong những văn bản pháp lý. Làm ngoài những điều đó là vi phạm pháp luật. Người bị ảnh hưởng đến quyền lợi là có quyền kiện.
Người bị ảnh hưởng đến quyền lợi có quyền kiện nhưng đã có bao nhiêu vụ kiện?