‘Chuyện bình thường’
Những ngày qua, hình ảnh Vạn lý trường thành, một kỳ quan thế giới thuộc sở hữu của người Trung Hoa, xuất hiện trên bìa sách giáo khoa Lịch sử lớp 7 của Việt Nam khiến dư luận xôn xao và bất bình.
Có thể thấy ngay rằng, đây là một trong nhiều những sự việc với hình thức tương tự đã và đang diễn ra trong bối cảnh người dân trong nước kiên quyết chống đối những chính sách ngày càng gắn kết chặt chẽ với Trung Quốc của chính quyền Việt Nam.
Ví dụ như con đường Trần Phú, thành phố du lịch Nha Trang – Khánh Hoà tràn ngập các bảng hiệu ghi tiếng Trung Quốc. Rồi gần đây, cộng đồng mạng xã hội lại “sôi sục”, phẫn nộ khi hình ảnh chiếc vé tàu cao tốc Cát Linh – Hà Đông có in tiếng Trung Quốc.
Vì lẽ đó mà khi bìa sách giáo khoa Lịch sử lớp 7 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có in hình Khuê Văn Các của Việt Nam cùng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, trong nước đã làm bùng lên những chỉ trích giận dữ.
<i>Lịch sử thì có cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, cho nên có hình Vạn lý trường thành thì cũng là chuyện bình thường. Chỉ có điều lúc này dân mình quá tức những hành động và âm mưu của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với nước ta cho nên vấn đề trở nên rất nhạy cảm. Những chi tiết như trên thì các nhà giáo dục, các cơ quan xã hội, công cũng như tư, nên cẩn trọng hơn. - Thâm Giang Trần Gia Ninh</i>
Các ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội Facebook đa số đều cho rằng đó là một động thái chứng tỏ sự “thuần phục”.
Facebooker An Chau Nguyen viết rằng: “Giáo dục... nhồi sọ học sinh từ nhỏ: Văn Miếu gắn liền với Trường thành của Tàu (nguyên trên bìa sách ) là sao !?”
Facebooker Thanh Tam Tran cho biết: “Sách sử Việt Nam, ảnh bìa hình từ Tàu. Tư duy sáng tạo, của những người kiến tạo.”
Bên cạnh những chỉ trích, bất bình lan rộng trên mạng xã hội, RFA tìm hiểu ý kiến của những nhà nghiên cứu về lịch sử, giáo dục về những phê bình trên của dư luận. Một trong những người đó là tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học công nghiệp Việt Nam tại Hà Nội. Vì lý do sức khoẻ, ông chỉ có thể chia sẻ với RFA qua tin nhắn.
Trước tien ông cho biết quan điểm của mình về hình ảnh của bìa sách Lịch sử lớp 7 đang gây tranh cãi.
“Lịch sử thì có cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, cho nên có hình Vạn lý trường thành thì cũng là chuyện bình thường. Chỉ có điều lúc này dân mình quá tức những hành động và âm mưu của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với nước ta cho nên vấn đề trở nên rất nhạy cảm. Với những chi tiết như trên thì các nhà giáo dục, các cơ quan xã hội, công cũng như tư, nên cẩn trọng hơn.”
Theo tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh, một điều đáng lưu ý nữa, sách lịch sử này đã được in từ mấy năm trước nhưng không có ai lên tiếng. Nay, vì những lý do như ông đã nói, vấn đề được khơi gợi và trở thành lý do của sự bất bình trong công chúng.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ nhận xét sự việc dựa trên tương quan của một vấn đề gọi là “vấn đề Trung Quốc” hiện nay ở Việt Nam.
Ông cho biết xét theo bối cảnh tâm lý chung của người Việt lúc này, bất cứ điều gì, sự việc gì có liên quan đến Trung Quốc đều dễ dàng gây ra những bất bình và tâm lý không thiện cảm.
“Hình Vạn lý trường thành thì có gì đâu mà mình phải thấy nó là 1 điều không hay? Nó là 1 kỳ quan của thế giới. Mình phải thấy nó rất vĩ đại, thật sự. Không phải đưa lên là mình nói theo Trung Quốc hay gì cả. Rất đáng để học sinh của biết về thế giới xung quanh mình.
Cái gì cũng Việt Nam hết thì làm sao học sinh chúng ta biết có một nhân sinh quan của thế giới?”
<i> <i>Hình Vạn lý trường thành thì có gì đâu mà mình phải thấy nó là 1 điều không hay? Nó là 1 kỳ quan của thế giới. Mình phải thấy nó rất vĩ đại, thật sự. Không phải đưa lên là mình nói theo Trung Quốc hay gì cả. Rất đáng để học sinh của biết về thế giới xung quanh mình. - GS Võ Tòng Xuân</i> </i>
Chính trên mạng xã hội cũng không ít người có đồng quan điểm với Giáo sư Võ Tòng Xuân, khi cho rằng hình ảnh này hoàn toàn bình thường, không có gì đáng bàn cãi bởi đây là một công trình tiêu biểu của nhân loại, là một phần trong tiến trình lịch sử thế giới.
Truyền thông trong nước dẫn lời một giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, thầy giáo Trần Trung Hiếu, về vấn đề này và ông có quan điểm đồng thuận với Giáo sư Võ Tòng Xuân. Đó là hình ảnh công trình kiến trúc Vạn Lý Trường Thành trên bìa SGK Lịch sử lớp 7 hiện hành không có gì là sai, nhạy cảm hay phản cảm.
Cần nhìn ở góc độ dung hoà
Tối thứ Tư ngày 15 tháng 8, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời VTC News, cho biết, hình ảnh minh họa in ở trang bìa sách lịch sử lớp 7 thể hiện một phần nội dung bên trong cuốn sách. Sách đã được Hội đồng thẩm định Quốc gia thẩm định và thông qua, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sử dụng trong toàn quốc từ 2003 đến nay.
Trên mạng xã hội cũng có những phân tích từ dư luận đưa ra cho thấy cuốn giáo khoa lịch sử lớp 7 này có hai phần, lịch sử thế giới có 7 bài, trong đó có 1 bài về Trung Quốc. Lịch sử Việt Nam có 6 chương gồm 30 bài tổng cộng.
Nhiều ý kiến trên mạng xã hội nêu vấn đề rằng vì sao phải dùng kỳ quan của Trung Quốc, là Vạn lý trường thành? Vì sao không in những kỳ quan của Việt Nam đã được Unessco công nhận hoặc các hình ảnh lịch sử tiêu biểu như: Hoàng Thành Thăng Long, Kinh Thành Huế, Mỹ Sơn…
Vấn đề này được Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ quan điểm:
“Tôi nghĩ là chúng ta không nên có suy nghĩ là cái gì của Việt Nam là vẫn hay, chỉ học của Việt Nam thôi mà không học của thế giới, nhất là Trung Quốc. Ông bà mình cho tới bây giờ cũng kế thừa rất nhiều tập quán, rồi những cách ăn ở từ Trung Quốc. Họ đã đô hộ mình cả ngàn năm, mình đã thoát ra và tự hào là người Việt Nam. Nhưng không vì thế mà coi mọi thứ của Trung Quốc là xấu cả.
Cái công trình rất vĩ đại Vạn lý trường thành đâu có nước nào làm nổi. Nó xứng đáng cho học sinh mình biết.”
<i> <i>Cái công trình rất vĩ đại Vạn lý trường thành đâu có nước nào làm nổi. Nó xứng đáng cho học sinh mình biết. - GS Võ Tòng Xuân</i> </i>
Nói một cách khác, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nếu cứ mãi rao giảng cho thế hệ sau câu nói “Việt Nam rừng vàng biển bạc”, “cái gì cũng nhất” thì đó là lại vô hình trung là cách truyền tải phản giáo dục.
Thầy giáo Trần Trung Hiều trả lời báo trong nước rằng có một thực tế là rất nhiều năm qua, tâm lý chung của nhiều người khi nhắc đến tên "Trung Quốc" và những "sản phẩm" của họ khi được "nhập khẩu" vào Việt Nam, từ kinh tế đến văn hóa, tư tưởng với nhiều cụm từ, danh từ, động từ, tính từ rất thiếu thiện cảm và thân thiện.
Tâm lý này có cơ sở từ lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước của người Việt. Tư tưởng "ghét Tàu", "bài Tàu" của nhiều người dân gần như đã ăn sâu vào tiềm thức và máu thịt qua nhiều thế hệ, đã lan tỏa, đi sâu vào tận chốn làng quê đất Việt. Chính vì thế, theo thầy giáo Hiếu, nó dẫn thế một tâm thế và tư tưởng chưa được công bằng, khách quan của đa số người dân Việt Nam hiện nay khi nhìn nhận về Trung Quốc.
Đây cũng chính là nhận định của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh. Ông kêu gọi mọi người nên xem xét từng vấn đề ở góc độ dung hoà và thông minh hơn, hướng đến một lợi ích to lớn hơn.