Một số ý kiến nói, nên xem bệnh nhận là khách hàng, bởi vì doanh giới luôn đối đãi với khách hàng như vua chúa, tuy nhiên từ “khách hàng” cũng có nghĩa là “lợi nhuận” hoặc “con mồi” dễ bị làm tiền hay bị bòn rút, để trục lợi.
Bác sĩ Trần Thanh Hùng trước đây phục vụ với tư cách là nội trú bộ môn thần kinh đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh, hiện ông đang làm công việc nghiên cứu và chữa bệnh tại y viện Salpêtrière, Paris cho biết, ở Pháp, bảo hiểm xã hội toàn dân là một chính sách bắt buộc, mọi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ.
Bản thân tôi thì tâm niệm rằng nhiệm vụ của người thầy thuốc là phải điều trị cho bệnh nhân. Nếu coi người ta là khách hàng và chỉ trị bệnh khi người ta có tiền thì đâu có được.
GSTS Lê Văn Cường
Mỗi bác sĩ chỉ khám cho khoảng 10 bệnh nhân vào buổi sáng khi làm việc ở phòng mạch, được trả lương xứng đáng. Bệnh nhân luôn phải xin hẹn trước, trừ các trường hợp cấp cứu, nguy kịch thì được nhập viện khẩn cấp. Bệnh nhân nằm viện, mỗi phòng chỉ tiếp nhận một hoặc hai bệnh nhân, được thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với số bệnh mãn tính.
Bên cạnh hệ thống công cũng có hệ thống y tế tư nhân, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người dân có thu nhập cao, cần sự theo dõi đặc biệt với chi phí thanh toán rất đắt tiền. Tuy nhiên theo bác sĩ Trần Thanh Hùng, tác giả bài báo “không thể xem bệnh nhân là khách hàng” thì dù là hệ thống công hay tư, thì mục tiêu ngành y tế bên Châu Âu hay tại Pháp lâu nay vẫn nhằm mục tiêu và tôn chỉ là chăm sóc đúng mức sức khoẻ người dân, chứ không phải học và hành nghề y dược, để làm giàu.
Trở lại với thực trạng ngành y tế tại Việt Nam thì dư luận cho rằng, đất nước ta còn nghèo, lắm khó khăn, cơ sở vật chất, hạ tầng thiếu thốn, còn nhiều tệ nạn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, lãng phí, tham nhũng, kể cả trong lãnh vực y tế.
Tuy nhiên, theo các quan chức hữu trách cũng như cơ quan chức năng thì không ai có thể phủ nhận sự phát triển không ngừng của nền y tế nước nhà cũng như sự tận tâm, lòng nhiệt thành, tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc chân chính, qua nhiều thế hệ được thể hiện qua câu ngạn ngữ “lương y như từ mẫu”.
Chữa bệnh là y đức
Qua câu chuyện với hai vị bác sĩ, tiến sĩ là những đồng nghiệp của bác sĩ Trần Thanh Hùng, một giảng dạy tại đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh, một hành nghề tại thủ đô Paris, Pháp, cả hai đều nói lên thiên chức cao cả của người thầy thuốc ở Việt Nam, cũng như bên trời Âu. Theo hai ông thì chuyện làm giàu qua việc chăm sóc bệnh nhân là những trường hợp riêng lẻ.
Từ Saigon, phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Cường, giảng dạy tại trường đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh giải thích: “Nghề y đúng như người ta nói, lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền, còn coi bệnh nhân như khách hàng, thì đó là quan niệm của một số người thôi, chứ không phải mọi người đều nghĩ như vậy. Thầy thuốc thì cũng có nhiều hạng thầy thuốc, đa số đều là người tốt, coi chuyện chữa bệnh là trên hết và lấy điều đó là y đức của mình, đứng hàng đầu.
Bản thân tôi thì tâm niệm rằng xã hội và gia đình tạo điều kiện cho mình học, để sau đó mình cứu người, và không nên coi bệnh nhân là khách hàng, nhiệm vụ của người thầy thuốc là phải điều trị cho bệnh nhân. Nếu coi người ta là khách hàng và chỉ trị bệnh khi người ta có tiền thì đâu có được.”
Bác Sĩ Trương Tấn Trung Francois đang hành nghề tại Paris, Pháp góp thêm ý kiến: “Mọi người bên Pháp, một cách rất phổ quát đều được tiếp đón và chữa trị dù tại phòng mạch các y sĩ tư hay công, nhà thương công hay tư, tất cả đều áp dụng cùng một giá cả, và được tiếp đón rất đàng hoàng, bởi vì không có sự phân biệt, không coi đó là một khách hàng. Người bệnh tới thì được điều trị.
Bên đây người y sĩ không lo lắng nhiều, chỉ làm việc bình thường, đàng hoàng, thì có đủ lợi nhuận. Chuyện lợi dụng thì dĩ nhiên trong ngành nghề nào thì cũng có những người đã qua một thời gian dài kinh nghiệm làm việc, người ta nghĩ ra cách nào để kiếm tiền nhiều hơn là bình thường.
Fact box | |
|
Qua những cách gian lận, thì người ta cũng có thể làm được, như kiếm tiền bằng cách làm một mà tính hai, trong khuông khổ những bao cấp của xã hội. Ngoài ra những người làm trong ngành y tế cũng có những phương cách chữa trị có vẻ mới mẻ, tân tiến, thì số ít những người đó có đề nghị tính thù lao cao, đôi khi nó không phù hợp với chứng bệnh mà chứng bệnh đó có thể được chữa trị một cách bình thường ở một bệnh viện.
Qua cách đó, người ta kiếm được lợi nhuận khác hơn, bởi vì làm việc nên đây ai cũng phải khai báo hết, như vậy chỉ có cách đi bên ngoài lề, hoặc nếu bên trong lề của luật pháp thì phải tìm cách mánh mối thế nào đó, có nghĩa là ăn gian mà thôi.”
Theo báo giới và dư luận từ Việt Nam thì y tế cũng như giáo dục là những ngành có tầm quan trọng đặc biệt là phương tiện, là dịch vụ bảo đảm an ninh xã hội, chăm lo trí tuệ, sức khoẻ cho toàn dân, chính vì thế mà y tế không phải là một ngành thương mại, để thu lợi nhuận cao, kiếm lời nhiều.
Bác sĩ Trần Thanh Hùng, từng được đào tạo trong nước và nay phục vụ tại Pháp cũng nhấn mạnh rằng, lương y không thể xem bệnh nhân làm khách hàng của mình và càng không thể thương mại hoá vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho quảng đại quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối với người dân Việt với thu nhập trung bình chưa đủ ăn, đủ mặc.
Vẫn theo tờ Tuổi Trẻ thì nhà nước cần có chính sách từng bước cải thiện mạng lưới chăm sóc sức khoẻ cho dân chúng, mà cụ thể là nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học, kỹ thuật của nhân viên y tế, cải tiến điều kiện làm việc của họ và đầu tư mạnh vào việc mua sắm trang thiết bị hiện đại, hầu tiến tới mục tiêu đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ đồng đều, kể cả người vô gia cư, không nghề nghiệp, không có thu nhập.