Việt Hùng, phóng viên đài RFA
Về phiên toà ngày 10-05 tới đây tại thành phố Hồ Chí Minh xử ba thành viên của đảng Dân chủ Nhân dân là bác Lê Nguyên Sang, nhà báo Huỳnh Nguyên Đạo và luật sư Nguyễn Bắc Truyển vi phạm điều 88 tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Việt Hùng của Ban Việt ngữ đã phỏng vấn đại diện đảng Dân chủ Nhân dân ở Hải ngoại là ông Đỗ Công Thành, người từng bị nhà nước Việt Nam cáo buộc phạm điều 88 và bị trục xuất khỏi Việt Nam hồi tháng 9 năm 2006.
Việt Hùng: Thông tin chúng tôi cập nhật trong cuộc nói chuyện với em trai của bác sĩ Lê Nguyên Sang cho biết ngày 10-05 tới đây là xử nhưng gia đình hoàn toàn không được thông báo trong khi gia đình luật sư Nguyễn Bắc Truyển thì lại được chính quyền thông báo trước 10 ngày đúng theo tinh thần của điều 182 trong Luật Tố tụng Hình sự, vấn đề này có thể hiểu như thế nào?
Ông Đỗ Công Thành: Rất là khó để mà có một nhận định là tại sao cùng một vụ án mà nhà nước Việt Nam lại có quyết định và hành xử khác biệt như vậy.
Theo suy nghĩ của tôi cũng có thể bác sĩ Lê Nguyên Sang thân nhân gia đình có những trao đổi và có khả năng thông tin ra bên ngoài cho nên họ e ngại nếu thông báo cho gia đình của bác sĩ Lê Nguyên Sang biết thì nguồn tin có thể bị tiết lộ ra bên ngoài… và đó chỉ là suy luận của tôi thôi chứ thật sự khó có thể biết được tại sao nhà cầm quyền lại có những hành động bất cập như vậy.
Việt Hùng: Như vậy có thể nói phiên toà ngày 10-05 tới đây chỉ có luật sư Nguyễn Bắc Truyển là có luật sư bào chữa, còn bác sĩ Lê Nguyên Sang và ký giả Huỳnh Nguyên Đạo là không có luật sư bào chữa hay sao thưa ông?
Ông Đỗ Công Thành: Chúng tôi ghi nhận, luật sư Nguyễn Bắc Truyển vì đuợc thông tin sớm cho nên gia đình cũng đã tìm được một luật sư đứng ra bào chữa, còn trường hợp bác sĩ Lê Nguyên Sang và ký giả Huỳnh Nguyên Đạo cho đến giờ phút này không ghi nhận cụ thể gì hết…và có thể sẽ là một phiên toà không công khai và không công bằng.
Chúng tôi ghi nhận, luật sư Nguyễn Bắc Truyển vì đuợc thông tin sớm cho nên gia đình cũng đã tìm được một luật sư đứng ra bào chữa, còn trường hợp bác sĩ Lê Nguyên Sang và ký giả Huỳnh Nguyên Đạo cho đến giờ phút này không ghi nhận cụ thể gì hết…và có thể sẽ là một phiên toà không công khai và không công bằng.
Việt Hùng: Ông nói phiên toà không công khai và không công bằng, điều gì để có thể nói như vậy trong khi ngày mùng 3-05 vừa qua Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chính thức tổ chức họp báo sẽ xét xử vụ án vào ngày 10 và 15-05.
Ông Đỗ Công Thành: Trên nguyên tắc thì họ công bố đây là một phiên toà công khai, tuy nhiên theo qui định của luật pháp thì nhà nước phải thông báo cho gia đình một khoảng thời gian ít nhất là 10 ngày để gia đình có thời gian chuẩn bị thuê luật sư tìm hiểu vụ án.
Trên danh nghĩa họ công bố đây là một phiên toà công khai, nhưng với cách hành xử như vậy thì đó không phải là phiên toà công khai. Một phiên toà rất vội vã, không có luật sư hiện diện trong suốt quá trình giam giữ, thân nhân không được gặp, luật sư không được gặp…
Việt Hùng: Thưa ông Đỗ Công Thành các ông nói các ông đấu tranh bất bạo động trong khi báo chí tại Việt Nam nói có những bằng chứng cụ thể là bác sĩ Lê Nguyên Sang trực tiếp 5 lần in và rải hơn 1000 tờ truyền đơn có nội dung chống đảng, chống nhà nước Việt Nam?
Ông Đỗ Công Thành: Đảng Dân chủ Nhân dân của chúng tôi thành lập chúng tôi xác định đây là cuộc đấu tranh bất bạo động, ôn hòa, chủ trương tự do dân chủ và nhân quyền là gốc để đòi hỏi nhà nước ViệtNam chấp nhận tiếng nói đối lập. Trên căn bản như vậy cho nên những công tác, những hoạt động mà chúng tôi làm, thực hiện trong suốt thời gian kể từ ngày thành lập cho đến ngày hôm nay hoàn toàn không mang tính bạo động hay kích động…
Những việc rải truyền đơn hay phổ biến những bài viết trên mạng, viết bài, in báo…chỉ là những việc làm phổ biến mang tư tưởng, mang quan niệm phổ biến đường lối và những chuyện này hoàn toàn mang tính hợp pháp đối với Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam họ đã xác định rất rõ điều 69 qui định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền thông tin và có quyền lập hội…thành ra chúng tôi thực hiện những quyền đó.
Việt Hùng: Nhưng mà thưa ông Đỗ Công Thành, ông nói đảng của các ông lấy tiêu chí bất bạo động, đấu tranh cho dân chủ, cho tự do, nhưng mà trong khi các ông rải truyền đơn tập hợp lực lượng rồi lại kêu gọi biểu tình… thì những cái đó có nằm trong tiêu chí bất bạo động hay không?
Ông Đỗ Công Thành: Như tôi đã trình bày điều 69 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam xác định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp thì chúng tôi chỉ làm một việc là kêu gọi người dân biểu tỏ thái độ chính trị của mình, phê phán những sai lầm của nhà nước và đảng tham nhũng, lạm quyền, hà hiếp đối với người dân. Những cái đó chỉ biểu tỏ chính kiến của mình mà thôi chứ không phải là bạo động kêu gọi bạo loạn…thì hai sự kiện hoàn toàn khác nhau.
Việt Hùng: Nhưng mà nhà nước Việt Nam nói rằng các ông làm những việc như gạch chéo số 4, trong một phóng sự gần đây trình chiếu trên tất cả các phương tiện truyền thông, truyền hình tại Việt Nam vẫn nói rằng đảng Dân chủ Nhân dân của các ông và cá nhân ông về Việt Nam tổ chức hoạt động "khủng bố" Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn?
Khi tôi bị bắt ngay từ lúc đầu là họ đã chụp mũ vu cáo cho chúng tôi là khủng bố và họ nói rằng cá nhân tôi về nước bằng mọi cách là đặt bom, đánh bom Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Đây là vấn đề trong suốt thời gian chúng tôi phổ biến tư tưởng và quan điểm đấu tranh kêu gọi đảng và nhà nước chấp nhận tiếng nói đối lập.
Ông Đỗ Công Thành: Khi tôi bị bắt ngay từ lúc đầu là họ đã chụp mũ vu cáo cho chúng tôi là khủng bố và họ nói rằng cá nhân tôi về nước bằng mọi cách là đặt bom, đánh bom Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Đây là vấn đề trong suốt thời gian chúng tôi phổ biến tư tưởng và quan điểm đấu tranh kêu gọi đảng và nhà nước chấp nhận tiếng nói đối lập.
Công tác mà chúng tôi đưa ra là điều 4 Hiến pháp của đảng Cộng sản Việt Nam qui định đảng công sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước và chúng tôi muốn kêu gọi mọi người, kêu gọi đảng thay đổi điều 4 và bằng các đó chúng tôi đã vận động thành viên đảng của chúng tôi viết số 4 gạch chéo để biểu tỏ cho việc hủy điều 4, thay đổi điều 4, hoặc là chấp nhận tiếng nói của các đảng phái đối lập.
Vì chúng tôi viết số 4 gạch chéo vì vậy họ cho đó là hành động khủng bố vì con số 4 nó trùng hợp với nhà số 4 đường Lê Duẩn ở Sài Gòn là nơi có Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ. Đó là thái độ vu khống, khi họ trục xuất tôi họ nói rằng tôi vi phạm điều 88 và hiện nay họ đưa ra toà những thành viên của đảng Dân chủ Nhân Dân thì những ngưòi này cũng bị cáo buộc vi phạm điều 88 và họ không nhắc nhở gì đến cái gọi là khủng bố, đây chỉ là vấn đề vu cáo chúng tôi.
Việt Hùng: Báo chí tại Việt Nam nói đảng của các ông kêu gọi xóa bỏ điều 4 trong bản Hiến Pháp, với những việc làm kêu gọi xóa bỏ hay bỏ điều 4 như vậy vô hình chung là tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam?
Ông Đỗ Công Thành: Trong một thể chế khi mà người dân cảm thấy khi những qui định, những điều khoản trái với những gì mà người dân mong muốn thì họ có quyền lên tiếng đòi hỏi sự thay đổi.
Việc anh em chúng tôi kêu gọi thay đổi điều 4 Hiến pháp tôi nghĩ rằng về việc thực thi quyền công dân thì hoàn toàn hợp lệ. Như nhiều lần tôi từng khẳng định Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nói rằng công dân có quyền tự do phát biểu chính kiến, tự do ngôn luận thì những người này chỉ thực thi những quyền được ghi trong Hiến pháp.
Công dân của một nước thực thi những quyền được ghi trong Hiến pháp mà lại bị bắt, bị truy tố giam cầm và bị xét xử thì điều đó nói lên bản chất của chế độ độc tài không tôn trong quyền tự do chính kiến của nhân dân.
Việt Hùng: Nói như ông như vậy thì bác sĩ Lê Nguyên Sang, nhà báo Huỳnh Nguyên Đạo và luật sư Nguyễn Bắc Truyển là không phạm vào điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam?
Ông Đỗ Công Thành: Đúng vậy, chúng tôi hoàn toàn không có vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Việt Hùng: Nhưng mà những việc làm của các ông như rải truyền đơn, hình số 4 gạch chéo, kêu gọi mọi người biểu tình, rồi viết thư đòi gặp Tổng thống Hoa Kỳ khi sang Việt Nam dự Hội nghị Apec 14 thì những việc làm đó có phải là kêu gọi…
Ông Đỗ Công Thành: Trong một xã hội tôn trọng nhân quyền, chấp nhận sự khác biệt chính kiến thì người dân có quyền nói lên quyền ước vọng của mình, những nhận thức của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng từng xác nhận rằng họ tôn trọng sự khác biệt ý kiến thì những người dân trong nước cũng như đảng Dân chủ Nhân dân chỉ thực thi quyền công dân của mình mà thôi.
Chúng tôi không làm gì khác biệt hay vượt qua khỏi phạm vị đã qui định trong Hiến pháp do đó những gì chúng tôi làm là chúng tôi làm trong khuôn khổ tôn trọng luật pháp. Nếu nhà nước Việt Nam hiện nay đưa anh em của chúng tôi ra toà và coi rằng chúng tôi vi phạm điều 88 thì chúng tôi nghĩ rằng trên thực chất điều 88 và điều 69 trong Hiến pháp từ căn bản của nó đã mâu thuẫn lẫn nhau.
Trong một xã hội lấy căn bản Hiến pháp làm chủ thì điều 69 là điều căn bản của một quốc gia chứ không phải là điều 88 và điều 88 là điều vi hiến và nó không có giá trị về mặt luật pháp.
Việt Hùng: Xin cám ơn ông Đỗ Công Thành.
Ông Đỗ Công Thành: Xin cám ơn quí đài.