Trà Mi, phóng viên đài RFA
30 năm nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, người lính Mỹ nghĩ gì về sự kiện lịch sử này? Vì sao họ hiện diện trên chiến trường Việt Nam? Trong cái nhìn của người cựu chiến binh Hoa Kỳ, sự sụp đổ của miền Nam có phải là 1 thất bại về quân sự đối với chính quyền Mỹ lúc bấy giờ hay không?
Trà Mi ghi nhận cảm nghĩ của ông Don Johnson, 1 cựu chiến binh từng tham chiến và lưu lại ở Việt Nam từ năm 1967 đến cuối năm 1972.
Mùa xuân năm 1967, người lính trẻ Johnson đựơc gửi sang chiến trường miền Nam Việt Nam, phục vụ trong 1 đại đội tiếp liệu tại Quy Nhơn. Sau đó, ông được chuyển về Phi đoàn trực thăng chiến đấu 129, chiến đấu chủ yếu trong vùng không phận khu vực Quy Nhơn, An Sơn, và An Khê cho đến giữa năm 1969.
Mãn thời hạn quân dịch, ông tiếp tục lưu lại Việt Nam, làm việc cho các công ty dân sự Hoa Kỳ. Khi tất cả các công ty dân sự Hoa Kỳ phải đóng cửa rút về nứơc vào năm 1972, cũng chính là lúc ông rời Việt Nam, bỏ lại người vợ Việt cùng 2 đứa con nhỏ vì không kịp làm giấy tờ.
Vật đổi sao dời 30 năm sau, người phi công ấy mới được gặp lại vợ con của mình trên đất Mỹ. Gìơ đây, nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, ông Johnson không dấu được nỗi xúc động của mình:
Don Johnson: Điều đầu tiên mà tôi muốn nói là tôi đã may mắn được trở về nứơc an toàn sau những tháng ngày đằng đẵng ở đó. Tôi không nhớ nhiều về ý nghĩa chính trị của cuộc chiến này. Chúng tôi, những cựu chiến binh có mặt trong cuộc chiến này, không để ý nhiều đến ý nghĩa chính trị của nó. Điều chúng tôi quan tâm chủ yếu là được trở về nhà an toàn sau chiến tranh.
Đặc biệt bản thân tôi đã có thời gian lưu lại Việt Nam khá lâu. Thời hạn trung bình của 1 người lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam lúc bấy giờ là 1 năm. Tôi may mắn có dịp được sống với người Việt Nam, giữa những phong tục tạp quán, học hỏi, tìm hiểu và quan tâm đến người Việt Nam.
Nhờ đó mà tôi nhận ra nguyên do đích thực khiến chính phủ Mỹ nhúng tay vào Việt Nam, trong nỗ lực giúp bảo vệ xứ này trước chủ nghĩa cộng sản. Nhưng, các tình huống nảy sinh đã khiến cho Hoa Kỳ không thể hoàn thành được sứ mạng của mình tại đây. Không phải 1 mình tôi, mà nhiều chiến binh khác cũng đã lưu lại Việt Nam sau khi mãn quân dịch.
Chúng tôi cảm thấy một món nợ danh dự đối với người dân Việt Nam, bởi lẽ chúng tôi đã khởi xứơng 1 cái gì đó, và chúng tôi thực sự muốn lưu lại để hoàn thành nó. Nhưng rủi thay, tình hình chính trị lúc bấy giờ không cho phép chúng tôi làm điều ấy, và chúng tôi buộc phải quay bước ra đi.
Trà Mi: Là người đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam, ông nghĩ gì về cuộc chiến này? Cuối cùng thì ông ủng hộ hay phản đối? Từ cái nhìn của 1 cựu chiến binh Hoa Kỳ, ông thấy cuộc chiến Việt Nam có ý nghĩa gì hay không? Chúng ta được có được gì từ cuộc chiến ấy không?
Don Johnson: Hơn 58 ngàn người Mỹ tử trận tại Việt Nam. Trên 3 triệu người Việt thiệt mạng trong cuộc chiến. Ai có thể nói là cuộc chiến này có ý nghĩa gì hay không? Riêng bản thân tôi cảm thấy những gì tôi đã làm là những việc buộc phải làm.
Nên nhớ rằng đó là 30 năm trước đây. Là thanh niên Mỹ, nếu đất nước yêu cầu chúng tôi phải cầm võ khí chiến đấu thì chúng tôi thi hành thôi. Chúng tôi không thắc mắc. Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Mỹ hiểu việc họ đang làm. Thế nên chúng tôi đã lên đường theo tiếng gọi của đất nước.
Khi đến Việt Nam, chúng tôi biết mình có nhiệm vụ phải làm, và chúng tôi chỉ làm hết sức mình để hoàn thành tốt mà thôi. Nhưng không may là nhiều vấn đề chính trị đã xảy ra, và ngăn cản Hoa Kỳ không thể hoàn tất những gì đã khởi xứơng trong ý định bảo vệ người dân miền Nam Việt Nam trước sự xâm lấn của chế độ cộng sản. Tóm lại, tôi không phản đối cuộc chiến.
Trà Mi: Vậy ông chỉ nghĩ đó là 1 sứ mạng phải hoàn thành?
Don Johnson: Đúng ra đó là một món nợ danh dự. Chúng tôi đến đó để giúp người dân Việt Nam, nhưng không may đã không thể hoàn thành ý định.
Trà Mi: Giả sử nếu bây giờ ông gặp 1 người Việt Nam nào đó, ông sẽ nói gì với họ?
Don Johnson: Đối với người miền Bắc Việt Nam, tôi sẽ không thù oán những người lính phía Bắc, vì những gì họ làm cũng là thực hiện 1 sứ mạng đối với đất nước của họ. Họ làm những gì được bảo phải làm. Tôi sẽ bắt tay rồi ngồi xuống nhâm nhi ly cà phê với họ, và cùng trò chuyện, trao đổi về những kinh nghiệm chiến tranh.
Còn đối với người miền Nam, thực ra ở đây tôi đã gặp nhiều người. Tôi đã hỏi họ nghĩ gì khi phải sống xa xứ, họ đã trở về thăm lại quê hương lần nào chưa, và họ có nghĩ đến chuỵên đó không? Và hầu hết những người tôi gặp đều trả lời rằng họ ước gì họ không phải ly hương và được sống trên đất nước của họ, một đất nứơc tự do chứ không phải là một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản.
Trà Mi: Riêng ông, từ sau cuộc chiến tới giờ ông có dịp trở lại Việt Nam chưa?
Bạn nghĩ gì về cuộc chiến Việt Nam? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Don Johnson: Chưa. Có lẽ tôi sẽ quay lại trong vài năm tới.
Trà Mi: Vì sao ông muốn trở lại Việt Nam?
Don Johnson: Để khép lại tất cả. Tôi biết rằng Việt Nam giờ đây đã khác 30 năm trước rất nhiều. Tôi mong được quay trở lại để đặt dấu chấm hết cho tất cả những quá khứ đau buồn và ghi nhận những gì đang diễn ra trong hiện tại.
Khi tôi rời Việt Nam vào năm 1972 lúc đó cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn mà. Ngoài ra, tôi cũng muốn thăm lại những nơi tôi từng đặt chân tới như An Khê, Quy Nhơn, Đà Lạt, Đơn Dương, Pleiku..vv..v..Và tôi cũng muốn thăm Sài Gòn tức TPHCM. Tôi còn biết nhiều người ở Việt Nam lắm, mà nhiều người ở đó cũng biết tôi nữa.
Bên ngoại của đứa con gái Việt Nam của tôi vẫn còn ở Quy Nhơn. Vừa rồi con gái tôi về Việt Nam có kể với tôi rằng nhiều người hỏi thăm tôi lắm, sau 3 thập niên rồi mà họ vẫn còn nhớ đến tôi.
Trà Mi: Ông có thể chia sẻ một trong những kỷ niệm khó quên của mình trong cuộc chiến Việt Nam không?
Don Johnson: Có lẽ là Tết Mậu Thân năm 1968. Tôi còn nhớ rất rõ là sau nửa đêm, tiếng súng bắt đầu nổ. Chúng tôi cứ ngỡ là tiếng pháo đón Tết của dân Việt Nam, vì lúc đó cả 2 bên đã thoả hiệp ngừng bắn, nhưng thật ra đó chính là lúc quân đội miền Bắc mở đầu cuộc tiến công Mậu Thân.
Đối với tôi, đây là trận khó quên nhất, vì trong trận này, hầu như tất cả các căn cứ quân sự chủ yếu và các thành phố lớn tại miền Nam đều bị tấn công. Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai là lần tôi bị bắn hạ năm 1968 trong 1 chuyến bay đặc nhiệm.
Trà Mi: Ông có còn nhớ món ăn nào hay phong tục tạp quán nào của Việt Nam không?
Don Johnson: Tôi vẫn thường xuyên ăn chả giò đó chứ. Ngay đến tận bây giờ, tôi vẫn hay ăn phở, mì thánh, và uống cà phê sữa đá hoài. Tôi nhớ Việt Nam, một nỗi nhớ nhà. Tôi đến Việt Nam lúc mới 18 tuổi và rời khỏi đó năm 24, đến nay đã 33 năm rồi.
Trà Mi: Ông nghĩ sao về chiến lược của quân đội miền Bắc?
Don Johnson: Nhiều người Mỹ không nhận ra rằng cuộc chiến này thất bại từ năm 1945, ba mươi năm trước khi Sài Gòn sụp đổ, lúc đó, Hồ Chí Minh và đồng đội của ông đã được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ trong thời gian thế chiến thứ hai để chống lại quân Nhật và các thành phần nổi dậy tại Đông Dương.
Khi cuộc chiến kết thúc, ông Hồ vẫn nghĩ rằng Mỹ sẽ tiếp tục hậu thuẫn để Việt Nam trở thành 1 nứơc tự trị độc lập, thoát khỏi ách thuộc địa của thực dân Pháp. Nhưng thực tế là sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, Pháp quay trở lại Đông Dương và tái đô hộ vùng này.
Lúc bấy giờ, ông Hồ không còn cách nào khác là cầu viện các nứơc cộng sản như Liên Xô và Trung Quốc, tìm sự hậu thuẫn để đánh đuổi Pháp ra khỏi Đông Dương. Cho nên, nếu năm 1945 Hoa Kỳ đồng ý ủng hộ ông Hồ thì cuộc chiến giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã không bao giờ xảy ra.
Trà Mi: Sử sách tại Việt Nam viết rằng quân đội miền Bắc đã đánh bại quân Hoa Kỳ ra khỏi chiến trường Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?
Don Johnson: Quân đội Mỹ chưa bao giờ bị Việt Cộng đánh bại. Cuộc chiến thất bại về mặt chính trị chứ không phải về mặt quân sự. Sau cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968, quân Mỹ đã hoàn toàn làm tê liệt hầu như là tất cả các cơ sở hạ tầng của Việt Cộng.
Thế nhưng, khi Walter Cronkite, một trong những phóng viên uy tín hàng đầu tại Mỹ, sau chuyến đi Việt Nam về, đã làm bài tường thuật rằng trận Mậu Thân là 1 thất bại lớn, và cuộc chiến xem chừng đã đến hồi kết thúc. Điều này hoàn toàn sai. Tuy nhiên, nó đã làm thay đổi quan điểm của người Mỹ trong nứơc lúc bấy giờ, và làm dấy lên làn sóng phản chiến mạnh mẽ. Khi quân đội Hoa Kỳ không được sự ủng hộ của dân chúng trong nứơc thì cũng là lúc cuộc chiến thất bại, nhưng chỉ về mặt chính trị, chứ không phải về mặt quân sự.
Trà Mi: Vậy ý ông là quân Mỹ tự quyết định rút lui chứ không phải bị đánh bại, đúng không?
Don Johnson: Chính xác là như vậy. Chúng tôi bị đánh bại về mặt chính trị. Ông Hồ Chí Minh đã đánh 1 trận rất tốt và tướng Giáp là 1 tướng rất tài giỏi. Họ đã đi một nứơc cờ hay, và quân đội miền Bắc chiến đấu kiên trì, nhưng chúng tôi không thất bại về mặt quân sự.
Trà Mi: Tại sao dân chúng Mỹ trong nước lúc bấy giờ bắt đầu phản đối chiến tranh Việt Nam?
Don Johnson: Bất cứ khi nào có 1 cuộc chiến quá kéo dài, các gia đình bắt đầu mất mát người thân cho chiến tranh, thì dân chúng mất dần kiên nhẫn. Họ muốn con cái, người thân của họ trở về. Thêm vào đó là ảnh hưởng của truyền thông báo chí. Đó là những lý do khiến dân Mỹ phản chiến.
Điều này cũng xảy ra tương tự với Pháp trong cuộc chiến với Việt Minh vào cuối những năm 40, đầu thập niên 50. Quân đội Pháp cũng mất sự hậu thuẫn của dân chúng trong nứơc, nên họ thất bại trong cuộc chiến, nhưng thất bại của họ là về mặt quân sự. Họ bị đánh bại chủ yếu từ trận Điện Biên Phủ.
Trà Mi: Trứơc khi kết thúc buổi nói chuyện ngày hôm nay, ông có lời gì muốn nói với các thính giả Việt Nam không?
Don Johnson: "Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi"
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian ông đã dành cho buổi nói chuyện hôm nay.
Don Johnson: Cảm ơn đã cho tôi cơ hội nói lên cảm nghĩ của mình về cuộc chiến tranh Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm.