Những chiêu bán thuốc quá hạn
Có nhà thuốc còn “gian hạn” tức là sửa “đát” sử dụng thêm tháng, năm để bán cho bệnh nhân. Một số thuốc mang thương hiệu “xịn” vẫn bán ra hàng quá đát.
Hiện tượng bán thuốc quá đát diễn ra ngay tại các hiệu thuốc Tây đạt tiêu chuẩn GPP, viết tắt của chữ Good Pharmacy Practice tức cửa hiệu y dược đạt tiêu chuẩn tốt, hay được công nhận là nhà thuốc thực hành tốt, cũng như các hệ thống nhà thuốc khổng lồ ở thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt khác, vẫn theo báo Tiền Phong điện tử thì qua các cuộc kiểm tra bất ngờ nhiều nhà thuốc có thương hiệu, bên ngoài có đề bảng với dòng chữ “nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP”, các thanh tra y tế phát hiện hàng chục lô hàng chứa cả trăm loại thuốc hết hạn sử dụng, vẫn nằm chờ để bán cho bệnh nhân.
Các bệnh viện thì rất cẩn thận chuyện này, đều phải kiểm tra theo quy định của bộ y tế, là phải sử dụng thuốc còn hạn.
BS. Trần Tịnh Hiền
Ngay cả hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu và công ty dược phẩm Minh Phúc, là một trong những cơ sở phân phối quy mô nhất thành phố Hồ Chí Minh, cũng vi phạm quy luật nghề nghiệp bán thuốc quá hạn quy định, không nhãn mác, lừa gạt người bệnh, không biết từ lúc nào.
Chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức kiểm tra đồng loạt tại nhiều công ty được phẩm. Nhân viên hữu trách phát hiện các hành vi sai quy định như: danh mục thuốc tây ngoại nhập không có hoá đơn chứng từ, mặc dù trên sản phẩm tân dược có ghi số lô sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Nhiều trường hợp cho thấy công ty cho bóc nhãn hiệu, ghi thời hạn mới và sẵn sàng xuất bán ra thị trường.
Ngoài ra, công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ hơn hai ngàn thùng thuốc Tây quá đát thuộc công ty được phẩm Đông Phương với các nhãn hiệu Sioplex, Dardum, Onfran, Duonassa. Chi cục quản lý thị trường đề nghị xử phạt công ty Đông Phương 20 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ, giấy chứng nhận hành nghề đối với hành vi kinh doanh thuốc quá hạn.
Phải bảo vệ người tiêu dùng
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên phó giám đốc bệnh viện nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia tư vấn về quản lý chất lượng thuốc thuộc viện đại học Cambridge, trình bày với RFA những suy nghĩ của ông về chuyện thuốc Tây quá hạn sử dụng:
“Về xây dựng tiêu chuẩn nhà thuốc thực hành tốt, chỉ mới có từ hai năm nay thôi, lẽ tất nhiên đây là một cố gắng lớn, vì trước đây những nhà thuốc không được kiểm soát hiệu quả. Khi xây dựng tiêu chuẩn nhà thuốc đạt chuẩn quốc tế tới nay, thì con số này không lớn lắm. Về việc thuốc bị sửa đát, thì còn phải chờ kết quả thanh tra, không thể biết chắc được, không nhìn thấy thì mình khó nói, nhưng tôi biết chắc cái đó không phải là đa số.
Thật ra bây giờ mức hiểu biết của người dân cũng cao rồi, khi mua thuốc thì người ta cũng xem thử có quá đát hay không. Các bệnh viện thì rất cẩn thận chuyện này, đều phải kiểm tra theo quy định của bộ y tế, là phải sử dụng thuốc còn hạn. Thỉnh thoảng vẫn có nghe nói, nhà thuốc sửa lại đát chẳng hạn, chuyện đó có xảy ra, nhưng không phải là đa số.”
Từ Hà Nội, ông Đỗ Gia Phan, phó chủ tịch hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng đây là vấn đề hệ trọng cần được nhà nước đặc biệt quan tâm và giải quyết. Ông nói: "Vấn đề này nhà nước có thể xử lý được, cái hạn sử dụng thì đã được quy định rồi, nhà thuốc phải bán sản phẩm còn thời hạn dùng. Nếu không làm đúng thì là vi phạm luật, nên sẽ bị xử lý.
Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được tin gì chính thức cả, nếu phát hiện sai phạm chúng tôi sẽ báo cho các cơ quan chức năng biết.”
Cô Mai Khánh, một người trong giới tiêu dùng y dược tại Saigon nói, chuyện bán thuốc quá đát là có thật nên mới được đưa lên mặt báo.
Vấn đề này nhà nước có thể xử lý được, cái hạn sử dụng thì đã được quy định rồi, nhà thuốc phải bán sản phẩm còn thời hạn dùng. Nếu không làm đúng thì là vi phạm luật, nên sẽ bị xử lý.
Ô. Đỗ Gia Phan
Theo cô,"Chuyện bán thuốc giả, thuốc quá đát chắc là phải có. Các loại thuốc đó không phải là cần dùng mỗi ngày, muốn nhập với giá rẻ thì phải mua vào với số lượng nhiều, cận đát, mà nếu không bán kịp hết thì chắc chắn phải quá đát. Khi uống vào mà không thấy tác dụng gì thì mới biết thuốc giả hay quá đát, hoặc là có hiệu ứng phụ, như nhức đầu, đau bụng, cần đi bác sĩ, thì mới biết rõ.
Dân chỉ biết mua thôi, lúc cắt ra bán từng viên thì đâu biết thuốc quá đát, người ta cứ bán như vậy, mình cứ mua. Người ta nói đây là thuốc nhập nhưng thực tế, rất khó biết, có thể nhập từ Miên hay đâu đó về. Chuyện sửa đát chắc là có vì thông thường ở Việt Nam, khi có chuyện gì đó lên báo thì chắc là có rồi, báo thổi phòng chút xíu, để câu chuyện lôi cuốn thêm, nhưng cũng có xảy ra nhiều rồi.”
Dư luận hy vọng chánh phủ Việt Nam sớm chấm dứt và xử lý nghiêm khắc những hành vi cố ý sai phạm, từ các hệ thống sản xuất, viện bào chế, doanh nghiệp phân phối y dược, vì sự lừa gạt bệnh nhân có thể ảnh hưởng không lường đến sức khoẻ của tập thể và cộng đồng, và cũng để giải toả sự quan ngại của báo chí cho rằng, đây là chuyện mà nhà nước “khó xử lý hay không muốn xử lý?”