Đi theo một hướng định sẵn?
Khánh An: Khánh An rất vui chào đón quý vị đến với chương trình Café Wifi… Kỳ này, mời quý vị tái ngộ với ông Bill Hayton, tác giả của cuốn sách "Vietnam – Rising Dragon" và tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên kinh tế của Liên Hiệp Quốc, đã từng công tác trong ban cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng với chị Ngọc Giao đại diện cho Voice of Vietnamese American trong chủ đề bàn về những rào cản hiện nay của nền kinh tế Việt Nam cũng như những giải pháp đề nghị.
Đã có rất nhiều trí thức của Việt Nam cũng như hải ngoại đã từng lên tiếng rất nhiều trong từng vấn đề trong những sự kiện xảy ra gần đây với Việt Nam, với nền kinh tế Việt Nam. Cuốn sách của ông Bill Hayton cũng có thể xem là một ý kiến của một người đã từng sống, làm việc và có nhiều kinh nghiệm đối với Việt Nam. Thưa ông Bill Hayton, ông có thể cho quý thính giả biết trong thời gian mà ông làm việc ở đó thì theo ông những gì là thuận lợi và những gì là rào cản khiến cho Việt Nam không thể phát triển và trở thành một con rồng châu Á như mong đợi của chính phủ cũng như người dân?
Việt Nam không phải là nước chỉ đi theo một hướng định sẵn nhưng có khả năng thay đổi. Tuy nhiên, vấn đề mà VN đang gặp phải là đất nước bị chi phối bởi những người thân cận giàu có của các Đảng viên.
Ô. Bill Hayton
Ông Bill Hayton: Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề phát triển của Việt Nam. Rất nhiều người mà tôi có dịp gặp họ cống hiến cho đất nước và muốn thấy Việt Nam phát triển, muốn những tài năng của đất nước được trọng dụng một cách hiệu quả. Nhiều người khác lại chỉ muốn làm giàu cho bản thân mình và một số khác thì trung dung, muốn điều tốt đẹp nhất cho đất nước nhưng đồng thời cũng muốn có những lợi thế cá nhân trong quá trình phát triển đó. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất đối với các lãnh đạo Đảng Cộng Sản là để giữ vị trí lãnh đạo đất nước, họ phải duy trì các thể chế chính trị quan trọng nhất để hướng dẫn, điều khiển các lĩnh vực trong xã hội, rồi họ có thể thả lỏng, cởi mở ra. Nhưng khi cần có những quyết định lớn về các chính sách kinh tế, chính trị thì phải bảo đảm là họ đứng ra lãnh trách nhiệm.
Đó mới là điều quan trọng nhất. Đồng thời, họ nên là một tổ chức khôn ngoan. Tôi không nói là tất cả các chính sách đều khôn ngoan, nhưng họ nên tham khảo và nhìn ra các ý tưởng trên thế giới để tìm một con đường tốt nhất để lãnh đạo. Họ cũng nên linh hoạt, có thể đi theo một con đường nhưng khi nhận thấy chiều hướng đó xấu đi thì có khả năng thay đổi để chuyển hướng như chúng ta đã thấy một vài lần trong những năm qua khi mà các chính sách phát triển cho phép doanh nghiệp kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, mở rộng ra, trở thành các liên doanh. Sự phát triển này cũng gây ra nhiều vấn đề cho năm 2009, chẳng hạn như lạm phát rất cao, làm thiệt hại trên nhiều lĩnh vực. Đây có thể là thời điểm để chuyển hướng và thay đổi các chính sách theo hướng phát triển bền vững hơn, để ổn định lại kinh tế vì họ nhận thấy rằng đã đi theo hướng phát triển quá mạo hiểm.
Do đó có thể thấy, Việt Nam không phải là nước chỉ đi theo một hướng định sẵn nhưng có khả năng thay đổi. Tuy nhiên, một vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải là đất nước bị chi phối bởi những người thân cận giàu có của các Đảng viên. Những người này có khả năng làm mất ổn định kinh tế, họ có thể “lái” các chính sách theo hướng có lợi riêng cho bản thân nhưng dĩ nhiên là vẫn tuân thủ đường hướng mà họ biết chắn chắn là sẽ xảy ra, đó là kết hợp giữa tự do kinh tế và vai trò kiểm soát của Đảng Cộng Sản trên những tập đoàn kinh tế chủ chốt. Một khi để cho nhóm người này nắm được các thể chế quan trọng hay dù chỉ ở vị trí cố vấn cho các chính sách thôi thì lúc đó chắc chắn Việt Nam sẽ gặp trở ngại lớn.
Một tiếng chuông cảnh báo
Khánh An: Vâng, cám ơn ông Bill. Chị Ngọc Giao, với cương vị là một người Việt Nam ở hải ngoại, chị có quan tâm nào muốn đặt ra với hai vị trên không?
Quyển sách của Bill sẽ là một tiếng chuông để đánh thức những người còn có cái nhìn sai lầm về sự phát triển của Việt Nam.
Chị Ngọc Giao
Chị Ngọc Giao: Thưa vâng. Giao có rất nhiều quan tâm. Điều thứ nhất, Giao nghĩ cả ông Bill lẫn TS. Việt đều nói đến điểm chính là Đảng Cộng Sản đã nắm toàn quyền chỉ huy về kinh tế cũng như về chính trị, đã không cho tự do báo chí cũng như không có tam quyền phân lập. Một trong những điều mà Bill trong quyển sách của ông và TS. Việt cũng đã nói đến là Đảng quyết định tất cả các chương trình đầu tư và không có lý do chính đáng, không đúng với cách làm việc mang lại lợi tức cho dân chúng nhưng lợi tức đó lại chuyển vào gia đình, chuyển vào túi tiền của một vài đảng viên, làm cho những gia đình đó thật giàu và họ trở lại có quyền quyết định chính sách quốc gia.
Một tiến sĩ luật khoa của Việt Nam, người có công đi tìm hiểu và giúp Việt Nam vào WTO là tiến sĩ luật khoa Phạm Sinh Nghĩa, đã nêu ra vấn đề này vào những năm 2006, 2007, trùng hợp với thời gian Bill Hayton ở đó, nói rằng doanh nghiệp ngoài khơi bơi trên doanh nghiệp nhà nước, tức là doanh nghiệp nhà nước do nhà nước đứng ra và tạo ra những công trình, những dự án ma đưa vào doanh nghiệp ngoài khơi. Doanh nghiệp ngoài khơi đó là những doanh nghiệp ma, được những người trong đảng, đảng viên đứng ra làm chủ nhưng lại chuyển tiền vào đó và tiền đó đi ra ngoại quốc.
Thành ra những điều mà TS. Việt nêu ra chẳng hạn như Vinashin là một công ty đóng tàu mà lại có quyền mở nhà băng và làm rất nhiều điều khác. Bill trong những bài viết của ông, ở chapter đầu tiên trong quyển “Vietnam – Rising Dragon”, ông nói đến trường hợp Việt Nam là một “playground” của Communist Capitalist. Bill nói rõ ràng là đảng Việt Nam đã biến kinh tế Việt Nam thành chỗ chơi của họ, “playground” của họ và họ tha hồ lạm dụng quyền hành và lạm dụng tiền bạc của tất cả những người đầu tư đổ vào.
Hôm trước, vào ngày 14/6, Giao đi tham dự ở đây, tại D.C. này, cuộc kỷ niệm “15 năm bang giao quan hệ Việt – Mỹ”, thì có một người trẻ Việt Nam sinh ra tại California, bố mẹ là người tỵ nạn, anh ta nói rằng bây giờ anh ta thành công và bây giờ anh ta về lại Việt Nam và đầu tư tại Việt Nam. Anh ta nói đó là một “rosy picture”, tiền ở ngoại quốc đổ về Việt Nam rất nhiều và anh ta làm việc với những người rất giàu. Họ tiêu tiền không ngại và họ đi toàn Bentley và Mercedes, anh ta bảo rằng những người Việt Nam tại hải ngoại nên về đầu tư tại Việt Nam, thì cái đó là sự ngây thơ của lớp trẻ Việt Nam tại hải ngoại lớn lên và đi về Việt Nam chỉ thấy sự hào nhoáng bề nổi, mà không thấy được những gì Bill Hayton đã thấy. Cho nên quyển sách của Bill sẽ là một tiếng chuông để đánh thức những người còn có cái nhìn sai lầm về sự phát triển của Việt Nam.
Ông Bill Hayton: Cám ơn rất nhiều. Tôi hy vọng là như thế. Tôi mong là cuốn sách, dĩ nhiên không thể nói cho bạn biết hết về Việt Nam, nhưng sẽ là một khởi điểm để bạn bắt đầu tìm hiểu và khám phá phần còn lại. Tôi cố gắng kết hợp, nghĩa là tôi rất tôn trọng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong suốt 20, 25 năm qua, nhưng bên cạnh đó cũng có lời cảnh báo là liệu sự phát triển này sẽ đi đến đâu. Chúng ta vừa mới thấy trường hợp của tập đoàn tàu thủy Vinashin đó thôi, nếu những vấn đề cứ để tồn đọng, chúng sẽ trở thành vấn đề lớn liên quan đến hàng tỷ đô-la và làm ảnh hưởng chung đến nền kinh tế. Sẽ chẳng có lợi gì nếu cứ giả bộ như vấn đề không tồn tại và hy vọng nó sẽ qua đi, thay vì cần phải mổ xẻ và giải quyết nó.
Nguy cơ khủng hoảng?
Khánh An: Vâng. Thưa TS. Việt, không biết là ông giải thích như thế nào khi mức tăng trưởng của Việt Nam hiện nay vẫn đang rất cao?
TS. Vũ Quang Việt: Tôi thấy là nếu so sánh bây giờ với thời trước kia thì nó thấp hơn. Thời ông Kiệt, ông Khải là lạm phát đã đưa từ mấy trăm phần trăm xuống còn một vài phần trăm và nợ gần như không có gì. Thế thì phải nói là cái phát triển bây giờ đang đi tới nguy cơ, nếu mà Việt Nam không nhìn thấy thì tới một lúc nào đó, nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn.
Phải nói là cái phát triển bây giờ đang đi tới nguy cơ, nếu mà Việt Nam không nhìn thấy thì tới một lúc nào đó, nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn.
TS. Vũ Quang Việt
Tại sao tôi nói như vậy? Là vì hồi xưa, cùng lắm là tỷ lệ đầu tư trên GDP là khoảng 30%, 33%. Bây giờ nó lên đến 42%, có nghĩa là mình làm được 100 đồng thì 42 đồng để đầu tư, một tỷ lệ cao nhất thế giới bây giờ, thì tốc độ phát triển chỉ còn 5 – 6% thôi, trong khi hồi xưa là 7 – 8%. Thế thì chúng ta thấy là đầu tư càng lớn mà tỷ lệ phát triển càng thấp, đầu tư lớn lại phải nhập khẩu nhiều, đủ mọi thứ nhập khẩu, do đó bây giờ thiếu hụt cán cân rất là lớn. Trong trường hợp đó lấy tiền đâu mà trả? Bây giờ còn tiền mà người ta đầu tư vào, Việt kiều gửi tiền về v.v… thì còn có thể trả nợ được, nhưng mà càng ngày mức mượn càng lớn lên và đến lúc nào đó mất khả năng trả nợ. Thế bây giờ tiếp tục tình trạng này bao nhiêu lâu nữa? Tôi nghĩ rằng không lâu lắm đâu, nếu tiếp tục tình trạng này thì nền kinh tế Việt Nam sẽ có một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Thế bây giờ chúng ta nhìn lại, có một điều mà tôi rất băn khoăn là trong tất cả những vấn đề phát triển này thì người nông dân Việt Nam là người khốn khổ nhất. Tại sao như vậy? Là vì cho đến bây giờ, tất cả các hoạt động về sản xuất khác, tư liệu sản xuất (capital) đều được tư hữu hóa hết, ngoại trừ người nông dân, cái mà để họ làm ra đồng tiền là đất đai thì đất đai đó vẫn là công hữu, tức là nhà nước, tất cả các cấp chính quyền đều có thể lấy đất đó để đưa cho tư hữu hóa, đưa cho công nghiệp, mà cái giá họ trả cho nông dân là cái giá do chính quyền đặt ra, chứ không phải cái giá mà hai bên nói chuyện với nhau để có một cái giá trên thị trường.
Cho nên khi nền kinh tế phát triển thì tất cả mọi thứ, đất đai cũng lên, thế nhưng người nông dân lại không được hưởng cái này vì nhà nước, chính quyền quyết định giá. Do đó, người được hưởng là người lấy lại đất, tức là chính quyền và những công nghiệp, công ty tư nhân hay không tư nhân được giao đất. Tại sao người ta phải đi biểu tình như bây giờ? Đó là vì vấn đề này. Đã đến lúc phải tư hữu hóa ruộng đất để bảo vệ quyền lợi của người nông dân.
Khánh An: Vâng, cám ơn TS. Việt. Theo những nhận xét vừa rồi thì có những đề nghị nào mà quý vị nghĩ rằng nó sẽ giúp cải thiện tình trạng hiện nay của Việt Nam không?
Fact box | |
|
Ông Bill Hayton: Điều quan trọng nhất, với tư cách là một phóng viên, theo tôi là mọi người phải được tự do tìm hiểu và thông báo các vấn đề mà họ biết. Lấy ví dụ như trường hợp của Vinashin, trong những năm qua, rất nhiều người biết là tập đoàn này có vấn đề nhưng những vấn đề đó không được đưa lên báo chí theo lối chính thống, cho nên mọi người chỉ giữ ở mức độ câu chuyện phiếm với nhau. Và khi câu chuyện bị bể ra, tôi nghĩ là còn nhiều câu chuyện khác cần được khám phá.
Tôi nghi rằng sở dĩ mà chúng ta biết được câu chuyện của Vinashin, theo tôi, một trong những nguyên nhân chính đó là nó xảy ra vào thời điểm đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội Đảng sắp tới và mọi người sử dụng vụ việc này như một công cụ để tấn công thủ tướng và những người ủng hộ ông. Theo tôi thì sau khi Đại hội Đảng kết thúc, những thông tin như thế này sẽ rất khó được đưa ra công chúng. Cũng giống y như trường hợp của PMU 18 vào thời điểm 5 năm trước, lý do mà chúng ta biết đến vụ việc này là vì nó diễn ra ở thời điểm xảy ra tranh chấp trong nội bộ Đảng.
Tôi không thể đưa ra một chính sách cụ thể cho Việt Nam nhưng tôi nghĩ người ta đang quản trị đất nước theo cách tránh để vấp phải những sai lầm của các nước khác. Họ cố gắng phát triển theo hướng cân bằng để mọi miền đất nước được hưởng lợi từ sự phát triển này. Nhưng vấn đề là ở chỗ, như tôi đã nói trước đó, là có một số gia đình chủ chốt nắm giữ quyền lực, có ưu thế trong việc hưởng các lợi ích và họ còn có thể chi phối các chính sách, trong khi không có bất cứ sự chỉ trích hay lên tiếng từ bên ngoài thì như vậy tôi nghĩ, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.
TS. Vũ Quang Việt: Lúc trước kia, khi Việt Nam gặp khó khăn thì cũng là đảng lãnh đạo và họ có những người lãnh đạo biết nghe, có những thay đổi. Chính vì vậy mới có những đổi mới và bây giờ Việt Nam mới dễ thở hơn. Như ông Bill Hayton nói là vì kết quả của đổi mới, đời sống khá hơn mà nhiều người không ai còn nghĩ đến vấn đề chống đối chính phủ, miễn là đời sống khá hơn. Nhưng mà vấn đề như tôi đặt ra là nếu chính phủ này không nghe và không thay đổi thì đời sống sắp tới có thể có nguy cơ khốn khổ hơn, nó có thể trở thành những cuộc khủng hoảng kinh tế mà tôi nghĩ là khó lòng mà gạt bỏ nó ra. Những điều mà ông Bill Hayton nói và quyển sách của ông thì tôi thấy đấy là những ý kiến tốt để những người trong chính quyền nên đọc, nên thấy và nên nghĩ làm gì để thay đổi hệ thống hiện tại cho nó khá hơn.
Khánh An: Vừa rồi là ý kiến của tiến sĩ Vũ Quang Việt. Khánh An hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới, với sự góp mặt thêm của Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, cố vấn chính phủ trong thời thủ tướng Phan Văn Khải, để bàn về quá trình cải tổ kinh tế của Việt Nam trong những năm qua.
Theo dòng thời sự:
- Nợ công vượt ngưỡng 50% GDP
- Những gì đang thật sự diễn ra tại Việt Nam?
- Nợ công sắp vượt mức cho phép
- Việt Nam tăng trưởng GDP 6,52% / 9 tháng
- Việt Nam cần cảnh giác với các khoản nợ ngầm
- Rủi ro của thông tin mờ ảo
- Lãi suất đồng đô la ở Việt Nam cao gấp mười lần thế giới
- Thanh tra toàn bộ các chi nhánh của Ngân Hàng Nhà Nước
- Ngân Hàng Nhà Nước nới lỏng mức dự trữ VNĐ
- Chủ trương hạ lãi suất ngân hàng đã không thành công