Nhìn nhận thành tựu công nghệ giáo dục

Mới đây Bộ giáo dục và đào tạo đã tổ chức hội nghị đánh giá thí điểm tài liệu tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục.

0:00 / 0:00

Đây là lần đầu tiên Bộ giáo dục nhìn nhận một cách công khai thành tựu của công nghệ giáo dục vốn đã được phát triển từ những năm 70 của thế kỷ trước và đã từng được dạy phổ biến tại 43 tỉnh thành cho đến khi quốc hội Việt nam năm 2005 bác bỏ việc sử dụng nhiều chương trình và sách giáo khoa trong các trường học Việt nam. Việt Hà có bài phỏng vấn giáo sư Hồ Ngọc Đại, tác giả của công nghệ giáo dục.

Giá trị thực tiễn

Việt Hà: Thưa giáo sư, bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội nghị đánh giá dạy học thí điểm tài liệu tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục, ông nghĩ thế nào về bước tiến triển mới này?

GS Hồ Ngọc Đại: Coi như hoàn thiện, có nghĩa là ý nghĩa khoa học của nó ít đi, bây giờ nó có giá trị thực tiễn hơn. Tức là về mặt khoa học thế là xong rồi. Khi mà một công trình khoa học hoàn thiện thì coi như vô nghĩa về khoa học nhưng mà nó lại bắt đầu có ý nghĩa thực tiễn. Bản thân tôi tôi tin là 50, 70 năm nữa thậm chí 100 năm nữa cũng không có cái tốt hơn thế này.

Việt Hà: Thưa giáo sư, tại sao ông nói là 100 năm nữa cũng không có cái khác tốt hơn công nghệ giáo dục?

GS Hồ Ngọc Đại: Bởi vì nó phải dựa trên những thành tựu mới nhất về ngôn ngữ học, về tâm lý học mà những cái đó muốn có như thế thì bây giờ đã có mầm mống rồi. Cái này tôi đã làm cách đây 40 năm rồi. Công trình sơ khai. Công trình mới ra đời tôi đã làm ngay rồi, được 40 năm rồi thì giờ nó mới được thế này. Bây giờ muốn có cái nào vượt nó thì phải mất ít nhất 40 năm nữa.

Khi mà một công trình khoa học hoàn thiện thì coi như vô nghĩa về khoa học nhưng mà nó lại bắt đầu có ý nghĩa thực tiễn.

GS Hồ Ngọc Đại

Việt Hà: Trong hội nghị lần này, ông thứ trưởng bộ giáo dục Nguyễn Vinh Hiển có nói là công nghệ giáo dục tự ta làm ra, bằng nguồn lực của chính mình nên nó bền vững. Nó khác hẳn với nhiều dự án giáo dục do quốc tế tài trợ, hết dự án là kết thúc hoạt động. Vậy thì cái nhìn nhận này của Bộ giáo dục với công nghệ giáo dục có phải là cái nhìn nhận lần đầu tiên không và nó có ý nghĩa thế nào?

GS Hồ Ngọc Đại: Đây là lần đầu tiên nhìn nhận công khai. Ý nghĩa của nó là một sự thực về tất cả các dự án từ trước đến nay do vay tiền mà làm. Những dự án vay tiền thì khi đang làm thì nó tốt vì nó có các chế độ mà, nhưng khi dự án xong thì nó cũng xong luôn. Dự án này của chúng tôi thì không có bất cứ một ưu tiên nào cả, không có bất cứ một ưu đãi nào cả về mặt tài chính. Mà chúng tôi làm ra thì hiệu quả hơn, vững chắc hơn. Bây giờ thì không thể tưởng tượng được là những nơi khó khăn nhất của đất nước này, những nơi cùng khổ nhất của đất nước này thì tôi đã đến được và thành công.

Việt Hà: Hiện giáo sư có tổng kết chương trình của giáo sư đã đến được bao nhiêu tỉnh và trường rồi?

GS Hồ Ngọc Đại: 10 tỉnh. Hiện nay tôi chưa tổng kết số trường nhưng khoảng 30 ngàn học sinh.

Việt Hà: Hiện tại quy chế của bộ giáo dục là một chương trình một bộ sách giáo khoa, vậy thì công nghệ giáo dục với hội nghị lần này có mang đến một dấu hiệu sẽ có thay đổi về chủ trương của bộ giáo dục liên quan đến một chương trình và một bộ sách giáo khoa?

GS Hồ Ngọc Đại: Có, chính vậy thì mới dám làm. Người ta làm như thế là được phép, được bật đèn xanh chứ còn không phải tùy ý làm đâu. Vì dư luận chung người ta cũng lên án một bộ sách. Những nước văn minh không nước nào ngớ ngẩn như thế được.

tin180.com-1608-250.jpg
Học sinh một trường tiểu học tập trung nhận lớp hôm 16/8/2010. Photo courtesy of tin180.com (Học sinh một trường tiểu học tập trung nhận lớp hôm 16/8/2010. Photo courtesy of tin180.com)

Việt Hà: Theo ông dự đoán liệu đến năm nào các trường học ở Việt nam có thể được sử dụng sách và chương trình của công nghệ giáo dục bên cạnh sách và chương trình của bộ?

GS Hồ Ngọc Đại: Có thể là sau 2015.

Việt Hà: Liệu chúng ta có thể hy vọng là các trường học Việt nam lúc đó có thể có quyền lựa chọn nhiều chương trình và sách giáo khoa để sử dụng?

GS Hồ Ngọc Đại: Các chương trình khác thì tôi không hy vọng được đâu, vì muốn có cái đó phải chuẩn bị công phu lắm. Thời đại khoa học hiện đại không thể sáng kiến mà được đâu. Thời đại hiện đại ngay cả nước tiên tiến cũng hiểu là ngay cả việc cải tiến một chi tiết cũng mất thời gian, phải trải qua một thời kỳ nghiên cứu, thực nghiệm thì nó mới chấp nhận được.

Việt Hà: Sách tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục khác gì so với sách tiếng Việt của bộ Giáo dục, thưa ông?

GS Hồ Ngọc Đại: Khác biệt nhất là tôi dựa trên thành tựu cuối cùng về ngữ âm tiếng Việt, mà tài liệu này người ta chỉ dạy cho sinh viên năm thứ ba ngành ngôn ngữ học nhưng tôi đưa luôn vào cho lớp 1. Tức là tôi không đi vào ngóc ngách mà chúng tôi đi vào những cái cơ bản nhất. Ví dụ thế này, người ta nói ra bất cứ tiếng nào mà em nhắc lại được thì em phân tích được ngữ âm, khi phân tích được ngữ âm thì em có thể ghi lại bằng chữ viết được, thế thôi, đơn giản thế thôi.

Chưa cần học bảng chữ cái, không cần học gì hết. Đây là cái hoàn toàn độc đáo của giáo dục nhà trường, học sinh chưa cần biết tiếng Việt nào hết, thậm chí bố mẹ nó chưa biết tiếng Việt nhưng vào trường học từ đầu thì một năm đọc thông viết thạo.

Dự án này của chúng tôi thì không có bất cứ một ưu tiên nào cả, không có bất cứ một ưu đãi nào cả về mặt tài chính. Mà chúng tôi làm ra thì hiệu quả hơn, vững chắc hơn.

GS Hồ Ngọc Đại

Việt Hà: Đấy là sách tiếng Việt 1, còn các sách khác trong công nghệ giáo dục đã được chính thức thừa nhận chưa, thưa giáo sư?

GS Hồ Ngọc Đại: Chưa thừa nhận lắm, đại khái nó cũng biết vậy nhưng chưa được đại trà được. Tạm thời như thế đã, trước khi quốc hội ra nghị quyết 40 thì tất cả các môn khác được hết, nhưng từ ngày có một bộ sách thì nó chỉ làm mỗi tiếng Việt vì đó là môn hóc búa nhất, mà hai là hiệu quả trực tiếp nhất và tác động cụ thể nhất.

Việt Hà: Sau tiếng Việt 1, giáo sư có kế hoạch tiếp theo là gì?

GS Hồ Ngọc Đại: Nếu chương trình này mà ra thì tôi sẽ làm là học sinh lớp 2 phải viết đúng câu, viết thành công, và học hết lớp 3 thì không bao giờ viết sai câu. Nhưng những cái đó người ta chưa tin đâu vì học sinh lớp 10, đại học giờ viết còn sai câu.

Việt Hà: Vậy hiện tại ngoài tiếng Việt 1, các sách của các môn học khác thuộc công nghệ giáo dục đang được dạy ở các trường nào?

GS Hồ Ngọc Đại: Trước đây thì ở các nơi, còn bây giờ thì chỉ còn ở trường Thực Nghiệm, mà trường thực nghiệm cũng dẹp dần.

Việt Hà: Giáo sư có hy vọng toàn bộ chương trình sẽ được sớm quay trở lại?

GS Hồ Ngọc Đại: Phải quay lại chứ, nhất định phải quay lại. Phương án rồi sẽ quay lại, sau 2015, tất cả, cả tiếng Việt 1.

Việt Hà: Xin cảm ơn giáo sư.

Theo dòng thời sự: