Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO là một sự kiện lịch sử. Doanh nhân và người dân bình thường cảm nhận gì trong ngày trọng đại này. Nam Nguyên ghi nhanh từ Hà Nội, Sài Gòn và Lâm Đồng.
Trước hết chúng tôi ghi nhanh qua điện thoại với ông Đỗ Gia Bính, phó chủ tịch Hiệp Hội Quảng Cáo Việt Nam, ông cũng đồng thời là một nhà doanh nghiệp trong lãnh vực dịch vụ này. Từ Hà Nội ông Đỗ Gia Bính cho biết:
“Thực ra chúng tôi xem như đã đón nhận tin vui này từ cách đây một năm rồi, đón nhận để chuẩn bị tham gia sân chơi cạnh tranh quyết liệt và sòng phẳng. Chặng đường trứơc mắt chúng tôi thấy là mình làm bao nhiêu cũng chưa đủ bởi vì thị trường này quá mới mẻ mình mới gia nhập mà.
Chúng tôi cũng chuẩn bị tinh thần là sẽ có một số anh em không chịu được cuộc chơi đó, nhưng chúng tôi sẽ liên kết giúp đỡ nhau, vực nhau dậy không chịu thất bại trong cuộc chơi mới.
Chúng tôi chấp nhận sòng phẳng, mọi người đều hiểu rõ, không có ai hy vọng hoặc ảo vọng gì cả, biết rằng cuộc chơi sẽ rất là căng thẳng, nhưng mà chấp nhận và đã sẵn sàng tham gia.”
Trong ngành dịch vụ du lịch tư nhân, Sinh Cà Phê là một thương hiệu có tiếng được khách nước ngoài tin cậy. Từ TP.HCM, Bà Đặng Thị The, Tổng Giám Đốc Sinh Cà Phê phát biểu:
“ Tiếp nhận thông tin này, doanh nhân như chúng tôi rất vui mừng, bởi vì sẽ có cơ hội tiếp cận thách thức lẫn sự phát triển về sau này, sẽ có những va chạm với thương trường nứơc ngoài nhiều hơn, nhưng trên sự hỗ trợ có luật pháp rõ ràng hơn. Đồng thời chúng tôi cũng phải chuẩn bị chiến lược đầy cam go cho giai đoạn sắp tới.”
Chúng tôi cũng hỏi ý kiến một bà nội trợ cư ngụ ở khu vực Chợ Lớn TP.HCM, bà cũng đã biết tin VN gia nhập WTO, bằng ngôn từ mộc mạc, bà Ba quận 10 cho biết:
“Tụi tôi cho là sẽ được mua đồ rẻ hơn, cuộc sống bảo đảm an toàn hơn khi chưa vào (WTO), tức là hồi xưa như kiểu trôi sông lạc chợ còn bây giờ thì được công nhận, hiểu là như thế. Mấy tháng nay mấy người nội trợ định mua cái máy gì thì bảo với nhau đừng mua vội, chờ vào WTO mua vừa rẻ vừa an toàn hơn đồ tốt hơn. Dốt như chúng tôi thì nghĩ như thế còn giỏi hơn có trình độ hơn thì họ suy luận theo kiểu khác.”
Đối với nhà nông thì sao, ông Sáu Trọng chủ vườn cà phê ở Lâm Đồng tỏ ra hơi chút e dè về điều ông gọi là sự thua kém của người VN so với các nứơc khác:
“Mình hiểu biết không bao nhiêu, thành ra nghĩ rằng còn phải chờ thời gian trả lời, chứ nó không dễ dàng và không đơn giản đâu, còn phải qua nhiều giai đoạn thử thách nữa. Tôi nghĩ rằng đây là vinh dự cho VN được vào WTO, nhưng khi vào rồi nó làm sao thì ai mà biết trứơc được. VN mình dù muốn dù không cũng phải nhận là mình còn kém cỏi lắm, bây giờ vào tôi thấy là còn nhiều thử thách sắp đến, liệu mình có theo kịp không, mình ái ngại cái đó thôi.”
Nhìn chung, những công dân Việt Nam chúng tôi trò chuyện đều có sự vui mừng về chuyện Việt Nam được kết nạp vào tổ chức thương mại thế giới WTO tức là bứơc vào sân chơi lớn toàn cầu.
Người dân bình thường có thể chưa hiểu biết về WTO về sự cạnh tranh khốc liệt. Nhưng họ vẫn vui vì tin là sẽ có hàng tốt giá rẻ nhập cảng từ nứơc ngoài, và theo họ chỉ một chuyện được đối xử ngang hàng, góp mặt với bạn bè năm châu cũng đã là một niềm vui lớn.