Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm và cần học hỏi những gì từ các nước khác?

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Trên con đường thực hiện chính sách đổi mới và nếu muốn tiếp tục phát triển, Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì và cần học hỏi những gì từ các nước khác? Đó là câu hỏi mà Ban Việt Ngữ chúng tôi đặt ra trong buổi nói chuyện với ông Klaus Rohland, Giám Đốc Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam. Cuộc nói chuyện do Nguyễn Khanh thực hiện từ Bangkok.

KlausRohland150.jpg
Ông Klaus Rohland, Giám Đốc Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam. Hình của Nguyễn Khanh

Nguyễn Khanh: xin chào ông Giám Đốc. Ông Shengman Zhang, nhân vật đứng thứ nhì của Ngân Hàng Thế Giới vừa kết thúc chuyến viếng thăm và làm việc tại Việt Nam, và có thể nói đó là một trong những chuyến đi cuối cùng của ông Zhang trong cương vị Giám Đốc Điều Hành. Tại sao Việt Nam lại được chú ý đến cũng như được coi trọng như vậy?

Ông Klaus Rohland: ông Zhang đến Việt Nam để xác định vị trí quan trọng của Việt Nam trong các chương trình hoạt động của Ngân Hàng Thế Giới. Ông Giám Đốc Điều Hành của Ngân Hàng cũng muốn dùng chuyến đi để bày tỏ sự ngưỡng mộ về những thành quả phát triển kinh tế mà chính phủ Việt Nam đã thực hiện được trong 10 năm qua.

Do đó, chuyến viếng thăm và làm việc của ông Zhang ở Hà Nội là chuyến thăm viếng hữu nghị, chứ không phải ông Giám Đốc Điều Hành Ngân Hàng Thế Giới đến Việt Nam để giải quyết trở ngại. Chuyến viếng thăm của ông Zhang cũng xác nhận sự hợp tác tốt đẹp giữa Ngân Hàng Thế Giới và chính phủ Việt Nam.

Nguyễn Khanh: với cương vị Giám Đốc Văn Phòng Ngân hàng Thế Giới ở Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về những thành quả mà Việt Nam đạt được trong 10 năm qua?

Ông Klaus Rohland: rõ ràng Việt Nam đã thành công về cả 2 mặt kinh tế và phát triển. Chỉ trong vòng 15 năm qua, mức thu nhập bình quân của người dân đã tăng gấp 4 lần, từ 150 đô la một năm hồi 1990 bây giờ đã lên đến 600 đô la một năm. Cùng một lúc, nhiều chương trình phát triển xã hội cũng được thực hiện rất chặt chẽ.

Tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam đã giảm ở mức thật đáng kể và tiếp tục giảm, bằng chứng là trong bảng lượng định năm nay, chúng tôi thấy tỷ lệ người nghèo tại Việt Nam chỉ còn có 23% và đó là thành quả rất lớn mà Việt Nam thực hiện được và được thế giới công nhận va ca ngợi.

Những quốc gia khác có thể học hỏi ở Việt Nam là quyết tâm phải thành công, phải phát triển, được thể hiện bởi người dân Việt Nam. Người dân Việt Nam có tầm nhìn rất xa, họ quan tâm đến tương lai của con cháu họ.

Việt Nam cũng thành công tốt về 2 mặt giáo dục và y tế, và chứng tỏ cho thấy họ đang đi theo con đường mà chúng ta có thể gọi là bước tiến để trở thành “con hổ của Châu Á”.

Nguyễn Khanh: ông cũng rõ là chẳng phải chí có một mình Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng đang nhận được trợ giúp từ Ngân Hàng Thế Giới để thực hiện các chương trình đổi mới và phát triển.

Xin được hỏi ông là Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì với các nước khác và học hỏi những gì từ các nước khác? Tôi hy vọng không đặt ông trong tình thế tế nhị khi đặt câu hỏi này.

Ông Klaus Rohland: không đâu. Tôi đang nghĩ xem phải trả lời ông như thế nào. Theo tôi, Việt Nam cần học hỏi những sai lầm từ những nước đã trải qua tình trạng như Việt Nam hiện giờ, để đừng phạm phải các lỗi lầm khi thực thi chính sách phát triển. Một trong những điều mà tôi chợt nghĩ đến là lãnh vực tài chính.

Chắc ông còn nhớ hồi 1997, nhiều nước Châu Á gặp khó khăn vì cuộc khủng hoảng vì cơ chế tài chính của họ không đủ mạnh để đối phó với cuộc khủng hoảng. Một vấn đề khác nữa mà tôi cũng muốn nói đến là vấn đề tham nhũng. Tham nhũng là trở ngại, cản trở tiềm năng phát triển của quốc gia. Điều đáng mừng là ngay từ đầu, chính phủ và nhân dân Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này.

Những quốc gia khác có thể học hỏi ở Việt Nam là quyết tâm phải thành công, phải phát triển, được thể hiện bởi người dân Việt Nam. Người dân Việt Nam có tầm nhìn rất xa, họ quan tâm đến tương lai của con cháu họ.

Tôi còn nhớ là trong một cuộc thăm dò được thực hiện ở nhiều quốc gia cách đây mới vài năm, có câu hỏi là các bạn mong gì ở tương lai, và những người dân Việt Nam nói là họ muốn con cháu của họ có đời sống tốt hơn hiện nay, và điều đó chứng tỏ cho thấy sự quyết tâm và sự lạc quan của người dân Việt. Nếu tôi nhớ không sai thì tới 90% người Việt trả lời họ quan tâm đến tương lai của các thế hệ sau này.

Sự lạc quan đó cộng với quyết tâm đã tạo thành điều mà tôi gọi là điểm mấu chốt cho công trình phát triển của quốc gia, và nhiều nước khác trên thế giới phải thấy điều này, phải biết đó chính là chìa khóa đưa Việt Nam đến thành công.

Đương nhiên Việt Nam có thể tiến nhanh hơn nữa nếu giải quyết được các trở ngại về mặt hành chính, bỏ bớt những thủ tục rườm rà, cho phép các địa phương rộng quyền quyết định hơn, tức là cần cải tổ hành chính nhanh hơn mức độ hiện nay.

Nguyễn Khanh: khi nói về tốc độ phát triển, có nhiều người nói rằng Việt Nam phải tiến nhanh hơn nữa, nhưng cũng có người bảo là dường như Việt Nam đang tiến quá nhanh. Ông Giám Đốc nghĩ thế nào?

Ông Klaus Rohland: tốc độ phát triển của Việt Nam là điều luôn luôn được đánh giá xem là nhanh hay chậm. Phần chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng mức độ phát triển, tăng trưởng, mức độ đổi mới hiện nay phù hợp với tình thế của Việt Nam.

Đương nhiên Việt Nam có thể tiến nhanh hơn nữa nếu giải quyết được các trở ngại về mặt hành chính, bỏ bớt những thủ tục rườm rà, cho phép các địa phương rộng quyền quyết định hơn, tức là cần cải tổ hành chính nhanh hơn mức độ hiện nay.

Thử thách lớn nhất mà một quốc gia như Việt Nam phải đương đầu là dù có đạt được mức tăng trưởng kinh tế 7% hay 8% đi chăng nữa, thì những nước khác trong khu vực cũng tăng trưởng tương tự, riêng trường hợp của Trung Quốc thì họ còn tăng trưởng nhiều hơn. Thành ra Việt Nam không thể đứng yên ở một chỗ được. Việt Nam đã thành công, đang thành công và phải tiếp tục thành công. Và đó phải là mục tiêu, là đích mà Việt Nam phải nhắm tới.

Nguyễn Khanh: xin cám ơn ông Rohland.