Điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ về tình hình Nhân quyền Việt Nam

Một buổi điều trần về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam đã diễn ra tại hạ viện Mỹ hôm thứ Năm vừa qua.

Sự đánh giá của Bộ Ngoại Giao Mỹ về tình trạng nhân quyền và mức độ tự do tôn giáo của Việt Nam không sát thực tế và cần phải thay đổi, phải đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC tức các nước cần đặc biệt quan tâm.

Đó là nhận định và cũng là yêu cầu từ các thuyết trình viên có nhiệm vụ trình bày trước một số vị dân cử Mỹ thường quan tâm đến tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam.

Đây là buổi điều trần đầu tiên của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos diễn ra tại hạ viện với ba diễn giả chính, bà Sophie Richardson của Giám Sát Nhân Quyền Human Rights Watch, ông Michal Cromartie thuộc Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo, ông Nguyễn Đình Thắng Boat Poeple SOS.

Phía lập pháp Mỹ có sự hiện diện của các dân biểu hai đảng như Chris Smith, Frank Wolf, Joseph Cao Quang Ánh, James McGovern , Zoe Lofgren, Ed Royce, và một số vị khác.

Nạn buôn người

Lên tiếng tại buổi điều trần, ông Nguyễn Đình Thắng phát biểu là bậc hai , mà Việt Nam được Bộ Ngoại Giao Mỹ xếp hạng trong phúc trình thường niên về nạn buôn người , hàm ý Việt Nam đã có tiến bộ trong cố gắng giải quyết tệ nạn này.

…Việt Nam đã bao che cho những hành động buôn người, đè ép thay vì giúp đỡ những công nhân đòi quyền lợi chính đáng , ngăn cản báo chí trong nước loan tải những tin tức liên quan đến các trường hợp buôn người điển hình…

TS Nguyễn Đình Thắng

Với số liệu và hình ảnh thu thập được về những sự việc tồi tệ xảy ra cho phần đông công nhân xuất khẩu ra nước ngoài, điển hình như Malaysia và Jordan, ông Nguyễn Đình Thắng khẳng định lẽ ra Việt Nam phải ở bậc ba tức bậc xấu nhất của các nước có vấn đề trong phúc trình buôn người của Bộ Ngoại Giao Mỹ. Ông nói Bộ Ngoại Giao Mỹ phải dứt khoát hơn khi xếp hạng Việt Nam về thứ bậc tốt xấu trong phúc trình thường niên kỳ tới.

“Trong lúc cùng với nhiều quốc gia xuất khẩu lao động ra nước ngoài , Việt Nam đã bao che cho những hành động buôn người, đè ép thay vì giúp đỡ những công nhân đòi quyền lợi chính đáng , ngăn cản báo chí trong nước loan tải những tin tức liên quan đến các trường hợp buôn người điển hình, gạt bỏ nỗ lực hỗ trợ và giúp đỡ của các tổ chức ngoài chính phủ trong cố gắng đưa công nhân bị khó khăn trở về nước.”

Nêu thí dụ về 261 lao động Việt qua Jordan hồi năm ngoái đã bị chủ bắt làm việc 16 tiếng mỗi ngày mà lương tháng thấp hơn mức ký trong hợp đồng, ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh đây là một trường hợp buôn người điển hình mà Việt Nam phải xứ lý bởi trước giờ các công ty môi giới đưa công nhân đi nước ngoài đều trực thuộc cơ quan chính phủ tức Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội:

“Rất khôn khéo trong việc lựa chọn và chống trả, Việt Nam được coi là thành công trong lãnh vực phòng chống nạn buôn người vào đường mãi dâm và đã dùng điều ấy để chứng tỏ cho thế giới rằng họ thật là tích cực trong công tác phòng chống và giải quyết tệ nạn buôn người về mọi mặt.”

Nhân quyền xuống cấp

Thuyết trình viên Michael Cromartie thuộc USCIRF, Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới:

“Tôi đã sang Việt Nam năm 2007 và mới đây năm 2009, theo tôi thì nhân quyền ở Việt nam đã xuống cấp nghiêm trọng hai năm trở lại đây.”

Ông nhắc lại từ năm 2001 Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới từng mỗi năm yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ liệt Việt Nam vào danh sách CPC.

Năm 2004 và 2005 Việt Nam lọt vào danh sách CPC các nước cần đặc biệt lưu tâm vì không tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân. Đến năm 2006, trước khi chính thức gia nhập WTO Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, tên Việt Nam được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rút khỏi danh sách CPC vì cho rằng Hà Nội đã có nhiều cố gắng cải thiện tình trạng tôn giáo trong nước.

Vẫn theo lời ông Michael Cromartie, gần đây vị đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Mihalak, đã tuyên bố là không có đủ bằng chứng để kéo Việt Nam trở lại danh sách CPC:

“Đương nhiên chúng tôi không đồng ý với nhận định này. Bằng chứng rõ ràng là Việt Nam có nhiều tù nhân lương tâm, nhiều người bị ép buộc từ bỏ đức tin, chính sách kỳ thị phân biệt đối xử tôn giáo vẫn tồn tại, những người sắc tộc là đối tượng bị đàn áp, bị cưỡng ép bỏ đạo, công an bắt giữ những ai lên tiếng đòi hỏi tự do tôn giáo tự do thờ phượng, gần đây thì những chuyện như sách nhiễu bắt bớ gây khó dễ đã xảy ra đối với các luật sư chuyên bênh vực và tranh đấu cho tự do tôn giáo hay quyền con người.”

Thuyết trình viên Sophie Richardson thuộc Giám Sát Nhân Quyền Human Rights Watch nói rằng bà hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng tình trạng nhân quyền ở Việt Nam tiếng là có cải thiện nhưng thực tế cho thấy quyền con người đã bị chà đạp nghiêm trọng qua những hành động mạnh tay như bắt bớ đối lập, lạm dụng sức lao động của công nhân xuất khẩu ra nước ngoài, phân việt đối xử các cộng đồng sắc tộc nhất là người Thượng ở Tây Nguyên và người H’mong ở miền Bắc. Bày tỏ cảm tưởng về buổi điều trần, bà nói:

Tôi đã sang Việt Nam năm 2007 và mới đây năm 2009, theo tôi thì nhân quyền ở Việt nam đã xuống cấp nghiêm trọng hai năm trở lại đây.

Ông Michael Cromartie, USCIRF

“Tôi nghĩ đây là một nhóm dân cử rất thông hiểu, rất nhiệt tình muốn biết, muốn thay đổi tình trạng nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam bên cạnh các vấn đề khác của quốc gia này như chuyện đàn áp người bất đồng chính kiến, phong tỏa Internet, ngăn chận bloggers, bắt bớ ký giả và nhiều sự việc quan trọng khác nữa...

Một trong những điểm tích cực của buổi điều trần hôm nay là ý muốn đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC mà chí ít có thể dẫn tới một cuộc bàn thảo đúng đắn hơn về dự thảo luật Nhân Quyền Cho Việt Nam ở quốc hội, dẫn tới thái độ cương quyết hơn từ phía hành pháp Mỹ cũng như phía Việt Nam. Tôi hy vọng buổi điều trần có thể gởi một thông điệp mạnh mẽ đến chính quyền Việt Nam rằng lập pháp Mỹ không chỉ bày ra để thảo luận cho có chuyện...”

Không có tự do tôn giáo

Tiếp phần hỏi đáp sau buổi điều trần, dân biểu Ed Royce, thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos, nhấn mạnh rằng đây là bằng chứng xác thực về vấn đề đang xảy ra ở Việt Nam mà không ai có thể nói đó không phải là đàn áp tôn giáo. Điều này cho thấy cần đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Với câu hỏi ông nghĩ sao về ý kiến đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, dân biểu Frank Wolf trả lời một cách gián tiếp rằng phải chăng hành pháp Mỹ thất bại trong chuyện này, đại sứ Mỹ ở Việt Nam cũng thất bại trong chuyện này, thế thì đến lúc nên có một ông đại sứ khác cho Việt Nam.

Dân biểu Chris Smith, tác giả dự thảo luật Nhân Quyền Cho Việt Nam mà hai lần được thông qua ở hạ viện nhưng gặp trở ngại khi chuyển lên thượng viện, nói rằng phải tiếp tục và tiếp tục thúc đẩy hầu dự thảo luật Nhân Quyền Cho Việt Nam phải được quốc hội Mỹ thông qua.

Ông phát biểu tiếp là Hoa Kỳ cần hành động nhiều hơn nữa và rất may mắn là một số vị dân cử lưỡng đảng đã rất chú tâm đến thực trạng thiếu nhân quyền cũng như không có tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Thanh Trúc tường trình từ Washington.