Nguồn lợi kinh tế từ khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này cho địa phương có đủ bồi đắp những di hại từ việc khai thác vô độ ra sao? Cơ quan chức năng kiểm soát được tình hình đến đâu?
Quỳnh Như tổng hợp và tường trình về thực trạng này.
Sông Hậu, đoạn từ vàm Bò Ớt tới Cái Cui dài khoảng 60 cây số nhưng có đến 10 mỏ cát, rộng hơn 558 ha lòng sông, được sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cấp phép khai thác cát.
Tổng trữ lượng được cấp phép khai thác hơn 25 triệu mét khối cát. Tuy nhiên trên thực tế người ta lấy vét đi bao nhiêu tài nguyên này của quốc gia thì không ai biết.
Năm ngoái, khi phía Campuchia còn cho xuất khẩu cát thì cát của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long không thể cạnh tranh vì chất lượng kém hơn, vì thế cát “chảy” ra nước ngoài, nhất là sang Singapore cũng ít hơn. Từ khi Chính phủ Campuchia quyết định đóng mỏ cát, trong khi nhu cầu từ Singapore và một số nước trong khu vực còn rất lớn nên các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu cát của Việt Nam tranh thủ khai thác tài nguyên vốn dĩ không tái sinh này để đưa qua Singapore.
Cục Hải quan Cần Thơ cho biết số cát xuất đi trong sáu tháng đầu năm nay tăng gấp bảy lần so với số của cả năm ngoái, và bằng số lượng cát xuất từ cả chục năm trước cộng lại.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó phòng Kế hoạch Xí nghiệp Khai thác Cát thuộc Công ty Phát triển Kinh doanh nhà Cần Thơ cho biết trước khi Campuchia đóng cửa mỏ thì tình hình cát nền khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long không biến động nhiều, giá cát chỉ khoảng 15.000 – 17.000 đồng/m3, nhưng hiện nay giá sang tại ghe đã tăng vọt lên 25.000 – 30.000 đồng/m3. Ông Hùng nói:
“Sau khi ủy ban không cho xuất cát và nhập khẩu cát ở đây nữa thì cát nội địa mới ổn định lại, chứ ủy ban còn cho xuất khẩu thì giá cát không ổn định và sẽ làm môi trường cát ở đây khan hiếm đi.”
Cát ở khu vực sông Tiền, sông Hậu bị khai thác và xuất khẩu ồ ạt trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, không cơ quan nào nhận trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra và quản lý việc khai thác này, dẫn đến tình trạng địa phương thì thất thu về ngân sách và còn môi trường thì bị ảnh hưởng nặng.
Thất thu ngân sách
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận Thốt Nốt – Cần Thơ, cho biết: "một xáng cạp trên sông Hậu mỗi ngày đêm thu lợi ước từ 35 – 50 triệu đồng, bằng chỉ tiêu thuế cả năm của một bộ phận doanh nghiệp ở địa phương."
Còn thượng tá Lê Văn Chì, Cảnh sát Môi trường - Công an Cần Thơ so sánh, các khoản thu về tài chính đối với hoạt động khai thác cát trong mấy năm gần đây cộng lại chưa bằng nguồn thu của một chiếc sà lan khai thác trong vòng một tháng.
Thượng tá Lê Thanh Chiến, trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Đường Thủy - Công an Cần Thơ cũng cho biết: "hiện nay, sà lan từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung cũng tập trung về sông Hậu để lấy cát." "Chợ cát" trên sông Hậu thuộc Cần Thơ luôn có khoảng 300 chiếc xáng cạp, tàu kéo khai thác cát ngày đêm.
Trong khi đó thì ngành thuế không thu được bao nhiêu cho ngân sách địa phương. Ông Nguyễn Viết Thân, Cục Phó Cục Thuế Cần Thơ, cho biết: "kết quả thu thuế tài nguyên hàng năm chỉ ở mức vài trăm triệu đồng."
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long, nằm ở bên kia bờ sông Hậu, quản lý thu thuế đối với 11 công ty đăng ký kinh doanh khai thác cát, cho biết kết quả thu thuế năm 2008 đạt mức 344 triệu đồng, có vượt dự thu nên dự toán thu năm 2009 được nâng lên 360 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng theo cơ quan này, với cơ chế tự khai tự nộp thuế sẽ làm thất thoát không nhỏ cho ngân sách. Việc kiểm soát hết số lượng đơn vị cũng như phương tiện thực tế tham gia hoạt động khai thác cát trên sông là rất khó; các đơn vị ở Vĩnh Long nhưng qua phía Cần Thơ khai thác.
Ảnh hưởng môi trường
Việc khai thác cát theo kiểu khui mỏ và khoan sâu ở những nơi có cát tốt làm cho lòng sông biến dạng, dòng chảy biến đổi khiến tình trạng sạt lở bờ sông khủng khiếp tới mức bất kỳ lúc nào cũng có thể sạt lở ở đâu đó dọc triền sông.
Đối với một vùng đất yếu như ĐBSCL mà vẫn cho phép khai thác cát ồ ạt, vượt mức kiểm soát chẳng khác nào đồng ý cho đào ruỗng chân đê.
TS Trần Tân Văn
Theo Tiến sĩ Trần Tân Văn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đối với một vùng đất yếu như ĐBSCL mà vẫn cho phép khai thác cát ồ ạt, vượt mức kiểm soát chẳng khác nào đồng ý cho đào ruỗng chân đê. Và đương nhiên dòng chảy sẽ cuốn đi hàng trăm, hàng ngàn hecta đất ven hai bên bờ sông, các hệ thống, công trình thủy lợi, đê kè bị phá hủy, nhà cửa của người dân ven sông cũng bị cuốn trôi, khi đó chắc chắn thiệt hại về con người và kinh tế là vô cùng nghiêm trọng.
Việc khai thác, xuất khẩu cát ồ ạt hiện nay chủ yếu là chạy theo lợi nhuận trước mắt, mà không tính toán đến những phương hại lâu dài. Trong khi thực tế, để làm 1km kè ở ĐBSCL rất tốn kém, những nơi khác chỉ mất từ 5-7 tỉ đồng, nhưng ở ĐBSCL có những chỗ như kè Tân Châu phải tốn đến hàng trăm tỉ đồng cho một km.
Quản lý thiếu hiệu quả
Ông Đặng Hữu Phước, Trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản thuộc Sở Tài Nguyên – Môi Trường Cần Thơ, giải thích do kinh phí ít, không đủ để tổ chức kiểm tra thường xuyên, thuê ghe đò đi thực tế thì sợ bị động, đề xuất kinh phí cho trang bị thiết bị đo độ sâu, thiết bị định vị ngay trên mặt sông xác định tọa độ khai thác sai để làm chứng cứ xử phạt nhưng không được đáp ứng.
Trong khi đó, theo Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân TP Cần Thơ, thì năm 2008 Sở Tài Nguyên – Môi Trường không sử dụng hết kinh phí. Kinh phí bảo vệ môi trường năm nay được phân bổ khoảng 1 tỉ đồng nên chuyện mua sắm những thiết bị cần thiết cho hoạt động kiểm tra, quản lý tài nguyên cát không khó.
Ngoài ra, các hoạt động khai khoáng cần phải minh bạch, và người được phép khai thác tài nguyên đòi hỏi phải có trách nhiệm, nhưng xem ra việc đó không hề đơn giản khi mà tài nguyên luôn mang lại nguồn lợi khổng lồ.
Ông Nguyễn Viết Thân, Cục Phó Cục Thuế Cần Thơ bất lực nói: "Có rất nhiều đơn vị đã được cấp phép nhưng không hề kê khai, cũng không hề nộp bất cứ một khoản thu nào. Khi mời doanh nghiệp để triển khai các văn bản quy định các khoản nộp thì doanh nghiệp khước từ với lý do rất đơn giản là không còn hoạt động."
Có rất nhiều đơn vị đã được cấp phép nhưng không hề kê khai, cũng không hề nộp bất cứ một khoản thu nào. Khi mời doanh nghiệp để triển khai các văn bản quy định các khoản nộp thì doanh nghiệp khước từ với lý do rất đơn giản là không còn hoạt động.
Ông Nguyễn Viết Thân
Cũng như theo quy định của Chính phủ, thời hạn cấp giấy phép khai thác không quá ba tháng, chỉ khai thác trong mùa khô, mỗi lần cấp phép không quá 5.000m3, nhưng công ty TNHH Huỳnh Đức lại được cấp phép khai thác suốt 10 năm; từ tháng 6/2007 đến 6/2017, với tổng sản lượng được phép khai thác 3,3 triệu mét khối.
Theo Sở TN-MT Cần Thơ, hiện tại địa phương đã có chủ trương tạm ngưng xem xét cấp mới hoặc gia hạn giấy phép khai thác cát. Ông Nguyễn Thế Hùng, Xí nghiệp Khai thác Cát cũng nhận định:
“Hiện nay ủy ban đã chấn chỉnh lại rồi, kiểm tra nghiêm ngặt lại những đơn vị tư nhân ăn cắp cát hoặc dạng làm không giấy tờ, không phép để ngăn chặn tình trạng khai thác lậu. Ủy ban không cho làm ban đêm nữa. Những đơn vị có giấy phép đăng ký đàng hoàng thì làm từ 6g sáng đến 6g chiều. Không còn tình trạng mấy đơn vị tư nhân dạng như người dân khi cần thì ra ăn cắp nữa.”
Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn khẳng định Cần Thơ chưa từng có chủ trương xuất khẩu cát. Và mới đây Bí thư Thành phố Cần Thơ ông Nguyễn Tấn Quyền, cũng nói:
“Về vấn đề khai thác cát thì chính phủ đã có văn bản chỉ đạo không cho phép xuất khẩu ra nước ngoài nữa.”
Tuy nhiên cát đã bị vét để xuất khẩu với số lượng hàng triệu tấn chạy qua trước mắt những cơ quan có thẩm quyền. Nhưng thử hỏi các cơ quan cấp phép khai thác tài nguyên, người ta đã lấy đi bao nhiêu cát thì cơ quan quản lý này cũng không biết.