Thời trang Việt Nam

Lâu nay, nói đến thời trang Việt Nam, người ta nói nhiều đến hàng dệt may xuất khẩu, mà chủ yếu là gia công cho các hãng lớn của nước ngoài. Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước giờ đây cũng đã quan tâm hơn đến quần áo thời trang. Nhu cầu thời trang của người Việt Nam đã trở nên phong phú và khắt khe hơn.

0:00 / 0:00

Vậy xu hướng thời trang của người Việt Nam trong nước hiện nay đã thay đổi thế nào? Và liệu ngành thời trang Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu đó hay chưa? Việt Hà tìm hiểu và có bài tường trình.

Thị trường tiềm năng tiêu thụ thời trang

Việt Nam là một nước có dân số trẻ, với hơn 60% là giới trẻ. Trong khi đó, Việt Nam cũng là một nước đang phát triển, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình tính đến trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ở mức 7% một năm. Đây là những nhân tố cần thiết để cho ngành may mặc thời trang phát triển. Ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, cho biết, doanh thu của thị trường nội địa năm 2008 là hơn 2 tỷ đô la. Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, thì dung lượng thị trường này đến năm 2010 có thể đạt 6 tỷ đô la.

… nhưng dân Việt Nam giờ cũng thích hàng Việt Nam vì họ có cảm giác nó an toàn, thứ hai giờ nó cũng bền và đẹp, hơn một năm nay người ta chuyển sang hàng Việt Nam khá nhiều.

Chị Nga, Hà Nội

Theo một điều tra do Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Doanh và Hỗ Trợ Doanh Nghiệp thực hiện năm 2008 thì, mức chi tiêu bình quân cho quần áo, đồ thời trang hàng tháng chiếm tới 18% tổng chi tiêu của những người trẻ, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, tức là ở độ tuổi từ 20 đến 45, đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, 60% người tiêu dùng đã mua sắm với mức từ 150,000 đến 500,000 đ/tháng cho nhu cầu mặc đẹp. Hiện có khoảng 70% người tiêu dùng mua đồ thời trang với tần suất đều đặn hàng tháng hoặc 2 đến 3 tháng một lần. Trong đó đa số người tiêu dùng ở độ tuổi dưới 25 tuổi đi mua mỗi tháng ít nhất 1 lần.

Hàng Trung Quốc

Hàng quần áo thời trang đầu tiên đến với người tiêu dùng Việt Nam ngay từ những ngày đầu mở cửa, là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế mạnh của hàng Trung Quốc luôn là giá rẻ, mẫu mã phong phú. Hàng Trung Quốc được nhập về nhiều nhất là từ Quảng Châu theo cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch, mà phần lớn là nhập lậu. Chị Nga, một người buôn bán quần áo ở chợ Châu Long, Hà Nội cho biết.

"Trước đây mua của Trung Quốc nhiều, gần một năm nay vừa bán hàng Trung Quốc vừa bán hàng Việt Nam. Mẫu mã của Trung Quốc đẹp hơn, luân chuyển mẫu nhanh hơn, thay đổi mẫu liên tục, nhưng dân Việt Nam giờ cũng thích hàng Việt Nam vì họ có cảm giác nó an toàn, thứ hai giờ nó cũng bền và đẹp, hơn một năm nay người ta chuyển sang hàng Việt Nam khá nhiều."

“Made in Vietnam”

Nói đến xu hướng quần áo thời trang hiện nay ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không thể không nói đến loạt cửa hàng ‘made in Vietnam’. Đây là những cửa hàng bán các loại quần áo do Việt Nam gia công cho các hãng lớn của nước ngoài như Old Navy, Gap, Nike, vân vân.. Các hàng này được may theo mẫu mã của các hãng nước ngoài và với nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu. Cái tên “made in Vietnam” được lấy ngay từ trên nhãn của quần áo. Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ hai cửa hiệu mang tên ‘made in Vietnam’ giải thích về loại hàng này như sau:

“Em lấy các hàng 3% dư của nhà máy. Hàng đấy là các hãng đặt may nó lỗi thừa thì nhà máy để lại, lâu lâu có thể hết mốt thì người ta bán, nó rẻ hơn nhiều vì nó là hàng lỗi, người ta thích, tất nhiên người ta thích vì nó có chất lượng nhưng người ta phải chấp nhận là hàng lỗi.”

Người ta thiết kế đẹp, mình mặc vừa và có vài bộ trang trọng để mình đi đây đi đó, nhưng mà nói về mặc toàn những bộ đó thì giá cả hơi mắc so với số tiền mình bỏ ra để may một bộ đẹp như thế thì nó mắc hơn rất nhiều.

Chị Nguyễn Bích Vân, Hà Nội

Hàng thời trang do Việt Nam thiết kế và sản xuất cũng đã dần dần lấy được thị phần trong nước. Những hãng thời trang trong nước nổi tiếng lâu nay là Việt Tiến, may 10 chủ yếu cho thời trang công sở của nam giới, hay Nem, Foci, Chickland là thời trang công sở cho nữ giới. Theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, thì mẫu mã của các hàng do Việt Nam thiết kế và sản xuất cũng khá đa dạng và đẹp, tuy nhiên, theo một số người thì giá cả của các mặt hàng này vẫn còn khá đắt so với thu nhập của đa số người dân. Chị Nguyễn Bích Vân, một người tiêu dùng ở Hà Nội cho biết:

“Người ta thiết kế đẹp, mình mặc vừa và có vài bộ trang trọng để mình đi đây đi đó, nhưng mà nói về mặc toàn những bộ đó thì giá cả hơi mắc so với số tiền mình bỏ ra để may một bộ đẹp như thế thì nó mắc hơn rất nhiều. Ví dụ một cái váy họ bán 1 triệu, nhưng mình có thể tìm được chất liệu vải như thế và mình đi may đẹp như thế thì giá giảm hơn một nửa.”

Ngoài ra, hiện đã có trên 140 thương hiệu nước ngoài từ cao cấp đến bình dân của Pháp, Ý, Mỹ, và các nước châu Á chính thức vào Việt Nam. Đại diện tập đoàn Bvlgari cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực Viễn Đông đang chiếm 18% trên tổng doanh thu kinh doanh hàng hiệu của hãng này trên toàn thế giới (ước tính khoảng 800 triệu euro) và đang là thị trường phát triển ‘nóng’. Tuy nhiên hàng thời trang của các hãng có tên tuổi này cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ người tiêu dùng Việt Nam có thu nhập cao mà thôi.

Với trên 82 triệu người, đa phần là dân số trẻ, Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng tiêu thụ thời trang lớn của châu Á và thế giới. Tốc độ phát triển hàng thời trang hiện nay trên 20% một năm với hàng may mặc thời trang thông dụng, và vào khoảng 30% một năm với hàng hiệu cao cấp độc quyền. Theo đánh giá của các chuyên gia, người tiêu dùng Việt Nam giờ đây không còn dừng ở ăn ngon mặc đẹp mà họ đang cần yếu tố ‘sành điệu’. Đây chính là cơ hội để hàng may mặc của các công ty Việt Nam phát triển. Sau một thời gian dài để mất thị trường trong nước cho hàng Trung Quốc, giờ đây, ngành thời trang non trẻ Việt Nam đang dần định hình để thu lấy thị phần nội địa. Đã có những nhà thiết kế thời trang Việt Nam, công ty may Việt Nam mơ ước đến việc tạo dựng thương hiệu để vươn ra thị trường quốc tế. Nhưng trước mắt, thời trang Việt Nam còn có nhiều việc phải làm để tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng trong nước.