Gia Minh, phóng viên đài RFA
Hội Luật gia Việt Nam cho biết họ đang xây dựng Dự án Luật trưng cầu ý dân. Một điều khoản trong dự thảo ghi là công dân, các tổ chức xã hội của công dân 'có quyền kiến nghị trưng cầu ý dân về một vấn đề' khi thu thập được 1 triệu chữ ký cử tri của hai phần ba tỉnh thành phố.
Theo nhiều người thì nếu dự luật đầu tiên trong lĩnh vực này được thông qua thì đây là một bước phát triển đáng kể về mặt dân chủ cho Việt Nam. Gia Minh hỏi chuyện Luật sư Phạm Hồng Hải, chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, là người có tham gia vào việc xây dựng dự án Luật trưng cầu ý dân. Trước hết ông nói về ý nghĩa của dự luật đó.
Luật sư Phạm Hồng Hải: Dưới giác độ XH thì nếu ban hành luật này thì đó là bước phát triển của nền dân chủ; bởi từ xưa đến nay việc bổ nhiệm bãi nhiệm các viên chức cơ quan công quyền chưa qua ý kiến nhân dân. Nếu có luật này thì việc đánh giá cán bộ tốt hơn.
Gia Minh: Luật này mới vậy phải làm gì để khi ra đời có thể đáp ứng yêu cầu?
Luật sư Phạm Hồng Hải: Trong quá trình xây dựng bất kỳ dự án luật nào thì chúng tôi đều có tham khảo các luật nước ngoài và căn cứ vào thực tiễn về Việt Nam, để ban hành những luật phù hợp. Việc soạn thảo Luật trưng cầu ý dân cũng thế thôi.
Gia Minh: Việc tham khảo cụ thể những nước nào?
Bạn nghĩ gì về dự luật trưng cầu ý dân này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Luật sư Phạm Hồng Hải: Như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc… Việt Nam trước đây từng có Hội nghị Diên Hồng, vua cũng hỏi ý kiến của các bô lão…
Gia Minh: Ông nhắc lại Hội nghị Diên Hồng, bẵng đi khá lâu, vậy nay phải làm gì để người dân có thể phát huy khả năng trong việc thi hành luật đó?
Luật sư Phạm Hồng Hải: Trước khi ban hành phải có quá trình soạn thảo. Quá trình soạn thảo có tổ biên tập, ban dự án; họ có trách nhiệm sưu tầm tài liệu, khảo sát, thảo luận; sau đó ra dự án báo cáo phúc trình với ủy ban luật pháp của Quốc hội.
Trong thực tiễn có những dự án phải qua mấy chục lần mới đưa ra quốc hội thông qua… Đây là một văn bản pháp luật mới, hỏi ý kiến nhân dân về nhiều vấn đề lớn; quá trình xây dựng phải có thời gian mà trong lĩnh vực này thì Việt Nam chưa có kinh nghiệm mấy.
Gia Minh: Theo luật sư phải mất bao lâu mới có thể ban hành Luật trưng cầu ý dân này?
Luật sư Phạm Hồng Hải: Theo tôi thì phải mất vài ba năm tới mới có thể thông qua được.
Gia Minh: Xin cám ơn ông.