Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Tại hội nghị tổng kết chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm nhóm họp mới đây, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, trong năm 2006 có trên 2600 người bị ngộ độc, tăng 70% so với năm 2005.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các cơ quan chức năng lên tiếng báo động lâu nay, nhưng tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Mặt khác, năng lực quản lý và phương tiện kiểm nghiệm thực phẩm còn yếu cũng là nguyên do làm gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo tài liệu phổ biến tại hội nghị tổng kết chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm thì tình trạng ngộ độc do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là tại những bếp ăn tập thể, không đảm bảo các quy định chung về vệ sinh, cộng với chất lượng kém, vì giá thành suất ăn do nhà bếp tập thể cung cấp rất thấp, khoảng 4000 đến 5000 đồng một phần.
Không có sự cải thiện
Theo giới tiêu thụ thì an toàn thực phẩm và chuyện bị ngộ độc là điều thường xuyên xảy ra tại Việt Nam và cứ kéo dài từ năm này sang năm khác mà không có sự cải thiện nào. Về phần người sản xuất thì vì chạy theo lợi nhuận cao, nên dù biết trước là thực phẩm do họ bày bán sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe dân chúng, nhưng họ vẫn cứ ngang nhiên làm theo ý mình, có nghĩa là không làm ăn lương thiện.
Những trường hợp sử dụng quá liều lượng hàn the trong giò chả, mì sợi, trộn muối diêm vào lạp xưởng, bỏ formol vào bánh phở, dùng phân urê ướp cá đã được báo chí phanh phui từ nhiều năm nay, vì hành động cố ý này giúp cho hàng hóa tươi tốt, có màu sắc đẹp mắt, nhưng lại gây tác hại về lâu về dài cho khách hàng, có thể gây ra bệnh ung thư.
Một doanh nhân trong ngành cung cấp thực phẩm từ Chợ Lớn giải thích: "Có những món ăn đã trở thành văn hoá của người Việt Nam mà không thể nào bỏ qua được như phở hay hủ tiếu. Có những thứ không thể thay thế được như bánh ướt giò chả trong dịp Tết…sẽ phải tìm những cơ sở uy tín, nhưng mình không thể nào biết chắc là có an toàn hay không ."
Có những món ăn đã trở thành văn hoá của người Việt Nam mà không thể nào bỏ qua được như phở hay hủ tiếu. Có những thứ không thể thay thế được như bánh ướt giò chả trong dịp Tết…sẽ phải tìm những cơ sở uy tín, nhưng mình không thể nào biết chắc là có an toàn hay không .
Ông đề nghị chánh quyền cần phải ban hành những biện pháp cứng rắn hầu chấm dứt những tệ trạng, mánh khóe của con buôn tham tiền mà xem thường sức khỏe của người tiêu dùng: "Theo tôi nhà chức trách, nhà quản lý phải mạnh tay hơn đối với nhà sản xuất chẳng hạn như kiểm tra đột xuất, thu hồi giấy phép hoặc cấm kinh doanh. Thí dụ tập trung vào một khu vực tất cả những người sản xuất kinh doanh bánh phở bánh hủ tiếu và kiểm định thường xuyên.
Hiện nay kiểm tra những cơ sở nếu vi phạm có chất hoá học bị cấm thì chỉ bị xử phạt hành chánh, nặng nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh, hầu như không có chế tài hình sự, hoặc phạt tiền thật nhiều để có tính cách răn đe.”
Biện pháp cứng rắn
Vậy người dân có biết là trong món ăn, thức uống của mình hàng ngày, phần lớn là có chứa độc tố hay hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? Một cư dân ở Long An nói: "Người Việt Nam mình vừa nghèo vừa đói, thành thử ra nhiều khi không để ý tới mấy cái chuyện đó, về vấn đề y tế này kia, hay là được phổ biến là đồ ăn có tốt hay không khi bỏ những chất đó vô.
Mà thật sự ra dân quê, dân ruộng có nhiều khi cả tháng không đọc báo hoặc nghe đài, vì vậy đâu có biết mấy cái chuyện này, thành thử ra cứ ăn thôi. Chánh phủ không khuyến cáo thì dân làm sao biết được”.
Phát biểu ý kiến về biện pháp khắc phục chuyện thực phẩm pha trộn hóa chất độc hại vào thực phẩm, ông nhấn mạnh rằng:
“Đó là việc rất khó giải quyết. Chỉ có cách là làm sao để đời sống người dân khá một chút; làm sao người dân bình thường họ làm ăn được, tức là đi làm hàng ngày kiếm được tiền khá để nuôi gia đình, thì người ta mới nghĩ đến chuyện gọi là y tế thực phẩm này kia. Bởi vậy Việt Nam mình có câu “Có thực mới vực được đạo là vậy đó”.
Theo cơ quan quản lý an toàn và vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thì với dân số trên 8 triệu người mà chỉ có hơn 60 nhân viên kiểm tra chuyên môn, thì công tác này khó lòng đạt hiệu quả như mong muốn.
Việc làm trước mắt là phải cải tiến guồng máy, tăng cường đội ngũ nhân sự chuyên môn về mặt trình độ, kiến thức và trang thiết bị.
Trong lúc này, các cơ quan chức năng kêu gọi người tiêu dùng đề cao cảnh giác khi mua lương thực và thực phẩm như đọc kỹ thông tin trên bao bì, các loại hàng đóng gói, tránh những thức ăn chế biến nhìn quá trắng hoặc trái cây có vỏ quá bóng, bỏ sở thích uống cà phê có quá nhiều bọt, và tránh lạm dụng rượu bia vì trong đó có những chất hóa học bị cấm sử dụng.