Trà Mi, phóng viên đài RFA
Những cái chết không đáng do ngộ độc thực phẩm vẫn tiếp tục gia tăng tại Việt Nam. Tin tức trong nước cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm năm nay hầu như không suy giảm so với năm ngoái, thậm chí số ca ngộ độc ngay trong tháng "Hành động về an toàn thực phẩm" còn cao hơn năm 2004.
Theo Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện tại, 8/10 cơ sở dịch vụ ăn uống là hộ gia đình không đủ trình độ về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng khi đăng ký vẫn được cấp phép hoạt động.
Đó là chưa kể đến vô số các hình thức kinh doanh quán cóc lề đường, hàng rong vv.v.. Vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề xã hội rất đáng lo ngại, đang từng ngày đe doạ sức khoẻ cộng đồng.
Trà Mi đã trao đổi với Bác sĩ đa khoa Minh Quang tại TPHCM để tìm hiểu thêm về hiện tình vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước hiện nay:
Rất kém
Trà Mi: Bác sĩ đánh giá tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam hiện nay ra sao?
Bác sĩ Minh Quang: Rất kém. Câu đầu tiên phải trả lời là rất kém. Ở mình chế độ ăn uống đường phố hơi nhiều, mà cái đó rõ ràng là ngành y tế không thể quản lý xuể vấn đề kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ hai, bản thân chế độ ăn uống của mình đôi khi cũng có những món ăn khó bảo đảm vệ sinh ví dụ như những món mắm chẳng hạn. Thành ra nói thẳng là chế độ vệ sinh an toàn thực phẩm của mình còn rất kém.
Thụ động
Trà Mi: Và những quy chế về vệ sinh thực phẩm đối với các hàng quán có đăng ký hoặc những cơ sở chế biến được tuân thủ ra sao, thưa bác sĩ?
Chỉ khi nào có những vụ ngộ độc thực phẩm này nọ thì lúc đó người ta sẽ cử người tới, lấy mẫu thức ăn về phân chất ra để xem độc tố là gì, hướng xử lý ra sao thôi, chứ còn chủ động như mấy nước khác thì ở đây mình còn bị động lắm.
Bác sĩ Minh Quang: Ngành bên y tế thì người ta cũng thường xuyên kiểm tra, nhưng thực tế thì hơi bị động, thụ động. Chế độ mình ăn uống ở đây là chế độ ăn uống đường phố mà.
Từ hẻm cho tới ngoài đường, nhà nhà đều buôn bán cả, ăn sáng, ăn trưa, rồi ăn chiều. Đông quá làm sao người ta đi kiểm tra cho xuể? Ngưòi ta kiểm tra không xuể cho nên đôi khi nó mang tính cách là buông lỏng, chứ người ta có quy định cả, tỷ lệ như thế nào, số vi trùng trong một mẫu thức ăn là bao nhiêu, độc tố nào, chất nào không được phép có...nhưng thực tế, không kiểm tra xuể.
Chỉ khi nào có những vụ ngộ độc thực phẩm này nọ thì lúc đó người ta sẽ cử người tới, lấy mẫu thức ăn về phân chất ra để xem độc tố là gì, hướng xử lý ra sao thôi, chứ còn chủ động như mấy nước khác thì ở đây mình còn bị động lắm.
Thật ra, sự tuân thủ trong những cơ sở, nhà hàng, quán ăn mang tính chất hơi quy mô hoặc sang trọng thì người ta tuân thủ tương đối. Còn những dạng nôm na là quán cóc chẳng hạn thì còn kém lắm.
Ở đây người ta còn quy định những nhà hàng, quán ăn đủ tiêu chuẩn hay không, người ta còn chia thành những dạng giấy chứng nhận theo từng màu nữa. Chỗ nào ngon lành, chỗ nào tương đối, chỗ nào yếu, nhưng thực ra đó chỉ là 1 số nơi mà ngành y tế có rớ tới thôi. Còn đại đa số những quán cóc thì chưa có đâu.
Mang tính phong trào
Trà Mi: Dán tem để chứng tỏ đủ chất lượng vệ sinh như bác sĩ vừa nói đã thực hiện chưa, và quy mô như thế nào?
Bác sĩ Minh Quang: Thực tế là mới thôi. Báo chí mới đăng thôi. Hồi trước cách đây 5-7 năm thì cũng có làm rồi. Một thời gian mang tính phong trào rồi nó chìm lỉm mất. Bây giờ thì bắt đầu làm trở lại mà cụ thể đơn vị đi đầu là Hà Nội với Đà Nẵng.
Bây giờ chỉ mới triển khai thôi, quy mô thì chưa rộng khắp đâu, chỉ có ở những thành phố. Như Hà Nội thì đang triển khai lớn, Đà Nẵng thì cũng có, TPHCM thì mình cũng bắt đầu triển khai.
Trà Mi: Bác sĩ có nói là có những quy chế về vệ sinh an toàn thực phẩm, thế thì việc kiểm tra được tiến hành như thế nào? Có được thực hiện thường xuyên theo định kỳ? Và những biện pháp xử phạt ra sao?
Bác sĩ Minh Quang: Nó cũng chỉ mang tính cách thời vụ là nhiều, tức là khi nào có vấn đề xảy ra thì mình mới đi. Đại đa số mang tính thời vụ. Có thời gian thông báo kiểm tra,thanh tra an toàn thực phẩm.
Ví dụ như những ngày Tết, đi kiểm tra an toàn thực phẩm ở những cơ sở chế biến bánh mứt, thức ăn, hay lạp xửơng..hoặc trong năm có 1 hay 2 đợt, mỗi đợt 1 hoặc 2 tháng. Giả sử có 100 cơ sở, nhân lực đi không đủ, thời gian không đủ, thì người ta lấy ngẫu nhiên 5-10 cơ sở gì đó thì từ đó rút ra kết luận thôi. Cũng còn thiếu sót dữ lắm, không mang tính cách liên tục và cũng không mang tính cách hệ thống.
Còn nhiều lỗ thủng
Trà Mi: Mà nếu vi phạm thì những biện pháp xử phạt có nặng tay không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Minh Quang: Bây gìơ chủ yếu là xử phạt hành chánh là chính. Cái lĩnh vực này rõ ràng ở đây còn nhiều lỗ thủng lắm.
Trà Mi: Theo bác sĩ, vì sao tình trạng này lâu nay đã diễn ra rồi, chứ không phải mới bộc phát nhưng vì sao mình vẫn chưa giải quýêt được?
Nói thẳng ra có những điều mình cũng phải thông cảm với người ta. Một là địa bàn rất rộng. Thứ hai trình độ dân trí kém. Thứ ba vì cuộc sống người người phải buôn bán, nhà nhà buôn bán để tạo cuộc sống cho mình.
Bác sĩ Minh Quang: Nói thẳng ra có những điều mình cũng phải thông cảm với người ta. Một là địa bàn rất rộng. Thứ hai trình độ dân trí kém. Thứ ba vì cuộc sống người người phải buôn bán, nhà nhà buôn bán để tạo cuộc sống cho mình.
Nhân lực đi kiểm tra cũng không đủ như ở những nước khác. Đi kiểm tra từng quán, rồi kinh phí xét nghiệm để đánh giá mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ai chịu? Thật ra rất khó, thành ra nhiều khi ở đây, không phải người ta không muốn làm nhưng nói thẳng ra là lực bất tòng tâm. Đôi khi mình cũng phải thông cảm, nhưng có điều phải nói là phong trào hình như hơi nhiều hơn thực tế.
Vấn đề thức ăn đường phố
Trà Mi: Là một người công tác trong ngành y tế, bác sĩ thấy ở Việt Nam, những nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nào được coi là phổ biến?
Bác sĩ Minh Quang: Chủ yếu bây giờ là vấn đề thức ăn đường phố đó.
Trà Mi: Nói vậy có nghĩa là thức ăn đã được chế biến sẵn, đóng gói và ở những hàng quán thì độ yên tâm so với thức ăn đường phố có nhiều không ạ?
Bác sĩ Minh Quang: Tương đối hơn vì dù sao đi nữa người ta cũng muốn giữ thương hiệu của họ. Vả lại, bây giờ Việt Nam có những siêu thị. Ngay cả trong siêu thị cũng có những nhà hàng, cửa hàng ăn uống trong đó luôn. Những nơi đó thì tương đối bảo đảm. Tức là dùng chữ tương đối thôi chứ không nói tuyệt đối, cái gì cũng không bao giờ tuyệt đối cả.
Đứng về ngành y thì không bao giờ tuyệt đối. Còn về các phương diện bên ngoài thì cái đó ló ra 1 khoảng mênh mông mà rõ ràng là ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung kiểm tra quán xuyến chưa xuể đâu.
Chủ yếu là bây giờ bản thân mỗi người phải tự đề cao cho mình thôi, tức là quan sát xem chỗ nào sạch sẽ, hoặc có thể mình mua thì dặn người ta kỹ kỹ tí. Còn về phương diện chế tài hay mang tính pháp quy thì rõ là lực bất tòng tâm. Nhân lực, vật lực, cũng như tài lực hổng đủ để giải quýêt vấn đề này một cách triệt để.
Vấn đề vi sinh
Trà Mi: Và giữa những nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, về vi sinh, về khâu bảo quản, chế biến hay dùng chất phụ da.. thì những nguy cơ nào phổ biến nhất mà người tiêu dùng sợ nhất?
Bác sĩ Minh Quang: Chính yếu là vi sinh. Vì từ lúc chế biến đến lúc ăn uống là bao lâu người ta đâu quản lý nổi. Hơn nữa có những hàng quán bày ở những nơi rất mất vệ sinh như miệng cống..v..v..
Cái nguồn chính yếu gây ra những tổn thương, ngộ độc trong cộng đồng về phương diện vệ sinh thực phẩm chủ yếu là vấn đề vi sinh đấy.
Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.
Thông tin trên mạng
- Vệ sinh an toàn thực phẩm
- Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm
- Website của Bộ Y Tế Việt Nam