Điều gì hạn chế sự tăng trưởng các trường đại học nước ngoài ở Việt Nam trong khi chính phủ vẫn kêu gọi các nước, đặc biệt là Mỹ đầu tư vào giáo dục đại học tại Việt Nam? Việt Hà có bài tường trình chi tiết sau đây.
Thị trường giáo dục chưa hấp dẫn
Theo cam kết sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới, từ tháng 1 năm 2009 Việt Nam chính thức mở cửa toàn bộ khu vực giáo dục đại học cho đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo đánh giá của các giới chức Việt Nam thì 1 năm đã trôi qua nhưng thị trường này vẫn hết sức yên ắng trái ngược với những lo ngại trước kia là khi các trường nước ngoài mở ở Việt Nam thì các trường đại học của Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh được.
Bộ kế hoạch đầu tư gần đây nhận định rằng so với các quốc gia ASEAN khác, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào hệ thống giáo dục của Việt Nam gần như dậm chân tại chỗ. Sau gần 20 năm Việt Nam thu hút nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực giáo dục và đạo tạo vẫn ở mức khiêm tốn là 3 trường đại học.
So với các quốc gia ASEAN khác, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào hệ thống giáo dục của Việt Nam gần như dậm chân tại chỗ. Sau gần 20 năm Việt Nam thu hút nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực giáo dục và đạo tạo vẫn ở mức khiêm tốn là 3 trường đại học.
Bộ kế hoạch đầu tư
Tuy nhiên, theo báo Giáo dục và thời đại thì hiện Việt Nam có 5 trường có vốn đầu tư nước ngoài. Trong số các trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ có trường RMIT của Úc là trường có vốn đầu tư lớn nhất là hơn 44 triệu đô la, thực hiện tuyển sinh ở cả hai thành phố lớn là Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là trường có nhiều chương trình đào tạo hơn cả so với các trường khác. Đa phần các trường còn lại đều đang trong giai đoạn chờ phê duyệt.
Hồi đầu năm 2009, Việt nam vui mừng loan tin trường đại Loyola Chicago, một trong các trường đại học danh tiếng của Mỹ mở văn phòng đại diện ở Việt nam và bắt đầu đào tạo. Chương trình đào tạo chính hiện tại của trường này là tiếng Anh nâng cao cho các sinh viên trường đại học Y Hà nội.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì nguyên nhân chính khiến các trường đại học nước ngoài không muốn đầu tư mở trường ở Việt nam là do vấn đề về lợi nhuận. Cựu bộ trưởng giáo dục đào tạo Trần Hồng Quân cho biết:
Trần Hồng Quân: thực ra không phải tại vì Việt Nam hạn chế mà là tại vì khả năng chưa có sự hấp dẫn. Vì nếu học phí cao thì dân ta không đủ sức trả mà học phí thấp thì không đủ để người ta bù chi phí. Có khả năng đó là nguyên nhân mà số lượng trường 100% vốn nước ngoài rất ít.
Thực ra không phải tại vì Việt Nam hạn chế mà là tại vì khả năng chưa có sự hấp dẫn. Vì nếu học phí cao thì dân ta không đủ sức trả mà học phí thấp thì không đủ để người ta bù chi phí. Có khả năng đó là nguyên nhân mà số lượng trường 100% vốn nước ngoài rất ít.
Ô.Trần Hồng Quân, cựu BT.Giáo Dục
Ông Quân cho biết hiện tại có nhiều trường quốc tế có một số chương trình đào tạo ở Việt Nam nhưng chủ yếu dưới dạng liên kết hoặc do các trường Việt Nam mua lại công nghệ đào tạo hoặc nội dung chương trình, nhưng bằng cấp thì vẫn của trường Việt Nam.
Trần Hồng Quân: hiện nay chủ yếu là các trường Việt Nam liên kết với các trường nước ngoài. Nó có nhiều cách hoặc là nhận chuyển nhượng về công nghệ đào tạo và nội dung chương trình. Cái đó là cái nhiều nhất, còn đầu tư của các trường đó vào Việt Nam thì vẫn chưa có.
Quan niệm du học nước ngoài chất lượng hơn
Điều đáng chú ý là trong các năm qua số lượng sinh viên Việt Nam đi du học tại nước ngoài tăng lên rất nhanh chóng. Nói đơn cử tại Mỹ, trong niên học 2008 – 2009, số lượng học sinh du học tại các trường cao đẳng và đại học của Mỹ là gần 13,000 người, tăng 46% so với niên học trước. Hiện Việt nam là nước đứng thứ 9 trong bảng tổng sắp các nước có du học sinh đông đảo nhất tại Mỹ.
Đối với rất nhiều sinh viên Việt nam, và đặc biệt là các phụ huynh thì đi du học nước ngoài vẫn có chất lượng hơn so với học trong nước dù trường đó là trường có vốn đầu tư nước ngoài như trường đại học danh tiếng RMIT.
Đối với rất nhiều sinh viên Việt nam, và đặc biệt là các phụ huynh thì đi du học nước ngoài vẫn có chất lượng hơn so với học trong nước dù trường đó là trường có vốn đầu tư nước ngoài như trường đại học danh tiếng RMIT.
Bạn Nguyễn Thanh Huyền, sinh viên năm thứ 3 đại học ngoại thương Hà nội, người cũng đang tìm kiếm học bổng du học nước ngoài cho biết:
Nguyễn Thanh Huyền: em thấy đa số các phụ huynh nói chuyện với nhau thì người ta đều nghĩ là các trường như thế đều không tốt lắm. Các phụ huynh nghĩ là học thế tốn tiền mà trượt đại học công thì mới vào các trường đại học đấy.
Vì các trường đại học nước ngoài ở Việt nam chi phí quá đắt nên số lượng học sinh vào không nhiều, đặc biệt là tại Hà Nội. Cho nên đối tượng đầu vào bị hạn chế. Mà theo thói quen ở Việt nam người ta thi đại học công. Người nào đỗ chắc chắn sẽ học đại học công. Còn những người nào không đỗ thì các trường đó sẽ có giấy mời. Chính vì thế nó càng tạo thêm dư luận là các trường đại học nước ngoài ở Việt Nam không tốt nên người ta càng không vào.
Quá nhiều bất cập trong cơ chế chính sách
Theo Tiến sĩ Lê Sĩ Long, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến quốc tế và Chương trình nghiên cứu toàn cầu, trường đại học Houston, Texas thì đa số các trường đại học lớn của nước ngoài nhìn thấy lợi nhuận lớn từ các du học sinh Việt Nam. Nhưng các trường này khi vào Việt Nam thì chỉ hoặc hợp tác với các trường trong nước hoặc mở
văn phòng đại diện.
Mục đích cuối cùng là để thu hút học sinh đến các trường của họ ở nước ngoài để học thay vì học ở Việt nam vì vốn đầu tư mở một trường đại học có quy mô và đạt chất lượng là rất lớn. Ông nói
Lê Sĩ Long: Hiện tại theo tôi biết ngoài trường RMIT, không có đại học nước ngoài nào mở trường thực sự tại Việt nam vì chi phí quá đắt. Vì thế thay vì mở trường họ hợp tác với các trường trong nước làm các chương trình theo kiểu 2 năm học ở Việt nam, 2 năm hay 1 năm ở nước ngoài. Mục đích là để thu hút học sinh Việt nam ra nước ngoài học vì học sinh quốc tế trả học phí cao hơn.
Nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào Việt nam là do những bất cập trong cơ chế chính sách. Thời gian thẩm định dự án bị kéo dài, thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo.
Bộ kế hoạch đầu tư
Theo ông Long thì ở đây nẩy sinh vấn đề là có một số chương trình kết hợp như vậy, học sinh phải trả học phí rất cao nếu so với học phí các trường công, nhưng bằng được nhận thì chưa chắc đã được các cơ quan giáo dục hữu trách ở nước ngoài công nhận. Đó là chưa kể chính phủ Việt Nam vẫn chưa có các trường có quyền tự chủ tối đa đối với các chương trình học của mình. Bản thân ông Long đã được mời thiết kế và dạy một số lớp về quan hệ quốc tế và toàn cầu hóa tại Việt Nam nhưng lại được yêu cầu phải tránh xa những vấn đề mà Việt nam cho là tế nhị. Ông Long nói ông đã không chấp nhận điều kiện giảng dạy như vậy.
Bộ kế hoạch đầu tư thì cho rằng nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào Việt nam là do những bất cập trong cơ chế chính sách. Thời gian thẩm định dự án bị kéo dài, thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo.
Để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục trong thời gian tới, Bộ kế hoạch đầu tư đang đề xuất chính phủ ban hành quy định mới về quy trình , điều kiện thành lâp trường cao đẳng và đại học có vốn nước ngoài, đổi mới quy trình, thủ tục về quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng theo hướng tạo điều kiện để các nhà đầu tư được giao đất thực hiện dự án, tuyển dụng giáo viên trước khi được phép mở ngành, tuyển sinh.