Thy Nga, phóng viên Đài RFA
Tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng được kính trọng trong thời chiến tranh Việt Nam vừa từ trần vào lúc 3 giờ 20 phút sáng ngày thứ Hai, 22 tháng Giêng năm 2007 ở bang Virginia Hoa Kỳ, hưởng thọ 77 tuổi.
Sau nhiều tháng trời bị bạo bệnh, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng anh hùng của cuộc chiến đã giã từ mọi người để về nơi yên nghỉ.
Một vị tướng tài ba
Ông chết mang theo biết bao bí mật của cuộc chiến, nhất là những bí mật mà ông không may liên hệ trực tiếp - hay phải đóng vai nhân chứng - trong những ngày cuối cùng trước khi miền Nam Việt Nam sụp đổ.
Sinh ngày 13 tháng 12 năm 1929, Tướng Ngô Quang Trưởng được biết đến về tài tham mưu, về nghệ thuật chỉ huy và về những chiến công lẫy lừng mà ông đạt được, đặc biệt trong thời gian ông làm Tư Lệnh Quân Ðoàn I vào đúng thời điểm chiến cuộc đang ở mức tàn khốc nhất.
Ông là người trực tiếp chỉ huy mặt trận Trị Thiên hồi 1972 mà quân sử thế giới vẫn còn nhắc đến khi nói về trận chiến Cổ Thành Quảng Trị, và chẳng ai ngạc nhiên khi thấy tạp chí Time xuất bản ở Hoa Kỳ chọn ông là một trong những vị tướng tài của miền Nam trong cuộc chiến.
Ông nổi tiếng là một quân nhân tôn trọng kỷ luật. Hình ảnh mà những nhà báo săn tin ở chiến trường không thể nào quên được là cảnh ông từ trên xe díp hay từ trực thăng bước xuống, bao giờ cũng với chiếc mũ sắt nghiêm chỉnh đội trên đầu, với chiếc áo giáp mặc ngoài chiếc áo 4 túi, với chiếc quần nhà binh ủi thật thẳng và đôi giầy bốt đờ sô bóng như gương soi, chứng tỏ dù ra mặt trận, đối đầu ngay cả với cái chết, ông luôn luôn chứng tỏ cho các sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp biết lúc nào cũng phải là một người lính gương mẫu.
Tinh thần gương mẫu của ông được thể hiện ngay cả vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút các đơn vị nhảy dù về bảo vệ thủ đô Sài Gòn, và sau đó chỉ thị cho ông phải bỏ Huế, bỏ ngõ một vùng đất chiến lược rất quan trọng.
Mặc dù biết đây là một quyết định quá táo bạo về mặt quân sự có thể đưa đến chuyện thắng bại, nhưng ông chỉ làm công việc của một người lính thuần túy là trình bày nhận xét của mình cho vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội biết, và chấp nhận thi hành mọi quyết định được đưa ra từ Dinh Ðộc Lập.
Nhắc đến ông, người ta cũng không thể quên trong thời gian cuộc chiến đang xảy ra, ông còn được người dân và các binh sĩ biết đến với lời xưng tụng, ca ngợi ông là một trong số rất ít “tướng sạch” của miền Nam.
Câu “Nhất Thắng, Nhì Thanh, Tam Chinh, Tứ Trưởng” dành cho 4 vị tướng liêm khiết nhất của miền Nam mà hầu hết mọi người đều biết đã xác định rõ vị trí của ông đối với quân đội và với xã hội, giữa thời buổi đầy nhiễu nhương do chiến tranh gây nên.
Nỗi buồn cùng với vận nước
Dù là tướng điều khiển cả một quân khu, nhưng ông sống rất đạm bạc, với những bữa cơm ở mặt trận chẳng khác gì phần ăn của một binh sĩ dưới quyền.
Tháng Tư năm 1975, cuộc chiến kết thúc, ông và gia đình sang Hoa Kỳ định cư ở ngay thủ đô Washington của nước Mỹ. Thỉnh thoảng người ta gặp ông trong những sinh hoạt của cộng đồng. Vẫn với vóc dáng gầy gò, với mái tóc cắt thật cao và điếu thuốc lá cầm trên tay, ông dường như ngồi nghe nhiều hơn là nói.
Ông từ chối trả lời báo chí về chuyện tại sao lại tuân theo quyết định của Tổng Thống Thiệu bắt phải bỏ Huế và Quảng Trị; ngay cả khi có người chỉ trích ông đã sai lầm khi thi hành quyết định đó, ông cũng chẳng lên tiếng giải bày.
Nhưng theo những người thân với ông kể lại thì ông rời Việt Nam với nỗi buồn của một tướng lãnh đã đem hết sức mình ra bảo vệ đất nước nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận sự thua cuộc, và có thể nói hầu như chắc chắn là nỗi buồn này đã sống cùng với ông cho đến lúc ông từ trần.
Một ngôi sao sáng của cuộc chiến Việt Nam vừa tắt. Một thiên tài quân sự mới vĩnh viễn ra đi. Vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, và xin dùng những lời tưởng niệm dành cho ông để thay những nén hương trầm, đốt lên cho người vừa khuất.