Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Ngày Quốc tế Phụ nữ 2007 một lần nữa lại đến, tiếp tục tạo dịp cho hoàn cầu nhớ đến chủ trương xoá bỏ kỳ thị giới, cải thiện địa vị và vai trò của người phụ nữ trong mọi địa hạt, lâu nay được kể là không được tôn trọng đúng mức. Bình đẳng giới ở Việt Nam đã có những bước tiến ra sao, nữ giới trong nước cảm nhận thế nào về những đổi thay trong cuộc sống của họ, nếu có.
Một lần nữa Việt Nam lại đón chào Ngày Quốc tế Phụ nữ. Tương tự trước giờ, một số hoạt động đặc biệt được tổ chức như mít tinh kỷ niệm, họp mặt tuyên dương, triển lãm và báo cáo thành tích đạt được trong chủ trương cổ võ cho nữ quyền và cải thiện điều kiện sống của phụ nữ.
Tập quán và thành kiến
Tính đến nay, Việt Nam đã tiến tới mức nào trong tiến trình xoá bỏ kỳ thị giới? Theo báo cáo của Hà Nội trước Ủy ban Loại trừ sự Kỳ thị đối với Phụ nữ, diễn ra ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York hồi đầu năm nay, chính sách vận động bình đẳng cho nữ giới đã tiến hành khả quan.
Công tác xoá bỏ kỳ thị nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong mọi địa hạt đã đạt được thành quả và nhờ vậy, vai trò của phụ nữ từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội được cải thiện. Phúc trình còn nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong các quốc gia Châu Á có tốc độ giảm thiểu chênh lệch giới nhanh nhất trong khu vực.
Kỳ thị giới tính ở Việt Nam cho đến nay thực sự giảm tới mức nào, và phụ nữ trong nước cảm nhận và suy nghĩ ra sao về các thay đổi ấy, nếu có?
Trao đổi với một vài phụ nữ cho thấy khoảng cách giới tính về một số phương diện như địa vị ngoài xã hội nói chung đã được thu hẹp, nhưng về vai trò trong gia đình thì chưa biến chuyển mấy, bởi tập quán và thành kiến còn ảnh hưởng khá mạnh đến lối sống và cách suy nghĩ của nhiều người.
Nữ bác sĩ Kim Hoàng ở Sài Gòn cho rằng trong những năm sau này địa vị của người phụ nữ trong xã hội đã được cải thiện đáng kể. Mọi sáng kiến, thành quả của phụ nữ được đón nhận và biểu dương. Tuy nhiên, địa vị và vai trò của nữ giới trong gia đình thì đến nay không đổi thay nhiều, trừ thế hệ trẻ .
Được cải thiện phần nào
Một nữ công nhân trẻ sinh trưởng tại Hà Nội, cô Tuyết Mai, nói về phương diện lao động hoặc kinh doanh, phụ nữ thời đại này được cơ hội phát triển và được tôn trọng ngang hàng với nam giới, khác với nhiều năm trước
Theo xác nhận và trình bày của hai phụ nữ tiêu biểu này, cương vị của người phụ nữ Việt Nam trong nhiều địa hạt ngày nay nói chung có vẻ đã được cải thiện phần nào.
Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ hiện giờ đều được may mắn. Các thống kê cho thấy trường hợp phụ nữ bị đối xử phân biệt, ở cả ngoài xã hội cho đến trong gia đình, không ngừng xảy ra hàng ngày.
Về nhiều phương diện, phụ nữ xem ra vẫn chưa được đối xử bình đẳng. Trong tương quan hôn nhân, phụ nữ dường như vẫn chưa được xem là ngang hàng với người phối ngẫu, từ đó dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình hoặc ít ra là phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn. Trong giao tiếp xã hội, nữ giới vẫn còn phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, bất công.
Các trường hợp có thể kể là tình trạng họ tiếp tục là nạn nhân của những vụ lạm dụng, nhẹ nhất là bị quấy nhiễu tình dục, nặng nhất là phải chấp nhận kết hôn ngoài ý muốn để thoát cảnh đói túng, hoặc bị bán vào các ổ mãi dâm.
Sự kiện nữ giới ở Việt Nam hiện nay được đối xử bình đẳng với nam giới về mặt công ăn việc làm và địa vị xã hội là một điều đáng mừng.
Riêng về nhiều phương diện khác, bình đẳng giới tại Việt Nam, cũng như ở nhiều quốc gia khác, xem chừng còn cần nhiều thời gian mới đạt mục tiêu mong muốn.
Bình đẳng giới cần được củng cố và tiến hành rốt ráo nhằm giúp phụ nữ vượt qua các trở ngại, có được một cuộc sống ý nghĩa, để từ đó họ có thể đóng góp nhiều và tốt hơn cho gia đình cũng như cho xã hội.