Xây đập thủy điện đe dọa loài cá khổng lồ tại sông Mekong

Các sinh vật đa dạng tại sông Mekong giúp cho môi trường sinh thái nơi này ngày càng phong phú. Tuy nhiên, kế hoạch xây đập thủy điện tại tỉnh Sayabouly, thuộc miền Bắc Lào, gây cho các loại cá lớn đang trong tình trạng gần tuyệt chủng sẽ bị nguy hiểm hơn.

0:00 / 0:00

Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, hay còn gọi là WWF, đã đưa ra bản báo cáo tình hình nguy cấp của những sinh vật này với hy vọng chính phủ Lào sẽ trì hoãn các chương trình xây dựng nhằm có thêm nhiều thời gian để tìm hiểu và có những kế hoạch bảo vệ các sinh vật này.

Khoa Diễm có bài phỏng vấn cô Đặng Thùy Trang, Điều phối viên của khu vực sinh thái sông Mekong để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Khoa Diễm: Thưa chị, xin chào đón chị đến với thính giả của Đài Á Châu Tự Do và cám ơn chị đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Xin chị tự giới thiệu về mình.

Những con cá này bơi ngược dòng, đến nơi cần thiết và bắt đầu giai đoạn sinh sản, nhưng nếu những con đập này được xây lên thì chúng sẽ phá vỡ sự tuần hoàn của cuộc sống, dẫn đến sự diệt chủng của các loại cá khổng lồ quý hiếm này.

Đặng Thùy Trang

Đặng Thùy Trang:

Tôi là một Điều phối viên của khu vực sinh thái, điều phối những chương trình liên quan đến nước ngọt sông Mekong cho chương trình WWF Greater Mekong Programme.

Khoa Diễm: Vâng, xin chị cho biết tình hình chung tại sông Mekong trong thời gian hiện tại.

Đặng Thùy Trang: Trước hết tôi muốn giới thiệu sơ về sông Mekong, Mekong là dòng sông dài nhất Đông Nam Á và đi qua 6 nước trong đó có Trung Quốc, Myanmar, Combodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Đây là dòng sông đa dạng thứ nhì thế giới cho các loại cá, chỉ sau dòng Amazon. Trong bản báo cáo này chúng tôi giới thiệu 4 loại trong 10 loại cá khổng lồ đặc biệt nhất trên thế giới sống tại sông Mekong, đây là một dòng sông rất đặc biệt, rất giàu mạnh về sự đa dạng hệ sinh thái.

Khoa Diễm: Tin tức mới nhất cho hay là Lào sẽ xây đập thủy điện tại tỉnh Sayabouly, vậy con đập này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các loại cá đặc biệt này?

Đặng Thùy Trang: Đập Sayabouly đang trong thời kỳ dự tính này sẽ là một rào cản cho việc di trú của các loại cá này. Những con cá này bơi ngược dòng, đến nơi cần thiết và bắt đầu giai đoạn sinh sản, nhưng nếu những con đập này được xây lên thì chúng sẽ phá vỡ sự tuần hoàn của cuộc sống, dẫn đến sự diệt chủng của các loại cá khổng lồ quý hiếm này.

Khoa Diễm: Chị có thể nào cho biết là tại sao những giống cá này lại quan trọng cho môi trường nước tại khu vực này?

Đặng Thùy Trang: Những giống cá này rất quan trọng cho nền văn hóa trong khu vực. Chúng là biểu tượng của những loại cá khác nữa. Chúng ta phải nhớ là không chỉ có 4 loại cá trong bản báo cáo mà còn nhiều loại cá khác cũng đang sống chung một môi trường và nếu 4 loại này bị diệt chủng thì đây là một báo hiệu là trong tương lai các loại cá khác cũng sẽ bị tương tự.

the_mekong_river250.jpg
Dòng Mekong. Photo courtesy of WWF (Dòng Mekong. Photo courtesy of WWF)

Khoa Diễm: Vì 4 loại cá này lớn nên nếu chúng khó có cơ hội sống sót thì các loại nhỏ hơn cũng sẽ không tồn tại?

Đặng Thùy Trang: Không, những loại cá này là đại diện cho môi trường sống và hệ sinh thái. Các loại cá lớn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bơi qua các con đập, càng lớn thì chúng càng khó di chuyển.

Khoa Diễm: Chị có thể nào cho biết sông Mekong có khoảng chừng bao nhiêu con cá khổng lồ như chị vừa nói.

Đặng Thùy Trang: Chúng tôi không có một con số chính xác của các loại cá này vì chúng rất hiếm, ví dụ như loại cá tra dầu sông Mekong đang bị liệt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng tôi biết là con số rất thấp và ngày càng nhỏ lại trong thập niên qua. Dù chúng tôi không biết con số chính xác nhưng chúng tôi biết là chúng chỉ trong số hàng trăm chứ không phải hàng ngàn.

Khoa Diễm: Hiện tại có bao nhiêu đập thủy điện tại sông Mekong?

Đặng Thùy Trang: Vùng hạ lưu sông Mekong vẫn đang chảy tự do và khi nói vùng hạ lưu, ý tôi là sông Mekong từ ranh giới của Trung Quốc đang chảy tự do, hiện tại thì vẫn chưa có con đập nào. Đập Sayabouly là con đập đầu tiên đang trong tình thời kỳ quyết định. Nó phải qua những giai đoạn thông báo, tham khảo, và đồng ý của Ủy ban Mekong. Các nước quanh dòng Mekong phải quyết định có nên xây con đập này không, sau đó sẽ đề nghị với chính phủ Lào và chính phủ Lào khi đó mới quyết định có nên xây hay không. Ngay thời điểm này thì chưa có quyết định cuối cùng.

Khoa Diễm: Vậy mục đích của bản báo cáo này là gì?

Đặng Thùy Trang: WWF ủng hộ sự trì hoãn của bất cứ đập thủy điện nào trên dòng chảy của sông Mekong cho đến khi chúng tôi có một sự hiểu biết bao hàm toàn diện về những mất mát và ích lợi trong việc xây dựng những con đập này và những ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như phương kế sinh nhai của người dân trong vùng. Sông Mekong rất quan trọng vì ngư nghiệp và số lượng người phụ thuộc vào nghề cá để bảo đảm cuộc sống.

Khoa Diễm: Theo như chị nói thì những ngư phủ tại sông Mekong có đánh bắt những con cá quý hiếm này không?

Cá tra khổng lồ rất đặc biệt và là biểu tượng của dòng Mekong nên thời gian gần đây đã có lệnh cấm đánh bắt cá tra dầu tại sông Mekong.

Đặng Thùy Trang

Đặng Thùy Trang: Cá tra khổng lồ rất đặc biệt và là biểu tượng của dòng Mekong nên thời gian gần đây đã có lệnh cấm đánh bắt cá tra dầu tại sông Mekong. Nếu như những con cá này bị mắc lưới và ngư phủ thả chúng lại sớm thì chúng tôi cố gắng cứu chúng.

Khoa Diễm: Những hội đoàn quan tâm đến vấn đề này tronn thời gian qua đã phản ứng như thế nào với các thực trạng chúng ta vừa nói đến?

Đặng Thùy Trang: Rất nhiều tổ chức quan tâm đến vấn đề sinh thái tại sông Mekong cũng như sự phát triển của đập thủy điện và WWF là một trong những tổ chức đó. Chúng tôi đặc biệt quan tâm và đã tham gia xây dựng các tiêu chuẩn về thủy điện bền vững cùng với các tổ chức khác. Nếu như những cá nhân quan tâm và ủng hộ những nghiên cứu về hệ sinh thái tại khu vực sông Mekong có thể tìm hiểu thêm trên trang mạng của chúng tôi.

Khoa Diễm: Xin cám ơn chị rất nhiều cho buổi nói chuyện hôm nay.

Theo dòng thời sự: