Vậy chủ trương để sinh viên đánh giá giảng viên của cơ quan chức năng Việt Nam hiện nay được thực hiện đến đâu?
Sinh viên ủng hộ
Vào ngày 23/6 vừa qua, bộ GD-ĐT Việt Nam vừa gởi văn bản đến các trường đại học, cao đẳng yêu cầu thực hiện chủ trương lấy ý kiến phản hồi từ các sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên trong năm học 2010-2011. Mục đích là nhằm góp phần thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục đại học.
Tại trường tôi đang có một bộ phận gọi là Đơn vị Sư phạm. Tôi nghĩ là nên tổ chức những bộ phận như vậy để đánh giá giảng viên.
GS Nguyễn Anh Duy
Trong năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT đã chọn một số trường thí điểm và với văn bản mới nhất này Bộ đã chỉ dẫn chi tiết để giúp các trường thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện chủ trương này. Theo bản hướng dẫn thì sinh viên chỉ đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên về nội dung, phương pháp, tài liệu phục vụ giảng dạy, trách nhiệm và sự nhiệt tình của giảng viên trong việc khuyến khích sự sáng tạo của sinh viên.
GS-BS Nguyễn Anh Duy, thuộc trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, góp thêm ý kiến.
“Tại trường tôi đang có một bộ phận gọi là Đơn vị Sư phạm. Tôi nghĩ là nên tổ chức những bộ phận như vậy để đánh giá giảng viên. Qua đó thì khi sinh viên góp ý là giảng viên A hay giảng viên B làm việc không tốt thì bộ phận này sẽ trực tiếp làm việc với những giảng viên đó…”
Chủ trương này được rất nhiều sinh viên ủng hộ, do đây là cơ hội dành riêng cho những ý kiến của họ và họ sẽ được lãnh đạo trường cũng như Bộ GD-ĐT lắng nghe. Anh Tuấn, một sinh viên góp ý thêm về việc mở rộng vấn đề đánh giá giảng viên

“Mình mở rộng forum (diễn đàn) để cho các bạn có thể chia sẻ được cái kinh nghiệm về một người thầy nào đó, dạy tốt hay dạy không tốt, những gì mình biết được theo quan điểm của mình. Theo mình thấy ở đây thì việc này hoàn toàn phụ thuộc vào người muốn chia sẻ quan điểm đó, nên nhìn về mặt tích cực hơn là tiêu cực. Nên chia sẻ những cái gì mình cảm thấy là tốt và những cái mà mình cần phải sửa đổi. Tôi nghĩ là nên cho họ có sự chia sẻ thông tin với nhau.”
Cần đảm bảo truyền thống
Tuy nhiên, tôn sư trọng đạo là một truyền thống lâu đời của người Việt, nên sự khác biệt trong cách hành sự tân thời này có thể là một khó khăn cho một số giảng viên thuộc thế hệ đi trước. GS-BS Nguyễn Anh Duy bày tỏ mối lo ngại.
Theo tôi, khi tiếp xúc với những giảng viên từ trước đến giờ thì hầu như là những giảng viên trẻ họ rất là cởi mở, họ sẵn sàng chấp nhận những đánh giá của sinh viên.
GS Nguyễn Anh Duy
“Theo tôi, khi tiếp xúc với những giảng viên từ trước đến giờ thì hầu như là những giảng viên trẻ họ rất là cởi mở, họ sẵn sàng chấp nhận những đánh giá của sinh viên. Họ chấp nhận những đánh giá tốt và những đánh giá không tốt thì họ coi đó là một điểm để họ sửa đổi. Đó là những giảng viên trẻ, tôi thấy những giảng viên lớn tuổi, ngoài 50, thì hầu như là họ áp đặt sinh viên nhiều hơn. Nếu có một cái luật để sinh viên đánh giá giảng viên thì tôi nghĩ chỉ có một phần nào đó trong số những giảng viên lớn tuổi tiếp thu thôi.”
Dù ý tưởng này không mới nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, do đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đảm bảo truyền thống và những giá trị đạo đức cũng như văn hóa tốt đẹp của dân tộc và sinh viên cũng phải khách quan, công bằng, trung thực và có thái độ đúng mực trong việc cung cấp thông tin phản hồi.
Ngành giáo dục đại học tại Việt Nam đang có những sự thay đổi tích cực và nếu tiếp tục bước trên con đường này thì trong một tương lai gần những đại học tại Việt Nam cũng sẽ được biết đến với thành tích tầm vóc quốc tế.