Hết vắc-xin dành cho trẻ em: dư luận lo ngại

Theo báo chí trong nước, nhiều cơ sở y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Trung tâm Y tế Dự phòng và Viện Pasteur, đã hết nhiều loại vắc-xin chích ngừa cho trẻ.

0:00 / 0:00

Quỳnh Như tổng hợp và tường trình ý kiến của các ngành chức năng và các bậc phu huynh có con trong độ tuổi cần chích ngừa về hiện trạng này.

Hết vắc-xin

Theo ghi nhận của báo chí trong nước mới đây, nhiều loại vắc-xin ngừa bệnh cho trẻ em đã hết tại những cơ sở Y tế của Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có vắc-xin ngừa sởi, rubella, quai bị, bạch hầu, ho gà, uốn ván, phản ứng lao, viêm não Nhật bản B, viêm màng não mủ do Meningo A+C đã hết từ hơn một tháng nay. Ngoài ra có nhiều loại đã không còn từ 6 tháng nay.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Viện Pasteur phải mua các loại vắc-xin kể trên từ các công ty dược phẩm, và hiện các nhà cung cấp thông báo đã hết hàng, nên Viện Pasteur cũng đành chịu và phải chấp nhận trong khi chưa có cách giải quyết.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, thuộc khoa chích ngừa của Viện Pasteur cho biết, tình trạng khan hiếm các loại vắc-xin trên diễn ra từ nhiều tháng trước Tết, trong khi hiện nay nhu cầu đến chích ngừa tại Khoa Khám của Viện Pasteur lên đến khoảng 200 ca mỗi tháng, có lúc lên đến gần 1.000 ca.

Chương trình tiêm vắc-xin ngừa bệnh cho trẻ lúc nào cũng được hô hào vậy mà nay chúng tôi phải ôm con ra về vì... hết vắc-xin.

Ô. Nguyễn Văn Đông

Tại các bệnh viện nhi của Thành phố như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 tình trạng cũng diễn ra tương tự, 6 loại vắc-xin ngừa quan trọng cho trẻ cũng đã hết từ nhiều tuần qua.

Chị Ngọc Trang ở Thành phố Hồ Chí Minh đã từng gặp trường hợp khi đưa con đến bệnh viện chích ngừa thì được bảo là hết vắc-xin. Chị Ngọc Trang nói:

Chị Ngọc Trang: Việc hết vắc-xin xảy ra rất thường. Em gặp trường hợp này khi Bill, con trai em mới 9 tháng tuổi, tức là khoảng hơn 2 năm về trước. Ví dụ như đối với bệnh viêm não Nhật bản, em cũng rất lo lắng nên canh đã hai, ba lần vẫn không chích được cho con em lúc cháu qua 2 tuổi. Bây giờ cháu đã 3 tuổi rồi. Kỳ rồi em có hỏi nhưng hình như vẫn chưa có thuốc trở lại. Không có thuốc cho con thì mình phải lo phòng thủ cho con mình, như vẫn phải cho cháu đi học vì ở nhà thì lấy ai trông. Và cố gắng tạo cho mình một suy nghĩ là không có nghĩa cứ chích ngừa vắc-xin là 100% sẽ không bị bệnh, đó chỉ là ngừa thôi – để không phải quá lo lắng.

Bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2 đưa ra nhận định, việc thiếu vắc-xin chỉ trong một thời gian ngắn, không thể thiếu trong vòng nữa năm đến một năm. Nếu trẻ chưa được chích tháng này thì sẽ được chích tháng sau. Tuy nhiên, giới hạn thiếu vắc-xin chịu được bao lâu tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ. Ví dụ như đối với trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc-xin sởi trong vòng 9 tháng đầu, nếu đến tháng tuổi thứ 9 mà trẻ chưa được tiêm vắc-xin, qua đến tháng thứ 10, 11 mà trẻ vẫn chưa được tiêm thì kháng thể trong cơ thể trẻ chưa có hoặc bị giảm đi thì trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh sởi.

Người dân chờ tiêm chủng cho con em mình. Photo courtesy of cimsi.org
Người dân chờ tiêm chủng cho con em mình. Photo courtesy of cimsi.org

Tình trạng này cũng xảy ra tại Hà Nội, nhiều trẻ đến lịch cần tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng không được tiêm phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván do thiếu vắc-xin.

Giải thích cho tình trạng này, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng nguyên nhân thiếu vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván tại Hà Nội là do chậm ở khâu kiểm định vắc-xin trước khi đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, sẽ tiêm vắc-xin này cho các trẻ đến lịch tiêm chủng vào ngày tiêm chủng của tháng sau. Ông Cảm cũng nói thêm, việc tiêm vắc-xin này chậm một tháng không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của trẻ.

Người dân lo lắng

Ông Lê Quang Phương, cư ngụ tại Phường 13, Quận Bình Thạnh, đưa cháu đi chích vắc-xin ngừa uốn ván tại Viện Pasteur nhưng Viện hết thuốc. Ông lo lắng nói: “Họ không hẹn và cũng không cho biết bao giờ mới có vắc-xin để chích… Trong thời gian chờ vắc-xin bọn trẻ sẽ ra sao?”

Cũng như các bậc phụ huynh kháckhi đưa con đến nơi tiêm chủng thì mới biết hết thuốc. Chị Ngọc Trang mong muốn ngành Y tế có những thay đổi tiến bộ hơn. Chị nói:

Chị Ngọc Trang: Em có hai điều cơ bản nhất mong mỏi ngành Y tế Việt nam sẽ làm được. Thứ nhất là, khi có vắc-xin thì thuốc phải được bảo quản đảm bảo trong điều kiện đúng như tiêu chuẩn đã đề ra, để thuốc được an toàn khi đến tay người sử dụng. Vì trước đây đã từng có trường hợp, nếu em nhớ không lầm thì hồi năm 2006, 2007, 2008, trong 3 năm đó thì có nhiều em bé chích xong thì bị chết, nhất là chích ngừa lao, sau đó là chích ngừa 7 bệnh cơ bản sau khi mới sinh ra, và đổ thừa là do điều kiện bảo quản vắc-xin không đạt yêu cầu. Vấn đề thứ nhì là khi có thuốc cũng nên báo là có bao nhiều liều, và đăng ký như thế nào. Trường hợp hết thuốc cũng nên báo cho người dân biết qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, vì hiện nay nhiều người dân lo sợ không đưa con chích ngừa ở phường, mà chỉ đến các bệnh viện, người dân ở tỉnh cũng đưa con lên bệnh viện ở Sài Gòn để chích ngừa. Còn việc trông đợi ở nước ngoài có thuốc gì mới thì đưa về Việt nam, nếu được thì rất quá nhưng cái đó thấy cũng hơi phiêu.

Không có thuốc cho con thì mình phải lo phòng thủ cho con mình, như vẫn phải cho cháu đi học vì ở nhà thì lấy ai trông.

Chị Ngọc Trang

Ngoài ra, người dân còn than phiền rằng các bác sĩ và nhân viên y tế không có thời gian để hướng dẫn hoặc giải thích rõ những công dụng của từng loại vắc-xin ngừa cho trẻ, và mặc nhiên xem như phụ huynh đã biết rõ các thông tin này, đến phòng khám chỉ có việc là chích ngừa thôi. Trong khi đó thì những thông tin đăng trên các tờ rơi đối với bà con vẫn còn rất mù mờ.

Ông Nguyễn Văn Đông nhà ở quận Bình Tân, đưa con đến khám chích ngừa ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhưng Bệnh viện bảo hết vắc-xin. Ông than thở: "Chương trình tiêm vắc-xin ngừa bệnh cho trẻ lúc nào cũng được hô hào vậy mà nay chúng tôi phải ôm con ra về vì... hết vắc-xin!"

Trong khi tình trạng hết vắc-xin tại các cơ sở Y tế, chưa biết bao giờ có lại, chủ trương của ngành Y tế sẽ triển khai thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng vắc-xin “5 trong 1”, nằm trong Chương trình tiêm chủng quốc gia, để phòng các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ vào tháng 7 tới đây.

Liệu có tránh khỏi tình trạng thiếu hay hết vắc-xin nữa hay không?

Theo dòng thời sự: