Lê Dân, phóng viên đài RFA
Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuần qua tổ chức bán trái phiếu với đợt đầu là 200 tỷ đồng, nhưng không một nhà đầu tư nào mua. Khối lượng trái phiếu gọi thầu đợt này là 200 tỷ đồng, trong đó phân nửa có kỳ hạn 10 năm, và phân nửa kia có kỳ hạn 15 năm. Trong buổi đấu thầu tổ chức chiều 18 tháng Tám tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, không một nhà đầu tư nào trúng thầu.
Trái phiếu bán bằng mệnh giá được phát hành dưới hình thức bút toán ghi số và niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán. Lãi được trả định kỳ mỗi năm một lần, không tính nhập gốc.
Hình thức đấu thầu gồm hai loại cạnh tranh và không cạnh tranh lãi suất. Khối lượng không cạnh tranh lãi suất không được vượt quá 30% tổng khối lượng trái phiếu gọi thầu.
Thế nhưng trong phiên giao dịch chiều thứ Năm 18 tháng Tám, 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm chỉ có 2 thành viên đăng ký 60 tỷ với mức lãi suất yêu cầu là 9,3% và 9,25% trong khi lãi suất tối đa chính phủ quy định chỉ là 9,15%. Còn 100 tỷ đồng loại trái phiếu kỳ hạn 15 cũng chỉ có 2 thành viên đăng ký với mức 30 tỷ đồng với lãi suất yêu cầu là 9,6% và 9,55% trong khi lãi suất trần chỉ là 9,45%.
Như vậy là không một nhà đầu tư nào trúng thầu trái phiếu phát triển đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh kỳ này, dù rằng lãi suất trần được xem là rất hấp dẫn, so với lãi suất ở các nước khác. Điều này có nghĩa là tuy lãi suất được xem là khá cao, nhưng chưa thể so sánh lợi nhuận nếu các nhà đầu tư bỏ tiền vào những lãnh vực khác, như địa ốc chẳng hạn.
Tuy nhiên dù lãi suất ngân hàng tại Việt Nam gia tăng mạnh, nhưng tốc độ trượt giá tiêu dùng cao như hiện nay thì trái phiếu chính phủ các loại rất khó tìm được chỗ đứng trên thị trường chứng khoán.
Để dẫn chứng cho nhận định này, tại phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ đợt 3 vừa qua vào ngày 25 tháng Năm do Quỹ Hỗ trợ Phát triển phát hành, không có một thành viên nào trúng thầu ở toàn bộ tất cả các loại kỳ hạn.
Thứ trưởng bộ Tài chánh Trần văn Tá thừa nhận tình trạng này và cho rằng sở dĩ trái phiếu chính phủ không hấp dẫn giới đầu tư là do chính sách còn "cứng". So với các hình thức huy động khác thì tínhh thanh khoản của trái phiếu chính phủ chưa thật sự linh hoạt. Ông cho biết là bộ Tài chánh đang nghiên cứu để sửa đổi chính sách cho phù hợp với yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là trái phiếu chính phủ sẽ chạy đua với các ngân hàng về lãi suất.
Còn theo ông Đinh Lê Chiến, phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chánh đưa ra tại buổi tọa đàm nhân dịp thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động được 5 năm thì giòng vốn chủ yếu hiện nay vẫn đổ vào khu vực sinh lợi nhiều nhất là nhà và đất. Đây là hiện tượng không lành mạnh về kinh tế vì chỉ làm cho giá nhà đất tăng ảo, không có lợi cho việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân.
Ngoài ra, theo kinh tế gia trưởng của phái bộ Ngân hàng Phát triển Á châu ADB ở Việt Nam là ông Ramesh Adhikari thì chính phủ Việt Nam chủ trương phát hành trái phiếu là đúng. Tuy nhiên chỉ tiêu đặt ra là quá lớn, không sát với tâm lý giới đầu tư trong nước, vốn chưa quen thuộc và chưa thật sự tin tưởng vào các hoạt động tài chánh của nhà nước. Ngoài ra, các ngân hàng thích nhận thế chấp bằng nhà hay đất hơn là trái phiếu.
“Khi bạn mua trái phiếu, bạn sẽ nhận được một giấy chứng nhận, mà mảnh giấy đó không thể mang thế chấp với ngân hàng được. Đó là một trong những nguyên do khiến người dân ngần ngại khi bỏ tiền đầu tư vào trái phiếu. Ai cũng phòng xa đến lúc cần tiền khẩn cấp....”
Thứ trưởng bộ Tài chánh Việt Nam, ông Trần văn Tá cho biết nếu đem lãi suất trái phiếu chính phủ so sánh với các hình thức huy động vốn khác là không công bằng, bởi đây là một hoạt động phục vụ cho phúc lợi xã hội. Ông trấn an quần chúng rằng "so với hình thức gởi tiết kiệm tại các ngân hàng thì đầu tư vào trái phiếu chính phủ sẽ bảo đảm an toàn hơn, vì không bao giờ có chuyện chính phủ phá sản, không có khả năng trả nợ".