“Hanoi – Warszawa” đoạt giải thưởng Liên hoan phim Ba Lan

“Hà Nội – Vác-sa-va” vừa nhận hai giải thưởng trong Liên hoan phim tổ chức hàng năm tại Ba Lan.

0:00 / 0:00

Bộ phim kể về cô gái trẻ có tên gọi Mai Anh từ Việt Nam sang Ba Lan đoàn tụ với người yêu nhưng phải đi qua một đoạn đường dài đầy gian khổ, tủi nhục. Sang tới Ba Lan, số phận ngoảnh mặt với người nhập cư trái phép như cô. Mai Anh tình cờ gặp lại người yêu trong trại chờ trục xuất, khám phá trong mình nỗi bất lực, trong hầu hết những người đồng hương của cô. Phim nói về vấn đề xã hội của cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan bởi đơn độc, bơ vơ và thiếu quyền lợi.

Liên hoan phim ở thành phố Gdynia – Ba Lan là lễ hội quan trọng nhất trong năm tại đất nước nhiều nhân tài điện ảnh như Andrzej Wajda từng đoạt Oscar cho toàn sự nghiệp sáng tác, Agnieszka Holland nổi tiếng từ thời phong trào điện ảnh “bất an nhân bản”, rồi Roman Polański đều là những tên gốc Ba Lan vẫn đang sung sức, nổi danh điện ảnh thế giới. Giải Hổ Vàng của Liên hoan Gdynia sẽ thay mặt Ba Lan tranh giải Oscar, cũng với tên tuổi diễn viên xuất sắc đã nổi danh ở nước ngoài như cô Agata Buzek trong bộ phim đoạt giải nhất kể về bối cảnh xã hội thời Stalin.

Đoạt 2 giải thưởng

Thuộc thể loại phim truyện ngắn, “Hà Nội – Vác-sa-va” tham gia Liên Hoan phim Ba Lan lần thứ 34 trong khuôn khổ cuộc thi phụ mang tên “Điện Ảnh Trẻ” vốn có mục đích thâu thập các năng khiếu mới hiện. Tranh đua với 30 phim khác, “Hà Nội – Vác-sa-va” dành 2 giải. Một giải Đặc biệt của Ban giám khảo cho phim và một giải Danh dự cho diễn viên chính, cô Mai Thu Hà vốn là sinh viên nghành báo chí Đại học Tổng hợp Vác-sa-va.

Tôi đi lên Sân để tìm gặp những người nước ngoài buôn bán ở đó nhưng hóa ra chẳng ai muốn nói chuyện với tôi, nói chuyện vào máy quay lại càng không bởi vì họ sống tại Ba Lan bất hợp pháp và họ sợ hãi.

Cô Kasia Klimkiewicz

Cuộc thi chính của Liên Hoan với giải thưởng Hổ Vàng cho một trong tổng số 24 phim truyện dài. Điều thú vị là đề tài người Việt tại Ba Lan cũng xuất hiện tại đây với bộ phim “Dòng máu của tôi” kể về mối tình Ba Lan – Việt Nam, cũng trong bối cảnh người Việt sống không có giấy tờ hợp pháp. Phim được đầu tư kỹ lưỡng nhưng không mang giải thưởng nào về.

“Hà Nội – Vác-sa-va” là phim Ba Lan đầu tiên sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính trong phim.

Vấn nạn di dân bất hợp pháp

kasia-klimkiewicz-305.jpg
Cô Katarzyna Klimkiewicz, đạo diễn và tác giả kịch bản "Hanoi - Warszawa" lúc dựng phim. Photo by Kino Polska.

Nói chuyện với đài chúng tôi, đạo diễn đồng thời là tác giả kịch bản, một phụ nữ Ba Lan trẻ tuổi, từ Gdynia, cô Katarzyna Klimkiewicz kể về quá trình hình thành ý tưởng bộ phim và cảm xúc của cô khi phim nhận giải.

Kasia Klimkiewicz: Khi nghe phim được giải, tôi mừng lắm, rằng phim được đánh giá vì đã đề cập tới các khó khăn người Việt Nam gặp phải, thể hiện các vấn đề đó từ cách nhìn của người Việt Nam chứ không phải cách nhìn của người Ba Lan. Ban giám khảo nói lý do khiến phim được giải là bởi phim đã "đưa Ba Lan vào hệ trình cảm thông", tức là nó đã được đánh giá và vấn nạn người di dân bất hợp pháp đã được nhìn nhận.

Vân Anh: Làm thế nào mà chị biết về các vấn nạn đó?

Kasia Klimkiewicz: Ban đầu tôi chỉ có ý định làm phim tài liệu về Sân Vận Động X năm của Ba Lan. Tôi đi lên Sân để tìm gặp những người nước ngoài buôn bán ở đó nhưng hóa ra chẳng ai muốn nói chuyện với tôi, nói chuyện vào máy quay lại càng không bởi vì họ sống tại Ba Lan bất hợp pháp và họ sợ hãi. Mặt khác, tôi lại được tiếp cận với một số tổ chức như Hội Tự Do Ngôn Luận của Ba Lan, cụ thể là với cô Tôn Vân Anh và ông Robert Krzysztoń, với Quỹ chống Buôn Người La Strada và tôi được biết về những chuyện rất thương tâm của người Việt vượt rừng tới Ba Lan. Chúng làm tôi thực sự bị sốc và tôi mới nghĩ rằng, nếu không làm được phim tài liệu thì tôi phải tìm một phương cách nào khác để kể lại những câu chuyện khó nói đó. Từ đó tôi có ý tưởng làm phim truyện về đề tài người Việt, về những cuộc vượt rừng. Tôi kể về sự thật mà nhiều người không biết hoặc biết nhưng giả vờ như không.

Ban giám khảo nói lý do khiến phim được giải là bởi phim đã "đưa Ba Lan vào hệ trình cảm thông", tức là nó đã được đánh giá và vấn nạn người di dân bất hợp pháp đã được nhìn nhận.

Cô Kasia Klimkiewicz

Vân Anh: Thế còn việc thực hiện phim có diễn ra suôn sẻ? Chị phải làm việc với những người Việt Nam đang phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, mà họ đâu có kinh nghiệm gì về điện ảnh hay diễn xuất?

Kasia Klimkiewicz: Phim được thực hiện rất suôn sẻ. Tôi được anh Kuba Królikowski của Quỹ Arteria giúp đỡ, giúp thông tin trên Sân vận động, các trang mạng để tìm diễn viên trẻ. Tôi làm việc với những người Việt đang học tập tại Ba Lan, họ nói tiếng Ba Lan rất tài dù quả thật chưa có kinh nghiệm làm phim. Còn cô Thu Hà, mặc dù gặp cô trong một sự tình cờ nhưng tôi đã nhìn thấy ngay ở cô năng khiếu diễn xuất rất lớn và quả thật trong quá trình dựng phim, cô ấy đã thể hiện một sự chín chắn khó ngờ, cô ấy tập trung vào vai diễn và tôi thật mừng rằng ban giám khảo cũng đã đánh giá được điều đó. Đây là giải thưởng rất quan trọng và Thu Hà được giải đó làm tôi mừng lắm.

Nữ diễn viên chính

Mai Thu Hà, người coi diễn xuất là sở thích nhưng không nuôi sở thích đó của mình trong trường lớp. Cô hiện là sinh viên báo chí và chỉ nhập vai diễn khi có dịp. Giải thưởng cho cô được coi là một dấu ấn hiếm hoi trong những thành quả nghệ thuật của người Việt tại Ba Lan.

Bộ phim đưa tín hiệu rất rõ ràng tới người xem về trách nhiệm của mọi người với những gì xảy ra trong lòng xã hội, với những con người yếu thế nhất. Khi được hỏi liệu Thu Hà có thấy vai diễn của mình thực hiện nhiệm vụ đó, cô tâm sự:

“Vai tôi diễn kể về số phận người di cư bất hợp pháp, vai diễn trên hết giúp tôi mở rộng tầm hiểu biết. Tôi hiểu rằng tôi may mắn hơn rất nhiều so với những người khác, rằng tôi có giấy tờ hợp pháp ở Ba Lan. Tôi rất vui khi tôi chứ không ai khác là người đã thể hiện những hình ảnh đó. Cô Mai Anh trong phim dù phải trải qua nhiều gian truân vẫn xứng đáng với nhân phẩm và quan trọng nhất là nhân phẩm của cô ta phải được bảo vệ.”

“Hà Nội – Vác-sa-va” sẽ được khai chiếu tại Liên Hoan Phim Ngũ Vị lần thứ 3 tại Warszawa cuối tháng 10 tới, sau đó tham dự Liên hoan điện ảnh tại Bristol Anh quốc và sẽ có một vài buổi chiếu khác tại Ba Lan.