Thy Nga, phóng viên đài RFA
Hôm nay là ngày cuối năm dương lịch, ở vùng nơi Thy Nga làm việc tại đài, dân chúng nhiều người đã rời thành phố đi thăm thân nhân, những ai đi làm thì được về sớm để sửa soạn đón Giao Thừa thành ra đường xá vắng hoe, y như chiều 30 Tết của mình vậy.
Buổi cuối cùng của một năm, hoặc của mốc thời gian nào cũng vậy, bao giờ cũng man mác buồn.
Tại các quốc gia nói tiếng Anh, "Auld Lang Syne" là nhạc bản phổ biến nhất cất lên vào thời khắc tống biệt năm cũ, nghinh đón năm mới.
Âm điệu này với người Việt mình thì hồi Pháp thuộc, Hướng Đạo dùng làm bài ca tạm biệt, sau đó phổ biến tới nổ̃i trẻ em hát nghêu ngao những lời chẳng đâu vào đâu cả; và cho tới nay, giai điệu ấy vẫn thường được tấu lên khi chấm dứt buổi họp mặt.
“Auld Lang Syne” thứ tiếng gì vậy? ý nghĩa lời hát thế nào?
Nhạc bản “Auld Lang Syne”
Tới giờ, rất nhiều người chẳng hiểu nhưng giai điệu ấy vẫn được cất lên mỗi khi đồng hồ điểm Giao Thừa. Vậy thì hôm nay, buổi cuối năm dương lịch, Thy Nga mời quý vị cùng tìm hiểu về bài đó nhé.
Nguyên ủy "Auld lang syne" là một khúc dân ca của Tô Cách Lan, lời thì vài học giả cho là được đặt ra năm 1677.
Mấy chục năm sau, thi sĩ Robert Burns của xứ này đem bài dân ca cổ đó ra sửa sang cho dễ nghe. Tuy nhiên sau khi ông qua đời, tới năm 1796 thì bài "Auld lang syne" mới được in ra.
Tựa đề "Auld lang syne" có nghĩa là "Thời gian đã lâu" nối tiếp với câu "Liệu ta có lãng quên những quen biết cũ, và không bao giờ hồi tưởng lại?" Kế đến, là các câu tả cảnh bạn bè xa nhau, biển rộng ngăn cách họ.
Phần trả lời với ý là không thế đâu, nằm trong điệp khúc "Thời gian trôi qua nhưng bạn ơi, chúng ta hãy cùng nâng ly cho tình thân thiện này".
Rồi làm thế nào mà "Auld lang syne" trở nên nhạc bản cho Giao Thừa ở Mỹ? Chuyện thế này, thưa quý thính giả, một nhạc sĩ gốc Tô Cách Lan tên là Guy Lombardo, cho rằng bài ấy hợp với Giao Thừa, là thời điểm mình nhìn lại thời gian qua, nên ông soạn và năm 1929 thì có dịp trình tấu trong buổi mừng Giao Thừa tại New York.
Từ đó, "Auld lang syne" trở thành "bài ca Giao Thừa" buồn vui lẫn lộn của người Mỹ. Và suốt gần năm mươi năm sau đó, những buổi phát thanh, rồi tới các chương trình truyền hình đặc biệt mừng Giao Thừa tại New York đều do Guy Lombardo cùng ban nhạc của ông trình bày.
Sau này, từ năm 1972, nghệ sĩ Dick Clark mới đảm nhiệm việc dẫn chương trình Giao Thừa hằng năm tại công trường Times Square ở New York. Ông chỉ vắng mặt một lần, là lần vừa rồi vì bị bệnh, nhưng đêm nay, Dick Clark sẽ trở lại. Hàng triệu người tụ tập tại Times Square mong thế, khi chờ đợi trái cầu từ từ hạ xuống.
Năm nay đặc biệt là sự chờ đợi đó lâu hơn 1 giây, theo như quyết định mà cơ quan quan sát sự quay của Trái Đất vừa đưa ra để điều chỉnh thời gian.
Năm Mới 2006
Nhạc bản “New Year’s Day” quý vị đang nghe trình bày, là của nhóm U2. Ca sĩ chính của nhóm này là Bono, lâu nay tích cực vận động và tham gia những công tác từ thiện quốc tế.
Mới đây thì Bono và ông bà Bill Gates được tạp chí Time chọn là “Nhân vật trong năm 2005”.
“Don’t forget about us” ...
Nhìn lại năm sắp tàn, trong làng âm nhạc Mỹ, một ca sĩ đã đánh dấu sự trở lại của mình một cách huy hoàng là Mariah Carey.
Quý vị đang nghe Mariah trình bày ca khúc “Don’t forget about us”. Bài này ở trong CD “The emancipation of Mimi” phát hành vào tháng Tư năm nay, là cuốn CD với số bán có lẽ là cao nhất, và được đề cử 8 giải Grammy.
Tính ra, Mariah Carey là nghệ sĩ duy nhất kể từ ban The Beatles và Elvis Presley có số cao nhất về những bài đơn và album đứng hạng̣ nhất trong danh sách. Mariah Carey cũng là nữ nghệ sĩ duy nhất có các bài đơn và album đứng nhất trong nhiều tuần liên tiếp.
“Imagine” …
Đề cập đến ban The Beatles thì vào thượng tuần tháng 12 này, những người hâm mộ John Lennon đã tổ chức nhiều chương trình tại các nơi trên thế giới để tưởng niệm ngày anh đột ngột từ trần cách nay 25 năm. Tại Liverpool, thành phố quê quán của anh thì hơn một ngàn thông điệp buộc vào hàng trăm quả bóng được thả lên không trung, gửi tới John. Có tấm viết rằng “Nhìn những sự kiện diễn ra trên thế giới ngày nay, giờ đây chúng ta cần lời ca tiếng hát của John hơn bao giờ hết.”
Một thế giới an vui, là điều mà mọi người đều mong mỏi. Với niềm hy vọng trước ngưỡng cửa Năm Mới, mời quý vị và các bạn cùng nghe bài “What a wonderful world” của Louis Armstrong nhé.
“What a wonderful world” …
“Happy New Year” ...
Bài “Happy New Year” của nhóm Abba thì nhiều người Việt biết. Lứa trẻ yêu nhạc ngoại quốc vào thời kỳ Abba lừng danh khắp thế giới, hẳn là vẫn nhớ bài ấy để hát theo ... và chắc cũng đang hồi tưởng về cái thời xa xôi ấy, cùng những kỷ niệm với bạn bè.
Bài “Happy New Year” đang do nhóm ca sĩ Việt trình bày, cũng là lời chúc mà Thy Nga gửi đến quý thính giả.
Mến chúc quý vị và các bạn vui nhiều trong đêm nay, và sang Năm Mới 2006 được an mạnh, hạnh phúc, thăng tiến như ý nguyện.
“Happy New Year” ...