Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng - Trà Mi
Nguyên Nhân Động Kinh ở Trẻ Em Nguyên Nhân Tê Tay Tê Chân ở Người Lớn Tuổi
Thính giả hỏi:
1. Nguyên nhân động kinh ở trẻ em và cách chữa?
Đầu tiên, xin nhắc rằng chuyên khoa của tôi là Nội Khoa Tổng Quát (Internal Medicine), tức là chuyên về các bệnh của người lớn và người già chứ không chuyên về bệnh trẻ em. Tuy nhiên, cũng xin trả lời câu hỏi một cách tổng quát.
Nói một cách thật giản lược, những gì không phải mổ xẻ (ngoại khoa) thì là nội khoa (bao gồm các bệnh thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, nội tiết, hô hấp, nhiễm trùng…).
Cũng xin nhắc lại, các câu trả lời cũng chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát, không phải để chữa bệnh qua làn sóng. Vì mỗi bệnh nhân đều có những đặc điểm riêng, cần phải thăm khám kỹ lưởng và trực tiếp mới có thể chữa được.
Hiện nay cũng bắt đầu có các dịch vụ hội chẩn qua truyền hình trực tiếp, tuy nhiên, trong các trường hợp đó, cũng phải có ít nhất một bác sĩ thăm khám bệnh nhân trực tiếp rồi cung cấp các dữ liệu cho các bác sĩ chuyên khoa góp thêm ý kiến, xem có cần thêm xét nghiệm gì nữa không và nên chữa trị như thế nào.
Nếu bạn có thắc mắc gì về sức khoẻ? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Tóm lại, bao giờ cũng nên gặp bác sĩ để được thăm khám trực tiếp, câu trả lời trên đài không thể thay thế điều này.
Dù không phải chuyên khoa trẻ em (nhi), cũng xin cố gắng trả lời một cách tổng quát câu hỏi trên.
Một cách rất giản lược hóa, động kinh có nhiều loại khác nhau:
- Động kinh cục bộ (partial) gây ra do xung động bất thường từ một phần của võ não. Thường không ảnh hưởng đến ý thức (consciousness) của bệnh nhân. Lại được chia ra nhiều nhóm khác nhau.
- Động kinh toàn thân (generalized) gây ra do xung động bất thường từ cả hai bán cầu não. Có thể ảnh hưởng đến hoặc là ý thức, hoặc là sự vận động của bệnh nhân, hoặc là cả hai. Nó cũng lại được chia ra nhiều nhóm khác nhau.
Không rõ, câu hỏi về nguyên nhân của loại động kinh nào. Tuy nhiên, một cách rất tổng quát, các nguyên nhân có thể tạm xếp làm hai nhóm chính là động kinh cấp tính và động kinh mạn tính với các cơn lập đi lập lại nhiều lần.
Nguyên nhân của các cơn động kinh cấp tính?
Một số nguyên nhân của các cơn động kinh có triệu chứng cấp tính là:
- Các rối loạn về chuyển hoá của cơ thể như là: o Bị hạ đường huyết (thường nhất là do nhịn đói, hoặc dùng thuốc tiểu đường quá liều) o Bị các rối loạn về các chất điện giải (muối) trong máu. Ví dụ như mức calcium (chất vôi) hay natrium quá thấp
- Bị ngộ độc. Ví dụ như o cocaine (một loại ma tuý), o một số thuốc tâm thần, vân vân. o Ngộ độc chì là một loại ngộ độc không hiếm gặp ở trẻ em, trong trường hợp nặng cũng có thể gây ra động kinh. Chì có thể có trong đất, sơn, pin, xăng, ngay cả kẹo. Các triệu chứng khác bao gồm kém hoạt động, ói mửa, viêm não…
- Sốt cao
- Chấn thương sọ não
- Nhiễm trùng thần kinh. Ví dụ như viêm não, viêm màng não…
- Các tai biến hoặc bất thường của mạch máu não
Nguyên nhân của các cơn động kinh mạn tính?
Một số nguyên nhân của các cơn động kinh có triệu chứng mạn tính là: - Các bất thường của não (cerebral malformations) - Các chấn thương sọ não - Một số hội chứng thần kinh - Bị u não - Một số bất thường về chuyển hoá có tính chất di truyền
Vậy làm sao để chẩn đoán nguyên nhân của động kinh?
Bác sĩ sẽ phải hỏi bệnh cụ thể về cơn động kinh, sau đó phải làm một số xét nghiệm máu, phải đo điện não đồ, có khi phải chụp hình não và làm nhiều xét nghiệm phức tạp khác.
Khi đã có chẩn đoán chính xác mới có cách trị hiệu quả. Các cách trị này có thể bao gồm thuốc men, nói chuyện với phụ huynh và ngay cả thầy cô giáo để biết cách giúp các em chữa bệnh một cách hiệu quả, nhiều khi cần phải theo một cách ăn uống đặc biệt, và có khi cần đến phẫu thuật.
Tuỳ theo nguyên nhân mà điều trị sẽ có kết quả khác nhau. Dù như thế nào, việc hợp tác chặt chẽ của gia đình với bác sĩ là điều rất quan trọng.
Như vậy, gia đình nên làm gì để bé được chữa trị một cách hiệu quả?
Cần đi gặp bác sĩ nhi khoa. Và bác sĩ có thể sẽ phải giới thiệu đến một bác sĩ chuyên về thần kinh nhi đồng.
Xin chúc may mắn.
2. Nguyên nhân tê tay tê chân ở người lớn tuổi và cách chữa?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra các triệu chứng tê chân tê tay. Tuỳ theo bệnh mà các triệu chứng này có thể kết hợp với các triệu chứng khác nhau. Một số trong các nguyên nhân này gồm:
"Dinh dưỡng không đủ các sinh tố như B1, B12, folic acid
" Bị tổn thương các thần kinh ngoại vi do bệnh tiểu đường
" Tác dụng phụ của các thuốc. Các thuốc này được dùng để chữa nhiều bệnh từ lao, nhiễm trùng, phong cùi, mất ngủ, trầm cảm, loạn nhịp tim…
" Đôi khi đứng lâu quá, ngồi xổm, hay ở một số các tư thế làm máu khó lưu thông, bị ứ đọng, sinh ra các chất a xít, cũng có thể làm chân tay chỗ đó bị tê buốt (chỉ cần tránh giữ lâu ở các tư thế đó là … khỏi bệnh)
" Cột sống hay các thần kinh ngoại vi bị chèn ép
" Thần kinh ở cổ tay bị ép khi chạy trong ống để đi đến bàn tay (carpal tunnel syndrome)
" Bị nhiễm độc chì, thạch tín, cyanide, thủy ngân
" Uống rượu kinh niên
" Nhiễm trùng. Ví dụ như vi rút HIV (Siđa-Hội Chứng Suy Giảm Miễn Dịch Mắc Phải), bệnh Lyme, bị giời leo, bị phong cùi…
" Bị bệnh đa xơ (multiple slerosis) gây ra tê, mất cảm giác, yếu bắp thịt, rối loạn về thị giác và nói năng.
" Một số loại ung thư
" Bị bệnh sarcoidosis (với nhiều triệu chứng khác ở phổi, thị giác, mệt mỏi, sụt cân, chán ăn, các rối loạn tim mạch, khớp, sưng gan, sưng lách…
" Bị myxedema, là biến chứng của suy giáp (hypothyroidism), với các triệu chứng khác như phù cứng, khô da, suy giảm hoạt động trí năng…
" Bị hội chứng Guillain-Barré hoặc các bệnh đa thần kinh khác (ngoài các triệu chứng về cảm giác bất thường, còn có các rối loạn về vận động, bị liệt…)
Có quá nhiều nguyên nhân, xin tóm lại các nguyên nhân thường gặp nhất?
Các nguyên nhân thường gặp nhất là do thiếu sinh tố, bị tiểu đường, triệu chứng phụ của một số thuốc, tư thế không thích hợp làm máu lưu thông không tốt, thần kinh bị chèn ép (ví dụ như ở cổ tay, cột xương sống).
Có thể làm gì để chữa các nguyên nhân thường gặp này và khi nào nên đi gặp bác sĩ?
Nếu bị nhẹ, điều đầu tiên ta có thể làm là uống mỗi ngày một viên B complex, để ý các tư thế làm tê để tránh, và ăn uống cân bằng đủ chất hơn.
Thực ra, dù không bị gì hết, mỗi ngày mọi người bình thường cũng nên uống một viên đa sinh tố (multivitamin, như Centrum, One A Day…) để bảo đảm các sinh tố được cung cấp đầy đủ, đều đặn mỗi ngày. (Nếu không có bệnh gì đặc biệt, không cần phải uống thêm các sinh tố riêng lẽ -như một số người vẫn uống thêm vitamin E, vitamin A…).
Nếu triệu chứng kéo dài, thường xuyên, và khó chịu, nên đi gặp bác sĩ sớm để được thăm khám, làm các xét nghiệm nếu cần, hầu có chẩn đoán chính xác, để có cách trị thích hợp và kịp thời.
Nên gặp bác sĩ chuyên khoa gì để chữa chứng tê tay tê chân này?
Đầu tiên nên gặp bác sĩ tổng quát hoặc nội khoa. Tuỳ theo chẩn đoán sơ khởi, bác sĩ nội khoa có thể giúp chữa trị.
Nếu bệnh phức tạp sẽ có thể phải giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa. Tùy theo bệnh, đó có thể là bác sĩ thần kinh, hoặc nội tiết, hoặc nhiễm trùng.
Thân mến, Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Chương trình các kỳ sau
o Ảnh hưởng của thuốc lá đến sức khoẻ về khiá cạnh tâm thần và xã hội o Tại sao người ta hút thuốc và tại sao nên bỏ thuốc o Làm cách nào để bỏ thuốc o Làm sao để khuyến khích và giúp người thân bỏ thuốc
Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết, của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ của quý vị để được thăm khám trực tiếp.
Chuyên mục Sức khỏe và Đời sống tuần này xin dừng lại tại đây, và hẹn gặp lại quý vị vào sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.