Trà Mi, phóng viên đài RFA
Có một loại 'thuốc bổ thiên nhiên' thần kỳ mà tạo hoá ban tặng cho con người. Nó rất gần gũi với mỗi chúng ta, hiện diện khắp mọi nơi, không những trong tự nhiên mà cả trong từng gia đình, bởi không có nó, sẽ không có sự sống. Đó chính là nước. Thế nhưng, dường như nhiều người trong chúng ta, hoặc coi nhẹ, hoặc không để ý đến tầm quan trọng của loại 'thần dược' này, dẫn đến nhiều tác hại đáng tiếc cho sức khoẻ của mình.
Để giúp quý vị hiểu rõ hơn về tác dụng lợi hại của nước đối với sức khoẻ con người, bác sĩ Nguyễn Ý Đức từ Bang Texas đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi hai kỳ, nói về món quà quý báu từ thiên nhiên này. Mời quý vị theo dõi phần một trong chương trình hôm nay
Trà Mi: Nói về lợi hại của nước đối với sức khoẻ con người thì câu đầu tiên xin được đặt ra với Bác sĩ Ý Đức là tại sao chúng ta cần phải uống nhiều nước? Nói một cách cụ thể hơn là tác dụng của nước đối với cơ thể con người như thế nào, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Ý Đức: Vâng. Chúng tôi thấy ít nhất là có 2 lý do chính khiến chúng ta phải uống nước. Thứ nhất 1 là về cấu tạo cơ thể thì chúng ta biết rằng 60 tới 70% sức nặng của cơ thể là nước. Và nước nằm ở trong não tới 85%, trong máu tới 92%, và trong bao tử tới 95%. Ngay ở trong xương chúng ta thấy nó khô thì cũng có tới 20% là nước. Và ngay trong răng cũng có tới 10% là nước.
Điểm thứ hai là mỗi ngày cơ thể mất đi khoảng chừng 1,5 lít nước qua sự tiểu tiện cũng như là sự đổ mồ hôi. Vì thế cho nên ta cần phải uống nước để cho cấu trúc của cơ thể được toàn vẹn và để bổ sung phần nước bị thất thoát.
Trà Mi: Nếu không uống nước đầy đủ cho cơ thể thì có thể dẫn đến những hậu quả tai hại ra sao, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Ý Đức: Vâng. Thực ra thì có rất nhiều hậu quả tai hại sẽ xảy ra, mà trước hết chúng tôi xin nói rằng trong cơ thể chúng ta thì nước có nhiều tác dụng rất quan trọng:
(1) Nước duy trì nhiệt độ trung bình trong cơ thể của chúng ta. (2) Nhiệm vụ của nước là để chuyên chở, tiêu hoá, và hấp thụ các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. (3) Nước dùng để loại bỏ các chất thải trong cơ thể của chúng ta. (4) Nước rất cần thiết là tại vì có nước mới có thể sản xuất được các chất dẫn truyền thần kinh và các kích thích tố (hormon) cần thiết cho các chức năng của cơ thể, và cũng gọi là cần thiết cho các phản ứng sinh hoá của cơ thể. Ấy là chưa kể nước trong các giọt nước mắt và nước trong nước miếng để nhai nuốt thực phẩm, và nước ở duới da để làm cho da mềm.
Nói đến cái hậu quả như cô hỏi thì chúng tôi xin thưa rằng khi mà thiếu nước trong cơ thể thì cơ thể sẽ phải xử lý bằng cách thứ nhất là tái phối trí, tức là đưa nước tới cơ quan sinh tử, thí dụ như là não bộ, thí dụ như là tim, phổi, gan, thận. Thứ hai là khi thiếu nước thì các chức năng của cơ thể sẽ bị rối loạn.
Và tuỳ theo mức độ thiếu nước nhiều hay ít mà những sự rối loan đó có ảnh hưởng tới cơ thể. Thí dụ khi thiếu nước vừa phải thì cơ thể chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chúng ta sẽ buồn ngủ, rồi sự tiểu tiện cũng như sự đại tiện sẽ ít đi. Và da chúng ta bị khô và ngứa, nhất là về Mùa Đông.
Ngoài ra, chúng ta cũng còn có thể bị sỏi thận, hoặc là viêm phế quản, hoặc là chảy nước mũi, hoặc là hay bị nhức đầu và chóng mặt.
Còn khi thiếu nước trầm trọng thì huyết áp chúng ta sẽ giảm xuống và tim chúng ta sẽ đập nhanh hơn. Và chúng ta sẽ cảm thấy rất là khát nước, và sự tiểu tiện cũng ít đi, mà trong trường hợp nặng thì có thể đưa tới mất định hướng và hôn mê.
Trà Mi: Nước quan trọng đến như vậy thì mỗi ngày một người nên uống bao nhiêu nước được cho là lý tưởng cần thiết, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Ý Đức: Vâng, thưa cô, thực tình mà nói cái nhu cầu nước của mỗi người thì nó thay đổi tuỳ theo tuổi của người đó, tuỳ theo nhiệt độ trong cơ thể lúc đó cũng như là nhiệt độ thời tiết xung quanh, hoặc cũng tuỳ theo trọng lượng của cơ thể, mức độ vận động hoặc sự làm việc của cơ thể chúng ta.
Có ý kiến chung chung của các nhà khoa học là mỗi ngày chúng ta cần khoảng từ 2 lít tới 2,5 lít nước. Nhưng một số các nhà khoa học khác thì nói rằng trung bình khoảng từ 1 lít tới 1,5 lít là có thể đủ với nhu cấu của cơ thể rồi.
Trà Mi: Dạ, như vậy ít nhứt phải 1 lít nước trở lên?
BS Nguyễn Ý Đức: Dạ, vâng.
Trà Mi: Có nhiều người quan niệm rằng họ không có vận động gì nhiều để đổ mồ hôi, tức không bị đổ mồ hôi nhiều là không mất nước, thì có cần phải uống nhiều nước như thế không?
BS Nguyễn Ý Đức: Có sự đổ mồ hôi thì cũng chỉ là một yếu tố thôi, nhưng mà chúng ta nhớ rằng mỗi ngày chúng ta còn phải đi tiểu tiện, thì trong vấn đề này chúng ta cũng mất độ chừng 1 lít nước. Tại vì nếu không có sự tiểu tiện là không có sự mang các chất thải ra khỏi cơ thể thì các chất đó sẽ đọng lại trong cơ thể. Vì thế cho nên sự đổ mồ hôi chỉ là một yếu tố nhỏ, còn sự tiểu tiện, hoặc là ngay khi chúng ta nói, hoặc chúng ta thở, thì nước trong cơ thể chúng ta cũng bị tiêu hao đi.
Trà Mi: Dạ. Như vậy thì cho dù có vận động nhiều hay không vận động nhiều thì tối thiểu cũng từ 1 đến 2,5 lít nước, và tổng lượng nước mà Bác Sĩ nói là cần bổ sung cho cơ thể như vậy thì có tính luôn những loại nước khác như uống sữa, uống nước ngọt, nước cam, nước chanh, nước súp canh, thì có tính luôn lượng nước này không ạ?
BS Nguyễn Ý Đức: Lượng nước mà chúng tôi vừa nói thì đa số 80% là từ nước lã mà chúng ta uống, tức là nước tự nhiên (nước lạnh, nước lã) hoặc là các loại nước khác; còn 20% thì từ trong thực phẩm của chúng ta. Chúng ta biết rằng khi chúng ta ăn thì thường thường chúng ta có canh, có súp.
Ngoài ra còn có nước trái cây, hay là các loại nước rau thì cũng có nhiều nước trong đó. Chúng ta nhớ rằng, thí dụ trong dưa hấu cũng có tới 92% nước, hoặc là rau cải cần đó thưa cô. Nó có tới 90% nước. Và ngay cả trong trái táo mà chúng ta hay ăn thì trong đó nước cũng rất nhiều.
Thành thử nói chung lại 80% là các loại nước lã, nước giải khát mà chúng ta sử dụng, và 20% từ thực phẩm, canh, nước súp và rau, trái cây.
Trà Mi: Dạ. Xin hỏi Bác Sĩ là nên bổ sung nước cho cơ thể vào thời điểm nào trong ngày được coi kà hợp lý, khoa học?
BS Nguyễn Ý Đức: Về vấn đề này thường thường người ta cứ nói rằng khi nào chúng tôi khát thì chúng tôi uống, nhưng vấn đề chúng ta phải lưu ý là khái niệm về khát nó thay đổi tuỳ từng người, nhất là đối với người cao tuổi thì thường thường cảm giác khát nó giảm đi. Vì thế cho nên nếu chúng ta chờ tới khi nào khát nước thì mới uống thì tôi sợ rằng nó hơi trễ. Và trong tình trạng đó, cơ thể chúng ta bị ráo nước, tức là bị khô nước, và nó có những ảnh hưởng xấu tới các chức năng của cơ thể rồi.
Cho nên các nhà dinh dưỡng cũng như các nhà y khoa đều khuyên rằng nên tạo ra một thói quen uống nước vào thời điểm nhất định nào đó trong ngày. Và như vậy thì chúng ta không bị quên. Như vậy chúng ta không bị thiếu nước.
Thí dụ buổi sáng ngủ dậy thì mình có thể ưống ngay một ly nước lạnh để làm cho các tế bào của chúng ta động viên thêm lên. Sau đó trước buổi điểm tâm chúng ta uống thêm, rồi 10 giờ sáng chúng ta có thể uống, rồi buổi trưa, hoặc là buổi chiều. Chúng ta làm thế nào cho có thời điểm mà chúng ta không thể quên được. Và nếu có thể được thì nên để một ly nước hay một chai nước ở trên bàn làm việc, hoặc là trong văn phòng, để khi nào mà nhớ tới là chúng ta uống.
Trà Mi: Như vậy là uống nước trước bữa ăn hay sau bữa ăn, hoặc thậm chí là giữa bữa ăn, thì thời điểm đó không quan trọng phải không, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Ý Đức: Cái thời điểm này thực tình ra đó nhiều người quan niệm rằng trong khi ăn thì tất nhiên chúng ta đã sử dụng có món canh rồi. Thế nếu chúng ta uống thêm nước, thí dụ một ly nước lạnh hoặc một ly trà, hoặc một ly bia, thì thưa quý vị nó có vài điểm, thứ nhất là sẽ làm trung hoà acid trong bao tử chúng ta, cũng như là các dịch vị trong bao tử chúng ta, hoặc là các enzim ở trong bao tử. Và như vậy nó làm cho sự tiêu hoá của chúng ta bị giảm đi rất nhiều. Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai là khi chúng ta uống nước như vậy thì có thể bị no bụng và chúng ta sẽ ăn ít những chất dinh dưỡng, tức là thực phẩm. Chúng tôi xin nhắc lại là nước không cho ta calories vì thế cho nên khi chúng ta uống nhiều nước thì nó cũng không gây ra trường hợp gọi là mập phì đâu.
Trà Mi: Dạ. Người ta cứ sợ là vừa ăn vừa uống thì sợ bị bụng bự, có nhiều mỡ.
BS Nguyễn Ý Đức: Chuyện đó thì thực tình chúng tôi xin phép thưa rằng nó không đúng đâu. Tại vì mỡ là do những thực phẩm mà chúng ta ăn, thí dụ như ăn nhiều chất đạm, thí dụ ăn nhiều chất mỡ béo, hoặc ăn nhiều bánh ngọt quá, thì những thực phẩm đó một khi không được cơ thể sử dụng tới thì nó tích tụ lại trong cơ thể dưới hình thức những tế bào béo, tế bào mỡ, và vì thế chúng ta mới bị mập phì.
Trà Mi: Trong vô số các nguồn nứơc đang đựơc sử dụng như nứơc mưa, nứơc giếng, nước tinh khiết đóng chai, hay nước máy đun sôi, loại nào tốt nhất cho cơ thể? Uống nứơc quá nhiều có hại gì không? Lời khuyên từ giới chuyên môn về những điều cần lưu ý để có đựơc lựơng nứơc an toàn và đầy đủ cho cơ thể là gì? Bác sĩ Ý Đức sẽ giải đáp những thắc mắc ấy trong chương trình Sức Khoẻ và Đời Sống tuần sau. Mời quý vị đón theo dõi. Chương trình "Sức khoẻ và đời sống" kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn vào giờ này, sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.