Vì sao học sinh bỏ học?

Trong báo cáo trước phiên họp tại Hội nghị ngành Giáo dục khu vực Đông Nam Bộ lần I năm học 2009-2010, các quan chức ngành giáo dục cho biết là số học sinh bỏ học có giảm, tuy nhiên vẫn còn ở một tỷ lệ khá cao.

0:00 / 0:00

Bộ giáo dục và đào tạo vừa tổ chức hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2009-2010, với sự tham gia của quan chức ngành giáo dục khu vực miền Đông Nam Bộ, gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận và Tây Ninh. Trong báo cáo trước phiên họp là số học sinh bỏ học có giảm, tuy nhiên vẫn còn ở một tỷ lệ khá cao.

Trong số 7 địa phương cử đại diện về tham gia hội nghị ngành giáo dục đào tạo khu vực Đông Nam Bộ, Bình Thuận là tỉnh có số học sinh bỏ học cao nhất , với tỷ lệ hơn 2%, tính ra trong số trên 125 ngàn học sinh, có gần 5000 em bỏ học. Bậc trung học phổ thông có trên 4% tự ý nghỉ học, bậc trung học cơ sở có hơn 3% thôi học và bậc tiểu học có 0,2% bỏ học.

Chương trình quá nặng

Qua báo cáo trình bày trước hội nghị giáo dục, đào tạo thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học là vì chương trình nặng, khiến các em không theo kịp, mất tin tưởng vào thầy cô, vào chính mình, các em thấy đuối sức, yếu kém, thua sút chúng bạn nên chán nản và bỏ học.

Các viên chức giáo dục cũng cho là khi gia đình các em lâm vào hoàn cảnh khó khăn, và việc phụ huynh không quan tâm đến chuyện học tập, đèn sách, rèn luyện của con em mình, cũng là các yếu tố đưa tới tình trạng thôi học thình lình.

Cái vấn đề học sinh bỏ học, số thống kê thì tôi không thể biết được, nhưng chương trình nặng thì quả là có thật.<br/>

GS Văn Như Cương

Đi tìm nguyên nhân khiến học trò bỏ học, giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng trung học Lương Thế Vinh , Hà Nội, một giáo chức có vài chục năm kinh nghiệm, giải thích với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi:

"Cái vấn đề học sinh bỏ học, số thống kê thì tôi không thể biết được, nhưng chương trình nặng th ì quả là có thật. Chương trình nặng, không phải là kiến thức nhiều nếu so chương trình của Việt Nam với các nước chung quanh, hay các nước khác trên thế giới, thì chương trình ấy không phải là quá nặng, thí dụ lấy một chương trình bình thường như chương trình toán, hầu như những gì Việt Nam có thế giới đều có, đại số hay hình học.

Cái nặng trong hoàn cảnh Việt Nam là ở trung học phổ thông , học sinh học chỉ một buổi tức là có 5 tiết buổi sáng, hoặc buổi chiều, buổi kia là học ở nhà , thế thì với số lượng sách giáo khoa, mà thường ở các nước người ta học số tiết nhiều hơn, ở Việt Nam số tiết học rất ít.

StudentClassEducation200.jpg
Việt Nam dự kiến tăng gần 9500 tỷ đồng cho giáo dục, tương đương với trên dưới 22%. Photo: AFP

Chương trình toán thì tối đa có 4 tiết, còn 3 tiết thì dành cho ban cơ bản, ban nâng cao mới có 4 tiết toán một tuần, chương trình ấy là nặng đối với học sinh, nếu cùng chương trình ấy mà áp dụng cho 2 buổi học trong ngày số tiết toán có thể tăng lên 6, 7 hay 8 tiết thì là hoàn toàn không nặng. Nếu học 5 tiết trong tuần có 6 ngày thì bỏ bớt một số, thì học sinh mới kham nổi khối lượng giảng dạy từ sách giáo khoa.”

Trách nhiệm của gia đình

Trong khi đó, bà Nhung, một giáo viên trung học phổ thông tại Sài gòn, cũng là phụ huynh có con cháu học bậc tiểu học và trung học cho biết những suy nghĩ của mình và góp thêm ý:

“Cái vấn đề học sinh bỏ học, là do ở gia đình là trước nhất, cái quản lý của gia đình do cha mẹ bận công ăn việc làm quá, không chăm sóc việc học hành cho con. Ngoài xã hội thì chế độ giáo dục bắt buộc cũng có chứ không phải không, nhưng mà phương tiện liên lạc, theo dõi, chăm thì ở các trường ở nội thành các thầy cô có điều kiện thông báo đến với cha mẹ học sinh.

Còn ở thôn quê thì đường xa, phương tiện liên lạc không có, cho nên khi nói con số học sinh bỏ học cao như vậy có lẽ ở các tỉnh nhiều hơn là nơi thành phố. Về những điều kiện cải thiện chuyện này thì cần có sự hợp tác giữa nhà trường, xã hội và chánh quyền cũng như cha mẹ các em nữa, thì mới giải quyết được tình trạng học sinh bỏ học.”

Vấn đề học sinh bỏ học, là do ở gia đình là trước nhất, cái quản lý của gia đình, do cha mẹ bận công ăn việc làm quá, không chăm sóc việc học hành cho con.

Bà Nhung, giáo viên

Mặt khác, mấy hôm nay dư luận cũng như báo chí đều nói nhiều đến việc dạy môn chống tham nhũng ở nhà trường, hay giáo viên phải là người đầu tiên học cách phòng chống tham nhũng.

Vậy có nên đưa môn học này vào trường lớp hay không, xin mời quý nghe ý kiến của nhà giáo lão thành, thầy hiệu trưởng Văn Như Cương:

“Vấn đề chống tham nhũng là phải đặt ra rồi, thế nhưng đưa môn học chống tham nhũng vào trường học là không nên, bởi vì nó chẵn có ích gì đâu, làm cho học sinh thêm tò mò, không hiểu tham nhũng là thế nào.

Rồi cũng có một cách khác để chống tham nhũng, như ta học cái đạo đức của con người là gì, cái trung thực là gì, cần cù lao động để kiếm sống, vì nhân dân phục vụ thế nào, chứ giáo trình chống tham nhũng đưa vào nhà trường thì không lợi ích gì cho học sinh đâu.”

Cũng liên quan đến việc cải tổ chương trình giáo dục, mới đây Sở giáo dục, đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo về “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”.

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều cho rằng ai cũng muốn đổi mới, nâng cấp giáo dục, tuy nhiên khi va chạm thực tế thì gặp vô số khó khăn như kiện toàn nhân lực trong đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế pháp lý có giới hạn, trình độ học sinh không đồng đều, sĩ số học sinh trong lớp quá đông.

Tuy nhiên theo Sài gòn Giải Phóng thì dù khó khăn mấy cũng phải đổi mới và trước hết là phải đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên từ các trường sư phạm, hầu nâng cao phẩm chất chuyên môn của đội ngũ giáo viên nồng cốt, tài đức.