Mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Mưa lũ trong mấy ngày qua đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã khiến 7 người chết, hàng ngàn nhà cửa, và hoa màu trong vùng bị tàn phá, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

FloodChildren150.jpg
Nhà bị ngập lụt ở tỉnh Đồng Tháp, hôm 16-9-2001. AFP PHOTO

Các tỉnh bị ảnh hưởng là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Dak Lak, và Dak Nong. Một số tỉnh miền Bắc tiếp tục có mưa lớn.

Các tỉnh và thành phố được trung ương chỉ thị triển khai gấp phương án phòng chống lụt bão theo cấp báo động, đồng thời sớm thu hoạch lúa và hoa màu ở những vùng thấp có nguy cơ dễ bị ngập lụt, triệt để bảo vệ tài sản nhà nước và sinh mạng dân chúng.

Trung tâm phòng chống lụt bão khuyến cáo dân chúng cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất, nhất là ở vùng núi thuộc các tỉnh Nghệ An, đến Thừa Thiên-Huế, và lũ lớn ở khu vực Nam Tây Nguyên.

Tin tức từ các địa phương còn cho hay, tại khu vực Thừa Thiên-Huế có trên 23 ngàn hecta lúa hè thu bị nước ngập trắng, tập trung nơi các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc. Ngoài ra còn có hơn 230 hecta nuôi trồng thủy sản ở Phú Vang và Hương Trà cũng bị nước lũ tràn qua.

Mưa lũ đang gây thiệt hại nặng cho Lâm Đồng tại hai huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh. Đây là năm đỉnh lũ cao nhất kể từ 2002.

Trong khi đó, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cũng tiếp tục dâng cao. Đến cuối tuần này, mực nước cao nhất tại Tân Châu có thể lên tới 3 mét 3, tức trên báo động 1 là 0,3 mét.

Ngoài ra, sẽ có mưa vừa và lớn tập trung ở các vùng cao thuộc khu vực phía Bắc tỉnh Đồng Nai.

Riêng quần đảo Nam Du cách bờ biển Rạch Giá 100 kí lô mét thì hòan toàn cô lập với đất liền trong mấy tuần qua. Tin tức trong nước cho hay hàng ngàn cư dân nơi đây đang lâm vào cảnh đói. Mưa bão đã đánh chìm 4 tàu đánh cá, hơn 10 ngày qua không có tàu tiếp tế cho hải đảo. Nhưng qua thông tin chúng tôi vừa thu được cho thấy bà con ngoài đó sắp bị đói thì kịp lúc có tàu ra tiếp tế.

Anh Tân, một ngư dân trên đảo Kiên Hải, xã Nam Du nói với phóng viên đài chúng tôi về sinh hoạt và cuộc sống của người dân nơi đây: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Kế đó ông Châu, một thuơng gia ở huyện Kiên Hải cho biết, tình hình ngoài đảo Nam Du đã trở lại bình thường, việc tiếp tế từ đất liền đã được tái lập: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Quần đảo Nam Du thuộc tỉnh Kiên Giang, gồm các xã Lại Sơn, An Sơn, và xa hơn là xã đảo Thổ Châu cách đất liền 200 kí lô mét, không có phương tiện vận chuyển liên lạc nào khác ngoài đường biển.