Việt Long, phóng viên RFA
Gần đây trên các phương tiện truyền thông trong nước và hải ngoại có phổ biến một bài khảo luận của ông Hoàng Tùng, đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyện gia tư tưởng của đảng trong mấy chục năm trước.
Bài viết này có nội dung gì đáng lưu ý? Việt Long đặt câu hỏi này với một người từng cộng tác dưới quyền của ông Hoàng Tùng lâu năm trên mặt trận tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu Đại tá Quân đội Nhân dân Bùi Tín.
Mời quý vị theo dõi câu chuyện qua phần âm thanh phía trên.
Trong một bài viết lấy nhan đề: Vài nhận xét về bài "Thời Đại Mới, Tư Tưởng Mới" của Hoàng Tùng, cựu Đại tá Bùi Tín nhận xét: Cựu tổng biên tập báo Nhân dân Hoàng Tùng là một nhà chính trị chuyên nghiệp của ĐCSVN, từng bị tù đầy trong thời kỳ thuộc Pháp, sau Cách mạng Tháng Tám được ĐCS cử giữ nhiều trọng trách, trong đó có gần 20 năm làm tổng biên tập báo Nhân Dân.
Ở cương vị này Hoàng Tùng là người viết những bài xã luận có tính chất chỉ đạo công tác đảng trên tờ báo quan trọng nhất của bộ máy cai trị.
Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Mấy năm gần đây, ông Hoàng Tùng có viết hồi ký "Những kỷ niệm về Bác Hồ" (còn ở dạng sơ thảo, nhưng đã cho phổ biến). Mới đây, ở Hànội lại xuất hiện một tập tài liệu dày gần 50 trang ký tên Hoàng Tùng với nhan đề "Thời Đại Mới, Tư Tưởng Mới," (Thử suy nghĩ về tiền đồ chủ nghĩa Mác), với chú thích: bản thảo đầu tiên chưa sửa - Hànội 2004.
Tài liệu này có 3 phần chính:
1) Cuộc hành trình 2 5 triệu năm của nhân loại 2) Chủ nghĩa Mác vào cuộc 3) Bài học
Trong phần thứ nhất, tác giả phác họa lại lịch sử tiến hoá của nhân loại theo đúng tinh thần và lời văn trong các sách giáo khoa xã hội chủ nghĩa. Phần thứ hai, nói về chủ nghĩa Mác và sự hình thành trào lưu cộng sản thế giới.
Bài viết của Hoàng Tùng có ý nghĩa nhất định ở chỗ nó nói lên nhận thức hiện nay của một viên chức cao cấp bậc nhất trong bộ máy cầm quyền của ĐCS, của một chuyên gia thượng thặng về lý thuyết Mác, về số phận và tương lai của chủ nghĩa Mác sau cuộc sụp đổ của Liên bang Xô Viết và phe xã hội chủ nghĩa.
Thực tế đã điều chỉnh đôi chút nhận thức của nhà mác-xít Hoàng Tùng khi ông rút ra bài học:
"Sự can thiệp của con người không thể phá bỏ quy luật, một chế độ kinh tế xã hội chỉ có thể thay đổi do sự phát triển đến hạn của kỹ thuật sản xuất và một nền văn hoá phù hợp. Cái con người có thể thay đổi là thế lực và thể chế quyền lực, song [cái thay đổi ấy] cũng có giới hạn, quá khứ sẽ giành lại nếu đi quá xa. Tuân theo qui luật vận động khách quan không phải là sùng bái sự tự phát. Thoát ly, bất chấp qui luật vận động khách quan thì cái giá phải trả rất cao, dẫn đến những thảm hoạ lịch sử. Cũng có những cơ hội tạo ra được những bước ngoặt đi lên, con người phải sẵn sàng tranh thủ nhưng không thể đi xa khỏi giới hạn."
Tất cả giá trị của bài viết có lẽ là ở kết luận ấy: "Chớ đi ngược lại các quy luật thiên nhiên và xã hội!" Gần đây, nhiều học giả phương Tây đã đi tới một nhận định chung rằng chủ nghĩa Mác tuy có ý nghĩa nhân văn trong mục đích xoá bỏ tệ người bóc lột người, xây dựng thế giới đại đồng trong đó mọi thành viên đều bình đẳng, nhưng lại chứa đựng nhiều ảo tưởng chủ quan không khoa học, biện pháp đấu tranh lại trái ngược với mục đích nói trên. Quan điểm đấu tranh giai cấp như động lực của tiến hoá, cũng như chuyên chính vô sản, được dung tục hoá bởi những học trò yếu kém về trí tuệ và thảm hại về nhân cách đã gây ra những thảm hoạ cho một bộ phận của nhân loại. Tội ác chồng chất được phanh phui sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ đã xoá bỏ hoàn toàn hào quang của mục đích mà Mác theo đuổi, chứng minh hùng hồn rằng chính chủ nghĩa Mác và sự ứng dụng nó là "một sự ngộ nhận khổng lồ" và là "một tai họa khủng khiếp trong lịch sử nhân loại."
Khác với các đồng nghiệp thuộc thế hệ nối tiếp cho đến hôm nay vẫn còn kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin "xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa," Hoàng Tùng đã nhìn ra những nguyên nhân sinh ra những khuyết điểm và thiếu sót của chủ nghĩa xã hội hiện thực, thấy được tình hình thực tế là giai cấp công nhân hiện đại trong các nước tư bản phát triển không theo chủ nghĩa Mác, giai cấp vô sản thế giới dửng dưng với lời kêu gọi "vô sản toàn thế giới liên hiệp lại," mà chỉ có các nước phong kiến thuộc địa lạc hậu đi theo chủ nghĩa Mác mà thôi.
Bài viết của nhà lý luận Hoàng Tùng cũng chứa đầy những mâu thuẫn không thể điều hoà. Ông vẫn còn bị quá khứ cầm tù; nói xuôi rồi lại nói ngược; tự mình phủ định mình. Đến đầu thế kỷ 21, ông vẫn nhìn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như công việc của một đảng cộng sản, vẫn khẳng định: "chưa có học thuyết nào hơn học thuyết Mác" (!). Để rồi cao ngạo chỉ ra rằng tư tưởng mới trong thời đại mới phải dựa trên giá trị của trí tuệ mới, bằng tư duy mới... Và tất cả những cái đó phải được xây dựng trên nền tảng của... tư tưởng Hồ Chí Minh!