Ngày Xuân nên uống rượu như thế nào?

Không khí Tết đã rộn ràng khắp mọi nhà. Tết là lễ mà cũng là hội, mà “vô tửu bất thành lễ”, nên việc nâng ly chúc mừng nhau trong ngày Tết là một tập quán không thể bỏ qua.

0:00 / 0:00

Tuy nhiên việc dùng quá nhiều những thức uống có cồn như rượu, bia sẽ đưa đến những tác hại, trứơc mắt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và làm cho không khí của ngày Xuân mất vui, nên đây là chuyện không thể “buông thả” được, theo lời khuyên của giới chuyên gia.

Ly rượu mừng

Đón Tết mừng Xuân là một lễ hội lớn của bà con người Việt. Đó cũng là dịp để bà con họ hàng gặp nhau, và chia nhau ly rượu mừng Xuân.

Ăn Tết thì thường là ăn uống rất linh đình, và vấn đề ăn uống không chỉ có trong mấy ngày Xuân mà thôi mà có khi còn kéo dài đến hết cả tháng Giêng, như các cụ ngày xưa vẫn thường bảo “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Trong việc ăn uống như vậy thì tất là có chuyện “chén chú chén anh”. Nhưng uống rượu quá nhiều có thể dẫn tới một số hậu quả không tốt, trứơc mắt là cho sức khỏe cá nhân.

Nếu chúng ta uống rượu một cách vừa phải thì theo các danh y Trung Hoa thời xưa, họ nói rằng uống rượu ít thì sẽ làm cho khí huyết lưu thông.

BS Nguyễn Ý Đức.

Đầu tiên, cần tìm hiểu lý do vì sao người ta thích uống rượu. Có những người thích nhâm nhi nhấm nháp chung rượu để thưởng thức hương vị thơm, cay nồng của rượu.

Nhưng cũng có người vì một lý do nào đó, ví như buồn phiền do những khó khăn trong đời sống thì họ mượn rượu để giải sầu; mong giải quyết được tâm trạng buồn chán, hoặc để suy ngẫm về số mệnh của mình, hay uống rượu để quên đời. Có khi họ ngồi uống một mình như để đối thoại với chính mình.

Trong khi đó ngoài xã hội, cũng cần có những sự giao tế. Người ta nâng ly trong những buổi tiệc, tiếp tân, ra mắt hay khi thảo luận công việc. Và từ đó đôi lúc phát sinh những trường hợp “chén chú, chén anh” hơi nhiều. Rồi dẫn tới những trường hợp uống quá mức.

Đây có thể là chuyện của ngày Tết. Chưa nói đến hậu quả là lâu dần, khi đã quen với men cay của rượu, thấy thích thú khi uống rượu và không thể chịu đựng nổi nếu không có rượu, khiến người ta có thể thường xuyên say xỉn, và cuối cùng nghiện rượu.

Một điều đã được ghi nhận, Tết chính là dịp xảy ra tai nạn giao thông nhiều hơn cả, mà hầu hết do say xỉn lúc lái xe.

Hãy tìm hiểu thực tế của vấn đề:

Cũng như hầu hết các bà vợ có chồng thích uống rượu, chị Minh Tâm, một thính giả ở Thành phố Hồ Chí Minh có nêu câu hỏi:

“Thường trong những ngày đầu năm đi thăm hỏi nhau, hoặc gặp gỡ chúc sức khỏe nhau thì các ông thường mời nhau một ly rượu, rồi đến hai, ba ly, sau một hồi thì uống đến 5, 6 ly rượu, nhiều khi uống đến say khướt. Có ông thì say rượu không về nhà được, có ông thì hầu như không làm chủ được bản thân.

Việc này rất nguy hiểm. Cho nên phải làm cách nào để các ông chồng hiểu được tác hại của rượu đối với sức khoẻ để ngăn ngừa không để xảy ra những chuyện không vui trong những ngày Tết. Cho ngày đầu năm được vui vẻ, an toàn.”

Uống như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức. Hình do Bác sĩ cung cấp.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức. Hình do Bác sĩ cung cấp.

Sở dĩ có việc uống quá chén đến say xỉn vì ngoài việc tự lượng định tửu lượng, nhiều người uống rượu cũng không biết trung bình cơ thể con người có thể dung nạp một lượng rượu là bao nhiêu để có thể tự kiểm soát việc uống rượu một cách chừng mực hợp lý.

Nói cho đúng thì khả năng này gần như luôn luôn ngoài tầm của chính người uống rượu.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức sẽ trả lời chị Minh Tâm và gởi đến quý vị một số thông tin liên quan đến rượu. Ông cho biết:

“Xin kính chào quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do. Hôm nay nhân dịp đầu Xuân, trước hết chúng tôi xin kính chúc bà con trong và ngoài nước một mùa Xuân vui tươi và lành mạnh. Đồng thời chúng tôi cũng xin gởi đến quý thính giả một số những hiểu biết căn bản về rượu, uống rượu như thế nào cho hợp lý.

Ai cũng biết rằng từ trước rượu vẫn là một nguồn thích thú cho cổ nhân. Vậy thế nào là uống chừng mực hợp lý theo đúng như quan niệm xưa của cổ nhân? Hiện nay đã có một số nghiên cứu cho rằng nên uống rượu vừa phải, tức là chỉ uống một lượng rượu thích hợp với cơ thể của chúng ta.

Theo các nhà chuyên môn thì lượng rượu vừa phải mỗi ngày cho người đàn ông là 350 phân khối rượu bia, rượu vang là 150 phân khối và rượu mạnh là 50 phân khối. Nam giới có thể sể dụng 2 lần một ngày riêng nữ giới thì chỉ dùng rượu mỗi ngày một lần mà thôi. Lý do vì lá gan của nữ giới không đủ khả năng để chuyển hóa chất rượu.

Vì thế cho nên nếu chúng ta uống rượu một cách vừa phải thì theo các danh y Trung Hoa thời xưa, họ nói rằng uống rượu ít thì sẽ làm cho khí huyết lưu thông, và uống nhiều nó sẽ làm hại đến tinh thần của chúng ta, làm tổn thương lá gan của chúng ta, và cũng làm tổn thương đến tinh dịch của cơ thể, đặc biệt là dạ dày. Vì thế điểm cốt lõi khi sử dụng rượu bia chính là sự chừng mực và sự giới hạn”.

Nên uống rượu vào bữa cơm có các chất dinh dưỡng khác nhau, thí dụ như có thịt cá. Vì khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ tạo thành một lớp lót trong dạ dày của chúng ta.

BS Nguyễn Ý Đức.

Bác sĩ Đức cũng dặn dò đối với những ai đang dùng thuốc điều trị thì cần biết có một số loại dược phẩm nếu đi kèm với rượu sẽ có tác dụng xấu.

Các loại thuốc chống đau Acetaminophen hay Paracetamol không sử dụng đi đôi với rượu được, nhất là khi sử dụng cả hai loại này ở mức độ cao, vì chúng đều được gan chuyển hóa. Nên sử dụng với liều lượng cao sẽ đưa đến việc lá gan bị hủy hoại nhanh.

Kế đến, nếu sử dụng những loại thuốc có tính cách kích thích dạ dày như Aspirin hay Ibuprophen, mà lại uống rượu nhiều thì có thể đưa tới tổn thương niêm mạc dạ dày, và có thể dẫn tới xuất huyết dạ dày.

Rồi đến trường hợp những người đang dùng thuốc điều trị các bịnh trầm cảm hoặc tâm thần bị kích động, những loại thuốc này và rượu cũng có tác dụng phản với nhau. Cho nên nếu sử dụng chung thì có thể đưa tới trường hợp có những rủi ro cho sức khỏe.

Đối với những người bị bệnh tiểu đường thì không nên uống nhiều rượu vì rượu làm chuyển hóa các chất đường trong cơ thể, làm giảm lượng đường của cơ thể, và có thể dẫn tới những cơn thiếu đường trầm trọng, và đưa tới hôn mê.

Vui xuân đừng nên quá chén.
Vui xuân đừng nên quá chén.

Trong rượu, bia có chất purine, tiền thân của acid uric. Đối với những người mắc bệnh thống phong (gout), khi uống rượu nhiều, acid uric lên cao, sẽ đưa tới những cơn đau rất nặng ở bệnh này.

Ngoài ra, khi uống rượu mà hút thuốc lá thì tác dụng của rượu làm cho những mạch máu trong cơ thể dãn nở. Chất nicotin trong thuốc lá, sẽ theo máu xâm nhập vào nội tạng nhiều hơn và có thể đưa tới nguy cơ bị ung thư phổi cao.

Riêng đối với những người bị bệnh cao huyết áp thì các chuyên gia sức khỏe khuyên họ nên giới hạn việc dùng rượu đến mức tối đa vì khi uống rượu có thể đưa tới những cơn cao huyết áp đột xuất, và có thể dẫn tới tai biến động mạch não.

Uống vào lúc nào?

Tuy nhiên, trong những dịp lễ hội, tiệc tùng, gặp bạn bè, người thân chúng ta thường nâng chén chúc mừng nhau. Đây cũng là một tập tục hay. Tuy nhiên, bác sĩ NguyễnÝ Đức khuyên chúng ta nên lưu ý một số điểm sau đây:

“Có một vài điều cần lưu ý khi uống rượu, thường chúng ta cứ hỏi nên uống rượu vào lúc nào. Điểm thứ nhất, đa số đều đồng ý rằng ta nên uống rượu vào bữa cơm có các chất dinh dưỡng khác nhau, thí dụ như có thịt cá.

Vì khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ tạo thành một lớp lót trong dạ dày của chúng ta, và rượu được hòa lẫn trong thức ăn nên giảm tốc độ rượu ngấm vào trong máu, vì thế số lượng rượu từ trong dạ dày sang máu cũng chậm hơn thành ra sự hấp thụ vào máu cũng được trì hoãn lại, và tác dụng lên hệ thần kinh cũng chậm chạp hơn.

Nhưng cũng nên tránh những thực phẩm quá mặn vì nếu ăn thức ăn quá mặn, nhiều người có khuynh hướng uống nhiều rượu hơn nhất là bia.

Điểm thứ hai, có nhiều người có quan niệm pha thêm vào rượu các loại nước, đặc biệt là những thức uống có gas. Đây là điểm nên tránh vì khi uống rượu có pha thêm nước có gas, gas sẽ đưa men rượu vào máu nhanh hơn. Như vậy nó sẽ làm tăng tác động có hại của rượu vào cơ thể của chúng ta.

Khi uống rượu có pha thêm nước có gas, gas sẽ đưa men rượu vào máu nhanh hơn. Như vậy nó sẽ làm tăng tác động có hại của rượu vào cơ thể của chúng ta.

BS Nguyễn Ý Đức.

Ngoài ra có một trường hợp khác mà chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh nhất là đối với bà con ở Việt Nam, hiện thời bây giờ rượu ở Việt Nam chất lượng không được tinh khiết cho lắm. Có rất nhiều trường hợp, hoặc là rượu giả hoặc rượu pha những loại cồn công nghiệp.

Những loại cồn công nghiệp có những tác dụng rất mạnh, và rất có hại cho cơ thể chúng ta. Nên xin đề nghị bà con ở trong nước lưu ý ở những điểm này. Đó là một số kiến thức căn bản của rượu mà chúng tôi muốn gửi đến quí vị.

Không hiểu cô Quỳnh Như có thêm những thắc mắc nào nào về vấn đề rượu mà có thể gởi tới bà con trong dịp Xuân thì chúng tôi xin sẵn sàng góp thêm ý kiến.”

Quỳnh Như: Thưa Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, có quan niệm cho rằng thời tiết lạnh nên uống rượu cho ấm. Điều này có đúng không?

BS Nguyễn Ý Đức: "Riêng đối với vấn đề uống rượu trong mùa Đông giá lạnh thì có một vài điểm chúng tôi muốn nhấn mạnh. Thứ nhất, khi chúng ta uống rượu mà gặp thời tiết lạnh, hoặc đi ra đường mà gặp lạnh thì rất dễ xảy ra tai nạn. Lý do là vì khi chúng ta say rượu, thì cơ chế điều hòa thân nhiệt cơ thể của chúng ta không làm việc được.

Và khi chúng ta ra ngoài trời lạnh thì cơ chế đó bị tê liệt nên chúng ta dễ bị cảm lạnh. Cũng tương tự như việc một người say rượu đi tắm lạnh ngay, thì có thể đưa tới tử vong trong trường hợp đó.”

Một số loại rượu do Việt Nam sản xuất. Photo courtesy of vnfood.com.vn
Một số loại rượu do Việt Nam sản xuất. Photo courtesy of vnfood.com.vn

Xin cảm ơn Bác sĩ Nguyễn Ý Đức đã dành thời gian cung cấp cho quý thính giả những thông tin bổ ích liên quan đến việc uống rượu. Quỳnh Như xin thay mặt Ban Việt ngữ của Đài Á Châu Tự Do kính chúc Bác sĩ và gia đình một năm mới an khang và thịnh vượng.

BS Nguyễn Ý Đức: "Trước khi dứt lời, chúng tôi cũng xin nhân dịp này kính chúc bà con trong và ngoài nước những ngày Xuân vui tươi và hạnh phúc. Chúng tôi cũng xin thưa rằng, tùy theo sự lựa chọn khôn khéo, quyết định ở mọi người.

Chúng ta cũng biết rằng bia rượu cũng đã có từ nhiều ngàn năm trước, người uống cũng nhiều, người không uống cũng không phải là không có.

Và hậu quả của việc uống rượu tốt cũng có và tất nhiên là chúng ta thấy hậu quả xấu cũng quá nhiều, nhưng nếu chúng ta biết cân nhắc, lấy sự chừng mực, điều độ và có giới hạn làm kim chỉ nam, thì chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều phúc hơn là họa, và cuộc đời của chúng ta cũng sẽ có nhiều niềm vui hơn nỗi buồn.

Vì thế nên chúng tôi xin kính chúc quý vị một mùa Xuân an toàn và hạnh phúc. Rượu vừa phải mà thôi.”

Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Trước thềm năm mới Canh Dần Quỳnh Như kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe, và gặt hái nhiều thành công. Hẹn gặp lại quý vị trong Chương trình kỳ tới.